Văn học dân tộc thiểu số Tây Nguyên cần sự tiếp nối và bật thoát

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Văn học dân tộc thiểu số (DTTS) đóng vai trò quan trọng trong sinh hoạt văn hóa tinh thần của mỗi người dân, là một bộ phận tạo nên hương sắc và sự đa dạng phong phú cho nền văn học nước nhà. Tuy nhiên, những sáng tác về đề tài dân tộc thiểu số những năm gần đây dần “thưa” đi cả về số lượng lẫn chất lượng.
Nhà văn Dương Thuấn từng thẳng thắn thừa nhận rằng: “Đội ngũ nhà văn DTTS hiện nay đang bị lão hóa… Văn học DTTS chưa bật lên được...”. Và, sự thật không chỉ riêng ở Tây Nguyên mà trên cả nước khi những cây bút viết về đề tài DTTS “gạo cội” đang chững lại bởi tuổi tác thì những người viết trẻ đang “loay hoay” hoặc “làm không tới” trong việc truyền tải bản sắc của dân tộc.
Tây Nguyên được xem là miền đất màu mỡ cho những cây bút viết về đề tài DTTS. Nhưng suốt một thời gian dài, mảng đề tài này hãy còn gượng gạo, còn e dè và “cầm chừng” ở “đường biên bóng dáng buôn làng”. Những cây bút người Tây Nguyên bản địa khi viết về văn học dân tộc mình thường chưa chủ động, chưa ý thức sâu sắc và đầy đủ trách nhiệm cá nhân người nghệ sĩ đối với dân tộc. Chính vì vậy, những cây bút viết về đề tài DTTS ngày một “vơi” dần theo thời gian cả về số lượng lẫn chất lượng.
Những Y Điêng (Phú Yên), Linh Nga Niêk Đăm, Niê Thanh Mai (Đak Lak), Nay Nô, Văn Công Hùng, Thu Loan, Phạm Đức Long, Hoàng Thanh Hương (Gia Lai), Tạ Văn Sĩ (Kon Tum), Krajan Plin (Lâm Đồng)... với những tác phẩm viết về hình ảnh con người và đời sống sinh hoạt, tinh thần của đồng bào Tây Nguyên bằng cái nhìn đa chiều. Sáng tác của họ phản ánh thân phận của người DTTS bản địa trước cuộc di cư và hội nhập của Tây Nguyên. Những đề tài về chiến tranh, những phong tục tập quán, những đấu tranh giữa cái mới-cái cũ... đã tạo nên sự bứt phá trong bút pháp, trong tư duy sống. Niê Thanh Mai nổi bật bởi sự tinh nhạy bằng sự khám phá những mảng khuất thầm kín của con người trước bộn bề thực tại trong sự khái quát đầy triết lý. Chị phác họa nên một Tây Nguyên với những trầm tích văn hóa mang đậm dấu ấn tộc người. Ở đó có cả sự chơi vơi, cô đơn của những kiếp phận trước sự “xâm thực” của kinh tế thị trường và sự đứt gãy, biến đổi của văn hóa tộc người.
Và những cây viết trẻ kế cận như: Đinh Su Giang, Y Việt Sa (Kon Tum), H’Siêu Buôn Yă, H’phi La Niê, H’wera Niê, H’xíu H’Mok (Đak Lak), Ksor H’Yuên (Gia Lai)… với sự nhập cuộc mạnh mẽ đã có cái nhìn cởi mở hơn, phóng khoáng hơn, nhuần nhuyễn hơn trong hình thức lẫn nội dung. Họ được trang bị đầy đủ kiến thức, được dìu dắt bởi những người có tâm, có tầm và lợi thế tiếp cận mọi vấn đề hot của xã hội nhanh chóng từ công nghệ thông tin nên sáng tác của họ đã có bứt phá về chất. Họ trình hiện tác phẩm của mình bằng tâm thế tự tin mang dấu ấn vùng miền, bắt kịp với trào lưu và thời đại. Nhưng rồi phải “đau đớn” thừa nhận rằng, văn học DTTS ở Tây Nguyên còn “khiêm tốn” so với miền núi phía Bắc và Tây Nam Bộ. Sự “khiêm tốn” ấy không chỉ ở đội ngũ sáng tác mà còn cả ở số/chất lượng, thể loại tác phẩm...
Các đại biểu chụp hình lưu niệm với trại viên Trại Hương rừng. Ảnh: Đông Hòa
Các đại biểu chụp hình lưu niệm với trại viên Trại Hương rừng. Ảnh: Đông Hòa
