Nghệ sĩ nhiếp ảnh đầu tiên đưa voi về Phố núi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tư duy của một người làm báo chính là điều tạo nên sự khác biệt trong từng góc máy của Nghệ sĩ Nhiếp ảnh (NSNA) Huy Tịnh. Do đó, dẫu là ảnh nghệ thuật thì tác phẩm của ông vẫn đậm chất tư liệu báo chí và hơi thở cuộc sống chân thực, gần gũi.
THỨC THỜI VỚI... VOI
Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Huy Tịnh kể, ông từng là phóng viên Báo Binh đoàn Tây Nguyên. Năm 1988, báo giải thể để ra tờ tin nên những phóng viên kỳ cựu chuyển đi hết, riêng ông về phụ trách Nhà máy in của Quân đoàn 3. Năm 1989, ông được Bộ Quốc phòng ký quyết định bổ nhiệm làm Xưởng trưởng Xưởng in. Vì điều kiện kinh tế quá khó khăn, đầu năm 1992, ông xin nghỉ để dấn thân sang lĩnh vực nhiếp ảnh.
Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Huy Tịnh (ảnh nhân vật cung cấp).
Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Huy Tịnh (ảnh nhân vật cung cấp).
Cuối năm 1992, NSNA Huy Tịnh thuê một quầy nhỏ ở Khách sạn Pleiku để làm nghề. Cũng từ đây, ông không chỉ gắn bó với nhiếp ảnh mà còn bén duyên với du lịch. Ông kể: “Đến 24 Tết năm đó, nghĩ cần phải tạo ra sự kiện, điểm nhấn gì đó để chụp ảnh cho khách nên tôi bàn với một số người về làng voi Nhơn Hòa (huyện Chư Sê) thuê voi đưa về phố. Người ta đồn ở Tây Nguyên voi rất nhiều, nhưng thực chất những người ở thị xã Pleiku chưa bao giờ thấy voi hay cưỡi voi. Nghĩ là làm, chúng tôi thuê 2 con voi về. Ai muốn có một tấm ảnh chụp với voi thì phải chi tổng cộng 25.000 đồng, trong đó, 10.000 đồng/vé vào cổng, 10.000 đồng phí cưỡi voi cộng với 5.000 đồng phí chụp một bức ảnh. Mức giá này không hề rẻ khi ấy, nhưng đó là lần đầu tiên trong đời tôi chứng kiến người dân đứng xếp hàng dài để được chụp hình với voi. Chỉ 5 ngày Tết tôi đã chụp hết hơn 300 cuộn phim”. Sau thành công đó, thuê voi về phố trở thành trào lưu. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bắt đầu ăn theo cách làm này cho đến khi làng voi bị xóa sổ và nhu cầu của người dân bắt đầu bão hòa.
THEO DẤU CHÂN DU KHÁCH
Cũng nhờ làm dịch vụ nghề ảnh ở khách sạn-nơi có nhiều đoàn khách lưu trú nên NSNA Huy Tịnh có cơ hội gắn bó với ngành du lịch. Ông kể: “Từ năm 1992-2000, khách quốc tế đến Gia Lai rất đông nhờ danh tiếng của làng voi Nhơn Hòa, nhất là khách Pháp, Đức, Mỹ… Hoạt động du lịch đã nuôi sống cả làng voi này, đời sống của người dân khá lên trông thấy”. 
Lúc này, hầu như ngày nào cũng có đoàn khách nước ngoài đến Gia Lai. Nhiều khách sạn không đủ phòng lưu trú. Lịch trình của khách thường là xuống Nhơn Hòa tham gia tour cưỡi voi, thăm các buôn làng, trải nghiệm phong vị văn hóa bản địa ở các làng: Đê Ktu (huyện Mang Yang), Phung, Kép (huyện Chư Pah) hoặc đi bộ xuyên rừng từ Mang Yang, Kông Chro qua Ayun Pa, di chuyển trên những chiếc thuyền thô sơ xuôi theo những con sông, con suối, đêm ngủ trong lều bạt giữa sân nhà rông… Không chỉ chụp ảnh cho các đoàn khách, NSNA Huy Tịnh còn hợp tác với công ty du lịch trong vai trò hướng dẫn viên khi thiếu người, tổ chức các hoạt động bên lề để đảm bảo tour tuyến diễn ra hoàn hảo. “Có lần, một đoàn du khách Mỹ đến và hỏi mua 4 cuộn phim. Nhưng do phát âm sai, thay vì 4 cuộn phim có giá 40.000 đồng thì tôi nói có 14.000 đồng. Sau vụ đó, tôi quyết định đi học tiếng Anh. Nhờ đó mà tôi nói tiếng Anh khá tốt, có thể kiêm luôn nghề hướng dẫn viên”-NSNA Huy Tịnh vui vẻ kể.
Tác phẩm “Du lịch Tây Nguyên” của Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Huy Tịnh.
Tác phẩm “Du lịch Tây Nguyên” của Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Huy Tịnh.
Đây cũng là thời kỳ NSNA Huy Tịnh có được những bức ảnh đắt giá về tài nguyên du lịch Gia Lai. Đó là những hình ảnh chân thực, giàu tính nghệ thuật, giúp khách quốc tế hiểu thêm về một vùng đất hùng vĩ, xinh đẹp, giàu trầm tích văn hóa.
NHIẾP ẢNH-CUỘC CHƠI MANG TÍNH VĂN HÓA
Huy Tịnh bén duyên với ảnh nghệ thuật đến nay chẵn 25 năm. Ông có nhiều tác phẩm được thế giới công nhận như: “Nỗi đau da cam” chụp ở làng Óp, xã Ia Phí được trưng bày tại Bảo tàng Luxembourg (Vương quốc Bỉ). Đây cũng là tác phẩm đạt nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế. Năm 2008, lần đầu tiên Việt Nam tham gia cuộc thi ảnh với các quốc gia và đạt cúp vàng của FIAP. Và 2 NSNA Gia Lai có tác phẩm đóng góp vào bộ ảnh này là NSNA Trần Phong và Huy Tịnh (với tác phẩm “Khúc đồng dao”). Cúp vàng lịch sử này được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch xếp vào 10 sự kiện văn hóa nổi bật năm 2008. Đây cũng là năm NSNA Huy Tịnh vinh dự được tặng cùng lúc 2 bằng khen của Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch vì đạt nhiều huy chương vàng thế giới và có tác phẩm giúp nhiếp ảnh Việt Nam đạt giải cao tại đấu trường quốc tế. Huy Tịnh còn là tác giả hiếm hoi có tác phẩm bán ra tới con số hàng trăm. Riêng tác phẩm “Hạnh phúc” của ông tới nay đã bán trên 500 bức cho các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước.
Tư tưởng sáng tạo nghệ thuật đó là điều mà người nghệ sĩ này luôn trăn trở: Ảnh nghệ thuật phải đi vào đời sống, làm đẹp cho đời. Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Huy Tịnh cho rằng, nhiếp ảnh Gia Lai có một di sản “lừng lững”, có những NSNA đặc biệt xuất sắc, những tác phẩm đỉnh cao được thế giới vinh danh nhưng lại chưa được công chúng biết đến một cách rộng rãi. Theo ông, có nhiều nguyên nhân như: ngôn ngữ ảnh nghệ thuật chưa thật phổ cập đến công chúng, phương thức công bố tác phẩm chưa xứng tầm, kể cả báo chí cũng chưa có bài viết chuyên sâu để số đông hiểu được giá trị nghệ thuật của ảnh... Vì vậy, đây vẫn là cuộc chơi dành cho người trong giới và các nhà phê bình.
Ảnh nghệ thuật lấy chất liệu từ đời sống nên cần trả về với đời sống, với công chúng. Nhưng hiếm có cuộc thi, triển lãm ảnh nào đem về làng, về xã để ảnh tiếp cận với chính những con người, vùng đất vốn là nguồn cảm hứng cho chính những sáng tác đó. Nhiều triển lãm quy mô, tốn kém nhưng cũng chẳng mấy ai ngó ngàng. Đó là thực tế đáng buồn của ảnh nghệ thuật. “Nhiếp ảnh là cuộc chơi nhọc nhằn. Và chúng tôi không mong gì hơn khi được công nhận thông qua tác phẩm giúp giới thiệu quê hương đất nước, con người ra thế giới một cách đẹp đẽ, sang trọng”-NSNA Huy Tịnh bày tỏ.
HOÀNG NGỌC

