Hương - người đàn bà vẽ lụa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sau nhiều triển lãm chung cùng đồng nghiệp, mới đây nữ họa sĩ sinh năm 1979 Nguyễn Thu Hương ra mắt công chúng triển lãm cá nhân đầu tiên của mình. Tuần lễ trưng bày tranh lụa của chị ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (từ ngày 30.12.2019 đến ngày 5.1.2020) đã để lại dấu biểu cảm - sâu và trầm lắng riêng biệt.
Họa sĩ Nguyễn Thu Hương. Ảnh: Đặng Tú Thư
Họa sĩ Nguyễn Thu Hương. Ảnh: Đặng Tú Thư
27 bức tranh được sáng tác trong vòng 7 năm, từ 2012 đến 2019, có thể nói là một sự chuẩn bị công phu cho “Lụa của Hương” xuất hiện. Toàn bộ tranh được vẽ trên chất liệu tơ tằm 100% dệt ở làng Quan Phố, Duy Tiên, Hà Nam. Đó là những giờ phút riêng tư họa sĩ dành cho mình, cho hội họa, bên cạnh công việc chính là giảng dạy mỹ thuật. Không bức tranh nào vẽ dưới 1 tuần, và bức lâu nhất vẽ 1 tháng - đủ cho thấy sự nghiêm cẩn của họa sĩ. 
1. Trong khi các triển lãm hội họa nở rộ thời gian gần đây, chiếm đa số vẫn là tranh sơn dầu, kế đến là tranh sơn mài, giấy dó; rất ít người vẽ lụa và triển lãm tranh lụa. Mặc dù vẽ lụa là truyền thống của người Á đông, nhưng ở Việt Nam, chỉ khi ra đời trường Mỹ thuật Đông Dương (1925), tranh lụa hiện đại mới tạo ra được diện mạo mới. Nói đến tranh lụa Việt, người ta không thể không nhắc đến những tên tuổi: Nguyễn Phan Chánh, Mai Trung Thứ, Nguyễn Thụ, Trần Đông Lương, Mai Long... Nhưng thực tế là tranh lụa hiện đại luôn kén người vẽ (hoặc ngược lại) ở mọi giai đoạn từ trước đến nay.
 
 Mộng mị 2.
Mộng mị 2.
Để có một bức tranh lụa đẹp đòi hỏi nhiều yếu tố, ở đó, họa sĩ phải làm chủ được tạo hình, chắc chắn về kỹ thuật và tinh tế về cảm xúc. Không giống như chất liệu sơn dầu, nơi mà những cảm xúc dồn dập, ào đạt được bung tỏa; hay sơn mài với sự sâu thẳm, lộng lẫy; tranh lụa bắt đầu và kết thúc bởi sự đằm lắng như một mạch nguồn âm ỉ. Song, trong lúc vẽ, thớ lụa khi đã thấm màu thì ngấm, lan rất nhanh, thường không sửa được. 
“Lụa của Hương” đã làm được điều là cho người xem được cảm giác thấm, ngấm, mê đến “khó sửa”. Mặc dù tranh của chị nhiều gam lạnh, màu sắc trung tính, ít màu nóng; và nét thường ke, ít loang; cảm giác như cảm xúc đã được tiết chế lại. Chị vừa ẩn mình, vừa phơi lộ; vừa lên tiếng, vừa như im lặng; vừa tỏa, vừa giữ ám ảnh cảm giác truyền qua mình. 
2. Hầu hết các bức tranh tạo hình những phụ nữ khỏa trần, lẩn vào các họa tiết. Ở đó, người phụ nữ nửa trẻ trung, nửa từng trải; nửa ngây thơ, nửa sâu sắc; nửa nhớ, nửa quên một điều gì. Không thể không nói: Tranh là người, “Lụa của Hương” là Hương.
Vô đề.
Vô đề.
Người xem không cố lý giải những họa tiết họa sĩ dùng trong tranh, những mảng nét xoắn chồng lên nhau, lồng vào nhau; những mảng nét dài buông rũ. Những hình tròn biến dạng, hình vuông biến dạng khiến bức tranh cùng lúc thực và phi thực. Nhưng cũng thực thú vị khi biết rằng, họa tiết xoắn lặp đi lặp lại ở các bức vẽ như một ám thị, chính là hình ảnh chiếc cặp tóc tuổi thơ mà chị ao ước. Khi ở độ tuổi 12, 13 có một vóc dáng mảnh mai, xinh đẹp nhưng lại chưa bao giờ có mái tóc dài để được cặp lên những chiếc cặp tóc bằng vải xếp nếp đủ màu sắc như một tiểu thư, công chúa. Cho đến khi lớn lên, để được tóc dài, mốt cặp tóc ấy đã hết. Ước ao ấy theo chị tới tận khi làm mẹ, và chỉ có thể giãi bày trong tranh.
Vô đề.
Vô đề.
Cho nên cũng rất hợp lý khi nữ họa sĩ chia sẻ rằng, chị thích cây hơn thích hoa. Có lẽ bởi chị nhạy cảm với sự ngắn ngủi của những bông hoa rực rỡ, sớm nở chóng tàn. Ngoại trừ bức vẽ hoa hồng xanh, còn lại, những bức khác, hình ảnh hoa thường không hiện lên nguyên vẹn. Đó là những mặt cắt ngang, cắt chéo, của loại hoa nào đó; bị bóc đi những cái cánh chỉ còn lại nhị, nhụy; được thêm bớt chi tiết nào đó, mà chính chị vẽ xong cũng không còn nhớ tên của chúng. Và thỉnh thoảng, vài thứ quả nào đó đã bị “bổ đôi, bổ tư, cắt lát” thêm vào.
Bạn tôi.
Bạn tôi.
 
