Người "thắp lửa" vovinam

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhắc tên võ sư vovinam Nguyễn Đắc Trình (72 tuổi, tổ 2, thị trấn Chư Prông) thì hầu như người dân địa phương đều biết. Ông không chỉ là người đã gầy dựng thành công phong trào luyện võ ở huyện biên giới này mà còn đặt nền móng cho sự phát triển của môn võ vovinam tại Gia Lai.
Năm 1971, sau khi kết thúc khóa huấn luyện võ vovinam của Tổng cục Huấn luyện Vovinam-Việt Võ đạo tại Sài Gòn và trải qua 1 năm đi dạy ở Đà Nẵng, ông Nguyễn Đắc Trình về Gia Lai mở lớp chiêu sinh. Lớp học vovinam đầu tiên mở tại dốc Hội Phú (thị xã Pleiku), sau đó chuyển lên đường Yersin (nay là đường Nguyễn Du). Ông Trình chia sẻ: “Phong trào vừa mới dấy lên thì lại đi xuống vì nhiều lý do. Mãi đến năm 1993, vovinam tại Gia Lai mới dần khôi phục. Đến năm 1997, tôi bắt đầu mở phòng tập võ vovinam đầu tiên ở huyện Chư Prông”. Từ phòng tập này, ông Trình đã kết nối với võ đường của ông Phan Đức Thắng (TP. Pleiku) và ông Đặng Nhơn Phục (thị xã An Khê) để đề nghị ngành chủ quản cho phép thành lập Hội Võ thuật Vovinam-Việt Võ đạo tỉnh Gia Lai. Năm 2001, Hội Vovinam tỉnh Gia Lai chính thức ra đời. Cũng thời gian này, tỉnh đưa môn vovinam-Việt Võ đạo vào chương trình thi đấu chính thức của Đại hội Thể dục Thể thao toàn tỉnh. Từ đó đến nay, phong trào vovinam phát triển không ngừng.
Võ đường của ông Nguyễn Đắc Trình luôn thu hút võ sinh nhiều lứa tuổi theo học để rèn luyện sức khỏe. Ảnh: P.L
Võ đường của ông Nguyễn Đắc Trình luôn thu hút võ sinh nhiều lứa tuổi theo học để rèn luyện sức khỏe. Ảnh: P.L
Ngôi nhà gỗ 2 chái theo kiến trúc Huế của gia đình võ sư Nguyễn Đắc Trình lâu nay đã trở thành địa chỉ thân thuộc của nhiều thế hệ võ sinh vovinam tại huyện Chư Prông. Sau hơn 20 năm, ngôi nhà vẫn không có nhiều thay đổi, một bên được che khung làm võ đường để ông ngày ngày truyền dạy võ thuật cho thanh-thiếu niên trong huyện. Từ võ đường này, tình yêu với vovinam được lan tỏa, phong trào học võ để tự vệ, nâng cao sức khỏe phát triển nhanh chóng. Ông Trình nhớ lại: “Năm 1997, võ đường thu hút 300 võ sinh đủ mọi lứa tuổi theo học từ 16 giờ đến 22 giờ. Học phí rất rẻ, chỉ 15.000 đồng/tháng nên nhà nào cũng cố gắng cho con đi học võ để phòng thân, nâng cao sức khỏe. Nhiều gia đình khó khăn không đủ tiền đóng, tôi vẫn dạy miễn phí”. Hơn 20 năm phát triển vovinam ở huyện Chư Prông, ông Trình đã nhiều lần đưa võ sinh đi biểu diễn và thi đấu tại các đại hội thể dục thể thao, Hội khỏe Phù Đổng, đấu trường cấp huyện, cấp tỉnh. Học trò của ông đã đem về cho thể thao huyện nhà hơn 300 huy chương cấp tỉnh, đưa huyện Chư Prông trở thành một trong những địa phương đi đầu trong phát triển môn vovinam. Nhiều học trò của ông Trình giờ lại đưa con đến học võ tại nhà thầy. Đặc biệt, có không ít võ sinh sau này đã theo học các trường đại học, cao đẳng chuyên ngành Thể dục Thể thao, trở thành giáo viên thể dục hay huấn luyện viên võ thuật chuyên nghiệp.
Võ sư Nguyễn Đắc Trình là người đầu tiên gầy dựng phong trào Vovinam tại huyện Chư Prông. Ảnh: P.L
Võ sư Nguyễn Đắc Trình là người đầu tiên gầy dựng phong trào Vovinam tại huyện Chư Prông. Ảnh: P.L
Trên địa bàn huyện Chư Prông hiện có 6 điểm dạy vovinam. Ngoài điểm tập tại nhà, các huấn luyện viên đứng lớp tại 5 điểm tập khác đều là học trò của ông Trình. “Bây giờ, phong trào học võ không còn rầm rộ như trước do lớp trẻ bị chi phối bởi lịch học dày đặc, phương tiện giải trí đa dạng. Dù vậy, 6 điểm tập vẫn duy trì được số lượng võ sinh 150-200 em, đồng thời tổ chức thi lên đai cho các võ sinh theo đúng quy định”-ông Trình cho hay. Ngoài ra, trên nền tảng của vovinam, ông Trình còn mở lớp dạy dưỡng sinh cho gần 100 người cao tuổi trên địa bàn. Ông Dương Văn Hoan-Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Chư Prông-cho biết: “Để có được phong trào vovinam như ngày nay phải kể đến công sức của võ sư Nguyễn Đắc Trình. Ông là người đầu tiên đưa vovinam phát triển ở huyện nhà, góp phần vào sự phát triển của phong trào thể thao quần chúng, nâng cao sức khỏe cho người dân trên địa bàn”.
Là thế hệ học trò đầu tiên của võ sư Nguyễn Đắc Trình trước năm 1975, võ sư vovinam Võ Văn Minh-Chủ tịch Hội Vovinam tỉnh-bày tỏ: “Nhắc đến vovinam ở Gia Lai thì không thể không nhớ thầy Nguyễn Đắc Trình. Chính ông đã gắn kết, tập hợp và kêu gọi thành lập Hội, góp phần đưa phong trào vovinam của tỉnh phát triển như ngày nay”.
Giờ đây, dù đã ở tuổi 72 nhưng nhờ luyện võ thường xuyên nên ông Trình vẫn giữ được dáng vẻ nhanh nhẹn, khỏe khoắn. “Vovinam đem lại không chỉ sức khỏe mà còn là tinh thần cộng đồng, đoàn kết rất cao. Sau gần 50 năm gắn bó với vovinam, điều tôi tự hào nhất chính là duy trì, kết nối các thế hệ học trò. Cũng từ đó, công tác vận động quyên góp từ thiện mà tôi phát động đã mang lại hiệu quả thiết thực. Trung bình mỗi năm, tôi vận động được 100-150 triệu đồng giúp các làng phong và hộ nghèo trong huyện”-ông Trình chia sẻ.
PHƯƠNG LINH

