Để báo chí cách mạng thực hiện tốt sứ mệnh của mình

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Các cấp hội của Hội Nhà báo Việt Nam bằng các hình thức phù hợp, tăng cường giáo dục tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp, nâng cao bản lĩnh chính trị cho người làm báo; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để kịp thời bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người làm báo; xử lý nghiêm minh hội viên vi phạm quy định, quy tắc, vi phạm luật bị cơ quan chức năng xem xét, xử lý.
 

Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Diệp Anh
Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Diệp Anh


Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam Đỗ Văn Chiến đã nhấn mạnh như trên tại Hội nghị tổng kết Công tác Hội năm 2021 của Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hôm nay (16/5), tại Thanh Hóa.
Vững vàng vượt qua thách thức

Hội nghị đã tập trung tổng kết, đánh giá kết quả hoạt động của các cấp Hội Nhà báo Việt Nam trong năm 2021: Các hoạt động phong trào, tổ chức hoạt động thực tế bồi dưỡng nghiệp vụ cho hội viên; việc tham gia Giải báo chí Quốc gia và các giải báo chí do các cấp Hội Nhà báo chủ trì, phối hợp tổ chức; việc triển khai công tác hỗ trợ sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao; hoạt động bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên; việc thực hiện nghiêm Luật Báo chí năm 2016, 10 Điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam.

Hội nghị cũng đánh giá kết quả triển khai thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW ngày 08/4/2020 của Ban Bí thư về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới". Đồng thời đề ra và cụ thể hóa thành những chương trình hành động thiết thực, hiệu quả đối với phương hướng, nhiệm vụ năm 2022.

Phát biểu tại Hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh đánh giá, năm 2021 là một năm đầy biến động, thử thách đối với giới báo chí cả nước. Đây là năm đầu tiên chúng ta triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng trong một điều kiện hết sức khó khăn. Hai đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ ba và thứ tư lây lan mạnh mẽ trong cộng đồng, nhiều địa phương thực hiện giãn cách, mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nguồn tư liệu, chất liệu cho báo chí khan hiếm, điều kiện tác nghiệp của nhà báo gặp nhiều khó khăn, thu nhập của cơ quan báo chí sụt giảm nhiều. Thậm chí, có những thời điểm nhiều cơ quan báo chí có đến 70% lực lượng phóng viên nhiễm COVID-19, gây đứt gãy chuỗi sản xuất.

Tuy nhiên, lực lượng báo chí cách mạng Việt Nam vẫn vững vàng vượt qua thách thức, thể hiện rõ vai trò xung kích, dấn thân trên tuyến đầu. Các cấp Hội Nhà báo Việt Nam đã luôn sát cánh cùng các hội viên, các cơ quan báo chí, có mặt tại các vùng tâm dịch, tuyên truyền mạnh mẽ và hiệu quả các chủ trương, chính sách, lan tỏa những tấm gương sáng, phổ biến những cách làm hay, góp phần to lớn vào thành công chung của đất nước trong việc kiểm soát đại dịch COVID-19.


 

Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)
Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)


Tăng cường chấn chỉnh, xử lý sai phạm trong hoạt động báo chí

Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh cho biết, năm 2021 cũng là năm trọng điểm thực hiện công tác Quy hoạch báo chí. Việc chấn chỉnh, xử lý sai phạm trong hoạt động báo chí được tăng cường, nhất là những sai phạm trong việc không thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, tình trạng "báo hóa" tạp chí, tư nhân hóa báo chí. Hội Nhà báo Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Thông tin và Truyền thông, tiếp tục triển khai Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, phát triển báo chí theo định hướng của Đại hội XIII của Đảng: "xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại".

Theo báo cáo tổng kết Công tác hội năm 2021, phát huy vai trò, trách nhiệm của các Hội đồng xử lý vi phạm, với tư cách là cơ quan thường trực của Hội đồng, Ban Kiểm tra đã tiếp nhận trên 100 đơn thư tố cáo, khiếu nại, phản ánh, 100% đơn thư nói trên đã được nghiên cứu phân loại và xử lý, không có vụ việc nào tồn đọng hoặc khiếu nại; đôn đốc, đề nghị xử lý nghiêm các trường hợp nhà báo, hội viên vi phạm pháp luật, Điều lệ Hội và Quy định về đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam; kịp thời can thiệp bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của hội viên, nhà báo.

