Những chuyện thú vị bên lề Kings Cup 2019

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những ngày đầu tháng 6, cùng với khoảng 300 phóng viên Thái Lan và quốc tế, tôi có mặt tại Sân vận động Chang Arena (tỉnh Buriram, Thái Lan) để đưa tin về Kings Cup 2019. Xung quanh giải đấu được bảo trợ bởi Nhà vua Thái Lan này có khá nhiều câu chuyện thú vị.
Nhiều quy định ngặt nghèo
Liên đoàn Bóng đá Thái Lan (FAT) quy định, trong ngày 8-6, tất cả các phóng viên tham gia tác nghiệp tại trận tranh hạng 3 và chung kết Kings Cup 2019 đều phải mặc trang phục chỉnh tề để tỏ sự tôn kính đối với Quốc vương Thái Lan Maha Vajiralongkorn-người có mặt trên khán đài sân Chang Arena theo dõi giải đấu. Cụ thể, phóng viên nam chỉ được mặc áo sơ mi hoặc áo phông có cổ, quần dài và không được đi dép, đội mũ, đeo kính râm… Tất cả trang phục đều phải có tông màu lịch sự, không được lòe loẹt, dị hợm. Nếu là phóng viên nữ, ngoài những quy định trên, khi đến sân tác nghiệp có thể mặc váy nhưng phải là váy dài.
Chị Aor Sureeporn-phóng viên ảnh của một tờ báo tại Thái Lan-chia sẻ: “Ở đất nước chúng tôi hiện có nhiều đảng phái khác nhau nhưng tình cảm của mọi người dân đối với Quốc vương đều giống nhau, đó là lòng yêu quý và tôn kính. Người dân Thái Lan coi Quốc vương chẳng khác nào người cha của cả dân tộc”.
  Tác giả (thứ 2 từ phải sang) chụp hình lưu niệm với Cảnh sát Thái Lan. Ảnh: M.V
Tác giả (thứ 2 từ phải sang) chụp hình lưu niệm với Cảnh sát Thái Lan. Ảnh: M.V
Quy định mà FAT đề ra là bắt buộc đối với tất cả phóng viên, không có bất cứ trường hợp ngoại lệ nào. Thế nên trước khi trận chung kết Kings Cup 2019 giữa đội tuyển Việt Nam và Curacao diễn ra trên sân Chang Arena, 1 phóng viên nữ đến từ Curacao mặc váy ngắn tiến vào sân đã lập tức bị nhân viên an ninh chặn lại và yêu cầu thay trang phục khác. Nữ phóng viên này buộc phải quay ra ngoài mua một chiếc quần dài với giá 200 baht Thái Lan (tương đương 150 ngàn đồng Việt Nam) rồi mới được trở lại sân tác nghiệp.
Trang phục đã vậy, khi vào bên trong sân để tác nghiệp, Ban tổ chức nước chủ nhà còn có những quy định ngặt nghèo không kém. Chẳng hạn, phóng viên ảnh chỉ được chụp ảnh ở một số khu vực nhất định và không được quay phim, nếu vi phạm thì ngay lập tức bị Ban tổ chức mời ra khỏi sân. Đây chính là trải nghiệm vô cùng quý giá đối với tôi khi lần đầu tiên ra nước ngoài tác nghiệp mà vốn tiếng Anh quá ít ỏi. Chuyện là kết thúc 90 phút thi đấu chính thức, trận chung kết giữa Việt Nam và Curacao vẫn bất phân thắng bại, buộc cả 2 đội phải bước vào loạt sút luân lưu 11 m. Trước khi 2 đội bước vào “loạt đấu súng” cân não này,  tôi mở điện thoại lên quay cảnh cổ động viên Việt Nam đang cổ vũ cuồng nhiệt trên khán đài. Hệ quả là chỉ sau đó 3 phút, 1 nhân viên an ninh bước tới mời tôi ra khỏi sân vì đã vi phạm quy định của Ban tổ chức giải đấu.
Người Thái cay cú vì Việt Nam
