Hãy gọi tôi là người trẻ Việt Nam

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Một góc ảnh quê hương, một món ăn ngày tết, một tách cà phê buổi sớm…, tất cả đều được bạn trẻ thổi vào những nét văn hóa truyền thống để khơi gợi thêm tình yêu quê hương, xứ sở.

Những điều thân thuộc

Triển lãm ảnh tĩnh vật lần 2 của Vietnamme (tổ chức phi lợi nhuận) với lối kể chuyện bằng nghệ thuật sắp đặt trong không gian đương đại. Người xem có thể thưởng thức tác phẩm qua nhiều giác quan như thị giác, xúc giác, khứu giác trên nền âm nhạc truyền thống của dân tộc.


 

Bạn trẻ hào hứng với không gian nghệ thuật sắp đặt của triển lãm tĩnh vật Vietnamme lần 2
Bạn trẻ hào hứng với không gian nghệ thuật sắp đặt của triển lãm tĩnh vật Vietnamme lần 2


Triển lãm diễn ra cuối tuần vừa qua (tại The Joi Factory, quận 1, TPHCM), dù mưa kéo dài nhưng vẫn thu hút nhiều bạn trẻ tìm đến, không chỉ bởi không gian nghệ thuật sắp đặt sáng tạo mà chính là cảm hứng về văn hóa Việt qua mỗi tác phẩm trình bày. Hào hứng với phần trình bày bánh mứt, hạt dưa ngày tết trong không gian triển lãm, Đặng Tú Quyên (20 tuổi, sinh viên Đại học Sư phạm TPHCM) chia sẻ: “Tôi rất thích phần trình bày này, nhìn thấy khay bánh mứt, hạt dưa là biết ngay ngày tết quê mình, cũng là để chúng ta luôn nhớ về ngày tết cổ truyền dân tộc”.

Vừa check-in với mô hình cà phê sáng và báo giấy, Lê Anh Khoa (27 tuổi, lập trình viên, ngụ quận 7) kể: “Không biết ở những nơi khác thế nào, chứ nhìn mô hình cà phê đen hay cà phê sữa đá cữ sáng cùng tờ báo giấy là biết ngay ở thành phố mình. Ngày trước, tôi hay theo ông nội rồi ba tôi, sáng nào cũng ly cà phê với tờ báo, rồi mấy ông, mấy bác ngồi đọc, trò chuyện rôm rả, sau đó đi làm. Bây giờ, còn công việc, học hành nên nhiều khi mất cái thói quen lúc nhỏ, nhưng nhìn thấy lại thì biết ngay sở thích mỗi sáng của nhiều người ở thành phố này, trong đó có cả ông nội và ba tôi”.

Bồi hồi trước không gian sắp đặt những bức tranh về cánh đồng quê hương, bữa cơm với những món ăn “cây nhà lá vườn” dung dị, Đặng Minh Thư (25 tuổi, nhân viên ngân hàng, ngụ quận 4) chia sẻ: “Nhìn những hình ảnh này chợt thấy không gian miền quê ở đất nước mình thật đẹp và thanh bình, tôi sinh ra và lớn lên ở nông thôn, nên bắt gặp những hình ảnh này, thấy rất xúc động. Tôi nghĩ, tình yêu đất nước không ở đâu xa và cũng không phải quá lớn lao, đó chính là chúng ta biết yêu quê hương qua từng ngày, biết rung động trước những khung cảnh bình yên”.

Trách nhiệm và tự hào

Tốt nghiệp đại học chuyên ngành quan hệ quốc tế, nhưng quyết định chuyển sang công việc nhiếp ảnh, Trần Lê Trọng Nghĩa (26 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận, họa sĩ, người sáng lập Vietnamme) chia sẻ: “Tuổi trẻ ai cũng có một đam mê để theo đuổi, tôi quyết định theo đuổi nghệ thuật hình ảnh. Về nhiếp ảnh, tôi đam mê bất tận với những khái niệm bố cục, màu sắc và các yếu tố thị giác luôn chứa đựng những câu chuyện và thông điệp đằng sau”.

Chia sẻ về Vietnamme cũng như triển lãm lần này, Trần Lê Trọng Nghĩa kể: “Ngay từ khi sáng lập nên Vietnamme, tôi nghĩ văn hóa và những giá trị truyền thống Việt Nam trong bối cảnh hiện đại, tiếp nhận cảm hứng toàn cầu, nhưng phải giữ được bản sắc nội tại. Trong các triển lãm của mình, dù là nghệ thuật sắp đặt hay nghệ thuật nghe nhìn hiện đại, tôi đều lồng ghép vào đó văn hóa Việt Nam. Là người trẻ, tôi mong muốn truyền cảm hứng về văn hóa truyền thống Việt Nam cho bạn trẻ thông qua nghệ thuật đương đại và không gian nền tảng mạng xã hội. Tôi không chỉ xem đây là công việc của mình mà còn là một hành trình khơi gợi cảm hứng và niềm tự hào về đất nước mình cho người trẻ Việt”.

Khi nói đến trách nhiệm của người trẻ với cộng đồng, hay hành động thể hiện tình yêu quê hương đất nước, Nghĩa bày tỏ: “Cho dù ở đâu và làm gì thì dòng máu Việt vẫn tuôn trào trong huyết quản. Không chỉ là với văn hóa truyền thống, những dự định trong tương lai của tôi đều muốn dành cho văn hóa Việt Nam, kể cả truyền thống lẫn hiện đại”. Với tinh thần của một người trẻ làm nghệ thuật, tiếp xúc trong môi trường văn hóa đa chiều và liên tục cập nhật những xu hướng mới, Trần Lê Trọng Nghĩa tâm niệm: “Dù tiếp xúc với bạn bè quốc tế hay ở đâu, tôi luôn nói mọi người hãy gọi tôi là người trẻ Việt Nam và tôi tự hào vì điều đó”.

Trách nhiệm công dân có thể bắt đầu từ những việc làm nhỏ bé, góp phần xây dựng một hình ảnh đẹp về nơi mình sống. Lan tỏa đi một tinh thần Việt Nam trong mắt người trẻ hoặc xa hơn là bạn bè quốc tế, khi chúng ta có điều kiện tiếp xúc và trao đổi trong môi trường văn hóa đa chiều cũng là một trách nhiệm của người trẻ hôm nay.

Theo KIM LOAN (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

(GLO)- Những cảm xúc dạt dào như con sóng được tác giả Phùng Sơn thể hiện trong bài thơ "Biển nhớ". Trước mênh mông của biển, sóng vô tình vỗ bờ rồi lại mải miết trôi xa, để lại một nỗi ngóng trông, mong chờ, nhung nhớ...

Văn hóa báo chí thời đại số

Văn hóa báo chí thời đại số

Từ điểm khởi đầu những năm 1925 cho đến ngày đất nước thống nhất năm 1975, nền báo chí cách mạng Việt Nam đã đi qua nhiều giai đoạn lịch sử vinh quang, viết nên bao câu chuyện anh hùng của một dân tộc anh hùng.
Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Là người con của quê hương Kinh Bắc, bị cuốn hút bởi những hình ảnh mộc mạc, bình dị và rất đỗi thân quen qua những bản khắc gỗ tranh Đông Hồ, khi bén duyên với hội họa, họa sĩ Tú Duyên đã mày mò tìm hiểu và sáng tạo ra kỹ thuật thủ ấn họa.