Chậm xử lý các hộ lấn chiếm rừng thông Mang Yang

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Từ năm 2011 đến nay, UBND tỉnh Gia Lai đã nhiều lần yêu cầu huyện Mang Yang phải xử lý dứt điểm các hộ dân lấn chiếm đất, dựng lều quán tại khu vực rừng thông thuộc thôn Nhơn Tân, xã Đak Ta Ley. Tuy nhiên, cho đến nay, địa phương này vẫn chưa có phương án cụ thể để xử lý. Mới đây, huyện Mang Yang tiếp tục đề nghị UBND tỉnh gia hạn đến ngày 30-11 vì cho rằng vụ việc có tính chất phức tạp, công tác tham mưu xây dựng phương án xử lý cụ thể cần có thời gian. Nếu được gia hạn thì huyện Mang Yang cần triển khai quyết liệt các biện pháp để giải quyết dứt điểm tình trạng này.
Hệ lụy từ việc xử lý thiếu kiên quyết khi phát sinh
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Văn Hùng-Trưởng ban Quản lý Rừng phòng hộ (QLRPH) Mang Yang-cho rằng, đây là vấn đề do lịch sử để lại. Từ năm 1981 đến năm 1989, khu vực rừng thông này được trồng nhiều đợt với tổng diện tích hơn 21,6 ha; trong đó, diện tích bị người dân lấn chiếm khoảng hơn 1,1 ha. Kết quả kiểm tra, rà soát cho thấy, hiện có 36 hộ dân đang sinh sống, có nhà cửa ổn định và lều quán buôn bán trong khu vực rừng thông do Ban QLRPH Mang Yang quản lý, thuộc địa bàn thôn Nhơn Tân, xã Đak Ta Ley. Theo xác minh nguồn gốc sử dụng đất từ năm 1988 đến nay, 11 hộ có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) được cấp từ năm 2001 (đã thu hồi năm 2011 với lý do cấp GCNQSDĐ trên đất lâm nghiệp); 15 hộ có giấy tờ viết tay xin cấp đất được UBND xã Hà Ra (cũ) xác nhận trong giai đoạn từ năm 1989 đến năm 1995 và 10 hộ không có giấy tờ. Thời điểm này, 36 hộ nói trên không hộ nào có GCNQSDĐ.
 Huyện Mang Yang hiện vẫn chưa có phương án xử lý số nhà cửa, lều quán buôn bán của người dân sống dọc theo quốc lộ 19 nằm trong khu vực rừng thông xã Đak Ta Ley. Ảnh: M.T
Huyện Mang Yang hiện vẫn chưa có phương án xử lý số nhà cửa, lều quán buôn bán của người dân sống dọc theo quốc lộ 19 nằm trong khu vực rừng thông xã Đak Ta Ley. Ảnh: M.T
Ông Võ Trí Ba (thôn Nhơn Tân) cho biết, ông rời huyện Phù Cát (tỉnh Bình Định) lên khu vực rừng thông này sinh sống từ năm 1991. Đến năm 1995, ông mua lại một căn nhà ở đây và đưa vợ con lên sống cùng. Năm 2001, cũng tại vị trí đất này, gia đình ông được chính quyền huyện Mang Yang cấp GCNQSDĐ với diện tích đất ở nông thôn là 135 m2. Tuy nhiên, đến năm 2011, chính quyền huyện thông báo thu hồi sổ đỏ đã cấp cho gia đình ông với lý do cấp chồng trên đất rừng thông. Việc này khiến gia đình ông sống trong tâm trạng thấp thỏm từ đó đến nay.
Về vấn đề này, ông Krung Dam Đoàn-Phó Chủ tịch UBND huyện Mang Yang-khẳng định: Việc để dân làm nhà, dựng lều quán trái phép trên đất rừng thông tại thôn Nhơn Tân xảy ra từ nhiều năm trước. Trách nhiệm trước hết thuộc về Ban QLRPH Mang Yang (trước đây là Lâm trường Mang Yang), Hạt Kiểm lâm huyện, chính quyền địa phương cấp huyện, xã qua các thời kỳ do đã không kiên quyết xử lý từ khi mới phát sinh. Việc Ban QLRPH Mang Yang vẫn quy hoạch đất lâm nghiệp đối với diện tích người dân sử dụng xây dựng nhà ở ổn định từ nhiều năm trước đã gây khó khăn trong công tác quản lý của chính quyền địa phương cũng như việc thực hiện quyền sử dụng đất của nhân dân.
