Về bài thơ lần đầu được công bố của Lưu Quang Vũ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Vào dịp kỷ niệm 72 năm Ngày sinh của Lưu Quang Vũ (17/4/1948-17/4/2020), bài thơ “Trò chuyện với bến sông” của cố nghệ sĩ tài năng này lần đầu tiên được công bố rộng rãi đến bạn đọc. Thi phẩm sáng tác năm 1971 này không chỉ bộc lộ tiếng lòng tha thiết yêu, nhớ, gắn bó với bến sông quê êm đềm của nhà thơ mà còn ký thác nỗi cô đơn, nỗi buồn sâu thẳm của cái tôi thi sĩ đang hoang mang trước bến đời nhiều gian truân, giông bão.

1. “Trò chuyện với bến sông” là một cuộc trò chuyện được nhân cách hóa, biến bến sông thành đối tượng trữ tình lắng nghe những lời thì thầm từ trong tâm cảm của nhà thơ. Lưu Quang Vũ quê gốc Quảng Nam nhưng sinh ra và lớn lên ở vùng đất Hạ Hòa, Phú Thọ, nơi có dòng sông Lô, sông Thao chảy qua. Những trải nghiệm thơ ấu ở bến sông đã in dấu trong tâm hồn tác giả thành một miền ký ức nguyên sơ trong trẻo vô ngần: “Ôi cái bến sông của tuổi thơ ta như một xứ xa xôi đầy bí mật/...Nơi đây ta thuộc trên bùn từng vết chân chim/Thuộc gió những mùa vịt trời đẻ trứng”.

Xúc cảm thân thương dấy lên cùng những rung động sâu thẳm của tâm hồn khi nhân vật trữ tình được trở lại với bến sông, được “nằm trên bãi”, được “áp xuống đất nồng”, được ngửi hương đất, hương bùn, cả những mùi ngai ngái đặc trưng của “cứt chim”, “cỏ dại”… Một thế giới của hoài niệm và cả thực tại cùng sống dậy, đan xen, xôn xao trong dòng trôi của niềm yêu và nhớ, day dứt và buồn đau…

Vợ chồng nhà thơ Lưu Quang Vũ-Xuân Quỳnh. Ảnh: K.N.B
Vợ chồng nhà thơ Lưu Quang Vũ-Xuân Quỳnh. Ảnh: K.N.B

2. Nhan đề và hệ thống thi ảnh trong toàn bài thơ mang hơi hướng một tác phẩm đồng thoại nhưng không phải viết cho thiếu nhi mà trước hết giãi bày một tình yêu tha thiết với bến sông của nhân vật trữ tình. Hơn hai mươi loài sinh vật bé nhỏ đã hiện diện trong những câu thơ, từ những loài cây cỏ mọc nơi bờ sông mép nước như “thài lài”, “thòm bóp”, “khóm dền cơm”, “cỏ ấu lêu đêu nụ trắng đung đưa” đến các loài sinh vật cư trú kiếm ăn ở bến sông như “gọng vó”, “kiến đen”, “vịt trời”, “sẻ đồng”, “bồ nông”, “giang”, “dẻ”, những loài bơi lội tung tăng trong nước như “con mài mại, con rô phi, con cá tép/Cùng bầy đuôi cờ bơi đi như trẩy hội thủy cung”, cả những loài chưa từng có được niềm yêu thương hay quan tâm của nhân vật trữ tình trong thời thơ ấu như “châu chấu ma”... Cuộc trò chuyện khơi gợi ký ức tuổi thơ hồn nhiên trong trẻo của nhà thơ với những tháng ngày gắn bó bến sông đến mức thuộc tên, thuộc đặc điểm hình dáng, tập quán kiếm ăn sinh sống của từng loài sinh vật: từ “con gọng vó cứ nhìn ta ngơ ngác” đến “con cuốc lủi vẫn như xưa nhút nhát”, từ “chuồn chuồn kim thân yếu đuối mỏng manh” đến “bầy đom đóm thắp đèn đi trong đêm tối”… Những câu thơ dài ngắn đan xen cùng mạch cảm xúc bồi hồi dấy lên từng đợt, quá khứ và hiện tại đồng hiện bên nhau trong cả hai mặt: bất biến và đổi thay. Cái bất biến thuộc về thế giới tự nhiên-những sinh vật bé nhỏ, hiền lành, ngơ ngác; còn cái đổi thay, éo le sao lại thuộc về con người:

“Chẳng lẽ ta đã đổi thay đến thế

...Chẳng lẽ ta không còn nhận ra tiếng chúng mày”.

