Nguyên mẫu nhân vật Thế trong "Đất nước đứng lên"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cuối năm 2008, trong chuyến công tác tại TP. Đà Nẵng để sưu tầm tư liệu phục vụ biên tập cuốn sách “Tôn vinh cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, cán bộ ở lại miền Nam sau ngày 20-7-1954 của tỉnh Gia Lai”, chúng tôi may mắn khai thác được thông tin về nguyên mẫu nhân vật Thế trong tiểu thuyết “Đất nước đứng lên” của nhà văn Nguyên Ngọc. Đó là ông Huỳnh Hoàn-cán bộ ở lại Gia Lai hoạt động sau Hiệp định Genève.
Cũng giống như nhân vật Thế trong tác phẩm “Đất nước đứng lên”, ngoài đời thực, ông Huỳnh Hoàn là người cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng chiến đấu với Anh hùng Núp và dân làng Stơr (xã Tơ Tung, huyện Kbang). Chính vì vậy, hình ảnh Anh hùng Núp, buôn làng và mảnh đất này luôn khắc sâu trong tâm trí người cán bộ cách mạng. Biết được tâm tư đó, năm 1973, một người bạn đã tặng ông cuốn sách “Đất nước đứng lên” của nhà văn Nguyên Ngọc. Sau này, ông Hoàn về sống với con gái tại TP. Đà Nẵng. Mỗi khi nhớ về con người và buôn làng Tây Nguyên, ông lại lấy cuốn sách “Đất nước đứng lên” ra đọc. Bà Huỳnh Thị Lâm Sang-con gái ông Huỳnh Hoàn-chia sẻ: “Ba tôi suốt ngày ôm khư khư cuốn sách và cất giữ sách cẩn thận như người bạn tri kỷ của mình”. Năm 2000, ông Hoàn qua đời, bà Sang đã giữ lại cuốn sách làm kỷ niệm. Gặp chúng tôi, bà đã tặng lại cuốn sách “Đất nước đứng lên” để Bảo tàng tỉnh Gia Lai bảo quản, trưng bày và phục vụ công tác tuyên truyền.
Ông Huỳnh Hoàn (Huỳnh Anh Thế) được đồng bào gọi bằng tên thân thuộc là Bri, Ama Trang. Ông sinh năm 1920 tại xã Phổ Thuận, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê có phong trào cách mạng sớm phát triển, ông Hoàn đã sớm giác ngộ cách mạng, hoạt động bí mật trong tổ chức Việt Minh, tuyên truyền, vận động Nhân dân trong xã tham gia phong trào chống phát xít Nhật.
Bìa sách “Đất nước đứng lên” in năm 1973.  Ảnh: Lê Hà
Bìa sách “Đất nước đứng lên” in năm 1973. Ảnh: Lê Hà
Cách mạng Tháng Tám 1945 nổ ra tại địa phương, ông Hoàn hăng hái vận động Nhân dân đứng lên giành chính quyền. Ông được người dân tín nhiệm bầu làm Xã đội trưởng, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Thanh niên cứu quốc. Tháng 3-1948, ông Hoàn được kết nạp vào Đảng. Sau đó, ông được tổ chức điều động lên công tác ở Huyện đội An Khê. Ban đầu, ông được tổ chức giao phụ trách xây dựng lực lượng dân quân du kích xã, rồi được bầu làm Bí thư Đảng ủy xã Nam Ka Nak. Từ khi ông về đây công tác, phong trào xây dựng làng kháng chiến ở An Khê bắt đầu phát triển rộng khắp. Ông cùng Chi bộ xã lãnh đạo phong trào cách mạng, lấy làng Stơr-một làng bất hợp tác với Pháp từ trước năm 1945, làm nòng cốt để xây dựng vùng căn cứ chống địch phía Tây Nam huyện. Ông chú trọng xây dựng tổ Đảng điển hình ở làng Stơr. Ông Hoàn chính là người bồi dưỡng, kết nạp ông Đinh Núp vào Đảng. Đến đầu năm 1954, vùng Tây Nam huyện An Khê đã hình thành vùng căn cứ trên 20 làng, làm địa bàn đứng chân của lực lượng vũ trang huyện An Khê.
Sau Hiệp định Genève (20-7-1954), ông Hoàn được bố trí ở lại Gia Lai tiếp tục công tác, vẫn giữ chức Bí thư xã Nam Ka Nak. Đến năm 1956, Tỉnh ủy chỉ định ông bổ sung vào Ban cán sự Đảng huyện 2, phụ trách công tác vận động tề ngụy. Năm 1959, do nhu cầu cán bộ ở khu vực Nam Tây Nguyên, ông cùng một số đồng chí khác ở Gia Lai được điều chuyển công tác sang tỉnh Đak Lak. Khi đất nước hòa bình, ông Hoàn được phân công công tác tại nhiều địa phương, đảm nhận nhiều chức vụ khác nhau nhưng ông luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà Đảng và Nhân dân giao phó. Đầu năm 1977, ông nghỉ hưu.
Ông Hoàn đã gắn bó với mảnh đất An Khê anh hùng từ những năm đầu kháng chiến chống Pháp. Ông có công bồi dưỡng ông Đinh Núp trở thành chiến sĩ cách mạng (năm 1955, ông Đinh Núp được phong Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân) và có nhiều kinh nghiệm trong việc xây dựng căn cứ kháng chiến vùng Tây Nam huyện An Khê (thời kỳ 1949-1954). Đồng bào dân tộc vùng Nam Kbang ngày nay có nhiều cụ già vẫn còn nhớ đến hình ảnh ông Huỳnh Hoàn-anh cán bộ Thế luôn tận tụy, gần gũi và quý trọng đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.
Với những cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng, ông Huỳnh Hoàn được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều huân-huy chương, trong đó có Huân chương Độc lập hạng nhì. Ông Huỳnh Hoàn và Anh hùng Núp đều đã về cõi vĩnh hằng, song tên tuổi và những chiến công của họ vẫn còn lưu danh sử sách.
NGUYỄN ANH MINH

