Bức 'Thiếu phụ bên sông' của Mai Trung Thứ bán đấu giá dự báo 1,3 triệu USD

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nếu ở tiểu thuyết, phim, kịch, hoặc các chương trình giải trí, một cú plot twist (thắt mở nút) luôn làm người theo dõi thấy thú vị, hoặc ú tim thì trong thị trường mỹ thuật, Mai Trung Thứ đã và đang có các cú thắt mở nút như vậy.

Suốt nửa thế kỷ qua, về giá bán, tranh của họa sĩ Mai Trung Thứ trên thị trường công khai thường xếp sau Lê Phổ và vài họa sĩ Việt Nam khác. Thế nhưng hai ba năm gần đây thì tình hình dần xoay chuyển; từ khi Chân dung cô Phượng (sơn dầu trên toan, 135,5cm x 80cm, 1930) bán hơn 3,1 triệu USD tại nhà Sotheby’s Hong Kong hồi 18.4.2021, Mai Trung Thứ trở thành quán quân.

 

Thiếu phụ bên sông, sơn mài trên toan, 98cm x 70cm, 1937) của họa sĩ Mai Trung Thứ có giá ước định từ 5.000.000 đến 7.000.000 HKD (tương đương từ 641.000 đến 897.000 USD). Ảnh: T.L Lý Đợi
Thiếu phụ bên sông, sơn mài trên toan, 98cm x 70cm, 1937) của họa sĩ Mai Trung Thứ có giá ước định từ 5.000.000 đến 7.000.000 HKD (tương đương từ 641.000 đến 897.000 USD). Ảnh: T.L Lý Đợi


Bức Chân dung cô Phượng được Mai Trung Thứ sáng tác năm 1930, khi ông là giáo viên dạy vẽ tại Lycée Francais de Hue (Trung học Pháp tại Huế). Nó xuất hiện lần đầu tại triển lãm của Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương ở Hà Nội năm 1930. Sau đó xuất hiện tại Exposition Coloniale Internationale (Triển lãm thuộc địa quốc tế) ở Paris năm 1931, được một nhà sưu tập người Pháp mua. Tập L'Illustration - L'Exposition Colonial (Tạo hình - Triển lãm thuộc địa), số 4608-89, phát hành ngày 27.6.1931 có đề cập bức này ở trang 24.

Năm 1930, khi áo dài tân thời mới manh nha, còn rất ít người mặc, những họa sĩ như Lemur Cát Tường, Lê Phổ, Mai Trung Thứ và nhiều người khác đã nhập cuộc xiển dương bằng cách vẽ áo dài nhiều nơi. Tác phẩm Chân dung cô Phượng có thể là một kết quả như vậy, với chiếc áo dài thiết kế theo phong cách Lê Phổ. Cho nên, về mặt lịch sử, chiếc áo dài và mái tóc ngắn kiểu demi-garçon của cô Phượng là một cảm hứng tiền phong thời bấy giờ.

Chia sẻ cách nhìn của nhà phê bình Nguyên Hưng, đại ý Lê Phổ không phải là họa sĩ giàu sáng tạo nhất của bộ tứ Paris, nhưng được quảng bá tốt hơn và làm thị trường xuyên suốt hơn.

Trong bộ tứ Paris, từ lâu, nhiều người vẫn thích tranh Mai Trung Thứ nhất, vì nó không quá hướng vào câu chuyện Việt Nam như Vũ Cao Đàm, mà cũng không quá hướng về trang trí như Lê Phổ.

Tranh của Mai Trung Thứ có nhiều sự hài hòa hơn trong cách kể chuyện và phối hợp Đông Tây, không chỉ ở vật liệu, cấu trúc, bảng màu, mà còn ở cách tạo bản sắc riêng cho câu chuyện. Nói nôm na, dù kể câu chuyện Việt, nhưng nó không quá khu biệt, riêng tư để người châu Âu cảm thấy bị cách biệt.

