Đưa rối nước lên cao nguyên Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Lần đầu tiên, rối nước-một loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian truyền thống vùng đồng bằng Bắc Bộ được mang đến cao nguyên Gia Lai, trong đó có các trường học. Sự mới mẻ, hấp dẫn của loại hình này đã thu hút các em học sinh.
Chiều 4-1, không khí tại Trường THCS Phan Chu Trinh (xã Nam Yang, huyện Đak Đoa) rộn ràng hẳn lên trước thông tin sẽ có đoàn múa rối đến biểu diễn. Một thủy đình tượng trưng cho mái đình của vùng nông thôn Việt Nam được dựng lên giữa sân trường, phía sau có phông che, cờ quạt, bao quanh là hồ nước nhỏ làm sân khấu. Các nhân vật rối nhiều màu sắc xếp ngay ngắn xung quanh thu hút nhiều em nhỏ tập trung ngắm nghía với vẻ thích thú, tò mò.
Trò chuyện cùng P.V trước buổi diễn, đạo diễn Nguyễn Phi Tuấn-Giám đốc Nhà hát Múa rối cố đô Huế (TP. Huế) cho hay: Múa rối nước là biểu tượng, là đặc phẩm văn hóa Việt Nam, rất được khách quốc tế yêu thích. Nhưng điều khiến anh trăn trở là tại sao bạn bè quốc tế rất dễ dàng tiếp cận với loại hình nghệ thuật sân khấu này mà con em mình lại không, nhất là ở các tỉnh lẻ.
“Đây là bộ môn nghệ thuật truyền thống ra đời từ nền văn minh lúa nước, rất cần được bảo tồn. Nhưng nếu thế hệ trẻ không có khái niệm gì về rối nước thì rất khó làm được điều này”-đạo diễn Nguyễn Phi Tuấn chia sẻ.
Một tiết mục rối nước thu hút đông đảo các em học sinh Trường THCS Phan Chu Trinh (xã Nam Yang, huyện Đak Đoa). Ảnh: Phương Duyên
Một tiết mục rối nước thu hút đông đảo học sinh Trường THCS Phan Chu Trinh (xã Nam Yang, huyện Đak Đoa) theo dõi. Ảnh: Phương Duyên
Vì vậy, ý tưởng làm 1 sân khấu lưu động để đưa rối nước đến được mọi nơi, từ thành thị đến nông thôn, từ đồng bằng đến miền núi đã được đoàn triển khai khoảng 6-7 năm nay. Chỉ với 5 thành viên cùng hành trang, đạo cụ gọn nhẹ, đoàn đã đến được khoảng 20 tỉnh, thành trên cả nước cùng rất nhiều trường học. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên nghệ thuật múa rối nước đến với Gia Lai.

Thầy Đoàn Trọng Dũng-Hiệu trưởng Trường THCS Phan Chu Trinh: “Bảo tồn các giá trị văn hóa Việt Nam là nội dung quan trọng trong chương trình giáo dục hiện nay. Vì vậy, nhà trường rất hoan nghênh phần biểu diễn của đoàn nghệ thuật Nhà hát Múa rối cố đô Huế, giúp các em hiểu thêm về văn hóa truyền thống của dân tộc”.

Vừa hết giờ học, hơn 300 học sinh Trường THCS Phan Chu Trinh đã nhanh chóng  tập trung xuống sân trường xem múa rối. Mở đầu là 2 tiết mục rối cạn với phần múa đẹp mắt của các chú rối trên nền nhạc dân gian và vũ điệu La tinh, khiến hàng trăm học sinh không khỏi trầm trồ tán thưởng. Tiếp đến là phần biểu diễn rối nước với lời dẫn chuyện của chú Tễu-nhân vật tiêu biểu của rối nước gắn với đặc trưng làng xã Việt Nam. Các tiết mục biểu diễn lân-rồng-phụng cùng màn phun pháo hoa, kịch mục thầy trò Đường Tăng chiến đấu với yêu quái trên đường đi thỉnh kinh… liên tục nhận được những tràng pháo tay giòn giã.

Đến xem cả 2 suất diễn tại trường, em Trần Thị Thúy An (lớp 6A) phấn khích: “Trước đây, em chỉ được xem múa rối nước trên ti vi. Em rất thích thú vì chương trình mang đậm chất nghệ thuật cổ truyền”. Còn em Nguyễn Quang Trường (lớp 6C) hào hứng: “Đây là lần đầu tiên em được xem múa rối. Em thích tiết mục rối cạn với vũ điệu La tinh”.  

Một trong những tiết mục rối nước khiến các em học sinh trầm trồ thích thú
Một tiết mục rối nước khiến các em học sinh trầm trồ thích thú. Ảnh: Phương Duyên
Đạo diễn Nguyễn Phi Tuấn cho biết thêm, trong ngày 4-1, đoàn diễn 1 suất ở Trường Mầm non thị trấn Đak Đoa, 2 suất ở Trường THCS Phan Chu Trinh. Mỗi suất diễn có khoảng 7-8 tiết mục, không chỉ giải trí mà còn nhằm lồng ghép nhiều câu chuyện mang tính giáo dục cao. Trước đó, chương trình của đoàn cũng đã làm mãn nhãn học sinh Trường Tiểu học Nam Yang và khán giả đến tham quan, vui chơi tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku) trong dịp Tết Dương lịch 2021.
Theo đạo diễn Nguyễn Phi Tuấn, được Sở Giáo dục và Đào tạo giới thiệu, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch cấp phép, tới đây, đoàn sẽ tiếp tục phục vụ ở nhiều trường học khác trên địa bàn tỉnh, từ đó góp phần quảng bá và bảo tồn nghệ thuật rối nước Việt Nam.
PHƯƠNG DUYÊN

Có thể bạn quan tâm

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

(GLO)- Những cảm xúc dạt dào như con sóng được tác giả Phùng Sơn thể hiện trong bài thơ "Biển nhớ". Trước mênh mông của biển, sóng vô tình vỗ bờ rồi lại mải miết trôi xa, để lại một nỗi ngóng trông, mong chờ, nhung nhớ...

Văn hóa báo chí thời đại số

Văn hóa báo chí thời đại số

Từ điểm khởi đầu những năm 1925 cho đến ngày đất nước thống nhất năm 1975, nền báo chí cách mạng Việt Nam đã đi qua nhiều giai đoạn lịch sử vinh quang, viết nên bao câu chuyện anh hùng của một dân tộc anh hùng.
Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Là người con của quê hương Kinh Bắc, bị cuốn hút bởi những hình ảnh mộc mạc, bình dị và rất đỗi thân quen qua những bản khắc gỗ tranh Đông Hồ, khi bén duyên với hội họa, họa sĩ Tú Duyên đã mày mò tìm hiểu và sáng tạo ra kỹ thuật thủ ấn họa.