Bóng đá Đức chìm sâu trong khủng hoảng sau khi bị loại khỏi World Cup

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Bóng đá Đức tiếp tục chuỗi thành tích tệ hại tại các giải đấu quốc tế sau khi bị loại khỏi vòng bảng World Cup 2022, bất chấp việc đã đánh bại Costa Rica 4-2 ở lượt trận cuối bảng E.
 
Tuyển Đức chỉ còn cái bóng của chính mình. Ảnh: AFP
Tuyển Đức chỉ còn cái bóng của chính mình. Ảnh: AFP
Trận hòa 1-1 với Tây Ban Nha sau trận thua sốc 1-2 trước Nhật Bản đã mang lại cho các học trò của Hansi Flick một số hy vọng đi tiếp. Tuy nhiên, chiến thắng trước Costa Rica không đủ giúp “cỗ xe tăng” vào vòng knock-out, bởi ở trận đấu cùng giờ Tây Ban Nha đã thua Nhật Bản 1-2. Đây là kỳ World Cup thứ 2 liên tiếp, tuyển Đức chia tay ngay sau vòng bảng.
Tuyển Đức là một trong những thế lực của bóng đá thế giới trong gần 70 năm. Họ vô địch World Cup lần đầu tiên năm 1954 và có tổng cộng 4 lần đăng quang, chỉ kém Brazil với 5 lần lên ngôi. Ngoài ra, họ cũng có 4 lần đoạt ngôi á quân cùng 5 lần vào bán kết.
Nhưng những thành công đó giờ chỉ còn là ký ức xa vời, bị bao phủ bởi cát sa mạc ở Qatar, khi tuyển Đức chỉ còn là cái bóng của chính mình. Phẩm chất không bao giờ bỏ cuộc, quyết tâm và niềm tin của họ rằng, mọi chuyện đều có thể thay đổi đã không còn. Đội bóng của Hansi Flick đã bị choáng ngợp trước các đối thủ, chuẩn bị không tốt và không còn thể hiện những đặc điểm từng giúp tuyển Đức trở thành thế lực tại World Cup.
 
Hàng phòng ngự chơi lỏng lẻo, sơ hở là một trong những nguyên nhân khiến tuyển Đức bị loại sớm. Ảnh: AFP
Hàng phòng ngự chơi lỏng lẻo, sơ hở là một trong những nguyên nhân khiến tuyển Đức bị loại sớm. Ảnh: AFP
Tuyển Nhật Bản đã trừng phạt người Đức ở trận mở màn bằng việc ngược dòng thắng 2-1, khi đã tận dụng tối đa những sai sót ở khâu phòng ngự. Trước Tây Ban Nha, Thomas Muller cùng đồng đội cũng ở trong thế phải rượt đuổi đối thủ. Còn trước Costa Rica, tuyển Đức cũng sống trong những phút giây sợ hãi, trước khi có chiến thắng vô nghĩa vào cuối trận.
Tuyển Đức đến Qatar với đội hình có phần chắp vá, giữa những cầu thủ đã luống tuổi, kết hợp với những nhân tố thiếu kinh nghiệm. Hai tiền đạo thực thụ của họ chỉ là Niclas Fuellkrug, 29 tuổi, nhưng có rất ít kinh nghiệm thi đấu quốc tế, còn Youssoufa Moukoko được biết đến là cầu thủ trẻ nhất của giải đấu.
Hàng phòng ngự không chắc chắn khiến tuyển Đức không còn đủ sự vững chãi để làm điểm tựa cho thành công. Kể từ sau chiến thắng 9-0 trước Liechtenstein ở vòng loại World Cup 1 năm trước, tuyển Đức đã thủng lưới 15 bàn trong 10 trận đấu chính thức sau đó. Trong 3 trận giao hữu, Manuel Neuer cùng đồng đội cũng bị Hà Lan chọc thủng lưới, chỉ không để thua trước Israel và Oman.
Sự vắng mặt của một thủ lĩnh bẩm sinh trên sân, mang tính khuôn mẫu, chịu trách nhiệm dẫn dắt đội bóng ở những thời điểm khó khăn như Franz Beckenbauer, Lothar Matthaeus hay Bastian Schweinsteiger trong quá khứ không còn hiện diện ở tuyển Đức hiện tại. Manuel Neuer đã không cho thấy được điều đó, còn Ilkay Guendogan và Joshua Kimmich chưa đủ tầm vóc để đảm trách vai trò này.
Trước khi bước vào giải đấu, tuyển Đức cũng vướng vào những tranh cãi với FIFA vì vấn đề ngoài chuyên môn. Điều đó đã lấy đi phần nào sự tập trung, cam kết của họ trên sân cỏ. Xen giữa việc bị loại khỏi vòng bảng khỏi 2 kỳ World Cup, tuyển Đức cũng dừng bước ngay vòng 16 đội EURO 2020.
Những điều đó cho thấy, bóng đá Đức cần phải có những cải cách sâu rộng ở cả cấp độ đội tuyển và liên đoàn, nếu muốn đội nhà vượt qua khủng hoảng để lấy lại uy danh của tuyển Đức trên toàn thế giới.
Theo Nguyễn Đăng (LĐO)

https://laodong.vn/bong-da-quoc-te/bong-da-duc-chim-sau-trong-khung-hoang-sau-khi-bi-loai-khoi-world-cup-1123254.ldo

Có thể bạn quan tâm

Bóng đá Việt Nam tiếp tục sa sút?

Bóng đá Việt Nam tiếp tục sa sút?

Đội tuyển Việt Nam vừa trải qua 2 năm đầy sóng gió dưới sự dẫn dắt của HLV Philippe Troussier và có nhiều cơ sở để tin, chặng đường phía trước sẽ tiếp tục cam go.