Lực lượng sáng tác văn học DTTS Tây Nguyên còn “mỏng manh”, sự trao truyền giữa các thế hệ không liên tiếp mà đứt gãy. Những cây viết trẻ luôn có ý thức tìm hiểu về cội nguồn về bản sắc văn hóa dân tộc và lưu giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống ấy vào tác phẩm của mình. Nhưng hãy còn như “hạt muối bỏ bể” để tạo nên sự độc đáo, trong bản nhạc đa thanh, phong phú đa dạng của văn chương Việt. Văn học DTTS Tây Nguyên cần những “cú hích” mạnh mẽ, riết róng hơn nữa từ bản thân của người cầm bút. Và, muốn viết được phải có vốn sống và sự am hiểu về văn hóa truyền thống của tộc người. Viết là sự đòi hỏi, sự thôi thúc, sự trả nợ ân tình với vùng đất ta đang sống nhưng viết trong sự hời hợt, sự mù mờ về văn hóa truyền thống là một sự “nguy hiểm” đáng sợ. Những trang viết như vậy không chỉ tạo nên sự ngộ nhận, hiểu sai về văn hóa vùng miền mà còn ảnh hưởng đến thế hệ mai sau.
Để các cây viết trẻ không hụt hẫng, chơi vơi trong sáng tác về đề tài văn học DTTS Tây Nguyên cần có nhiều hơn nữa những lớp tập huấn về văn hóa truyền thống và những đề án về bảo tồn, phát huy văn hóa DTTS. Có như vậy, văn học viết về đề tài DTTS mới làm tốt vai trò bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, tôn vinh giá trị truyền thống tốt đẹp trong thời đại mới.
Bên cạnh đó, khuyến khích những cây viết là người DTTS sáng tác bằng song ngữ bởi ngôn ngữ là kết tinh, là hồn vía của mỗi tộc người. Sáng tác bằng song ngữ giúp tác phẩm gần gũi hơn với các dân tộc tại chỗ, qua đó lưu giữ được cốt cách, tâm hồn dân tộc. Nó có ý nghĩa quan trọng trong việc giữ gìn phát huy bản sắc dân tộc và góp phần chống lại nguy cơ đồng hóa về văn hóa, vừa khẳng định sự hiện diện, sự tồn tại văn học DTTS Tây Nguyên trong dòng chảy của văn học hiện đại.
Hội Văn học-Nghệ thuật các tỉnh Tây Nguyên cần phối hợp để tổ chức những cuộc thi viết về chủ đề DTTS, phối hợp với Hội Văn học Nghệ thuật các DTTS Việt Nam tổ chức các hoạt động như hội nghị, hội thảo, lớp bồi dưỡng sáng tác, các trại viết về đề tài miền núi tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ thâm nhập thực tế đời sống sinh hoạt của các dân tộc trên địa bàn Tây Nguyên. Chú trọng hơn nữa công tác phát hiện, bồi dưỡng, giới thiệu nhân tố trẻ để kế thừa, phát huy những thành quả của thế hệ người viết đi trước.  
 Xu hướng toàn cầu hóa đặt văn học viết về đề tài DTTS nói chung và DTTS vùng Tây Nguyên nói riêng trước những thách thức, khó khăn mới. Sự xâm thực của kinh tế thị trường, ảnh hưởng của các trào lưu văn học thế giới và cả sự chủ quan của người viết khiến văn học viết về đề tài DTTS Tây Nguyên hiện tại đang “tụt hậu” so với thế hệ trước cả về lượng và chất. Gia Lai có 7 người viết trẻ (dưới 40 tuổi) gồm Lê Vi Thủy, Lê Thị Kim Sơn, Trương Thị Chung, Tạ Ngọc Điệp, Ksor H’Yuên (chưa hội viên), Phùng Thị Trúc (Trúc Phùng), Nguyễn Lữ Thu Hồng đang sáng tác đều tay và liên tục có tác phẩm xuất hiện đều đặn trên báo, tạp chí. Họ có một số sáng tác (chủ yếu là thơ) “chạm đến biên giới”, hơi hướng buôn làng. Một vài tác phẩm văn xuôi “rón rén” mà chưa chuyển tải được hết hồn cốt, tâm thế của người Tây Nguyên bản địa trong từng cử chỉ, hành động...
Văn học viết về đề tài DTTS đã tạo nên sự hòa thanh độc đáo trong nền văn học Việt Nam hiện đại. Quá trình hội nhập và phát triển đã thúc đẩy sự giao lưu, học hỏi giữa các vùng miền, dần xóa nhòa “đường biên vô hình” giữa miền núi và miền xuôi. Tọa đàm “Văn học DTTS Tây Nguyên-Những hướng đi” là bước “chạy đà” hoàn hảo để văn nghệ sĩ có được những kinh nghiệm và tư liệu quý trong hành trình sáng tạo của mình. Chúng ta chờ đợi những tín hiệu tích cực từ lực lượng cây viết trẻ, chờ đợi ở họ sự bật thoát nên những tác phẩm tinh túy, tiêu biểu cho văn hóa đất và người Tây Nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng. “Viết để trả nợ ân tình” là trách nhiệm và cũng là mệnh lệnh từ trái tim của mỗi người cầm bút.
ĐÔNG HÒA