“Vấn đề xử lý trách nhiệm cán bộ, công chức trong việc xác nhận cấp GCNQSDĐ tại khu vực rừng thông theo Công văn số 3153/UBND-NL ngày 7-10-2011 của UBND tỉnh đến nay vẫn chưa làm được. Nguyên nhân là do qua kiểm tra hồ sơ, các cá nhân liên quan đến việc xác nhận, ký giấy cấp đất của UBND xã Hà Ra (cũ) giai đoạn 1988-1998 đã nghỉ hưu, có trường hợp đã qua đời nên rất khó xử lý. Đối với cấp huyện, dựa vào kết quả đo đạc và hồ sơ địa chính, chúng tôi xác định cán bộ chịu trách nhiệm ký cấp đất nhưng người này cũng đã qua đời nên không xử lý được”-ông Đoàn thông tin.
Tỉnh chỉ đạo xử lý dứt điểm nhưng huyện chưa có phương án cụ thể
Ngày 26-9-2019, trong cuộc họp với các sở, ngành liên quan, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Tiến Đông cho rằng: Ủy ban nhân dân huyện Mang Yang chưa kiên quyết, thiếu nhất quán trong việc xử lý rốt ráo các trường hợp lấn chiếm đất tại khu vực rừng thông. Đồng thời, yêu cầu huyện khẩn trương kiểm tra, xử lý ngay các trường hợp lấn chiếm để hoàn trả đất rừng cho Ban QLRPH Mang Yang; báo cáo Ban Thường vụ Huyện ủy để xin chủ trương thống nhất cách giải quyết dứt điểm vụ việc. Bên cạnh đó, huyện phải xây dựng kế hoạch hoặc phương án cụ thể, chi tiết để tổ chức rà soát từng trường hợp vi phạm theo đúng quy định của pháp luật; tháo dỡ các công trình kiến trúc trên đất lấn chiếm để trả lại đất trước ngày 30-10-2019.
Xung quanh việc thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, ông Võ Lê Xuân Thiện-Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mang Yang, Tổ trưởng Tổ công tác thống kê hiện trạng và xây dựng phương án xử lý các trường hợp làm nhà, lều tạm tại khu vực rừng thông-cho biết: Tổ công tác của huyện gồm các đơn vị: Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Kinh tế-Hạ tầng, Phòng Nông nghiệp và PTNT, Hạt Kiểm lâm, Ban QLRPH Mang Yang, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện và UBND xã Đak Ta Ley chỉ mới thực hiện xong công tác đo đạc từng thửa đất của 36 hộ dân ở khu vực rừng thông thuộc thôn Nhơn Tân. Hiện tổ công tác đang phối hợp kiểm đếm cây cối, hoa màu, vật kiến trúc trên đất để có cơ sở xây dựng phương án và đề xuất hướng xử lý. Tuy nhiên, ông Thiện xác nhận, đến thời điểm này, phương án cụ thể vẫn chưa được đưa ra. Tổ công tác chỉ mới rà soát, đo đạc xác định diện tích, hiện trạng sử dụng đất cụ thể của từng hộ, nhà xây dựng năm nào, trồng cây gì; đồng thời, phối hợp với UBND xã Đak Ta Ley khảo sát vị trí và đề xuất khu vực bố trí tái định cư cho các hộ di dời.
“Đối với các hộ đang sống tại khu vực rừng thông cần bóc tách từng trường hợp, khu vực cụ thể để xử lý. Có thể sẽ thực hiện di dời các hộ nằm rải rác trong khu vực rừng thông trước; những khu vực nhà ở kiên cố, ổn định không thể trồng thông thì xin chủ trương giải quyết sao cho hợp tình, hợp lý. Tới đây, tổ công tác sẽ xây dựng phương án xử lý từng trường hợp cụ thể để tham mưu cho UBND huyện báo cáo các sở, ngành của tỉnh, đồng thời đề xuất UBND tỉnh xem xét, quyết định. Trước mắt, UBND huyện đã ra thông báo yêu cầu các hộ dân ở khu vực này không được mua bán; tự giác tháo dỡ lều quán từ nay đến cuối năm 2019”-ông Thiện thông tin.
