An nghỉ nhé "làn hơi không tuổi"!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cách đây nửa tháng, nghệ sĩ Huy Khải trải qua một cơn đột quỵ nhẹ, phải nhập viện, sau đó hồi phục rất nhanh và lại tiếp tục rong ruổi với tiếng kèn saxophone của mình. Cơn đột quỵ đó như báo hiệu về tình trạng sức khỏe của anh, một lão niên chuẩn bị bước qua tuổi 80. Biết vậy mà chiều hôm kia, được tin anh ra đi sau khi không qua khỏi lần tai biến thứ 2, tôi không khỏi sửng sốt và bàng hoàng.
Giới hoạt động âm nhạc và những người yêu quý tiếng kèn điêu luyện Huy Khải đã bày tỏ lòng thương tiếc về “biến cố đột ngột trong giới showbiz Gia Lai” này. Anh xứng đáng là người anh cả của họ về tuổi tác, nhân cách và niềm đam mê âm nhạc mãnh liệt. 
Huy Khải trở thành cư dân của Phố núi từ năm lên 10 tuổi khi theo cha mẹ từ xã Nhơn Lộc (huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định) lên Tây Nguyên lập nghiệp vào năm 1955. Anh mê nhạc từ thuở đó và đặc biệt bị mê hoặc bởi tiếng kèn saxophone. Anh giải thích: “Nó hay lắm! Ma mị lắm! Lúc thì trầm uất nỗi thống khổ, lúc thì dồn dập tiếng hoan ca... Không mê nó sao được!”. 
Con đường đến với âm nhạc của Huy Khải không hề suôn sẻ. Bôn ba vào tận Sài Gòn tầm sư học đạo, mà thầy dạy kèn lúc ấy thì hiếm, được nhận làm trò là mừng lắm. Học hành không chính quy, chắp vá: 6 năm, 3 người thầy, 3 phong cách, nhưng niềm đam mê đã bù đắp tất cả để Pleiku có được một nghệ sĩ saxophone xứng đáng và hiếm hoi.
Nghệ sĩ saxophone Huy Khải. Ảnh: Nguyễn Sơn
Nghệ sĩ saxophone Huy Khải. Ảnh: Nguyễn Sơn
Nhớ anh, nghe lại tiếng kèn trong CD anh kịp thực hiện năm ngoái, có lẽ không cần phải một lần nữa thừa nhận cái điêu luyện của “làn hơi không tuổi” Huy Khải. Nhớ anh, lại càng quý tính tình hiền hậu, hòa đồng và khiêm tốn. Gần như anh không từ chối một lời mời nào nếu thu xếp được. Xa mấy anh cũng tự mình đến, từ chối mọi đề nghị đưa đón.
Có lần, anh nhận giúp vui cho một đám cưới ở huyện xa. Tiếng kèn anh như chìm nghỉm giữa những âm thanh mời chào của bia rượu. Tôi ái ngại và khuyên anh nên chọn lọc kỹ một chút những nơi cần mình thì anh trả lời đúng chất Huy Khải: “Ở mấy chỗ đó, họ cần có cây kèn để “làm màu” thôi. Mà “làm màu” được cho gia chủ vui là tui cũng vui lắm...”. Người ta mến anh cũng từ cái tính xởi lởi ấy.
Một mảng âm nhạc nữa của Huy Khải mà không phải ai cũng biết, đó là anh chơi rất hay đàn nhị và bầu, những nhạc cụ truyền thống của Việt Nam. Đây cũng là một sự kết hợp rất lạ trong anh. Một lần tôi đã nhận xét về anh: Một nghệ sĩ rất Tây mà cũng rất thuần Việt.
Lần cuối cùng tôi được trực tiếp nghe tiếng kèn của anh là ở buổi ra mắt tập tản văn “Đợi sương mù giữa phố” của tác giả Lữ Hồng. Tác phẩm “Thành phố buồn” (nhạc sĩ Lam Phương) được anh thể hiện sao mà da diết lạ. Lúc ấy, anh đã có vẻ yếu đi nhiều, nhưng chính anh gần như cũng chẳng quan tâm điều đó, vẫn cứ một mình một xe máy cũ mang tiếng kèn của mình đi khắp nơi. Cho đến khi kiệt sức.
Cuộc đời Huy Khải không hề nhàn nhã nhưng rất đẹp. Hạnh phúc của anh là được sống trọn, sống hết cho niềm đam mê âm nhạc nói chung và tiếng kèn saxophone nói riêng. Tiếng kèn ma mị ấy đã gắn chặt như một định mệnh. Đó thực sự là cuộc đời đẹp của một nghệ sĩ. An nghỉ anh nhé! Mọi người sẽ luôn nhớ anh, nhớ “Hạ trắng”, nhớ “Thuở ấy có em”, nhớ “Thành phố buồn”... rất riêng với “làn hơi không tuổi”.
NGUYỄN SƠN

Có thể bạn quan tâm

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

(GLO)- Những cảm xúc dạt dào như con sóng được tác giả Phùng Sơn thể hiện trong bài thơ "Biển nhớ". Trước mênh mông của biển, sóng vô tình vỗ bờ rồi lại mải miết trôi xa, để lại một nỗi ngóng trông, mong chờ, nhung nhớ...

Những tên tuổi mỹ thuật Đông Dương trở lại

Những tên tuổi mỹ thuật Đông Dương trở lại

Cùng với sự "vươn khơi" của mỹ thuật VN ra thế giới qua nhiều triển lãm quốc tế và đấu giá đình đám thì gần đây, việc tái xuất các tên tuổi hội họa xưa Trường Mỹ thuật Đông Dương tại VN cũng góp phần làm cho thị trường tranh trong nước thêm hấp dẫn, sôi động…
Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Là người con của quê hương Kinh Bắc, bị cuốn hút bởi những hình ảnh mộc mạc, bình dị và rất đỗi thân quen qua những bản khắc gỗ tranh Đông Hồ, khi bén duyên với hội họa, họa sĩ Tú Duyên đã mày mò tìm hiểu và sáng tạo ra kỹ thuật thủ ấn họa.
Cái đẹp trong thơ phái đẹp

Cái đẹp trong thơ phái đẹp

Phái đẹp, một nửa nhân loại của chúng ta có biết bao nhiêu nhà thơ từ xưa đến nay. Khi tôi tìm kiếm những câu thơ mà tôi cho là hay để đưa vào cuốn “Những câu thơ hay Đông-Tây-Kim-Cổ” (Nhà xuất bản giáo dục năm 2013) tôi mới biết được nhiều điều mà lâu nay tôi chưa hiểu hết.