Có thể bạn quan tâm

Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

(GLO)- 

Cảnh vật trên đỉnh Nghĩa Lĩnh cũ xưa như nghìn năm vẫn thế. Tác giả như lạc về nghìn xưa ấy và cảm nhận được bước luân chuyển vần vũ của thời gian. Vật đổi sao dời, chỉ có những buổi chiều nơi đây luôn mãi trong xanh…

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Từ giữa tháng 3.2024, dù chỉ mới hoạt động thử nghiệm, chưa hoàn thiện bàn giao, nhưng nhiều người vẫn chờ đợi suốt nhiều giờ để chờ xem nhạc nước tại quảng trường 29.3 (đường 2.9, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng).
Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

(GLO)- "Hoàng hôn" của nhà thơ Nguyễn Tấn Hỷ là tác phẩm nhiều cảm xúc trước bóng chiều hoàng hôn. Trong tia nắng le lói cuối ngày, những cánh chim mải miết tìm về tổ ấm, những đôi chân lam lũ mải miết về nhà...
Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

(GLO)- Hoàng Vũ Thuật thuộc thế hệ nhà thơ đàn anh của tôi, cùng lứa với các tài hoa như Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Khắc Thạch, Thạch Quỳ... ở miền Trung. Dẫu lớn tuổi nhưng ông luôn có ý thức tìm tòi, cách tân thơ cả hình thức và nội dung.
Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

(GLO)- Nắng hòa cùng bốn mùa xuân, hạ, thu, đông thành những gam màu khác nhau. Trong bài thơ mới của tác giả Nguyễn Ngọc Hưng, nắng được hóa thân thành "cô bé" với những tính cách nhí nhảnh, đáng yêu...
Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

(GLO)- Tôi quen và chơi với Nguyễn Ngọc Tư đã mấy chục năm và cũng hết sức bất ngờ khi mới đây chị công bố... thơ, mà tới 2 tập liên tiếp và bán tơi tới. Thì cả nước đều biết Nguyễn Ngọc Tư là nhà văn nổi tiếng, nhất là sau khi “Cánh đồng bất tận” xuất hiện.
Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

(GLO)- "Cỏ mây" của nhà thơ Lê Từ Hiển như một khúc tự tình của hoa dại, của mây trời, thỏa sức sống đời thảnh thơi nơi triền sông, cô độc trong sự ngọt ngào, hồn nhiên, ngất ngưởng...
Gương mặt thơ: Bùi Quang Thanh

Gương mặt thơ: Bùi Quang Thanh

(GLO)- Nhà thơ Bùi Quang Thanh quê Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, tuổi Canh Dần (1950). Năm 1971, ông là lính của Mặt trận Tây Nguyên, đã từng tham gia chiến dịch giải phóng Đăk Tô-Tân Cảnh 1972 và suýt nữa thì nằm lại giữa rừng “cánh Trung” vì sốt rét.