Năm 2021, do COVID-19 nên không tiến hành các cuộc kiểm tra cơ sở Hội theo định kỳ, chỉ thực hiện giám sát thông qua báo cáo của các tổ chức Hội. Nhìn chung, báo chí địa phương thực hiện nghiêm túc Điều lệ Hội và tuân thủ quy định pháp luật, tỷ lệ vi phạm chủ yếu ở báo chí Trung ương. Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp cấp Trung ương đã xử lý hơn 20 trường hợp vi phạm đạo đức nghề nghiệp; trong đó có một số vụ việc hội viên, nhà báo bị bắt vì chiếm đoạt, cưỡng đoạt tài sản.

Hoạt động của các cấp Hội vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần được khắc phục. Trước hết, về mô hình tổ chức bộ máy của Hội Nhà báo tỉnh, thành phố chưa thống nhất, hiện nay Hội Nhà báo địa phương có 04 mô hình, cụ thể là: Chủ tịch chuyên trách và Phó Chủ tịch kiêm nhiệm; Chủ tịch kiêm nhiệm và Phó Chủ tịch chuyên trách; Chủ tịch và Phó Chủ tịch đều chuyên trách; Chủ tịch và Phó Chủ tịch đều kiêm nhiệm.

Mặc dù có nhiều cố gắng đổi mới hình thức và nội dung nhưng kết quả hoạt động của tổ chức Hội còn thấp so với yêu cầu, mục tiêu đề ra. Ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, hội viên chưa cao trong việc thực hiện các phong trào do Hội tổ chức.

Công tác kiểm tra, giám sát chưa được thường xuyên, chặt chẽ nên chưa kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm. Việc phối hợp quản lý, giám sát sinh hoạt của hội viên là phóng viên thường trú cơ quan báo chí tại địa phương, một số tổ chức Hội cơ quan báo chí thực hiện chưa nghiêm.

Các cơ quan báo chí tiếp tục thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, dẫn tới sự thay đổi về tổ chức bộ máy tổ chức Hội và số lượng hội viên, ảnh hưởng không nhỏ đến tâm tư nguyện vọng của hội viên.


 

8 đơn vị báo chí đạt danh hiệu
8 đơn vị báo chí đạt danh hiệu "Tập thể xuất sắc" năm 2021 do Hội Nhà báo Việt Nam trao tặng. Ảnh; VGP/Diệp Anh


Nâng cao hơn nữa bản lĩnh chính trị người làm báo

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến đánh giá cao lực lượng báo chí cách mạng Việt Nam trong thời gian qua, đặc biệt là trong 2 năm xảy ra đại dịch COVID-19. Báo chí đã trở thành lực lượng xung kích trên mặt trận truyền thông, góp phần quan trọng vào sự thành công của các sự kiện chính trị lớn của đất nước, đóng góp xứng đáng công sức của mình trong công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Các cấp Hội nhà báo Việt Nam từ Trung ương đến địa phương đã có nhiều đóng góp to lớn trong việc tập hợp, đoàn kết, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức chính trị, trình độ nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp cho các nhà báo, theo dõi và kịp thời phản ánh mọi mặt đời sống, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân…

