Thắng cảnh Gia Lai lên bích họa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Bức tường đơn điệu, bong tróc theo thời gian ở Trường THPT Lê Lợi (TP. Pleiku) những ngày này được khoác lên mình “tấm áo mới” với những hình ảnh sống động về thắng cảnh Gia Lai cùng nhiều nét văn hóa độc đáo. “Tấm áo” ấy đã góp phần làm cho diện mạo thành phố rực rỡ hơn trước dịp kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập đô thị Pleiku (3/12/1929-3/12/2019).
Trang trí cho một số bức tường trên địa bàn thành phố bằng những bức bích họa là ý tưởng của Thành Đoàn Pleiku. Sau khi đề xuất và được UBND thành phố đồng ý, Thành Đoàn cùng Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao TP. Pleiku phối hợp triển khai, kinh phí thực hiện do UBND thành phố hỗ trợ. Bức tường bao quanh khuôn viên Trường THPT Lê Lợi được chọn “thí điểm” từ ngày 4-11, với sự trợ giúp của 16 giáo viên Mỹ thuật của các trường tiểu học, THCS trên địa bàn thành phố. Trước đó, Thành Đoàn đã huy động hơn 50 đoàn viên, thanh niên tham gia làm sạch nền các bức tường.
ác giáo viên Mỹ thuật trên địa bàn TP. Pleiku tham gia vẽ tranh tường. Ảnh: P.L
Các giáo viên Mỹ thuật trên địa bàn TP. Pleiku tham gia vẽ tranh tường. Ảnh: P.L
Anh Đinh Việt Thanh-giáo viên Mỹ thuật Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (phường Hoa Lư), người lên ý tưởng nội dung các bức bích họa, đồng thời phụ trách nhóm vẽ cho biết: “Khi được triệu tập tham gia hoạt động vẽ tranh tường, chúng tôi rất vui vì được góp chút công sức để làm cho thành phố đẹp hơn, qua đó quảng bá du lịch tỉnh nhà”. Ngoài các giáo viên được triệu tập còn có 20 giáo viên đến từ các huyện Ia Grai, Đak Đoa, Krông Pa, Đức Cơ, Chư Sê và một số họa sĩ tự do cùng chung tay để sớm hoàn thành bức bích họa.
Theo chia sẻ của anh Thanh, để thực hiện một bức tranh tường phải trải qua nhiều công đoạn: làm sạch nền tường, lên market, phác thảo chi tiết từng nội dung, vẽ mảng đậm nhạt, phối màu sơn… Tất cả các công đoạn, chi tiết đều phải được thực hiện thật tỉ mỉ thì mới có thể “thổi hồn” vào từng hình ảnh. Với chuyên môn sẵn có cộng với sự khéo léo, các giáo viên Mỹ thuật đã biến những mảng tường bong tróc, cũ kỹ thành một tác phẩm nghệ thuật. Sau gần 2 tuần, bức tường dài khoảng 100 m đã thu hút mọi ánh nhìn với hình ảnh núi lửa Chư Đang Ya và những bông cúc quỳ vàng rực rỡ, thắng cảnh Biển Hồ, đồi cỏ hồng Đak Đoa, đồi chè Bàu Cạn, hàng thông trăm tuổi, khu trưng bày tượng gỗ dân gian Bahnar-Jrai, nhà rông truyền thống… Tất cả hiện lên thật sống động, gây sự chú ý của đông đảo người dân thành phố. 
Hình ảnh đồi cỏ hồng ở Đak Đoa được thể hiện ở bức tranh tường. Ảnh: P.L
Hình ảnh đồi cỏ hồng ở Đak Đoa được thể hiện ở bức tranh tường. Ảnh: P.L
Dù thời tiết Gia Lai những ngày này mưa nắng thất thường do ảnh hưởng của cơn bão số 6 nhưng các giáo viên, họa sĩ tự do ai nấy đều say mê, nhiệt tình trong mỗi nét vẽ. Chị Lê Vi Thủy-giáo viên Mỹ thuật Trường Tiểu học Lương Thạnh (phường Đống Đa) hào hứng cho biết: “Đây là lần đầu tiên tôi tham gia vẽ tranh đường phố. Bằng việc góp sức vào công trình ý nghĩa này, chúng tôi mong muốn đưa mỹ thuật đến gần hơn với công chúng”.
Bức bích họa dự kiến hoàn thành vào ngày 16-11 nên hiện nhóm họa sĩ đang nỗ lực thực hiện những khâu cuối cùng. Dù tác phẩm chưa hoàn thiện nhưng nhiều bạn trẻ đã tranh thủ “check in” và đăng tải khá nhiều hình ảnh trên mạng xã hội. Vui nhất là các em học sinh của Trường THPT Lê Lợi khi nhận thấy diện mạo ngôi trường đẹp lên từng ngày. Em Nguyễn Thị Mỹ Duyên (lớp 10A3) chia sẻ: “Lâu nay, thấy những bức bích họa rất đẹp ở các tỉnh khác, em mong muốn TP. Pleiku cũng có một điểm đến đẹp như thế. Giờ thì mong muốn ấy đã thành hiện thực. Em đã chụp ảnh đăng Facebook để giới thiệu về bức tranh tường này đến nhiều người”.
Dừng xe để ghi lại những hình ảnh sinh động trên bức tường, ông Mai Văn Lợi (tổ 6, phường Tây Sơn) cho biết: “Nhờ sự khéo léo của các họa sĩ mà bức tường đẹp và ấn tượng hơn hẳn. Mong rằng sẽ có thêm nhiều bức tường được trang trí như thế này để thành phố đẹp hơn”. Nhận thấy đây là công trình hết sức ý nghĩa, nhiều người dân đã ủng hộ nước uống để động viên nhóm tác giả hăng say sáng tác.
“Chúng tôi rất vui vì ý tưởng của mình được UBND thành phố đồng tình, đồng thời tạo hiệu ứng tích cực khi triển khai. Đây là bức tranh tường đầu tiên được đầu tư công phu trên địa bàn TP. Pleiku cho tới thời điểm hiện tại. Sau Trường THPT Lê Lợi, chúng tôi dự kiến sẽ triển khai tiếp tại Trường Tiểu học Ngô Mây (phường Trà Bá) và Trường THPT Phan Bội Châu nhằm góp phần xây dựng cảnh quan thành phố ngày càng đẹp hơn. Hy vọng rằng những bức tranh này sẽ giúp mọi người nâng cao ý thức trong việc giữ gìn môi trường, đặc biệt là hạn chế tình trạng dán các quảng cáo rao vặt”-anh Phan Minh Đức-Bí thư Thành Đoàn Pleiku-cho biết.
Vẽ tranh tường làm đẹp cảnh quan của TP. Pleiku trước thềm kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập đô thị là hoạt động đầy ý nghĩa. Đi đầu thể hiện tình yêu, lòng nhiệt huyết dành cho Phố núi thân yêu, những người trẻ chính là nguồn động lực tạo sự lan tỏa thiết thực, kêu gọi mọi người cùng chung tay vì một thành phố sạch đẹp, văn minh.
 THỦY BÌNH