Vào lúc 14 giờ ngày 14.12 tới đây, Sotheby’s Hong Kong mở phiên Mapping Modernities (tạm dịch: Bản đồ hiện đại), bức Femme au chapeau conique le long de la rivière (tạm dịch: Thiếu phụ bên sông, sơn mài trên toan, 98cm x 70cm, 1937) của Mai Trung Thứ có giá ước định cao thứ nhì.

Với giá ước định từ 5.000.000 đến 7.000.000 HKD (tương đương từ 641.000 đến 897.000 USD), bức này dễ dàng bán đến 10.000.000 HKD, tương đương gần 1,3 triệu USD.

Nếu hôm ấy có sự tham dự đủ của 3-4 nhà sưu tập cỡ bự đang thích tranh Mai Trung Thứ, thì giá cuối cùng của bức này hoàn toàn có thể cạnh tranh với bức Chân dung cô Phượng.

Có thể thấy hai bức này đều được vẽ trong thời điểm tạm gọi là giai đoạn đi dạy vẽ tại Trường Quốc học Huế. Thiếu phụ bên sông được vẽ năm 1937. Sau đó Mai Trung Thứ sang Pháp định cư năm 1938.

 

Bức Chân dung cô Phượng từng bán hơn 3,1 triệu USD cũng tại nhà Sotheby’s Hong Kong. Ảnh: T.L Lý đợi
Bức Chân dung cô Phượng từng bán hơn 3,1 triệu USD cũng tại nhà Sotheby’s Hong Kong. Ảnh: T.L Lý Đợi


Có vẻ như cả hai tranh của Mai Trung Thứ đều dùng một người mẫu, nên Thiếu phụ bên sông cũng có thể là cô Phượng đứng bên sông. Mà sông ở đây là sông Hương, một biểu tượng của Huế, nên nhân vật chính cũng phảng phất nhiều chất Huế qua chiếc nón, qua màu áo xanh.

Tuy nhiên, Mai Trung Thứ vẫn giữ lại chút hương vị Bắc, đó là kiểu áo dài tân thời được tạm gọi là may theo phong cách Lê Phổ khiến cho sức hút của tác phẩm đang bắt đầu "tạo sóng" trước phiên đấu giá.

 

Theo LÝ ĐỢI (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

(GLO)- Những cảm xúc dạt dào như con sóng được tác giả Phùng Sơn thể hiện trong bài thơ "Biển nhớ". Trước mênh mông của biển, sóng vô tình vỗ bờ rồi lại mải miết trôi xa, để lại một nỗi ngóng trông, mong chờ, nhung nhớ...

Những tên tuổi mỹ thuật Đông Dương trở lại

Những tên tuổi mỹ thuật Đông Dương trở lại

Cùng với sự "vươn khơi" của mỹ thuật VN ra thế giới qua nhiều triển lãm quốc tế và đấu giá đình đám thì gần đây, việc tái xuất các tên tuổi hội họa xưa Trường Mỹ thuật Đông Dương tại VN cũng góp phần làm cho thị trường tranh trong nước thêm hấp dẫn, sôi động…
Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Là người con của quê hương Kinh Bắc, bị cuốn hút bởi những hình ảnh mộc mạc, bình dị và rất đỗi thân quen qua những bản khắc gỗ tranh Đông Hồ, khi bén duyên với hội họa, họa sĩ Tú Duyên đã mày mò tìm hiểu và sáng tạo ra kỹ thuật thủ ấn họa.
Cái đẹp trong thơ phái đẹp

Cái đẹp trong thơ phái đẹp

Phái đẹp, một nửa nhân loại của chúng ta có biết bao nhiêu nhà thơ từ xưa đến nay. Khi tôi tìm kiếm những câu thơ mà tôi cho là hay để đưa vào cuốn “Những câu thơ hay Đông-Tây-Kim-Cổ” (Nhà xuất bản giáo dục năm 2013) tôi mới biết được nhiều điều mà lâu nay tôi chưa hiểu hết.