Đội tuyển Việt Nam: Bài học khi ra "biển lớn"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đội tuyển Việt Nam kết thúc 2 trận đầu vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á với nhiều tiếc nuối từ các quyết định gây tranh cãi của trọng tài. Nhưng trong lần ra “biển lớn” này, thầy trò huấn luyện viên (HLV) Park Hang-seo cũng đã thu nhận được những bài học giá trị cho chặng đường phía trước.
“VAR” là từ khóa có lẽ gây ám ảnh nhất với người hâm mộ Việt Nam trong những ngày qua. Bởi trong lần hiếm hoi được trải nghiệm công nghệ hiện đại này, đội tuyển Việt Nam lại phải nhận kết cục khá đau đớn. Trong trận làm khách trên sân của Saudi Arabia, VAR đã khiến chúng ta bị thổi quả phạt 11 m cùng tấm thẻ vàng thứ 2 cho Duy Mạnh trong bối cảnh đội tuyển đang dẫn trước đối thủ 1 bàn. Trọng tài chính vốn không thổi phạt tình huống này nhưng sau khi tham khảo VAR, ông đã đi đến quyết định tạo nên bước ngoặt của trận đấu.
Ở trận đấu gặp Australia, mọi thứ còn trở nên “khó nuốt” hơn khi trọng tài người Qatar Abdulrahman Ibrahim Al Jassim đã có nhận định khó hiểu sau khi xem VAR. Trong lúc tất cả nghĩ rằng đội tuyển Việt Nam sẽ được hưởng quả đá 11 m trên sân nhà Mỹ Đình thì trọng tài này lại cho rằng, tình huống bóng chạm tay hậu vệ Australia trong vòng cấm không đủ để thổi phạt. Những quyết định mang nặng ý chí chủ quan của người cầm cân nảy mực đã khiến cộng đồng mạng dâng lên làn sóng phẫn nộ. Liên đoàn Bóng đá Việt Nam cũng đã lập tức gửi thư cho AFC và FIFA đề nghị chấn chỉnh công tác trọng tài sau 2 tình huống trên.
Tiền vệ Quang Hải trong trận đấu với Australia, ngày 7-9. Ảnh: VFF
Tiền vệ Quang Hải trong trận đấu với Australia, ngày 7-9. Ảnh: VFF
Nhưng sau tất cả, đội tuyển Việt Nam đã thua và VAR không phải là yếu tố quyết định kết quả sau cùng. Trước Saudi Arabia, có nhiều thời điểm, các học trò của huấn luyện viên Park Hang-seo bị ép đến nghẹt thở và bàn thắng đến với đội bóng Tây Á chỉ là chuyện sớm hay muộn. Các thông số của trận đấu đều cho thấy sự lép vế của đội tuyển Việt Nam. Trước Australia, sau khi bị từ chối quả phạt 11 m, hàng thủ của ta đã mất tập trung dẫn đến bàn thua, để rồi sau đó bất lực trong việc đi tìm bàn gỡ ở hiệp 2.
Việc tuân theo quyết định của trọng tài là bất biến trong bóng đá chuyên nghiệp, ngay cả khi chưa có công nghệ VAR. Và sau 2 trận đấu đầu tiên, thực tế phũ phàng một lần nữa đến với đội tuyển Việt Nam. Nó là bài học quý để cầu thủ của chúng ta hạn chế những rủi ro hoàn toàn có thể xảy đến mỗi khi các vị trọng tài không có cùng suy nghĩ. Đơn cử như tình huống phải nhận tấm thẻ vàng đầu tiên của Duy Mạnh sau tình huống phản ứng không đáng có. Đó là điều mà khán giả lâu nay vẫn thường thấy ở trung vệ người Hà Nội này. Nhưng trong một trận cầu đỉnh cao ở đấu trường châu lục, thái độ đó để lại ấn tượng không tốt cho các trọng tài và việc bị rút thẻ phạt là điều khó tránh khỏi.
Trọng tài đã có những quyết định bất lợi cho đội tuyển Việt Nam. Ảnh: AFC
Trọng tài đã có những quyết định bất lợi cho đội tuyển Việt Nam. Ảnh: AFC
Sau khi phải nhận nhiều quả phạt 11 m trong suốt hành trình tại vòng loại World Cup 2022, chúng ta không khỏi giật mình và tự hỏi điều đó đến từ đâu? Một trong những nguyên nhân đó là đội tuyển Việt Nam không kiểm soát được khu trung tuyến và thường bị dồn sâu về sân nhà. Từ đó dẫn đến những pha bóng tranh chấp trong vòng cấm-khu vực chứa rất nhiều rủi ro có thể dẫn đến những quả phạt 11 m. Bởi vậy, để tránh rủi ro, đội tuyển Việt Nam cần hướng đến một lối chơi tích cực, kiểm soát trận đấu chủ động và phòng ngự từ xa hiệu quả hơn. Đó mới chính là lối đá mà đội tuyển hướng tới cho những mục tiêu dài hơi.
Sau 2 cuộc thư hùng với các đối thủ cửa trên, sở hữu 2 lối đá khác biệt, các cầu thủ Việt Nam chắc chắn đã rút cho mình những bài học đắt giá để biết đẳng cấp của mình đang ở đâu trên bản đồ bóng đá châu lục. Có lẽ họ hiểu rằng, đối với một hành trình dài, sự chai sạn, lì lợm và bản lĩnh trong chuyên môn cần hơn là trông chờ vào công nghệ và “vũ khí” tinh thần.
LÊ VĂN NGỌC

Có thể bạn quan tâm