Liverpool, vì đâu nên nỗi?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Chưa bao giờ Liverpool của HLV Juergen Klopp lại khởi đầu Premier League một cách bết bát như mùa bóng này (chỉ kiếm được 2 điểm trong 3 vòng đấu đầu tiên ở mùa giải năm nay).

Bây giờ lại có một cột mốc khác, khi thầy trò Klopp bước vào vòng bảng Champions League. Trước đây, chưa bao giờ Liverpool thua đến 1-4 ở đấu trường này (như họ vừa thua Napoli rạng sáng 8.9). Đấy hẳn nhiên là một sự xuống cấp có hệ thống, chứ không còn là những bất ngờ thuần túy nữa. Vì đâu nên nỗi?

Quyết định bán Sadio Mane (sang Bayern Munich) và hàng loạt chấn thương ở hàng tiền vệ là những nguyên nhân lớn, được đề cập suốt từ đầu mùa. Bây giờ cũng vậy. Sự xuất sắc của cặp tiền vệ Andre-Frank Zambo Anguissa và Piotr Zielinski bên phía Napoli chính là những gì quan trọng nhất mà hàng tiền vệ Liverpool hoàn toàn không có. Khi đã bị lấn lướt hoàn toàn ở hàng tiền vệ thì Liverpool bộc lộ nhược điểm cả về phòng thủ lẫn tấn công, như những hệ lụy tất yếu.

 

 Nỗi buồn của các cầu thủ Liverpool sau trận thua Napoli. Ảnh: Reuters
Nỗi buồn của các cầu thủ Liverpool sau trận thua Napoli. Ảnh: Reuters


Chút an ủi cho Klopp: tiền vệ Thiago Alcantara đã bình phục, và khi anh vào thay James Milner ở hàng tiền vệ thì Liverpool có hơi khởi sắc, cho dù mọi chuyện tất nhiên đã sớm ngã ngũ. “Chỉ” thua 1-4 xem ra cũng đã là may mắn rồi. Trước khi Zielinski nâng tỷ số lên 4-0 ngay đầu hiệp 2 thì Napoli đã bỏ phí một quả phạt đền, có một pha dứt điểm dội cột sau khi vượt qua thủ môn, và bị Virgil van Dijk cản phá một bàn khác ngay trước cầu môn.

Đá theo triết lý của Klopp (hơn là bài bản, chiến thuật trong từng thời điểm cụ thể), nên Liverpool “trong hoàn cảnh bình thường” trông như một cỗ máy, mà từng mắt xích cụ thể đều rất hoàn hảo. Bây giờ thì ngay cả van Dijk lừng danh cũng đã hóa ra chậm chạp, thủ môn Alisson cũng bị Victor Osimhen lừa bóng qua mặt, hoặc Mohamed Salah gần như không làm nên trò trống gì. Họ giống như những chi tiết rời rạc, chẳng còn tác dụng khi cỗ máy đã tan vỡ. Dù có nói ra hay không, Klopp trong những ngày này hẳn là rất “cay” vì sự ra đi của tiền đạo Mane. Cách di chuyển tuyệt vời để lấy bóng của Mane giờ không còn nữa, nên Salah mới trở thành chiếc bóng mờ, và tiền vệ Liverpool mới lộ ra sự thiếu sáng tạo.

Huyền thoại Valery Lobanovski của Dynamo Kiev và tuyển Liên Xô hồi giữa thập niên 1980 được xem là HLV tiên phong trong kiểu huấn luyện nặng về khoa học, đá theo triết lý (mà Klopp bây giờ là một “tín đồ”). Liên Xô đã thắng Hà Lan ở vòng bảng EURO 1988 và luôn chơi bóng một cách hoàn hảo. Nhưng khi gặp lại Hà Lan trong trận chung kết thì đội bóng của Lobanovski thua dễ 0-2. Oleg Kuznetsov vắng mặt vì bị treo giò. Và nguyên cỗ máy Liên Xô sụp đổ “vì thiếu một con vít”. Đấy luôn là nhược điểm lớn nhất trong cách đá theo hệ thống, triết lý - đã được đưa vào các giáo trình bóng đá căn bản. Và đấy là nguyên nhân vì sao Liverpool trong những ngày này luôn “nhớ Mane”.

Liverpool đã theo đuổi tiền vệ Aurelien Tchouameni từ khá lâu (giống hệt cái cách mà Klopp theo đuổi van Dijk, cho đến khi mua được). Nhưng Real Madrid nhanh tay chi đậm để “phỗng” Tchouameni, và vấn đề tiền vệ trở nên nan giải, mãi thách thức Klopp. Ngôi sao trên thị trường chuyển nhượng chẳng phải là ít, nhưng tìm ra người phù hợp với triết lý của mình mới khó. Cũng vậy, chẳng phải cứ tăng cường được Darwin Nunez, sau khi đã mua Luis Diaz từ mùa trước thì Liverpool dễ dàng thay thế “con vít” Mane trong cỗ máy tấn công.

Cuối tuần này, Liverpool gặp Wolverhampton ở Premier League. Klopp nói đùa: "Wolverhampton hẳn đã cười và yên tâm khi xem trận thua Napoli 1-4 của Liverpool". Tất nhiên là không đơn giản như vậy. Hồi Liverpool thua M.U, họ liền thắng Southampton 9-0 ở trận kế tiếp. Nhưng vấn đề ở đây là Liverpool đã suy yếu một cách có hệ thống, và bất kể kết quả cụ thể ở trận kế tiếp, Klopp rất khó sửa chữa cỗ máy Liverpool chỉ trong một sớm, một chiều.

 

Theo Kinh Thi (TNO)

 

Có thể bạn quan tâm

Thể thao Việt Nam tăng tốc giành vé Olympic Paris 2024

Thể thao Việt Nam tăng tốc giành vé Olympic Paris 2024

Đặt mục tiêu phấn đấu giành từ 12 - 15 suất dự Olympic Paris 2024, nhưng đến thời điểm này, thể thao Việt Nam vẫn chưa hoàn thành được 50% chỉ tiêu và vẫn đang trong hành trình tìm kiếm thêm suất chính thức trong bối cảnh phía trước còn khá nhiều khó khăn.