Xót xa bóng đá trẻ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Những sự việc tiêu cực của bóng đá trẻ Việt Nam đang là hồi chuông báo động cho Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) trong việc tìm kiếm thế hệ chinh phục giấc mơ World Cup. 
Trần Công Minh (số 8) từng khoác áo U.21 tuyển chọn Việt Nam tại Giải U.21 quốc tế 2019. Nguồn: VFF
Trần Công Minh (số 8) từng khoác áo U.21 tuyển chọn Việt Nam tại Giải U.21 quốc tế 2019. Nguồn: VFF
“Vua giải trẻ” bán rẻ tương lai 
Trần Công Minh là một trong số 11 cầu thủ bị VFF kỷ luật vì hành vi đánh bạc, cá độ. Đây là gương mặt trẻ sáng giá nhất của bóng đá Đồng Tháp và tương lai bóng đá Việt Nam. Anh được mệnh danh là “Vua giải trẻ” khi liên tiếp giành danh hiệu cầu thủ xuất sắc nhất ở các giải U.15, U.17 và U.19 Quốc gia. Mới đây, Trần Công Minh đã khoác áo U.21 tuyển chọn Việt Nam giành chức vô địch U.21 Quốc tế 2019.  
Cuối năm 2019, Công Minh cũng là gương mặt trẻ tiêu biểu trong màu áo U.20 Việt Nam tham dự BTV Cup. Điều mà tất cả nhớ về chàng trai sinh năm 1999 ở giải đấu đó chính là những phát biểu khá chững chạc: “Ở giải đấu này, em có sự trưởng thành về mặt tinh thần và thể lực hơn nhiều. Lúc nào em cũng cố gắng và nghĩ về tương lai. Em sẽ cố gắng tập luyện để đến SEA Games 31”. Cầu thủ trẻ của Đồng Tháp thậm chí đã lọt vào tầm ngắm của Huấn luyện viên Park Hang-seo.
Tuy nhiên, Công Minh cũng như nhiều cầu thủ khác đã bán rẻ tương lai khi tham gia đánh bạc, cá độ bằng chính những trận đấu mà người ta vẫn đặt tính cống hiến lên hàng đầu. Những cầu thủ trưởng thành về chuyên môn qua từng giải đấu, nhưng không được giáo dục đến nơi đến chốn về mặt nhận thức và đạo đức nghề nghiệp. Sau khi ban hành quyết định kỷ luật được xem là quá nhẹ tay thì VFF cũng gửi thêm một thông điệp khi các em trở về địa phương là “cần giáo dục thêm”. 
Hồi tháng 3.2020, VFF đã quyết định hủy bỏ kết quả trận đấu giữa 2 đội U.19 Đắk Lắk và U.19 Bình Định tại giải U.19 Quốc gia 2020 do có biểu hiện nhường điểm. Một loạt cầu thủ bị kỷ luật, trong đó đáng chú ý nhất  là thủ thành Y Êli NiÊ của U.19 Đắk Lắk bị treo giò 2 trận và phạt 5 triệu đồng. Đây là thủ môn từng được khoác áo U.19 Việt Nam và U.22 Việt Nam. Mới đây, Y Êli NiÊ cũng được huấn luyện viên Park Hang-seo triệu tập vào đội hình U.22 Việt Nam chuẩn bị cho SEA Games 30. Anh cũng góp mặt cùng U.23 Việt Nam tại Vòng chung kết U.23 Châu Á 2020.
Quá xót xa cho một thế hệ cầu thủ trẻ Việt Nam, những người có thể sẽ gánh trọng trách ở SEA Games 31 được tổ chức trên sân nhà và là niềm hy vọng ở đội tuyển quốc gia trong tương lai. Đau lòng hơn khi những cầu thủ dính vào tiêu cực lại từng khoác lên mình màu áo đội tuyển quốc gia. Những bài học trong quá khứ của những vụ tiêu cực dường như chưa đủ sức răn đe cho các cầu thủ vẫn mang tư tưởng mông muội. Đó sẽ là mầm hoạ cho tương lai của bóng đá Việt Nam. 
Đá văng giấc mơ World Cup 
VFF đang đặt mục tiêu đưa bóng đá Việt Nam đến World Cup 2026 với một thế hệ cầu thủ trẻ được sàng lọc ngay từ bây giờ. Đây cũng là bài toán khiến cho việc thúc đẩy công tác đào tạo trẻ được diễn ra mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, thực tế công tác đào tạo bóng đá trẻ vẫn chưa được quy hoạch một cách triệt để ở các địa phương. Việc đào tạo vẫn dựa vào kiểu tự phát của từng câu lạc bộ dẫn đến những tiêu cực xuất hiện. Sẽ rất khó để có những mô hình kiểu PVF, Viettel hay HAGL thời kỳ gắn với Arsenal-JMG bởi liên quan đến kinh phí. 
Theo Huấn luyện viên Philippe Troussier của đội tuyển U.19 Việt Nam,  để chuẩn bị cho World Cup 2026, bóng đá Việt Nam cần thế hệ cầu thủ sinh từ năm 1998 tới 2004, con số sẽ lên tới khoảng 100 cầu thủ. Yêu cầu được đưa ra là 100 cầu thủ này là những người được trải nghiệm, được thử thách ở các giải đấu từ vòng loại World Cup tới SEA Games 2021, vòng loại Olympic 2024... Thế nhưng, câu hỏi được đặt ra là 100 cầu thủ này bây giờ đang ở đâu? Họ được chơi bao nhiêu trận?
Trần Công Minh là một trong số ít các cầu thủ trẻ được chơi bóng ở nhiều mặt trận. Anh đóng góp cho Câu lạc bộ Đồng Tháp ở cả giải hạng Nhì. Cũng chính vì thế mà cầu thủ trẻ này được đặt nhiều kỳ vọng. Nhưng với thực trạng đang diễn ra là chúng ta lại khó lòng có thể đặt niềm tin vào một cầu thủ dính vào tiêu cực khi còn là “măng non” như vậy. Và VFF cũng phải đối mặt với bài toán khó mang tên “100 cầu thủ” mà Philippe Troussier đặt ra. 
Hôm nay (16.5), Trung tâm Đào tạo Bóng đá trẻ PVF - một trong những lò đào tạo trẻ lớn nhất Việt Nam sẽ tổ chức tuyển sinh khóa 12. Điều mà tất cả sẽ cùng trăn trở là sẽ có bao nhiêu cầu thủ được sàng lọc và giáo dục đủ cả về chuyên môn lẫn đạo đức? Những cầu thủ mà VFF sẽ tin tưởng lựa chọn chứ không phải đánh cược với tương lai của bóng đá Việt Nam. Mong rằng, các lò đào tạo trẻ sẽ lấy bài học từ Đồng Tháp để cầu thủ trưởng thành một cách toàn diện nhất.
ĐĂNG HUỲNH (LĐO)

