Tái hiện Pleiku thập niên 80-90 trên phim

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Lần thứ 2 bắt tay thực hiện dự án điện ảnh với bộ phim độc lập “Vai anh em tựa vào”, biên kịch, đạo diễn Đào Phúc Quang Vũ (QVFilm-308 Trần Phú, TP. Pleiku) hy vọng tái hiện phố núi Pleiku thập niên 80-90 của thế kỷ trước với vẻ đẹp xưa cũ, đầy hoài niệm trên phim.
Sau bộ phim “Miền ký ức” (sản xuất năm 2021), đạo diễn Đào Phúc Quang Vũ tiếp tục thực hiện dự án điện ảnh thứ 2. Anh là người đầu tiên ở Gia Lai “cả gan” bỏ nhiều tiền để thực hiện các dự án phim độc lập với khát vọng đóng góp cho nền điện ảnh còn sơ khai của tỉnh.
“Vai anh em tựa vào” được làm lại từ bộ phim ăn khách của điện ảnh Hồng Kông “Vua hài kịch”-một tác phẩm xuất sắc của Châu Tinh Trì. Đạo diễn Đào Phúc Quang Vũ cho biết, đây là kịch bản khá an toàn, mục đích chính là tạo điều kiện để dàn diễn viên trẻ người Gia Lai có cơ hội cọ xát, thể hiện năng lực. Chuyện phim kể về chàng trai tên Thiên với niềm đam mê điện ảnh và tìm mọi cách để có được một vai chính trong đời. Nhưng số phận lại chỉ dành cho anh những vai phụ, không nhiều đất diễn và thù lao đôi khi chỉ là hộp cơm. Số phận đưa đẩy anh gặp Liễu-một cô gái bán hoa tính khí cộc cằn, nhiều góc khuất số phận sau lớp phấn son. Sự hiềm khích xảy ra giữa Liễu và Thiên bắt đầu từ khi anh phải làm công việc bất đắc dĩ là dạy cho các cô gái bán hoa cách diễn xuất để mồi chài khách hàng. Từ đó, nhiều tình huống dở khóc dở cười xảy ra trong mối quan hệ ngang trái này.
Đạo diễn Đào Phúc Quang Vũ (bìa phải) casting vai chính cho phim “Vai anh em tựa vào” (ảnh nhân vật cung cấp).
Đạo diễn Đào Phúc Quang Vũ (bìa phải) casting vai chính cho phim “Vai anh em tựa vào” (ảnh nhân vật cung cấp).
Sử dụng kịch bản từ một bộ phim hài ăn khách của điện ảnh Hồng Kông, đạo diễn Đào Phúc Quang Vũ đã “Việt hóa” ít nhiều để phù hợp với văn hóa và thị hiếu khán giả Việt. Những câu thoại rất đời, gần gũi với đời sống, đặc biệt có những câu trở thành hiện tượng mạng xã hội được lồng ghép khéo léo tăng tính hài hước, gây cười nhưng cũng chứa đựng sự chiêm nghiệm sâu sắc về cuộc sống. Anh Vũ cho biết: “Đây là thể loại phim chính kịch, tức là nhân vật tạo nên câu chuyện. Diễn viên diễn xuất tốt hay không liên quan đến sự thành công hay thất bại của phim. Phim dành sự thử thách khả năng diễn xuất cho dàn diễn viên trẻ. Tôi chọn làm lại phim của Châu Tinh Trì vì kịch bản an toàn, gây tò mò cho người xem, nhiều đất diễn cho diễn viên sáng tạo, thể hiện khả năng trước ống kính. Hơn nữa, khi xem “Vua hài kịch”, nhiều bối cảnh của Hồng Kông khiến tôi liên tưởng tới phố núi Pleiku những năm 80-90, mang vẻ đẹp xưa cũ, đầy hoài niệm. Do đó, tôi không quá khó để chọn bối cảnh quay cho “Vai anh em tựa vào”.
