Làm thầy ở V.League...

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hai cầu thủ Văn Hạnh (Hải Phòng) và Thanh Thụ (Sài Gòn) đã nhận án “treo giò” từ Ban kỷ luật VFF. Thế nhưng, điều tất cả chú ý lại là cách hành xử của những người thầy của các cầu thủ này.

Trợ lý Quốc Vượng vào sân ngăn cản cầu thủ phản ứng thái quá. Ảnh: T.Minh
Trợ lý Quốc Vượng vào sân ngăn cản cầu thủ phản ứng thái quá. Ảnh: T.Minh
“Bài giảng” ở phút bù giờ
Phút bù giờ trận đấu giữa Nam Định và Hải Phòng tại vòng 4, giai đoạn 2 V.League 2020, cầu thủ Văn Hạnh đã nhận thẻ vàng thứ 2 từ trọng tài Hoàng Ngọc Hà do có hành vi chơi xấu đối thủ. Cầu thủ này đã bất mãn khi bị đuổi khỏi sân và có những phản ứng muốn ăn thua với trọng tài và cầu thủ đối phương. Từ cabin huấn luyện, trợ lý Lê Quốc Vượng của Hải Phòng đã bứt tốc độ chạy nhanh vào sân để ngăn cản cậu học trò. Chính phản ứng nhanh của trợ lý Lê Quốc Vượng đã khiến Văn Hạnh giảm nhiệt và tránh được một cuộc ẩu đả đáng tiếc. Muốn ngăn chặn hành vi xấu xí của một cầu thủ, không còn cách nào khác là chỉ ra cho họ những sai lầm. Đó cũng là điều mà người thầy cần làm với các học trò.
Cũng ở phút bù giờ trận đấu giữa HAGL và Sài Gòn, cầu thủ Thanh Thụ của đội khách đã có pha ném biên thẳng vào mặt Nguyễn Phong Hồng Duy. Đó là hành vi rất phi thể thao nhưng lại bị trọng tài Đỗ Thành Đệ bỏ qua một cách đáng tiếc. Một hành vi khiến không chỉ dư luận mà giới chuyên môn cũng bức xúc. Thế nhưng, trong phòng họp báo sau trận, HLV Vũ Tiến Thành lại hết mực bênh cầu thủ của mình. Ông cho rằng đó là tình huống “có gì đâu” và ông khẳng định đó là cầu thủ “hiền lành, đạo đức nhất đội”.
Thực tế, ở tình huống này không ai lấy đó để đánh giá đạo đức của một cầu thủ. Nhưng đó là hình ảnh xấu. Dù vô tình hay cố ý thì đó là một điều không đáng có ở một cầu thủ chuyên nghiệp. Và khi lỡ tay ném ra, cầu thủ Thanh Thụ hoàn toàn có thể xin lỗi. Hơn ai hết, huấn luyện viên phải là người chỉ cho cầu thủ điều đó. Thế nhưng, ông Vũ Tiến Thành đã làm điều ngược lại.
Ngày 27.10, Ban kỷ luật VFF đã ra án phạt cấm thi đấu 2 trận dành cho cả hai cầu thủ Thanh Thụ và Văn Hạnh. Và từ cách hành xử của hai người thầy, cho thấy đã có những nhận thức khác nhau ở cùng một sự việc tương tự. Những phút bù giờ ngắn ngủi của hai trận đấu nhưng Văn Hạnh và Thanh Thụ lại được lĩnh hội những bài giảng khác nhau. Và đó cũng chính là thực trạng của V.League với những khoảng trống ở câu chuyện giáo dục cầu thủ.
Từ huấn luyện viên đến người thầy
Từ hai ví dụ điển hình trên, có thể thấy, mỗi người “thầy” có những cách phản ứng khác nhau đến một cầu thủ. Và cũng vì thế mà nhiều người đặt ra câu hỏi, huấn luyện viên có thể được coi là một người thầy không?
Khi đánh giá theo tiêu chuẩn của bóng đá chuyên nghiệp của phương Tây, huấn luyện viên không phải là người thầy. Đó là một mối quan hệ công việc đơn thuần, dựa trên các cam kết mà cả hai cùng bị ràng buộc với một tổ chức chung.
Theo quan điểm của nhiều huấn luyện viên ở V.League thì tùy vào tính chất, môi trường làm việc của huấn luyện viên để các cầu thủ có coi họ là thầy không. Thông thường, các huấn luyện viên đào tạo trẻ chăm bẵm cho vận động viên cả những việc ngoài sân cỏ, quan tâm tới tâm lý, đời sống, tình cảm của cầu thủ nhiều hơn nên hay được gắn với mác thầy hơn. Như HLV Graechen của HAGL trước đây chính là một người thầy đúng nghĩa của thế hệ Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường…
Hoặc những huấn luyện viên gắn bó ở một đội bóng nhưng có ảnh hưởng không chỉ về chuyên môn mà cả những vấn đề định hướng cuộc sống, tương lai, sự nghiệp cũng thường được coi là một người thầy. Cầu thủ thường nhận một huấn luyện viên làm “thầy” đúng nghĩa khi họ học được nhiều hơn ngoài bóng đá. Và khi một huấn luyện viên đã làm thầy, họ luôn biết cách chỉ ra những cái sai như một sự giáo dục cho các cầu thủ.
V.League là môi trường vẫn chưa thực sự chuyên nghiệp. Do đó, mỗi huấn luyện viên của các câu lạc bộ đều hiểu rằng, họ đều là những người thầy. Thầy trong vấn đề chuyên môn và cách hành xử trong từng tình huống.
Trong tình huống ném biên của Thanh Thụ, nếu thầy Vũ Tiến Thành giáo dục cầu thủ theo cách biết nhận lỗi thay vì bao biện có lẽ tốt hơn. Bởi dù đó là tình huống dù vô tình hay cố ý thì đều là hình ảnh không đẹp. Ở tình huống này, Thanh Thụ cần đến một người thầy đúng nghĩa để chỉ cho anh điều phải trái. Án phạt mà VFF ban hành, phần nào đã cho thấy cầu thủ này cần chuyên nghiệp hơn.
ĐĂNG HUỲNH (LĐO)

https://laodong.vn/the-thao/lam-thay-o-vleague-849242.ldo

Có thể bạn quan tâm