Tiếng dương cầm trên cao nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nói đến việc dạy và học pi-a-nô, cho dù ở cấp độ chuyên nghiệp hay phong trào, nhiều người hẳn sẽ nghĩ đến các thành phố lớn vốn có nhiều thuận lợi về điều kiện kinh tế, chuyên môn, giảng viên… Nhưng thời gian gần đây, Đắk Lắk nổi lên như một địa phương có phong trào học và dạy pi-a-nô khá phát triển.

 
Một buổi học pi-a-nô tại Trung tâm LaSolFaMi, TP Buôn Ma Thuột.
Một buổi học pi-a-nô tại Trung tâm LaSolFaMi, TP Buôn Ma Thuột.


Năm 2019, Sở Văn hóa và Thể thao Khánh Hòa phối hợp Nhạc viện TP Hồ Chí Minh và Nhà hát Trưng Vương Ðà Nẵng tổ chức cuộc thi độc tấu pi-a-nô, ghi-ta, vi-ô-lông có tên "Tài năng miền trung", dành cho các thí sinh đang học tập, sinh sống tại khu vực miền trung và Tây Nguyên, tại hai điểm thi Nha Trang và Ðà Nẵng, thu hút số thí sinh đăng ký dự thi lên đến hơn 600, trong đó 90% dự thi ở bộ môn pi-a-nô. Thật ngạc nhiên khi địa phương có số lượng thí sinh đông nhất lại là Ðắk Lắk và đây cũng là đoàn mang về nhiều giải thưởng nhất với tổng số giải thưởng lên đến 28, phần lớn cũng ở bộ môn pi-a-nô. Câu hỏi đặt ra là tại sao Ðắk Lắk lại có thể vượt qua được Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa, Ðà Nẵng tại một cuộc thi âm nhạc được tổ chức theo hình thức chuyên nghiệp như vậy?

Nghệ sĩ ghi-ta Nguyễn Thanh Huy, người đã chấm nhiều cuộc thi âm nhạc lớn trên thế giới, cũng là một giám khảo tại cuộc thi âm nhạc "Tài năng miền trung" chia sẻ: "Kết quả này đối với nhiều người có thể bất ngờ, nhưng với tôi thì không. Thực tế, những năm gần đây, Ðắk Lắk luôn là tỉnh có số lượng học viên, sinh viên dẫn đầu trong các tỉnh theo học tại Nhạc viện TP Hồ Chí Minh và nhiều em cũng là học trò của tôi. Chính những bạn trẻ này sau khi tốt nghiệp đã quay về đóng góp đáng kể trong việc phát triển phong trào âm nhạc tại địa phương bằng cách trực tiếp giảng dạy, chia sẻ kinh nghiệm, dìu dắt các thế hệ sau tiếp tục theo đuổi con đường âm nhạc. Một yếu tố nữa cũng vô cùng quan trọng đó là tình yêu âm nhạc, cũng như cách tiếp cận với âm nhạc của người Ðắk Lắk rất dồi dào, đặc biệt". "Thiếu thầy" là tình trạng chung trong đào tạo âm nhạc ở nhiều địa phương, Ðắk Lắk cũng không ngoại lệ. Ðào tạo pi-a-nô phong trào không chỉ cần đến nghiệp vụ sư phạm, mà còn phải có tình yêu trẻ cùng sự kiên nhẫn đặc biệt, bởi học pi-a-nô cần có thời gian và thành quả, có khi phải chờ đợi khá lâu. Nói thì như vậy, nhưng qua thực tế phong trào học pi-a-nô ở Ðắk Lắk có thể thấy nơi đây có cách làm riêng để củng cố về chất lượng giảng dạy cũng như gia tăng số lượng giáo viên phong trào.

Chúng tôi đã đến tham quan Trung tâm pi-a-nô LaSolFaMi của nhạc sĩ Huỳnh Ngọc La Sơn, phường Tự An, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Ðắk Lắk, hiện đang là cơ sở dạy pi-a-nô được rất nhiều gia đình cho con theo học. Ấn tượng đầu tiên chính là trang thiết bị với khoảng 12 đàn pi-a-nô điện và cơ kèm theo hệ thống tai nghe (headphone) hiện đại, chỉn chu không thua kém bất cứ trung tâm nào tại các thành phố lớn. Hầu hết các lớp pi-a-nô phong trào đều trang bị như vậy, tuy nhiên nếu không đầu tư kỹ lưỡng như trang bị headphone thì sẽ tạo ra "tạp âm" từ nhiều cây đàn và rất khó để tạo ra sự tập trung cũng như bảo đảm hiệu quả đào tạo. Là một nhạc sĩ được nhiều người biết đến của Tây Nguyên với ca khúc "Bài ca người gieo hạt" thường được trình bày tại các dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 cùng hàng loạt ca khúc dành cho lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng và đã có hơn 20 năm đào tạo âm nhạc, nhưng nhạc sĩ Huỳnh Ngọc La Sơn lại rất khiêm nhường khi cho biết mình vẫn đang tiếp tục "học" để tìm cách dạy tốt hơn. Với thế mạnh của một nhạc sĩ, đó là sự am hiểu sâu sắc về nhạc lý, giai điệu, ông đã truyền đạt để các học trò của mình có thể diễn tấu các bản nhạc pi-a-nô, cả cổ điển lẫn hiện đại một cách chuẩn xác về tiết tấu, bảo đảm cảm xúc trong thưởng thức tác phẩm.