Có thể bạn quan tâm

Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

(GLO)- "Hoàng hôn" của nhà thơ Nguyễn Tấn Hỷ là tác phẩm nhiều cảm xúc trước bóng chiều hoàng hôn. Trong tia nắng le lói cuối ngày, những cánh chim mải miết tìm về tổ ấm, những đôi chân lam lũ mải miết về nhà...
Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

(GLO)- Hoàng Vũ Thuật thuộc thế hệ nhà thơ đàn anh của tôi, cùng lứa với các tài hoa như Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Khắc Thạch, Thạch Quỳ... ở miền Trung. Dẫu lớn tuổi nhưng ông luôn có ý thức tìm tòi, cách tân thơ cả hình thức và nội dung.
Thơ Hoàng Đăng Du: Mùa trôi

Thơ Hoàng Đăng Du: Mùa trôi

(GLO)- Dẫu biết rằng xuân qua hạ tới, thu tận đông tàn là quy luật của thiên nhiên nhưng sao chứng kiến những khoảnh khắc mùa nối mùa vẫn khiến tác giả Hoàng Đăng Du không khỏi cảm thấy chút nuối tiếc, hụt hẫng, bâng khuâng...
Nguyễn Thị Thanh Thúy: Chọn đi đường dài với văn chương

Nguyễn Thị Thanh Thúy: Chọn đi đường dài với văn chương

(GLO)- Được đào tạo chuyên ngành Văn học, khi ra trường lại quyết liệt theo đuổi nghề báo, sau đó “đầu quân” vào ngành Công an và bất chợt tìm thấy niềm hạnh phúc với văn chương-đó là những bước ngoặt bất ngờ trong cuộc sống của Thượng úy Nguyễn Thị Thanh Thúy (Phòng ANCT nội bộ, Công an tỉnh).

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

(GLO)- Nắng hòa cùng bốn mùa xuân, hạ, thu, đông thành những gam màu khác nhau. Trong bài thơ mới của tác giả Nguyễn Ngọc Hưng, nắng được hóa thân thành "cô bé" với những tính cách nhí nhảnh, đáng yêu...
Gương mặt thơ: Bùi Quang Thanh

Gương mặt thơ: Bùi Quang Thanh

(GLO)- Nhà thơ Bùi Quang Thanh quê Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, tuổi Canh Dần (1950). Năm 1971, ông là lính của Mặt trận Tây Nguyên, đã từng tham gia chiến dịch giải phóng Đăk Tô-Tân Cảnh 1972 và suýt nữa thì nằm lại giữa rừng “cánh Trung” vì sốt rét.

Thơ Ngô Thanh Vân: Hoa đắng

Thơ Ngô Thanh Vân: Hoa đắng

(GLO)- Loài hoa mang trong mình vị đắng đót nhưng vẫn căng mình tận hiến không chỉ sắc vàng rực rỡ mà còn nuôi dưỡng cho đất đỏ bazan màu mỡ. Bài thơ "Hoa đắng" của nhà thơ Ngô Thanh Vân là những lời viết đầy cảm xúc dành cho loài hoa đặc trưng của vùng đất Tây Nguyên đầy nắng và gió này.
Bày tranh Việt đoạt giải thưởng Đông Nam Á trị giá nửa tỷ đồng

Bày tranh Việt đoạt giải thưởng Đông Nam Á trị giá nửa tỷ đồng

Tác phẩm đặc sắc của 8 nghệ sĩ trẻ tài năng nhất từ cuộc thi mỹ thuật uy tín Đông Nam Á “UOB Painting of the Year 2023” được trưng bày tại triển lãm, đón khách tham quan từ sáng 23/3 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Chủ nhân bức tranh được giải cao nhất mang về phần thưởng 500 triệu đồng.