Hội thao các dân tộc thiểu số: Thắt chắt tình đoàn kết dân tộc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số năm 2018 chính thức khép lại sau 3 ngày tranh tài đầy hứng khởi. Hội thi tổ chức thường niên không chỉ cổ vũ phong trào thể thao và rèn luyện sức khỏe trong cộng đồng mà còn nhằm thắt chặt tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc thiểu số anh em trên địa bàn tỉnh.
Đã thành thông lệ, hàng năm cứ đến tháng 8, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai lại tổ chức Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số tỉnh Gia Lai. Hội thi  là tạo sân chơi riêng cho các vận động viên người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh; cổ vũ tinh thần tập luyện thể thao rèn luyện sức khỏe tại các làng dân tộc thiểu số và tuyển chọn vận động viên có thành tích xuất sắc đi thi đấu các giải khu vực và toàn quốc cho tỉnh. Hội thi cũng là cơ hội để thắt chắt tình đoàn kết giữa các dân tộc thiểu số anh em trên địa bàn tỉnh và thúc đẩy tập luyện các môn thể thao dân tộc như bắn nỏ, đẩy gậy, chạy cà kheo…
Hội thi năm 2018 có sự tham gia của gần 400 vận động viên đến từ  17 đoàn thuộc 17 huyện, thị xã và thành phố. Các vận động viên tham gia tranh tài ở 7 môn: bóng đá, đẩy gậy, chạy cà kheo, bắn nỏ, việt dã, bóng chuyền, kéo co.
Vận động viên thi đấu môn đẩy gậy. Ảnh: Nguyễn Tú
Vận động viên thi đấu môn đẩy gậy. Ảnh: Nguyễn Tú
Ba ngày diễn ra (từ ngày 28 đến 30-8) tại 4 địa điểm, gồm: Quảng trường Đại đoàn kết, Nhà thi đấu thể thao tỉnh, Nhà thi đấu thể thao thành phố Pleiku, Trung tâm Huấn luyện-Đào tạo và Thể dục Thể thao tỉnh, hội thi thực sự là hoạt động hào hứng, sôi nổi thu hút sức tham gia cổ vũ của đông đảo cổ động viên đến từ các nơi . Tại các địa điểm thi, dù thời tiết liên tục mưa nhiều nhưng vẫn thu hút rất đông khán giả đến cổ vũ. Đây là niềm động viên khích lệ rất lớn để các vận động viên quyết tâm thi đấu giành thành tích cao.
Tại hội thi lần này, sự tham gia của các huyện được xem là cái nôi môn việt dã của tỉnh như Kbang, Đak Pơ và Đak Đoa khiến các chặng đua thêm hấp hẫn. Các vận động viên tranh đua từng bước chạy. Ở nội dung cá nhân nam và đồng đội nam, các vận động viên nam của của 2 huyện Đak Pơ và Đak Đoa cạnh tranh nhau ngôi vị nhất nhì. Nếu như Đak Pơ giành ngôi vị cao nhất ở nội dung cá nhân nam thì Đak Đoa dẫn đầu ở nội dung đồng đội nam. Huyện Kbang vẫn đứng đầu tại nội dung đồng đội nữ. Huyện Mang Yang tạo bất ngờ ở nội dung cá nhân nữ với huy chương vàng của vận động viên Nông Thị Minh Nguyệt.
Ở môn cà kheo, các vận động viên nam của huyện Phú Thiện đã tạo bất ngờ lớn khi lật đổ ngôi thống trị nội dung chạy cà kheo cá nhân nam của  huyện Chư Pah, Đức Cơ ở các mùa giải trước. Hai vận động viên Rmah Nghia và Ksor Nhuen đã xuất sắc mang về cho Phú Thiện 5 huy chương vàng và bạc, giúp huyện đứng đầu nội dung cá nhân môn cà kheo. Ở nội dung chạy cà kheo nữ, các vận động viên của Đức Cơ thể hiện sự cạnh tranh quyết liệt để bảo vệ ngôi vị nhất nội dung cá nhân nữ ở cự ly 100m, 200m và 400m.
Các vận động viên thi đấu môn bắn nỏ. Ảnh: Nguyễn Tú
Các vận động viên thi đấu môn bắn nỏ. Ảnh: Nguyễn Tú
Với môn kéo co đồng đội nữ, huyện Đak Đoa tạo bất ngờ khi giành huy chương vàng, sau khi xuất sắc đánh bại các cô gái đến từ TP. Pleiku. Hai năm liên tục, TP. Pleiku để tuột mất ngôi vị cao nhất nội dung này vào tay Chư Pah và Đak Đoa dù trước đây từng thống trị.
Môn bóng chuyền nam, các đơn vị khu vực phía Đông Nam của tỉnh vẫn chứng tỏ được sức mạnh vượt trội khi có đến 3 đội vào bán kết gồm Ia Pa, Krông Pa và Ayun Pa. Kết thúc môn thi này, đội bóng chuyền nam Ia Pa giành vị trí cao nhất.
Với hơn 70 vận động viên tham gia thi đấu ở tất cả các môn và giành tổng số 214 điểm, Đoàn TP.Pleiku xuất sắc giành giải nhất toàn đoàn. Đoàn vận động viên huyện Đak Đoa xếp thứ nhì với 209 điểm, Chư Prông xếp thứ 3 với 86 điểm.
Theo đánh giá của ông Phan Xuân Vũ-Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Trưởng ban tổ chức, Hội thi lần này có chất lượng chuyên môn cao và đồng đều hơn so với các năm trước. Hội thi chứng kiến sự tiến bộ của các địa phương từ việc phát động phong trào, lựa chọn vận động viên, bố trí kế hoạch tập luyện và tham gia thi đấu. Đặc biệt là sự tiến bộ và trưởng thành đáng kể của vận động viên một số huyện như Phú Thiện, Chư Prông. Có được điều này là nỗ lực của hệ thống chính trị các cấp  và vai trò "đầu tàu" của ngành văn hóa thể thao địa phương trong việc vận động người dân tộc thiểu số tích cực tập luyện thể thao rèn luyện sức khỏe; đầu tư bài bản cho các vận động viên khi tham gia hội thi...
Nguyễn Tú

Có thể bạn quan tâm