Tại Kings Cup 2019, mỗi ngày đều có 2 trận đấu diễn ra. Vé vào xem cả 2 trận đấu trong cùng 1 ngày có giá trung bình khoảng 500 baht, tương đương 375 ngàn đồng Việt Nam. Ở trận tranh hạng 3 giữa Thái Lan và Ấn Độ, khá đông cổ động viên chủ nhà đã đến sân Chang Arena để “tiếp lửa” đội bóng xứ Chùa Vàng. Nhưng sau khi trận đấu này kết thúc, thay vì ở lại tiếp tục xem trận chung kết, phần đông cổ động viên Thái Lan đã trở về nhà hoặc ra ngoài sân vừa uống bia vừa xem trận chung kết qua ti vi.
Hòa mình vào khu vực tổ chức lễ hội bia bên ngoài sân Chang Arena, 1 cổ động viên Thái Lan có tên Sawang Bantoa cho biết: “Thời gian gần đây, bóng đá Thái Lan từng thất bại trước Ấn Độ và Việt Nam ở nhiều cấp độ đội tuyển. Bởi vậy, Kings Cup 2019 là cơ hội rất tốt để chúng tôi đòi lại món nợ này. Nhưng không ngờ, mọi chuyện càng tệ thêm. Thất bại chung cuộc của Thái Lan tại Kings Cup 2019 nói chung và trận thua trước Việt Nam nói riêng là nỗi xấu hổ khó quên đối với người hâm mộ bóng đá đất nước chúng tôi. Mong một ngày gần nhất, đội tuyển Thái Lan sẽ trả được món nợ này trước Việt Nam”.
Ở khu vực Đông Nam Á, từ lâu, Thái Lan và Việt Nam đã được coi là “đại kình địch”, “đối thủ truyền kiếp” trong môn bóng đá. Thế nên thua ai thì thua, thắng ai mặc kệ nhưng mỗi khi giáp mặt nhau, cả Thái Lan và Việt Nam đều không muốn là đội thua cuộc. Chính bởi vậy, khi thất bại trước Việt Nam ở Kings Cup 2019, người Thái đã tỏ ra hết sức cay cú. Bằng chứng là các cổ động viên Thái Lan đã hò reo, vỗ tay đôm đốp mỗi khi cầu thủ đội tuyển Curacao thực hiện thành công quả sút luân lưu vào lưới Việt Nam ở trận chung kết. Họ cũng đã bày tỏ cảm xúc tương tự sau khi tiền đạo Nguyễn Công Phượng sút hỏng trong loạt đá luân lưu.
Để phần nào xoa dịu nỗi đau của cổ động viên nước chủ nhà, sau trận chung kết, huấn luyện viên Park Hang-seo của đội tuyển Việt Nam đã nói: “Sông có khúc, người có lúc. Hiện tại, bóng đá Việt Nam tạm thời vượt qua Thái Lan ở cả đội U22, U23 và đội tuyển quốc gia nhưng không ai dám chắc rằng trong vài năm tới điều này tiếp tục được giữ nguyên. Điều mà tôi mong muốn nhất là bóng đá Thái Lan và Việt Nam hãy sát cánh, đồng hành cùng nhau để tiến xa hơn nữa ở tầm châu Á cũng như thế giới”.
 MINH VỸ

Có thể bạn quan tâm

Bóng đá Việt Nam tiếp tục sa sút?

Bóng đá Việt Nam tiếp tục sa sút?

Đội tuyển Việt Nam vừa trải qua 2 năm đầy sóng gió dưới sự dẫn dắt của HLV Philippe Troussier và có nhiều cơ sở để tin, chặng đường phía trước sẽ tiếp tục cam go. 
Thể thao Việt Nam tăng tốc giành vé Olympic Paris 2024

Thể thao Việt Nam tăng tốc giành vé Olympic Paris 2024

Đặt mục tiêu phấn đấu giành từ 12 - 15 suất dự Olympic Paris 2024, nhưng đến thời điểm này, thể thao Việt Nam vẫn chưa hoàn thành được 50% chỉ tiêu và vẫn đang trong hành trình tìm kiếm thêm suất chính thức trong bối cảnh phía trước còn khá nhiều khó khăn.