Ước tính sơ bộ, chỉ tính riêng tại TP Buôn Ma Thuột, hiện đã có gần 40 trung tâm đào tạo âm nhạc phong trào, và phần lớn tập trung vào bộ môn pi-a-nô. Con số này là vượt trội so với rất nhiều tỉnh, thành phố khác trên cả nước chứ không tính riêng tại khu vực miền trung và Tây Nguyên. Các trung tâm lớn như An Piano, Ngọc Hoa Piano, Misa Music, Ðồ Rê Mí… hay như LaSolFaMi kể trên đều có trung bình khoảng 100 học viên, đây là con số đáng mơ ước với cả những trung tâm tại các thành phố lớn. Nhưng điểm nổi bật hơn cả chính là sự gắn kết đặc biệt giữa các giáo viên âm nhạc tại TP Buôn Ma Thuột nói riêng và tỉnh Ðắk Lắk nói chung. Thạc sĩ Hoàng Thị Thanh Thủy, giảng viên Trường cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Ðắk Lắk, đang điều hành, giảng dạy tại Trung tâm Misa Music chia sẻ: "Ðịnh kỳ, các giáo viên pi-a-nô tại TP Buôn Ma Thuột gặp nhau hằng tháng để trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ kiến thức với nhau, và ngay cả những vấn đề tế nhị, cũng có thể bàn bạc với nhau trên tinh thần bảo vệ lợi ích chung và để đưa tất cả cùng phát triển. Chúng tôi cũng chia sẻ với giáo viên tại các huyện về tài liệu, nghiệp vụ để đưa phong trào pi-a-nô của tỉnh phát triển mạnh".

Giảng viên Ðỗ Thị Ánh Nguyệt, sau khi tốt nghiệp Trường cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Ðắk Lắk, thay vì quyết tâm ở lại TP Buôn Ma Thuột, đã chọn trở thành giáo viên âm nhạc tại huyện M’Ðrắk, huyện xa nhất của tỉnh Ðắk Lắk, giáp với tỉnh Khánh Hòa. Nhớ lại những ngày đầu mở lớp học pi-a-nô ở huyện, chị cho biết: "Trong quá trình giảng dạy tại trường tiểu học, tôi phát hiện một số học sinh có năng khiếu đặc biệt nhờ thao tác rất nhanh trên phím đàn. Tôi đã quyết định dạy thêm, miễn phí cho các em sau giờ học, rồi dần dà hình thành một lớp nhạc". Cô cho biết, cũng nhờ công nghệ phát triển, nên tài liệu giảng dạy cũng dễ tìm hơn, thậm chí có thể giao lưu, tương tác với các giáo viên ở nhiều nơi để học hỏi. Nhưng cũng còn một thách thức nữa là phải thuyết phục được các phụ huynh tin tưởng và cho con theo học lâu dài. "Có những trường hợp học sinh rất có năng khiếu, nhưng phụ huynh lại chưa nhìn nhận đúng đắn về môn âm nhạc, nên không cho con theo học. Tôi đã phải thuyết phục đủ mọi cách, thậm chí là dạy miễn phí cho cháu, miễn sao để cháu được đến lớp học. Sau một thời gian, cháu có thể trình bày tốt các tác phẩm, phụ huynh nhận ra được thì lúc này mới đầu tư mạnh hơn để cháu có nhiều cơ hội học tập hơn", cô Ðỗ Thị Ánh Nguyệt kể lại.

Anh Nguyễn Việt Anh có con đang theo học pi-a-nô tại TP Buôn Ma Thuột với mong muốn thi vào các trường đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp cho biết: Chỉ mới khoảng 10 năm trước, tìm được nơi học đàn là không đơn giản tại Ðắk Lắk, nhưng giờ phụ huynh đã có nhiều sự lựa chọn hơn. Và nhờ vào phong trào pi-a-nô phát triển mạnh mà ngay cả học sinh ở các huyện cũng có thể theo học bộ môn này.

Bài và ảnh: THÁI CA
(Dẫn nguồn NDĐT)

Có thể bạn quan tâm

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

(GLO)- Những cảm xúc dạt dào như con sóng được tác giả Phùng Sơn thể hiện trong bài thơ "Biển nhớ". Trước mênh mông của biển, sóng vô tình vỗ bờ rồi lại mải miết trôi xa, để lại một nỗi ngóng trông, mong chờ, nhung nhớ...

Văn hóa báo chí thời đại số

Văn hóa báo chí thời đại số

Từ điểm khởi đầu những năm 1925 cho đến ngày đất nước thống nhất năm 1975, nền báo chí cách mạng Việt Nam đã đi qua nhiều giai đoạn lịch sử vinh quang, viết nên bao câu chuyện anh hùng của một dân tộc anh hùng.
Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Là người con của quê hương Kinh Bắc, bị cuốn hút bởi những hình ảnh mộc mạc, bình dị và rất đỗi thân quen qua những bản khắc gỗ tranh Đông Hồ, khi bén duyên với hội họa, họa sĩ Tú Duyên đã mày mò tìm hiểu và sáng tạo ra kỹ thuật thủ ấn họa.