https://laodong.vn/the-thao/xot-xa-bong-da-tre-805742.ldo

Có thể bạn quan tâm

U70 đạp xe để vượt lên chính mình

U70 đạp xe để vượt lên chính mình

(GLO)- Đối với ông Hồ Sĩ Hồng (SN 1960, tổ 1, phường Phù Đổng, TP. Pleiku) thì mỗi chuyến đi xa là một cơ hội để trải nghiệm, khám phá những cung đường mới, cũng là dịp để thử thách bản thân, quyết tâm vượt lên chính mình.

Nơi ươm mầm tài năng bóng đá

Nơi ươm mầm tài năng bóng đá

(GLO)- Giải Bóng đá U9 mừng Đảng, mừng xuân lần thứ I-2024 tranh Cúp Hoa Đất Gia Lai vừa diễn ra tại Nhà thi đấu thể thao tỉnh. Đây là lần đầu tiên các cầu thủ lứa tuổi U9 trong toàn tỉnh có cơ hội so tài.
A Chan: Chàng 'ốc tiêu' có ý chí khổng lồ

A Chan: Chàng 'ốc tiêu' có ý chí khổng lồ

Nước da đen bóng, cao 1,58 m, nặng 53 kg, thân hình nhỏ bé, di chuyển tốc độ, cầu thủ A Chan của đội Trường ĐH Y Dược tạo sự chú ý đặc biệt trong ngày thi đấu 8.1 tại vòng loại bảng E giải bóng đáThanh Niên sinh viên VN lần II - 2024 Cúp THACO (TNSV THACO Cup 2024).
Trận cầu đậm tính nhân văn

Trận cầu đậm tính nhân văn

(GLO)- Không chỉ nhận những phần quà từ nhà tài trợ, các em nhỏ ở Làng trẻ em SOS Pleiku còn được ra sân thi đấu với các cầu thủ của Câu lạc bộ LPBank Hoàng Anh Gia Lai. Đây là một trải nghiệm khó quên giúp các em nuôi dưỡng ước mơ của mình.