Đề nghị UBND tỉnh gia hạn
Nói thêm về phương án xử lý dứt điểm đối với các hộ lấn chiếm đất rừng thông, Phó Chủ tịch UBND huyện Mang Yang Krung Dam Đoàn cho hay, tháng 7-2019, UBND huyện đã đề xuất UBND tỉnh, các sở, ngành một số biện pháp. Cụ thể, tại vị trí mà 18 hộ dân đã xây dựng nhà ở ổn định từ lâu, huyện đề nghị thu hồi 7.182 m2 đất, trong đó cho chuyển đổi mục đích 4.091 m2 đất lâm nghiệp quy hoạch rừng sản xuất giao lại cho các hộ này để tái định cư tại chỗ. Bởi lẽ, khu vực này không còn thông, các hộ dân đã xây dựng nhà ở ổn định từ năm 1998 đến nay nên rất khó khăn trong việc thu hồi, di dời nhà cửa, vật kiến trúc, giải phóng mặt bằng để trồng rừng. Đối với 18 hộ dân còn lại có nhà ở, lều quán nằm rải rác trong rừng thông thì sẽ thực hiện giải tỏa, di dời, đồng thời đề xuất tỉnh thu hồi 7.298 m2 đất, trong đó chuyển đổi 2.300 m2 đất lâm nghiệp quy hoạch rừng sản xuất giao lại cho địa phương tạo quỹ đất ở, bố trí tái định cư cho những hộ này ổn định cuộc sống. “Nguyện vọng của người dân là sau khi di dời nhà ở thì vẫn được tiếp tục buôn bán dưới rừng thông. Vì vậy, huyện đã xin chủ trương cùng đơn vị chủ rừng đứng ra tổ chức, sắp xếp lại các điểm dừng chân phục vụ dịch vụ du lịch dưới tán rừng thông, vừa giải quyết việc làm ổn định cho các hộ dân, vừa quản lý bảo vệ rừng. Tuy nhiên, các phương án trên không được tỉnh và các ngành ủng hộ”-ông Đoàn thông tin.
Các ngành liên quan của huyện Mang Yang kiểm tra hiện trạng sử dụng đất của các hộ dân tại khu vực rừng thông xã Đak Ta Ley.                                   Ảnh: M.N
Các ngành liên quan của huyện Mang Yang kiểm tra hiện trạng sử dụng đất của các hộ dân tại khu vực rừng thông xã Đak Ta Ley. Ảnh: M.N
Ông Đoàn cho biết thêm, theo chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Tiến Đông: Phương án hoàn trả toàn bộ hiện trạng đất lâm nghiệp tại khu vực này phải dựa trên cơ sở đánh giá tổng thể diễn biến vụ việc, từng trường hợp cụ thể; xác định giải pháp xử lý, giải quyết đúng theo quy định của pháp luật, bảo đảm an ninh trật tự và an sinh xã hội ở cơ sở; phân công trách nhiệm cụ thể từng cơ quan, cá nhân trực tiếp thực hiện, theo dõi, kiểm tra, giám sát; kinh phí và lộ trình thực hiện. Các ngành, cơ quan liên quan tích cực hướng dẫn, tham gia góp ý dự thảo kế hoạch, phương án nêu trên của UBND huyện để sớm tổ chức thực hiện hiệu quả.
“Trên cơ sở chỉ đạo của UBND tỉnh, UBND huyện đã chỉ đạo, đôn đốc các ban, ngành liên quan triển khai thực hiện; sau khi có kết quả rà soát, thống kê, trước ngày 25-11 phải xây dựng từ 1 đến 3 phương án trình UBND huyện xem xét. Vấn đề gì chưa phù hợp thì UBND huyện sẽ trao đổi lại với tổ công tác, chính quyền xã, nếu cần thiết sẽ đối thoại với dân trước khi trình Ban Thường vụ Huyện ủy xem xét; đồng thời tiếp tục lấy ý kiến của các sở, ngành trước khi có báo cáo, đề xuất các phương án trình UBND tỉnh. Vấn đề này không thể quyết là làm ngay được bởi vụ việc xảy ra từ lâu, tính chất rất phức tạp, cần có thời gian để xử lý”-Phó Chủ tịch UBND huyện Mang Yang khẳng định.
MINH NGUYỄN

