Bồi đắp tình yêu quê hương qua từng trang sách

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Việc đọc sách thời niên thiếu có tác động đến tình yêu quê hương không? Xin được bắt đầu bài viết nhỏ này bằng câu chuyện của chính gia đình mình, với niềm mong mỏi rằng, bằng một cách nào đó, mỗi chúng ta sẽ quan tâm hơn đến việc đọc của trẻ em.
Chúng tôi có 2 người con, từ nhỏ các cháu đều ham đọc. Ngoài những lúc phải đến trường và rảnh rang chơi thể thao, khi có thể, các cháu dành phần lớn thời gian cho việc đọc. Hết sách ở nhà, 2 anh em cùng ra Thư viện tỉnh làm bạn đọc thường xuyên ở đấy.
Thời thơ ấu (tạm tính từ khoảng lớp 1 đến lớp 9), các con tôi đã đọc được những gì? Ở nhà, tôi có thể biết vì phần lớn sách đều do tôi mua về. Ở góc học tập, các con có hầu hết tác phẩm do Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành nhiều năm liền. Cùng với đó, các con có trọn bộ “Tủ sách vàng” và dường như không thiếu cuốn Đôrêmon nào. Ngoài ra, các con cũng có thể đọc thêm ở giá sách chung một số tập truyện cổ tích điển hình của Việt Nam và thế giới, sách về các vị anh hùng, danh nhân… Còn sách đọc tại thư viện, theo cách 2 anh em mô tả là đủ loại và “hay hơn ở nhà ta”.
Năm tháng qua đi. Các con khôn lớn, đi làm ăn xa. Trong một dịp gần đây, sau những hàn huyên, tôi đã hỏi thẳng các con mình rằng: Tại sao rất nhiều người trẻ không trở về Gia Lai sống và làm việc, dù đất này chưa bao giờ đã hết cơ hội với tất cả? Ngay lập tức, tôi nhận được câu trả lời dễ nhất, vẫn thường nghe: Giờ ở đâu có công việc/thu nhập phù hợp là làm thôi chứ không nhất thiết phải về quê.
Các em học sinh đọc sách, báo tại chương trình “Cùng các em đọc sách” do Thư viện tỉnh tổ chức. Ảnh: Đức Thụy
Các em học sinh đọc sách, báo tại chương trình “Cùng các em đọc sách” do Thư viện tỉnh tổ chức. Ảnh: Đức Thụy
Theo những người trẻ ngồi đối diện với tôi buổi ấy, một trong những nguyên nhân của tình trạng trên có thể là do tình yêu vùng đất mà họ từng được sinh ra không đủ thiết tha đến mức buộc phải quay về. Mối quan tâm duy nhất, dường như là sợi dây khiến họ đôi khi “quy cố hương” chính là cha mẹ, ông bà, họ hàng. Một khi, những người thân không còn nữa, những người trẻ năm nào cũng đã kịp trở thành công dân của một nơi khác. Tôi đặt vấn đề tiếp: Tại sao tình yêu quê hương ấy lại chưa đủ tha thiết? Vẫn theo những người trẻ, rất có thể, tuổi thơ của họ đã không được trang bị, vun đắp đầy đủ.
Chuyện lan man nên không thể chép hết ra đây, chỉ biết rằng sau buổi nói thẳng nói thật trên, tôi trằn trọc khó ngủ suốt nhiều đêm sau đó. Đến nơi này lần đầu tiên khi 17 tuổi, rồi gần như ngay sau đó định cư tại Pleiku, Gia Lai liền một mạch đến nay ngót 40 năm, tôi thấy đúng là chúng ta đang thiếu nhiều sách cho trẻ em, những cuốn sách có thể có tác động trong việc vun đắp tình yêu quê hương cho các em.
Sống trên một vùng đất giàu trầm tích lịch sử, văn hóa, nhưng chúng ta có rất ít các tài liệu giảng giải “theo kiểu trẻ con”, phù hợp với từng độ tuổi cho người đọc trẻ. Con người đã xuất hiện ở Gia Lai từ bao giờ? Di tích khảo cổ Gò Đá, Rộc Tưng (An Khê) chứa đựng thông tin gì trong đó? Nguồn gốc của các địa danh làm nên “thương hiệu” của đất này như Pleiku, Biển Hồ, Hàm Rồng, Ia Ly, Chư Đang Ya… được cắt nghĩa ra sao? Tôi vẫn thường ao ước rằng, giá như chúng ta có được một bộ truyện tranh về các địa danh tỉnh nhà thì hay biết mấy. Không chỉ địa danh, Gia Lai còn có nhiều sự kiện lịch sử mang tầm vóc lớn lao, mà nếu được chuyển thành truyện tranh thì hẳn trẻ em cũng sẽ rất thích. Vùng đất An Khê xưa chính là nơi 3 anh em nhà Tây Sơn chuẩn bị binh lương mưu đồ việc lớn. Ở nơi ấy, nhiều ngọn núi, cánh đồng, cung đường từ lâu đã gắn liền với những câu chuyện lay động lòng người. Cũng như vậy, trải qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, Gia Lai có rất nhiều anh hùng và các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng... Không thể nói khác, đây chính là nguồn tài liệu hữu ích để các nhà chuyên môn lựa chọn, chắt lọc và sáng tạo nên những tác phẩm văn học phù hợp với các độc giả trẻ tuổi ở địa phương.
Dường như chưa có thống kê nào chỉ ra rằng thời thơ ấu đọc nhiều sách lịch sử, văn hóa địa phương thì những đứa trẻ ấy khi lớn lên sẽ yêu quê hương mình nhiều hơn, sẽ trở về nơi mình đã được sinh ra để cùng cha anh dựng xây quê hương nhiều hơn. Nhưng từ trường hợp các con mình, tôi biết chắc chắn rằng, nếu chúng ta cung cấp cho lớp trẻ một số lượng sách phù hợp với tâm sinh lý, lứa tuổi của các em, tình yêu quê hương trong họ chắc chắn sẽ nảy nở và được vun đắp, hun đúc nhiều hơn.
NGUYỄN QUANG TUỆ 