Có thể bạn quan tâm

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

(GLO)- Nắng hòa cùng bốn mùa xuân, hạ, thu, đông thành những gam màu khác nhau. Trong bài thơ mới của tác giả Nguyễn Ngọc Hưng, nắng được hóa thân thành "cô bé" với những tính cách nhí nhảnh, đáng yêu...
Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

(GLO)- Tôi quen và chơi với Nguyễn Ngọc Tư đã mấy chục năm và cũng hết sức bất ngờ khi mới đây chị công bố... thơ, mà tới 2 tập liên tiếp và bán tơi tới. Thì cả nước đều biết Nguyễn Ngọc Tư là nhà văn nổi tiếng, nhất là sau khi “Cánh đồng bất tận” xuất hiện.
Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

(GLO)- "Cỏ mây" của nhà thơ Lê Từ Hiển như một khúc tự tình của hoa dại, của mây trời, thỏa sức sống đời thảnh thơi nơi triền sông, cô độc trong sự ngọt ngào, hồn nhiên, ngất ngưởng...
Gương mặt thơ: Bùi Quang Thanh

Gương mặt thơ: Bùi Quang Thanh

(GLO)- Nhà thơ Bùi Quang Thanh quê Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, tuổi Canh Dần (1950). Năm 1971, ông là lính của Mặt trận Tây Nguyên, đã từng tham gia chiến dịch giải phóng Đăk Tô-Tân Cảnh 1972 và suýt nữa thì nằm lại giữa rừng “cánh Trung” vì sốt rét.

Thơ Ngô Thanh Vân: Hoa đắng

Thơ Ngô Thanh Vân: Hoa đắng

(GLO)- Loài hoa mang trong mình vị đắng đót nhưng vẫn căng mình tận hiến không chỉ sắc vàng rực rỡ mà còn nuôi dưỡng cho đất đỏ bazan màu mỡ. Bài thơ "Hoa đắng" của nhà thơ Ngô Thanh Vân là những lời viết đầy cảm xúc dành cho loài hoa đặc trưng của vùng đất Tây Nguyên đầy nắng và gió này.
Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

(GLO)- Những cảm xúc dạt dào như con sóng được tác giả Phùng Sơn thể hiện trong bài thơ "Biển nhớ". Trước mênh mông của biển, sóng vô tình vỗ bờ rồi lại mải miết trôi xa, để lại một nỗi ngóng trông, mong chờ, nhung nhớ...