Trong cuộc trò chuyện miên man ấy với bến sông, hơn một lần nhân vật trữ tình van lơn, cầu khẩn:

- “Hãy về đây với ta cả chuột đồng cả châu chấu ma”

- “Hãy về đây bạn tốt của ta ơi”

- “Hãy đến với ta, ta cần an ủi lắm…”

Thế giới sinh vật thân thương ở bến sông trở thành điểm tựa tinh thần trong tâm hồn tác giả, xoa dịu những nỗi đau buồn trong trái tim cô lẻ, vực dậy niềm yêu thương quá vãng và nâng đỡ khát vọng sống hướng về tương lai của nhà thơ.

3. Ở bề sâu, “Trò chuyện với bến sông” cũng chính là cuộc trò chuyện với lòng, với nỗi cô đơn sâu thẳm của chàng trai trẻ Lưu Quang Vũ. Rời quân ngũ năm 1971, đối diện với thực tại nhiều khó khăn, nhất là đứng trước sự đổ vỡ của cuộc hôn nhân đầu, Lưu Quang Vũ đã vô cùng buồn đau, hoang mang và bế tắc. Trong những ngày tháng cực kỳ gian khó ấy của đời mình, Lưu Quang Vũ đã sống và viết với sự chân thành cao nhất-chân thành với nỗi buồn, nỗi cô đơn và tuyệt vọng của chính mình. Trong bài thơ “Trò chuyện với bến sông”, còn lời thú nhận nào thành thực hơn: “Ta yếu đuối quá rồi/Ta chết mất thôi”.

Đó không phải là những dòng cảm xúc dấy lên bất chợt mà là sự tự nhận thức cay đắng về mình của chính nhà thơ. Đứng trước thế giới sinh vật bình yên, hiền hòa, đáng yêu ở bến sông, nhân vật trữ tình càng thấy mình mất mát, đổ vỡ và lạc lõng: “Mười bốn tuổi ta thầm yêu đắm đuối/Nhưng chẳng nói ta như chàng dế trũi/Như sau mưa rào tổ mối đã tan hoang”.

Ký ức càng đẹp đẽ lung linh thì thực tại càng tan hoang, đau khổ. Trong nỗi day dứt, dằn vặt rất đời, nhân vật trữ tình đã hoài nghi cả những tình cảm tốt đẹp của mình đối với bến sông:  “Chẳng lẽ ta không nghe được tiếng chúng mày sao/Chẳng lẽ ta đã đổi thay đến thế”. Hay như: “Chẳng lẽ ta không còn nhận ra tiếng chúng mày”.

Những câu hỏi không có lời đáp, cứ bỏ ngỏ, cứ vang vọng như một điệp khúc buồn đau, nhức nhối. Dẫu nhà thơ đã khẳng định: “Có bao giờ ta phụ chúng mày đâu” nhưng âm hưởng bất lực vẫn toát lên sau những dòng thơ tự xót xa đến cùng cực:

- “Bước vào đời bao rối ren, bao rầu rĩ”

- “Ôi bến sông nơi buồn rượi bài ca”

Dù vậy, chính sự tự nhận thức đó cũng là một sự tạ lỗi, một cách ăn năn, phản tỉnh, để nhà thơ tìm về, níu giữ và neo đậu tâm hồn vào bến sông trước những xô dạt của sóng đời.

Điều đáng quý của hồn thơ Lưu Quang Vũ là ngay trong sự dồn đuổi của nỗi buồn, cô đơn và tuyệt vọng, vẫn nghe ra niềm thiết tha sống vượt thoát cảnh ngộ: “Hỡi những tiếng rì rầm của những ngày xưa trong trắng/Hãy đến với ta, ta cần an ủi lắm/Như cuộc đời cần những chuyện thần tiên/…Đưa ta qua những bờ đầm cỏ dại/Qua tuổi đời qua cánh đồng xa ngái/Tới một mùa nắng chói chảy phì nhiêu…”.

