Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật: Đừng để sót người tài, cũng đừng để lọt người không xứng đáng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Mỗi kỳ xét Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước (5 năm/lần) thường luôn có dư luận khác nhau. Một mặt đó là cái hay, cho thấy sự quan tâm sâu sắc của dư luận đối với hai giải thưởng uy tín, nhưng mặt khác cho thấy vẫn còn nhiều điều bất cập khi xét giải hay nói cách khác vẫn bỏ sót người tài.

Áp phích phim “Thành phố lúc rạng đông”. Cố NSND, Đạo diễn Hải Ninh năm 2007,đã đoạt giải thưởng Hồ Chí Minh với cụm tác phẩm: “Em bé Hà Nội”, “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”, “Người chiến sĩ trẻ”, “Mối tình đầu” và “Thành phố lúc rạng đông”. Nguồn CĐA
Áp phích phim “Thành phố lúc rạng đông”. Cố NSND, Đạo diễn Hải Ninh năm 2007,đã đoạt giải thưởng Hồ Chí Minh với cụm tác phẩm: “Em bé Hà Nội”, “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”, “Người chiến sĩ trẻ”, “Mối tình đầu” và “Thành phố lúc rạng đông”. Nguồn CĐA


Tránh cơ chế xin - cho

Với những văn nghệ sĩ có đóng góp nhiều cho xã hội, về cuối đời, nhiều người đều mong một sự ghi nhận thành tựu trọn đời như Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước. Nhưng với bản tính kiêu hãnh, họ không muốn làm đơn giống kiểu xin-cho. Đó là chưa kể, tuổi già, sức yếu, phần lớn những văn nghệ sĩ U80 quá mệt mỏi để khai rất nhiều tiểu mục trong hồ sơ xin xét giải nếu không có sự hỗ trợ của con cháu. Có cách nào để giúp các nghệ sĩ cao tuổi không? Như đơn vị cơ sở nơi họ đã gắn bó làm việc gần suốt cuộc đời cử người đến giúp các cụ? Duy nhất có trường hợp nhạc sĩ Phạm Tuyên được Hội đồng xét Giải thưởng Hồ Chí Minh dù nhạc sĩ không chủ động làm hồ sơ.

Việc xét Giải thưởng Hồ Chí Minh và Nhà nước căn cứ trên tiêu chí chất lượng tác phẩm chứ không phải xét trên việc đánh giá sự nghiệp của cá nhân. Điều đó cũng đặt ra nhiều ý kiến tranh luận khác nhau. Từ tác giả đi tìm tác phẩm hay từ tác phẩm soi ngược lại tác giả. Thực tế là nền văn học nghệ thuật Việt Nam đang thiếu tác phẩm đỉnh cao. Vì thế xét tác phẩm là cách làm đúng.

Những điều bất cập

Việc xét Giải thưởng có đặc thù là có thể làm đơn xét thẳng Giải thưởng Hồ Chí Minh mà không cần qua xét Giải thưởng Nhà nước. Cũng có người tự tin xét thẳng lên Giải thưởng Hồ Chí Minh và đã thành công. Nhiều trường hợp lại muốn đi lần lượt từ Giải Nhà nước lên Giải Hồ Chí Minh. Đó là sự lựa chọn của mỗi cá nhân. Tuy nhiên vấn đề nằm ở tác phẩm mới. Như trường hợp NSND, đạo diễn, nhà biên kịch phim tài liệu nổi tiếng Đào Trọng Khánh là một ví dụ. Ông đã gửi tác phẩm đi dự và được nhận Giải thưởng Nhà nước mấy năm trước. Lần này ông gửi 2 tác phẩm dự Giải Hồ Chí Minh và bị loại dù ở Hội đồng cơ sở ông được phiếu cao. Lý do, ông không có tác phẩm mới để đạt tiêu chí, 2 tác phẩm gửi đi là cũ. Giá như NSND Đào Trọng Khánh gửi thẳng hồ sơ lên xét Giải Hồ Chí Minh từ mấy năm trước có khi lại thắng.

Trong khi nhìn sang một lĩnh vực khác là việc phong tặng danh hiệu cho nghệ sĩ bắt buộc phải đi theo trình tự nghĩa là muốn lên NSND phải được phong NSƯT sau 5 năm, điều này lại nảy sinh bất cập khi nghệ sĩ nhất là diễn viên chỉ có thì, với nhiều người cao tuổi sẽ khó có vai đóng mới sau này. Sao không cho xét tặng thẳng lên NSND? Nhưng đó là câu chuyện sẽ bàn ở một bài báo khác.

Trở lại chuyện xét giải, ở đây sự cả nể của Hội đồng cơ sở nhiều khi làm nhiều nghệ sĩ “tâm tư”. Hội đồng xét Giải cơ sở phải nắm vững các tiêu chí cần thiết hơn ai hết, nhưng nhiều khi vì sự cả nể, vì sự “ngại” va chạm nên nhiều trường hợp bỏ phiếu 100% để được tiếng là ủng hộ hội viên và sau đó “đẩy quả bóng” lên trên Hội đồng cấp cao hơn.