Đây là dự án đạo diễn Đào Phúc Quang Vũ đã ấp ủ khá lâu. Khi làm từ thiện cùng MC Nguyễn Hoàng Nam dịp nghỉ lễ 30-4, len lỏi trong các hẻm nhỏ, những con dốc trập trùng của đô thị Pleiku, anh Vũ nhận ra Phố núi mang vẻ đẹp nhiều hoài niệm, nhiều góc quay “đắt”. “Đó là đô thị vừa mang vẻ đẹp trầm tĩnh, hoài cổ, vừa có dáng vẻ hiện đại của một thành phố trẻ. Nhưng trên hết, đây là thành phố văn hóa-lịch sử thú vị. Một đoạn đường với những ngôi nhà sơn vàng, đá rửa cũ kỹ gợi lên biết bao hoài niệm. Tôi lang thang nhiều nơi chọn lựa bối cảnh để có những góc nhìn điện ảnh Phố núi ưng ý. Khán giả sẽ thấy lại Pleiku xưa giữa cuộc sống hiện đại hôm nay qua những khung hình đẹp do tôi trực tiếp cầm máy”-anh Vũ cho biết.
Phim sẽ có những pha hành động võ thuật đẹp mắt. Ảnh: NVCC
Phim sẽ có những pha hành động võ thuật đẹp mắt. Ảnh: NVCC
Dự án đã xong phần casting và lựa chọn nhân vật chính vào vai Liễu, Thiên và Quyên cùng dàn diễn viên phụ, tổng cộng trên 20 người. Đạo diễn Đào Phúc Quang Vũ cũng đặt hàng 2 ca khúc viết riêng cho chủ đề phim, đồng thời nhờ huấn luyện viên võ cổ truyền Vovinam tư vấn cho các cảnh võ thuật trong phim. Phim dự định bấm máy đầu năm sau. Anh Vũ chia sẻ: “Mọi thứ đưa lên phim đều đậm văn hóa Việt Nam, kể cả võ thuật. Tôi còn có tham vọng lớn hơn là chọn lọc những nét văn hóa, lịch sử, ẩm thực đặc trưng Pleiku đưa vào các dự án điện ảnh, chứ không chỉ có cảnh quan, kiến trúc đô thị như trong “Vai anh em tựa vào”. Bạn bè nhiều người làm điện ảnh, họ đang theo dõi từ xa nên tôi có chút áp lực. Nhưng cũng chính vì vậy mà tôi cần phải nỗ lực chuyên nghiệp ngay từ những dự án điện ảnh nhỏ để nuôi dưỡng đứa con tinh thần một cách khỏe mạnh nhất”.
Đạo diễn Đào Phúc Quang Vũ chia sẻ thêm về dự định làm một bản phim ngắn (dưới 15 phút) để tham gia Quỹ “Vẻ đẹp điện ảnh-Kinh tế sáng tạo Việt Nam” mà Netflix mới ra mắt cuối tháng 10 vừa qua. Đây là dự án nhằm hỗ trợ những nhà làm phim ít được biết đến tại Việt Nam như các nhà làm phim nữ, những nhà sáng tạo đầy khát vọng đang sinh sống xa trung tâm Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, người có hoàn cảnh kinh tế khó khăn nhưng đam mê điện ảnh, tạo cơ hội để tiếng nói của họ được lắng nghe. “Dự án này của Netflix hỗ trợ cho các hãng phim nhỏ nên dành nhiều cơ hội cho tôi. Điều đó cho thấy những người làm phim độc lập, ở các tỉnh lẻ, nhất là những địa phương chưa có ngành công nghiệp điện ảnh đang được quan tâm chú ý. Tôi đã hoàn thiện bản phim ngắn để gửi cho quỹ này, hạn cuối là ngày 31-12”-anh Vũ nói.
HOÀNG NGỌC

Có thể bạn quan tâm

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

(GLO)- Những cảm xúc dạt dào như con sóng được tác giả Phùng Sơn thể hiện trong bài thơ "Biển nhớ". Trước mênh mông của biển, sóng vô tình vỗ bờ rồi lại mải miết trôi xa, để lại một nỗi ngóng trông, mong chờ, nhung nhớ...

Văn hóa báo chí thời đại số

Văn hóa báo chí thời đại số

Từ điểm khởi đầu những năm 1925 cho đến ngày đất nước thống nhất năm 1975, nền báo chí cách mạng Việt Nam đã đi qua nhiều giai đoạn lịch sử vinh quang, viết nên bao câu chuyện anh hùng của một dân tộc anh hùng.
Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Là người con của quê hương Kinh Bắc, bị cuốn hút bởi những hình ảnh mộc mạc, bình dị và rất đỗi thân quen qua những bản khắc gỗ tranh Đông Hồ, khi bén duyên với hội họa, họa sĩ Tú Duyên đã mày mò tìm hiểu và sáng tạo ra kỹ thuật thủ ấn họa.