Có thể bạn quan tâm

U70 đạp xe để vượt lên chính mình

U70 đạp xe để vượt lên chính mình

(GLO)- Đối với ông Hồ Sĩ Hồng (SN 1960, tổ 1, phường Phù Đổng, TP. Pleiku) thì mỗi chuyến đi xa là một cơ hội để trải nghiệm, khám phá những cung đường mới, cũng là dịp để thử thách bản thân, quyết tâm vượt lên chính mình.

Nơi ươm mầm tài năng bóng đá

Nơi ươm mầm tài năng bóng đá

(GLO)- Giải Bóng đá U9 mừng Đảng, mừng xuân lần thứ I-2024 tranh Cúp Hoa Đất Gia Lai vừa diễn ra tại Nhà thi đấu thể thao tỉnh. Đây là lần đầu tiên các cầu thủ lứa tuổi U9 trong toàn tỉnh có cơ hội so tài.
A Chan: Chàng 'ốc tiêu' có ý chí khổng lồ

A Chan: Chàng 'ốc tiêu' có ý chí khổng lồ

Nước da đen bóng, cao 1,58 m, nặng 53 kg, thân hình nhỏ bé, di chuyển tốc độ, cầu thủ A Chan của đội Trường ĐH Y Dược tạo sự chú ý đặc biệt trong ngày thi đấu 8.1 tại vòng loại bảng E giải bóng đáThanh Niên sinh viên VN lần II - 2024 Cúp THACO (TNSV THACO Cup 2024).
Trận cầu đậm tính nhân văn

Trận cầu đậm tính nhân văn

(GLO)- Không chỉ nhận những phần quà từ nhà tài trợ, các em nhỏ ở Làng trẻ em SOS Pleiku còn được ra sân thi đấu với các cầu thủ của Câu lạc bộ LPBank Hoàng Anh Gia Lai. Đây là một trải nghiệm khó quên giúp các em nuôi dưỡng ước mơ của mình.