Huỳnh Hồng Sơn: Số phận lận đận và nỗi trăn trở của người cận vệ già

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nói đến Huỳnh Hồng Sơn hẳn mọi người biết anh chỉ dành một từ lận đận cho sự nghiệp của “ông già” này. Nét mặt khắc khổ, đến bóng đá muộn, tạm nghỉ, thay đổi công việc hết lần này đến lần khác.
Pha xuyên phá của Huỳnh Hồng Sơn. Ảnh: KHẢ HÒA
Pha xuyên phá của Huỳnh Hồng Sơn. Ảnh: KHẢ HÒA
"Kèm sát Sơn già vào, đừng để có khoảng trống", "Coi chừng Sơn già đi vào trong đó, rà thôi". Đó là những tiếng nhắc nhở nhau của hậu vệ đối phương dành cho anh: Huỳnh Hồng Sơn.
Tuổi trẻ không qua một trường lớp đào tạo nào khi chơi cho đội bóng phong trào lực lượng vũ trang Q. Gò Vấp, cơ duyên đến với Hồng Sơn khi anh được cho thử việc tại câu lạc bộ danh tiếng của bóng đá Miền Nam bấy giờ là Cảng Sài Gòn lúc đã.. 23 tuổi. Chàng trai gốc Sài Gòn được đứng chung hàng ngũ với những bậc đàn anh, những tên tuổi của bóng đá Việt Nam thời bấy giờ như Đặng Trần Chỉnh, Hà Vương Ngầu Nại, Phan Huy Khải, Đặng Trần Phúc ... có nằm mơ Hồng Sơn cũng không thể nghĩ mình lại là đồng đội của họ.
Hồng Sơn được đeo băng đội trưởng từ trợ lý HLV Cảng Sài Gòn Lý Văn Thành. Ảnh: NGỌC HẠNH.
Hồng Sơn được đeo băng đội trưởng từ trợ lý HLV Cảng Sài Gòn Lý Văn Thành. Ảnh: NGỌC HẠNH.
Giành Cúp Quốc Gia năm 1992 sau 2 hiệp phụ vượt qua CLB Quân Đội của Quản Trọng Hùng, niềm vui nhân lên gấp bội khiến Hồng Sơn luôn nhớ mãi không quên về những ngày tháng đó khi anh chính thức được kí hợp đồng sau giải đấu. Với anh được chơi bóng đỉnh cao là cả một sự tự hào lẫn hạnh phúc. Thế nhưng chơi 3 năm bất ngờ anh tạm dừng bóng đá chuyển qua công tác tại đơn vị sản xuất kho hàng Khánh Hội. Anh tâm sự "Con đường bóng đá của tôi đúng là trắc trở. Lúc ấy cuộc sống cơm áo gạo tiền đòi hỏi mình phải vật lộn với bên ngoài, thực sự là không còn thời gian đầu tư cho nghề nghiệp.."
Hồng Sơn trong vai trung vệ kèm Phan Văn Tài Em. Ảnh: KHẢ HÒA.
Hồng Sơn trong vai trung vệ kèm Phan Văn Tài Em. Ảnh: KHẢ HÒA.
Những tưởng con đường bóng đá đã kết thúc với anh một cách đầy ngắn ngủi. Nhưng cũng lại bất ngờ khi chỉ sau 2 năm anh lại quay lại đội bóng chủ yếu do thiếu hụt lực lượng, song lại khơi dậy niềm khát khao và sự đam mê của mình. Sự nghiệp của anh lại bắt đầu thăng hoa theo cách của 1 bông hoa nở muộn. Anh giành chức vô địch quốc gia, Cúp quốc gia cùng một dàn đồng đội tốt cùng thời như Hồ Văn Lợi, Trần Quan Huy, Võ Hoàng Bửu ...
Niềm vui sau khi ghi bàn cho tuyển Việt Nam. Ảnh: KHẢ HÒA.
Niềm vui sau khi ghi bàn cho tuyển Việt Nam. Ảnh: KHẢ HÒA.
Và hơn hết khi Hồng Sơn vinh dự giành 1 suất trên đội tuyển tham dự Tiger Cúp 2002 cùng tấm huy chương đồng dưới sự dẫn dắt của HLV Calisto. Ở giải này anh ghi 3 bàn vào lưới Campuchia và Philippines, cùng danh hiệu cá nhân Quả bóng đồng Việt Nam khi bước vào tuổi 33. Có lẽ bóng đá Việt Nam hiếm có người được như anh khi lên tuyển lần đầu và tỏa sáng ở cái tuổi tưởng chừng sự nghiệp đã ở bên kia sườn dốc.
Hồng Sơn trong màu áo tuyển Việt Nam ở tuổi 33. Ảnh: NGỌC HẠNH.
Hồng Sơn trong màu áo tuyển Việt Nam ở tuổi 33. Ảnh: NGỌC HẠNH.