Tất cả bức tranh Hương không đề năm bên dưới chữ ký. Một chi tiết nhỏ, nhưng cũng giống như hình ảnh chiếc cặp tóc một thời hay cảm giác về đời sống những bông hoa, chị ám ảnh về những gì ngắn ngủi. Chị thích cây, nhưng “chưa bao giờ trồng được một cái cây nào mà tươi tốt cả”. Và những bức vẽ, có thể cũng là một cái cây nào đó trong lòng chị, “lâu tàn hơn, xanh lá, lớn lên ra hoa, ra quả” đẹp đẽ và xoa dịu.
Theo HẢI AN (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Thơ Hoàng Đăng Du: Mùa trôi

Thơ Hoàng Đăng Du: Mùa trôi

(GLO)- Dẫu biết rằng xuân qua hạ tới, thu tận đông tàn là quy luật của thiên nhiên nhưng sao chứng kiến những khoảnh khắc mùa nối mùa vẫn khiến tác giả Hoàng Đăng Du không khỏi cảm thấy chút nuối tiếc, hụt hẫng, bâng khuâng...
Nguyễn Thị Thanh Thúy: Chọn đi đường dài với văn chương

Nguyễn Thị Thanh Thúy: Chọn đi đường dài với văn chương

(GLO)- Được đào tạo chuyên ngành Văn học, khi ra trường lại quyết liệt theo đuổi nghề báo, sau đó “đầu quân” vào ngành Công an và bất chợt tìm thấy niềm hạnh phúc với văn chương-đó là những bước ngoặt bất ngờ trong cuộc sống của Thượng úy Nguyễn Thị Thanh Thúy (Phòng ANCT nội bộ, Công an tỉnh).

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

(GLO)- Nắng hòa cùng bốn mùa xuân, hạ, thu, đông thành những gam màu khác nhau. Trong bài thơ mới của tác giả Nguyễn Ngọc Hưng, nắng được hóa thân thành "cô bé" với những tính cách nhí nhảnh, đáng yêu...
Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

(GLO)- Tôi quen và chơi với Nguyễn Ngọc Tư đã mấy chục năm và cũng hết sức bất ngờ khi mới đây chị công bố... thơ, mà tới 2 tập liên tiếp và bán tơi tới. Thì cả nước đều biết Nguyễn Ngọc Tư là nhà văn nổi tiếng, nhất là sau khi “Cánh đồng bất tận” xuất hiện.
Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

(GLO)- "Cỏ mây" của nhà thơ Lê Từ Hiển như một khúc tự tình của hoa dại, của mây trời, thỏa sức sống đời thảnh thơi nơi triền sông, cô độc trong sự ngọt ngào, hồn nhiên, ngất ngưởng...
Thơ Ngô Thanh Vân: Hoa đắng

Thơ Ngô Thanh Vân: Hoa đắng

(GLO)- Loài hoa mang trong mình vị đắng đót nhưng vẫn căng mình tận hiến không chỉ sắc vàng rực rỡ mà còn nuôi dưỡng cho đất đỏ bazan màu mỡ. Bài thơ "Hoa đắng" của nhà thơ Ngô Thanh Vân là những lời viết đầy cảm xúc dành cho loài hoa đặc trưng của vùng đất Tây Nguyên đầy nắng và gió này.
Bày tranh Việt đoạt giải thưởng Đông Nam Á trị giá nửa tỷ đồng

Bày tranh Việt đoạt giải thưởng Đông Nam Á trị giá nửa tỷ đồng

Tác phẩm đặc sắc của 8 nghệ sĩ trẻ tài năng nhất từ cuộc thi mỹ thuật uy tín Đông Nam Á “UOB Painting of the Year 2023” được trưng bày tại triển lãm, đón khách tham quan từ sáng 23/3 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Chủ nhân bức tranh được giải cao nhất mang về phần thưởng 500 triệu đồng.