Tín hiệu tích cực của "xuất khẩu cầu thủ"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Không phải các ngôi sao hay những cái tên gây ồn ào, bóng đá Việt Nam đã có những “thương vụ xuất khẩu” đầu tiên trong năm 2022…

Quang Hải được khuyên nên ra nước ngoài thi đấu. Ảnh: Trung Thu
Quang Hải được khuyên nên ra nước ngoài thi đấu. Ảnh: Trung Thu
Chuyện về cầu thủ Việt Nam nên xuất ngoại để phát triển đã được thổi bùng lên vào những ngày đầu năm 2022. Sau khi kết thúc AFF Cup 2020 mà không bảo vệ được chức vô địch, một số cầu thủ của đội tuyển Việt Nam như Quang Hải, Hoàng Đức được khuyên nên ra nước ngoài thi đấu, vừa nâng cao trình độ bản thân, vừa có đóng góp tốt hơn cho đội tuyển quốc gia. 
Tuy nhiên, sau một vài ngày ồn ào, vấn đề lại lắng xuống, dù xuất hiện thêm Văn Thanh cũng có khả năng ra nước ngoài. Trong lúc tất cả đang hướng đến công tác chuẩn bị của đội tuyển Việt Nam trước trận gặp Australia tại vòng loại World Cup 2022 thì ở thành phố Hồ Chí Minh, câu lạc bộ Sài Gòn đã có động thái mang lại tín hiệu tích cực.
Theo đó, đội bóng này đã hợp tác với 2 câu lạc bộ của Nhật Bản là FC Ryukyu  và Azul Claro Numazu để các cầu thủ Phạm Văn Luân, Vũ Hồng Quân, Nguyễn Văn Sơn, Bùi Ngọc Long đến chơi bóng tại xứ sở mặt trời mọc. Có lý do để giới chuyên môn đánh giá đây là hợp tác mang tính chuyên môn hơn là thương mại, khi Ryukyu đang đá ở J.League 2; còn Azul là đội ở J.League 3.
Như đã nói không ít lần, trong chiến lược giúp cầu thủ Việt phát triển tài năng ở nước ngoài, việc tìm đến các đội bóng phù hợp nhất - không phải danh tiếng nhất, là điều quan trọng. Điều đó giúp cho việc tập luyện của cầu thủ được kết thúc bằng cơ hội cạnh tranh để ra sân thi đấu chứ không phải chỉ ngồi trên ghế dự bị. Nhiều thương vụ trong quá khứ tìm đến các đội bóng danh tiếng, chất lượng cao nhưng đổi lại, cầu thủ Việt Nam không thể cạnh tranh vị trí đá chính.
Hướng đi mà Chủ tịch câu lạc bộ Sài Gòn, ông Trần Hòa Bình, được đánh giá là đúng đắn. Bởi dù không phải là hạng đấu cao nhất tại Nhật Bản nhưng 4 cầu thủ này sẽ được sinh hoạt, tập luyện trong môi trường kỷ luật cũng như cơ sở hạ tầng tốt hơn. Việc được thi đấu trong môi trường không quá vượt trội về trình độ cũng là yếu tố quan trọng để cầu thủ giữ được sự tự tin thay vì tự ti, mặc cảm.
Sự hợp tác lâu dài dựa trên tinh thần tin tưởng, hỗ trợ lẫn nhau. Đây là một bước đi mà các câu lạc bộ của Việt Nam nên tìm hiểu và thực hiện, mang lại hiệu quả về nhiều mặt.
LÊ VINH (LĐO)

https://laodong.vn/the-thao/tin-hieu-tich-cuc-cua-xuat-khau-cau-thu-998870.ldo

Có thể bạn quan tâm