Là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội nhà báo Việt Nam đã đóng góp tích cực và có hiệu quả vào hoạt động chung của Mặt trận. Thực hiện Chương trình phối hợp và thống nhất hành động của Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam, các cấp Hội đã tuyên truyền sâu rộng, củng cố, bồi đắp niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ, làm cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nhận thức đầy đủ, sâu sắc vai trò của MTTQ Việt Nam trong xây dựng, củng cố, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến đã gợi mở trao đổi một số nội dung cụ thể. Thứ nhất, Hội nhà báo Việt Nam cần tiếp tục quán triệt sâu sắc và triển khai sâu rộng Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng trong hệ thống tổ chức Hội một cách thực chất, có chiều sâu hơn nữa, đổi mới thực chát công tác tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; hoạt động báo chí phục vụ đắc lực nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc theo tinh thần Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 21/5/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Thứ hai, cần tập trung triển khai thực hiện Chỉ thị 43/CT-TW, ngày 08/4/2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội nhà báo Việt Nam trong tình hình mới", nhằm tạo sự thống nhất trong lãnh đạo, quản lý hoạt động báo chí; giữ vững vai trò chỉ đạo, định hướng để báo chí cách mạng thực hiện tốt sứ mệnh tạo đồng thuận xã hội vì mục tiêu ổn định chính trị, khơi dậy ý thức, quyết tâm, khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Cần đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng trong các cơ quan báo chí, cấp Hội nhà báo. Tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII, Kết luận số 21-KL/TW Hội nghị Trung ương 4 khoá XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Thứ ba, đề nghị các cấp hội bằng các hình thức phù hợp, tăng cường giáo dục tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp, nâng cao bản lĩnh chính trị cho người làm báo, thường xuyên quán triệt, kiểm tra, giám sát để người làm báo cả nước thực hiện tốt các quy định về đạo đức người làm báo; quy tắc ứng xử trên mạng xã hội; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để kịp thời bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người làm báo, đồng thời cũng xử lý nghiêm minh hội viên vi phạm quy định, quy tắc, vi phạm luật bị cơ quan chức năng xem xét, xử lý.

Thứ tư, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, khoa học – công nghệ, nhất là CNTT phát triển mạnh mẽ, báo chí có nguy cơ bị truyền thông xã hội chi phối, lấn át, gây ra nhiều hệ luỵ, các cấp hội nhà báo, cơ quan báo chí cần đẩy mạnh chuyển đổi số, đổi mới, tăng cường các giải pháp đấu tranh, xử lý thông tin sai trái, vi phạm pháp luật Việt Nam trên nền tảng xuyên biên giới, phối hợp quản lý tốt với các nền tảng xuyên biên giới, nhất là nền tảng mạng xã hội, quảng cáo, kho ứng dụng, bảo vệ quyền lợi của báo chí trên các nền tảng xuyên biên giới.

Thứ năm, là thành viên của MTTQ Việt Nam, trong thời gian tới Hội nhà báo Việt Nam tiếp tục phát huy trách nhiệm trong hiệp thương thống nhất hành động, tích cực, chủ động tuyên truyền xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, công tác giám sát, phản biện xã hội, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại của nhân dân của MTTQ Việt Nam.

 

Năm 2021, Hội đã kết nạp 1.767 hội viên, thành lập mới 11 chi hội, tiến hành xóa tên 505 hội viên.

Tính đến hết tháng 4/2022, Hội Nhà báo Việt Nam có 21.201 hội viên và 288 tổ chức Hội, gồm: 63 Hội Nhà báo tỉnh/thành phố, 20 Liên Chi hội và 205 Chi hội; đổi, cấp thẻ hội viên giai đoạn 2021-2026 cho: 21.201 hội viên.


Theo Diệp Anh (chinhphu.vn)

Có thể bạn quan tâm

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

(GLO)- Những cảm xúc dạt dào như con sóng được tác giả Phùng Sơn thể hiện trong bài thơ "Biển nhớ". Trước mênh mông của biển, sóng vô tình vỗ bờ rồi lại mải miết trôi xa, để lại một nỗi ngóng trông, mong chờ, nhung nhớ...

Văn hóa báo chí thời đại số

Văn hóa báo chí thời đại số

Từ điểm khởi đầu những năm 1925 cho đến ngày đất nước thống nhất năm 1975, nền báo chí cách mạng Việt Nam đã đi qua nhiều giai đoạn lịch sử vinh quang, viết nên bao câu chuyện anh hùng của một dân tộc anh hùng.
Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Là người con của quê hương Kinh Bắc, bị cuốn hút bởi những hình ảnh mộc mạc, bình dị và rất đỗi thân quen qua những bản khắc gỗ tranh Đông Hồ, khi bén duyên với hội họa, họa sĩ Tú Duyên đã mày mò tìm hiểu và sáng tạo ra kỹ thuật thủ ấn họa.