Sự công tâm khi bỏ phiếu là một điều rất quan trọng tránh cho sự cá nhân, mang dụng ý khác lên tiếng ở Hội đồng cao hơn khi đã có trường hợp một PGS.TS có nhiều công trình được ứng dụng ở nhiều trường Đại học, nhưng khi ra xét, có ý kiến nói công trình ông ta không được ứng dụng ở đâu cả, khiến nhiều thành viên không biết đã không bỏ phiếu. Những trường hợp này nên xét lại ngay để đảm bảo sự công bằng. Tránh để cho người xứng đáng bị bỏ ra để 5 năm sau mới có cơ hội.

Cái khó và sự thiệt thòi của các nhà nghiên cứu lý luận phê bình văn học

Các nhà nghiên cứu lý luận phê bình văn học khi gửi hồ sơ đi xét Giải có hai sự lựa chọn: Hoặc nộp hồ sơ cho Hội nhà văn Việt Nam, hoặc nộp cho Bộ khoa học công nghệ. Vì bản thân tác phẩm, công trình của họ mang tính nghiên cứu khoa học.

Nộp cho Hội nhà văn thì cái khó là nhiều người trong Hội đồng hay đánh giá cao giới sáng tác hơn giới phê bình, nhất là những nhà phê bình văn học cổ đại, cận đại và cả hiện đại. Chỉ có nhà nghiên cứu văn học đương đại mới dễ được chú ý. Còn với Bộ khoa học công nghệ thường Hội đồng hay xét đến công trình mang tính ứng dụng cao làm lợi cho Nhà nước. Ở lần xét giải lần trước, các nhà nghiên cứu phê bình văn học đã bị loại oan, khi nhiều người đạt đủ 100% phiếu ở cả hai Hội đồng cơ sở (Viện Văn học Việt Nam) và chuyên ngành (Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) đều bị loại một cách phũ phàng ở Hội đồng xét giải của Bộ khoa học công nghệ. Chắc chắn nhiều vị trong Bộ này không thể đánh giá hết tầm quan trọng và giá trị của những công trình nghiên cứu phê bình văn học. Việc loại oan này đã dẫn đến sự phản ứng của dư luận, truyền thông, trong có các báo như Nhân Dân, Đài tiếng nói Việt Nam - VOV, Công an nhân dân, Dân trí…

Đợt xét kỳ này, yêu cầu của trên lại là những nhà nghiên cứu phải có trên 50% công trình mới so với lần xét trước mới đủ điều kiện gửi đi. Điều này thực sự gây khó cho các nhà nghiên cứu phê bình văn học cao tuổi bởi cái gì tâm huyết nhất họ đã đem ra dự lần đầu, giờ đây phải tự loại đi trên 50% để gửi cái kém hơn thì không khó để đoán ra kết quả sau cùng.

Đối với một văn nghệ sĩ thì giải thưởng không phải là tất cả, nó cũng không phải là dòng chảy chủ lưu. Giải thưởng là thước đo, sự ghi nhận của Nhà nước. Đừng để bỏ sót những người tài xứng đáng và cũng đừng để lọt vào những ai đó không xứng đáng.

 

Theo thời gian, mọi giải thưởng cũng qua đi, chỉ có những tác phẩm xứng đáng là còn mãi.


https://laodong.vn/van-hoa-giai-tri/giai-thuong-ho-chi-minh-giai-thuong-nha-nuoc-ve-van-hoc-nghe-thuat-dung-de-sot-nguoi-tai-cung-dung-de-lot-nguoi-khong-xung-dang-930157.ldo



Theo Việt Văn (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

(GLO)- Những cảm xúc dạt dào như con sóng được tác giả Phùng Sơn thể hiện trong bài thơ "Biển nhớ". Trước mênh mông của biển, sóng vô tình vỗ bờ rồi lại mải miết trôi xa, để lại một nỗi ngóng trông, mong chờ, nhung nhớ...

Những tên tuổi mỹ thuật Đông Dương trở lại

Những tên tuổi mỹ thuật Đông Dương trở lại

Cùng với sự "vươn khơi" của mỹ thuật VN ra thế giới qua nhiều triển lãm quốc tế và đấu giá đình đám thì gần đây, việc tái xuất các tên tuổi hội họa xưa Trường Mỹ thuật Đông Dương tại VN cũng góp phần làm cho thị trường tranh trong nước thêm hấp dẫn, sôi động…
Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Là người con của quê hương Kinh Bắc, bị cuốn hút bởi những hình ảnh mộc mạc, bình dị và rất đỗi thân quen qua những bản khắc gỗ tranh Đông Hồ, khi bén duyên với hội họa, họa sĩ Tú Duyên đã mày mò tìm hiểu và sáng tạo ra kỹ thuật thủ ấn họa.
Cái đẹp trong thơ phái đẹp

Cái đẹp trong thơ phái đẹp

Phái đẹp, một nửa nhân loại của chúng ta có biết bao nhiêu nhà thơ từ xưa đến nay. Khi tôi tìm kiếm những câu thơ mà tôi cho là hay để đưa vào cuốn “Những câu thơ hay Đông-Tây-Kim-Cổ” (Nhà xuất bản giáo dục năm 2013) tôi mới biết được nhiều điều mà lâu nay tôi chưa hiểu hết.