Có thể bạn quan tâm

Thơ Hoàng Đăng Du: Mùa trôi

Thơ Hoàng Đăng Du: Mùa trôi

(GLO)- Dẫu biết rằng xuân qua hạ tới, thu tận đông tàn là quy luật của thiên nhiên nhưng sao chứng kiến những khoảnh khắc mùa nối mùa vẫn khiến tác giả Hoàng Đăng Du không khỏi cảm thấy chút nuối tiếc, hụt hẫng, bâng khuâng...
Nguyễn Thị Thanh Thúy: Chọn đi đường dài với văn chương

Nguyễn Thị Thanh Thúy: Chọn đi đường dài với văn chương

(GLO)- Được đào tạo chuyên ngành Văn học, khi ra trường lại quyết liệt theo đuổi nghề báo, sau đó “đầu quân” vào ngành Công an và bất chợt tìm thấy niềm hạnh phúc với văn chương-đó là những bước ngoặt bất ngờ trong cuộc sống của Thượng úy Nguyễn Thị Thanh Thúy (Phòng ANCT nội bộ, Công an tỉnh).

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

(GLO)- Nắng hòa cùng bốn mùa xuân, hạ, thu, đông thành những gam màu khác nhau. Trong bài thơ mới của tác giả Nguyễn Ngọc Hưng, nắng được hóa thân thành "cô bé" với những tính cách nhí nhảnh, đáng yêu...
Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

(GLO)- Tôi quen và chơi với Nguyễn Ngọc Tư đã mấy chục năm và cũng hết sức bất ngờ khi mới đây chị công bố... thơ, mà tới 2 tập liên tiếp và bán tơi tới. Thì cả nước đều biết Nguyễn Ngọc Tư là nhà văn nổi tiếng, nhất là sau khi “Cánh đồng bất tận” xuất hiện.
Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

(GLO)- "Cỏ mây" của nhà thơ Lê Từ Hiển như một khúc tự tình của hoa dại, của mây trời, thỏa sức sống đời thảnh thơi nơi triền sông, cô độc trong sự ngọt ngào, hồn nhiên, ngất ngưởng...
Thơ Ngô Thanh Vân: Hoa đắng

Thơ Ngô Thanh Vân: Hoa đắng

(GLO)- Loài hoa mang trong mình vị đắng đót nhưng vẫn căng mình tận hiến không chỉ sắc vàng rực rỡ mà còn nuôi dưỡng cho đất đỏ bazan màu mỡ. Bài thơ "Hoa đắng" của nhà thơ Ngô Thanh Vân là những lời viết đầy cảm xúc dành cho loài hoa đặc trưng của vùng đất Tây Nguyên đầy nắng và gió này.
Bày tranh Việt đoạt giải thưởng Đông Nam Á trị giá nửa tỷ đồng

Bày tranh Việt đoạt giải thưởng Đông Nam Á trị giá nửa tỷ đồng

Tác phẩm đặc sắc của 8 nghệ sĩ trẻ tài năng nhất từ cuộc thi mỹ thuật uy tín Đông Nam Á “UOB Painting of the Year 2023” được trưng bày tại triển lãm, đón khách tham quan từ sáng 23/3 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Chủ nhân bức tranh được giải cao nhất mang về phần thưởng 500 triệu đồng.