Có lẽ trong cõi đời mênh mông, không chỉ mình Lưu Quang Vũ lấy ký ức làm điểm tựa, làm sức mạnh tinh thần để sống tiếp, sống mạnh mẽ trước hoàn cảnh gian khó, nhưng ở tuổi đôi mươi, trong sự khủng hoảng nội tâm sâu sắc, Lưu Quang Vũ đã tự cứu rỗi tâm hồn cô đơn của mình bằng tình cảm chân thành, đẹp đẽ, nồng nàn, tha thiết với bến sông theo cách đắm đuối nhất.

4. “Trò chuyện với bến sông” có ngôn ngữ giản dị, tự nhiên, hài hòa giữa hệ thống thi ảnh và giọng điệu. Tình cảm chân thành, tha thiết dạt dào trong những dòng thơ tự do nối nhau nhấp nhô như từng đợt sóng. Bài thơ mang âm hưởng buồn là chủ đạo nhưng không làm người đọc chìm đắm trong sự bi quan, chán nản mà ngược lại đã đánh thức, khơi dậy những nhận thức và tình cảm đáng quý ở con người. Đó là tình yêu thiên nhiên thuần khiết trong trẻo, là tình quê thiết tha sâu lắng, là khả năng vực dậy những tin yêu khát vọng trong đời.

HÀ HOÀI PHƯƠNG

Có thể bạn quan tâm

Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

(GLO)- 

Cảnh vật trên đỉnh Nghĩa Lĩnh cũ xưa như nghìn năm vẫn thế. Tác giả như lạc về nghìn xưa ấy và cảm nhận được bước luân chuyển vần vũ của thời gian. Vật đổi sao dời, chỉ có những buổi chiều nơi đây luôn mãi trong xanh…

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Từ giữa tháng 3.2024, dù chỉ mới hoạt động thử nghiệm, chưa hoàn thiện bàn giao, nhưng nhiều người vẫn chờ đợi suốt nhiều giờ để chờ xem nhạc nước tại quảng trường 29.3 (đường 2.9, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng).
Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

(GLO)- "Hoàng hôn" của nhà thơ Nguyễn Tấn Hỷ là tác phẩm nhiều cảm xúc trước bóng chiều hoàng hôn. Trong tia nắng le lói cuối ngày, những cánh chim mải miết tìm về tổ ấm, những đôi chân lam lũ mải miết về nhà...
Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

(GLO)- Hoàng Vũ Thuật thuộc thế hệ nhà thơ đàn anh của tôi, cùng lứa với các tài hoa như Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Khắc Thạch, Thạch Quỳ... ở miền Trung. Dẫu lớn tuổi nhưng ông luôn có ý thức tìm tòi, cách tân thơ cả hình thức và nội dung.
Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

(GLO)- Nắng hòa cùng bốn mùa xuân, hạ, thu, đông thành những gam màu khác nhau. Trong bài thơ mới của tác giả Nguyễn Ngọc Hưng, nắng được hóa thân thành "cô bé" với những tính cách nhí nhảnh, đáng yêu...
Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

(GLO)- Tôi quen và chơi với Nguyễn Ngọc Tư đã mấy chục năm và cũng hết sức bất ngờ khi mới đây chị công bố... thơ, mà tới 2 tập liên tiếp và bán tơi tới. Thì cả nước đều biết Nguyễn Ngọc Tư là nhà văn nổi tiếng, nhất là sau khi “Cánh đồng bất tận” xuất hiện.
Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

(GLO)- "Cỏ mây" của nhà thơ Lê Từ Hiển như một khúc tự tình của hoa dại, của mây trời, thỏa sức sống đời thảnh thơi nơi triền sông, cô độc trong sự ngọt ngào, hồn nhiên, ngất ngưởng...
Gương mặt thơ: Bùi Quang Thanh

Gương mặt thơ: Bùi Quang Thanh

(GLO)- Nhà thơ Bùi Quang Thanh quê Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, tuổi Canh Dần (1950). Năm 1971, ông là lính của Mặt trận Tây Nguyên, đã từng tham gia chiến dịch giải phóng Đăk Tô-Tân Cảnh 1972 và suýt nữa thì nằm lại giữa rừng “cánh Trung” vì sốt rét.