Đặng Văn Lâm và giấc mơ xuất khẩu cầu thủ của bóng đá Việt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Bóng đá Việt Nam cũng như các lĩnh vực khác, câu chuyện “xuất khẩu” sản phẩm vẫn luôn là một bài toán khó đang đi tìm lời giải. Đặng Văn Lâm sang J.League có thể là đáp án mà chúng ta đang cần.
Đặng Văn Lâm sang Nhật Bản chơi bóng, công bằng mà nói chưa thể hấp dẫn phần đông công chúng như những cái tên Văn Hậu, Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường. Nhưng đây có thể xem là thương vụ đặc biệt hơn cả khi tính thương mại không bị đặt quá nặng và sự ồn ào xuất phát từ màn tranh chấp của đôi bên liên quan đến cầu thủ.
Trước đây, mỗi khi có một cầu thủ của Việt Nam được ra nước ngoài chơi bóng, “lời ong tiếng ve” bao giờ cũng nhiều hơn lời chúc bởi chỉ số niềm tin vào những bản hợp đồng này rất thấp. Nhận định ấy cũng không sai bởi sau khi kết thúc hợp đồng, các cầu thủ Việt Nam phần nhiều không được ra sân, hoặc ra sân thì cũng chỉ mang yếu tố hình ảnh chứ không đặt nặng chuyên môn.

Muangthong United được xem là bệ phóng đưa Văn Lâm sang Nhật Bản thi đấu. Ảnh: Muangthong United
Muangthong United được xem là bệ phóng đưa Văn Lâm sang Nhật Bản thi đấu. Ảnh: Muangthong United
Gác lại câu chuyện chuyên môn, nếu xét trên khía cạnh thương mại, các đội bóng nước ngoài có thực sự thành công khi đưa cầu thủ Việt Nam sang thi đấu? Câu trả lời có lẽ là không!
Tính thương mại trong bóng đá vẫn phải bắt nguồn từ những màn trình diễn trên sân cỏ. Khi bản thân các đội bóng nước ngoài dù rất muốn nhưng không thể sử dụng cầu thủ Việt Nam vì chuyên môn. Tất nhiên việc họ tìm kiếm được hợp đồng quảng cáo (vốn là nguồn thu nhập quan trọng) cũng trở nên khó khăn.
Sẽ khó có nhiều doanh nghiệp chịu chi hoặc chi khoản lớn để quảng cáo khi nhân vật chính lại ngồi dự bị, tập cùng đội trẻ hoặc tệ hơn là ngồi khán đài. SC Heerenveen hay Sint-Trudense là những ví dụ tiêu biểu khi thứ họ thu về từ Văn Hậu hay Công Phượng hầu như chỉ là tương tác trên mạng xã hội. Hợp đồng kết thúc, lượng tương tác này cũng không còn.
Quay trở lại với Cerezo Osaka, đây là đội bóng thực chất thường xuyên có những hoạt động quảng bá ở Việt Nam, dù chỉ dừng ở quy mô vừa phải. Không thể nói đại diện J.League mua Văn Lâm chỉ vì chuyên môn, bởi thủ môn cỡ như Văn Lâm thì không hề thiếu và cái giá cho Văn Lâm cũng không hẳn gọi là rẻ.
Đặng Văn Lâm chơi tốt ở Hải Phòng, được Muangthong United mua về với giá hơn 500.000 USD (hơn 12 tỷ đồng). Cerezo Osaka được đồn đoán phải chi đến 1 triệu USD cho phần hợp đồng còn lại của thủ thành Việt kiều. Nói vậy để thấy nếu Văn Lâm không quá đặc biệt, tại sao anh vẫn nhận được bản hợp đồng này?
Đó chính là dựa trên “kênh phân phối”, hay đơn giản hơn là việc Văn Lâm được chơi tại Thai League, cho một đội bóng có mạng lưới kết nối tốt như Muangthong United. Đây mới chính là sự đảm bảo cho trình độ chuyên môn của cầu thủ mà nhiều đội bóng khác có thể nhìn vào để đánh giá.

Nếu suôn sẻ, Đặng Văn Lâm sẽ là cầu thủ Việt Nam đầu tiên thi đấu tại J.League 1. Ảnh: T.L
Nếu suôn sẻ, Đặng Văn Lâm sẽ là cầu thủ Việt Nam đầu tiên thi đấu tại J.League 1. Ảnh: T.L
Về cá nhân Văn Lâm, câu chuyện anh chi tiền thuê huấn luyện viên riêng cũng đã được biết đến từ lâu. Nhưng Lâm được tập luyện từ bé ở một nền bóng đá đẳng cấp như nước Nga hay một tư tưởng thông thoáng và khá bản lĩnh khi thay đổi môi trường thi đấu là những điều mà ít ai có được.
Nhưng phía trước Văn Lâm vẫn là thử thách khó khăn ở đội bóng mới. Cerezo Osaka có Kim Jin-hyeon đã 12 năm gắn bó với đội bóng, ra sân 465 trận, trong đó có 285 trận tại J.League. Anh là người góp công lớn giúp Cerezo Osaka cán đích ở vị trí thứ 4 tại J.League ở mùa giải vừa qua và giành quyền dự AFC Cup Champions League 2021.
Bên cạnh đó, thủ thành này từng ra sân 16 lần cho đội tuyển Hàn Quốc. Anh là thủ môn số 1 đội bóng này tại Asian Cup 2-15. Kim Jin-hyeon từng có tên trong danh sách chuẩn bị cho World Cup 2018 nhưng cuối cùng đã không được chọn.
Dù Văn Lâm chưa chắc suất bắt chính tại Cereze Osaka, nhưng việc chàng thủ môn Việt kiều sang J.League chơi bóng đã là một điều tuyệt vời. Đó có lẽ là một đáp án cho câu chuyện xuất khẩu cầu thủ của bóng đá Việt Nam.
Nếu coi cầu thủ là “sản phẩm”, đơn giản là hãy…đảm bảo chất lượng của cầu thủ, tạo ra một giải đấu đủ hấp dẫn như một kênh quảng bá, phân phối đến với thị trường quốc tế như cách vận hành vốn rất bình thường của thương mại.
KHÁNH AN (LĐO)

https://laodong.vn/bong-da/dang-van-lam-va-giac-mo-xuat-khau-cau-thu-cua-bong-da-viet-876133.ldo

Có thể bạn quan tâm