Có thể bạn quan tâm

Bộ Tổng Tham mưu kiểm tra các cơ quan, đơn vị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai

Bộ Tổng Tham mưu kiểm tra các cơ quan, đơn vị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai

(GLO)- Sáng 11-1, đoàn công tác của Bộ Tổng Tham mưu do Trung tướng Nguyễn Doãn Anh-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam làm trưởng đoàn đã kiểm tra sẵn sàng chiến đấu và công tác chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai.
Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Gia Lai Huỳnh Quang Thái thăm và chúc Tết Đoàn Trinh sát miền Trung

Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Gia Lai Huỳnh Quang Thái thăm và chúc Tết Đoàn Trinh sát miền Trung

(GLO)- Chiều 9-1, đoàn công tác do Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Gia Lai Huỳnh Quang Thái làm trưởng đoàn đã đến thăm, chúc Tết Đoàn Trinh sát miền Trung (Cục Trinh sát, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng) nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Cùng đi có lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường.
Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Huỳnh Thế Mạnh thăm, chúc Tết tại huyện Kbang và Đak Pơ

Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Huỳnh Thế Mạnh thăm, chúc Tết tại huyện Kbang và Đak Pơ

(GLO)- Ngày 6-1, đoàn công tác do Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Huỳnh Thế Mạnh làm trưởng đoàn đã đến thăm, chúc Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 gia đình Anh hùng Núp và 11 gia đình nguyên lãnh đạo tỉnh, chính sách, có công với cách mạng ở 2 huyện Kbang, Đak Pơ.
Giám sát việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng-chống dịch Covid-19 tại huyện Chư Pưh

Giám sát việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng-chống dịch Covid-19 tại huyện Chư Pưh

(GLO)- Chiều 28-12, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai tiến hành giám sát việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng-chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng tại huyện Chư Pưh. Bà Siu Hương-Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Trưởng đoàn giám sát chủ trì buổi làm việc.
Tặng sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế: Chương trình đậm tính nhân văn

Tặng sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế: Chương trình đậm tính nhân văn

(GLO)- Chương trình “Tặng sổ bảo hiểm xã hội (BHXH), thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho người có hoàn cảnh khó khăn“ do BHXH Việt Nam phát động ngày 23-11 vừa qua đã nhận được sự chung tay, góp sức của cộng đồng. Từ đây, nhiều người dân khó khăn đã nhận được món quà ý nghĩa nhân dịp Tết đến xuân về.
Xây dựng nông thôn mới bền vững ở Gia Lai: Cần giải pháp căn cơ, đồng bộ

Xây dựng nông thôn mới bền vững ở Gia Lai: Cần giải pháp căn cơ, đồng bộ

(GLO)- “Giải pháp xây dựng nông thôn mới (NTM) bền vững ở tỉnh Gia Lai“ là chủ đề của hội thảo khoa học do Tỉnh ủy tổ chức ngày 23-12 tại Hội trường 2-9 (TP. Pleiku). Dưới sự chủ trì của Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Lưu Trung Nghĩa và Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Ngô Khắc Ngọc, hội thảo đã tập trung đánh giá những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp để triển khai có hiệu quả chương trình xây dựng NTM trong thời gian tới.
TP. Pleiku giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023

TP. Pleiku giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023

(GLO)- Sáng 22-12, ông Đỗ Việt Hưng-Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Pleiku chủ trì Hội nghị trực tuyến đến 22 điểm cầu tại các xã, phường nhằm kịp thời triển khai các Nghị quyết kỳ họp thứ tám, HĐND thành phố khóa XII và giao chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023.
Pleiku đề ra nhiều giải pháp phát triển kinh tế-xã hội năm 2023

Pleiku đề ra nhiều giải pháp phát triển kinh tế-xã hội năm 2023

(GLO)- Tại kỳ họp thứ 8 HĐND TP. Pleiku khóa XII (nhiệm kỳ 2021-2026) diễn ra ngày 20-12, bên cạnh đánh giá những kết quả đạt được, các đại biểu đã tập trung phân tích, làm rõ nguyên nhân tồn tại, hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ năm 2022 và đề ra các giải pháp khắc phục trong thời gian tới. Đặc biệt, tại kỳ họp, HĐND thành phố đã thông qua 22 nghị quyết quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội năm 2023 và những năm tiếp theo.