Có thể bạn quan tâm

Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

(GLO)- 

Cảnh vật trên đỉnh Nghĩa Lĩnh cũ xưa như nghìn năm vẫn thế. Tác giả như lạc về nghìn xưa ấy và cảm nhận được bước luân chuyển vần vũ của thời gian. Vật đổi sao dời, chỉ có những buổi chiều nơi đây luôn mãi trong xanh…

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Từ giữa tháng 3.2024, dù chỉ mới hoạt động thử nghiệm, chưa hoàn thiện bàn giao, nhưng nhiều người vẫn chờ đợi suốt nhiều giờ để chờ xem nhạc nước tại quảng trường 29.3 (đường 2.9, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng).
Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

(GLO)- "Hoàng hôn" của nhà thơ Nguyễn Tấn Hỷ là tác phẩm nhiều cảm xúc trước bóng chiều hoàng hôn. Trong tia nắng le lói cuối ngày, những cánh chim mải miết tìm về tổ ấm, những đôi chân lam lũ mải miết về nhà...
Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

(GLO)- Hoàng Vũ Thuật thuộc thế hệ nhà thơ đàn anh của tôi, cùng lứa với các tài hoa như Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Khắc Thạch, Thạch Quỳ... ở miền Trung. Dẫu lớn tuổi nhưng ông luôn có ý thức tìm tòi, cách tân thơ cả hình thức và nội dung.
Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

(GLO)- Nắng hòa cùng bốn mùa xuân, hạ, thu, đông thành những gam màu khác nhau. Trong bài thơ mới của tác giả Nguyễn Ngọc Hưng, nắng được hóa thân thành "cô bé" với những tính cách nhí nhảnh, đáng yêu...
Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

(GLO)- Tôi quen và chơi với Nguyễn Ngọc Tư đã mấy chục năm và cũng hết sức bất ngờ khi mới đây chị công bố... thơ, mà tới 2 tập liên tiếp và bán tơi tới. Thì cả nước đều biết Nguyễn Ngọc Tư là nhà văn nổi tiếng, nhất là sau khi “Cánh đồng bất tận” xuất hiện.
Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

(GLO)- "Cỏ mây" của nhà thơ Lê Từ Hiển như một khúc tự tình của hoa dại, của mây trời, thỏa sức sống đời thảnh thơi nơi triền sông, cô độc trong sự ngọt ngào, hồn nhiên, ngất ngưởng...
Gương mặt thơ: Bùi Quang Thanh

Gương mặt thơ: Bùi Quang Thanh

(GLO)- Nhà thơ Bùi Quang Thanh quê Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, tuổi Canh Dần (1950). Năm 1971, ông là lính của Mặt trận Tây Nguyên, đã từng tham gia chiến dịch giải phóng Đăk Tô-Tân Cảnh 1972 và suýt nữa thì nằm lại giữa rừng “cánh Trung” vì sốt rét.