Hồng Sơn (ngồi bìa trái) cùng các tuyển thủ Việt Nam một thời như Huỳnh Đức, Công Minh, Hồ Văn Lợi, Ngô Quang Trường, Tuấn Thành, Lê Hồng Minh, Trần Minh Quang, Nguyễn Huy Hoàng… Ảnh: KHẢ HÒA
Hồng Sơn (ngồi bìa trái) cùng các tuyển thủ Việt Nam một thời như Huỳnh Đức, Công Minh, Hồ Văn Lợi, Ngô Quang Trường, Tuấn Thành, Lê Hồng Minh, Trần Minh Quang, Nguyễn Huy Hoàng… Ảnh: KHẢ HÒA
Chơi thêm vài năm cùng câu lạc bộ Thép miền Nam- Cảng Sài Gòn (TMN-CSG) thì anh lại tạm nghỉ vì những rắc rối trước đây trong chức vô địch của SLNA trong mùa giải 2001. Nhưng một lần nữa tình yêu và tiếng gọi của con tim đã thôi thúc Hồng Sơn trở lại để cùng các chiến binh già bảo vệ màu cờ sắc áo cho Cảng. Khi đó Sơn đã ngấp nghé tuổi 40, chơi thêm 1 -2 mùa với những thiếu hụt về tài chính và con người, dù rất nỗ lực nhưng anh cũng không thể chèo lái con tàu Thép - Cảng để sau đó cùng đội bóng thân yêu rớt hạng. Đó cũng là lúc anh chia tay sân cỏ ở tuổi 41 sau mùa bóng 2010 với cái tên CLB TP.HCM.
Dáng người nhỏ nhắn, cách di chuyển linh hoạt, chơi 2 chân cực tốt , đặc biệt là những tình huống dạt biên trái đi vào trong rồi sửa lòng góc xa đã trở thành 'thương hiệu" của anh. Các đối thủ khó bắt bài được Hồng Sơn từ chính cách chạy chỗ thông minh với nguồn thể lực dẻo dai cùng những động tác kĩ thuật quái dị . Bây giờ đã 51 tuổi nhưng những pha xử lý của Sơn vẫn tinh tường cùng những đường phát bóng tầm 40 m vẫn chính xác đến từng cen-ti-mét trong các giải bóng đá lão tướng.
Hồng Sơn vẫn là cơn lốc trước các khuôn thành ở giải lão tướng. Ảnh: NVCC.
Hồng Sơn vẫn là cơn lốc trước các khuôn thành ở giải lão tướng. Ảnh: NVCC.
Không chỉ khiến đối phương khó khăn trong khâu tấn công mà Hồng Sơn cũng giúp cho BHL đội nhà yên tâm bởi khả năng chơi nhiều vị trí của mình . Có những thời điểm người hâm mộ thấy tiền đạo Huỳnh Hồng Sơn xuất hiện ở vai trò trung vệ thòng, bọc lót, phán đoán, chỉ huy hàng phòng ngự, kinh nghiệm trận mạc chính là điểm mạnh của anh. Nhờ vậy anh đã góp phần đẩy lùi các đợt công phá của đối phương
Sự lận đận của Hồng Sơn cũng đi kèm với sự thiếu may mắn khi thi đấu. Năm 2005 anh đã bị chấn thương cổ rất nặng khi va chạm cùng thủ môn đội Đá Mỹ Nghệ ở Cúp Quốc Gia, tưởng chừng không thể trở lại sân cỏ, Vậy mà Sơn già vẫn thể hiện ý chí, quyết tâm và nỗ lực vượt qua tất cả để cuối cùng vẫn xỏ giày ra sân. Có nhiều trận dù cổ vẫn phải quấn băng giữ chặt nhưng anh vẫn gắng gượng ra sân sát cánh cùng đồng đội.
Hông Sơn bị gãy cổ nhưng vẫn gắng gượng ra sân để sát cánh bảo vệ cho màu áo TMN-CSG. Ảnh: NGỌC HẠNH.
Hồng Sơn bị gãy cổ nhưng vẫn gắng gượng ra sân để sát cánh bảo vệ cho màu áo TMN-CSG. Ảnh: NGỌC HẠNH.
Hồng Sơn là người chuyên môn giỏi, là người có khả năng sư phạm tốt khi truyền đạt cho học trò của mình. Có một thời gian nhiều người thấy anh trên cương vị HLV đội U21 TMN-CSG dự vòng loại giải U21 báo Thanh Niên. Nhưng bẵng đi 1 thời gian, CLB xuống hạng, đổi tên và giải thể, Sơn bây giờ chỉ là ông thầy dạy bóng đá cộng đồng vào mỗi sáng cuối tuần trên địa bàn TP.HCM.
Con người ai cũng có 1 cái số của nó, số của Hồng Sơn gắn liền với bóng đá khi anh đã đến với nó, tồn tại với nó, thành danh với nó nhưng cũng cái số khiến Hồng Sơn vất vả với nó, lận đận cùng nó. Trong con người anh, ánh mắt anh vẫn luôn khắc khoải 1 ngày nào đó được thể hiện mình, được đứng trên sân cỏ trong 1 vai trò mới, vị trí mới để đóng góp sức mình cho bóng đá TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung.
Hồng Sơn cùng gia đình. Ảnh: NVCC.
Hồng Sơn cùng gia đình. Ảnh: NVCC.
Lưu Ngọc Hùng (Theo Thanh Niên) 

Có thể bạn quan tâm