Trần Vượng: Vẽ tranh bằng lửa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Yêu thích hội họa, anh Trần Vượng (SN 1988, tổ 5, thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa, Gia Lai) đã tự mày mò học vẽ. Anh đặc biệt đam mê tranh bút lửa, một thể loại đòi hỏi người họa sĩ phải có cảm nhận sâu sắc và chính xác trong từng nét vẽ.
Khi chúng tôi đến, anh Vượng đang cặm cụi, tỉ mẩn vẽ từng đường nét lên tấm gỗ pơ mu. Từ bàn tay khéo léo của anh, cây bút vẽ một đầu đỏ rực để lại những vệt màu nâu khi mạnh mẽ, khi thanh mảnh, mềm mại trên nền gỗ vàng nhạt. Tấm tranh bút lửa ấy do khách tự tay lựa chọn gỗ, lên ý tưởng và đặt hàng. “Mình đã thức suốt đêm để phác thảo bức tranh này. Vẽ bút lửa tuy không đòi hỏi nhiều về kỹ thuật, chỉ cần dùng nhiệt độ để đốt cháy, tạo đường nét trên mặt gỗ nhưng phải tỉ mỉ, kỳ công nên tốn rất nhiều thời gian, công sức”-anh Vượng chia sẻ.
   Anh Trần Vượng thực hiện một tác phẩm tranh bút lửa. Ảnh: P.L
Anh Trần Vượng thực hiện một tác phẩm tranh bút lửa. Ảnh: P.L
Từ khi còn học tiểu học, anh Vượng đã rất yêu thích hội họa nhưng không có điều kiện học vẽ. Cậu trò nhỏ chỉ ngày ngày tự mình mày mò học hỏi qua sách vở bằng cách chép lại các bức tranh yêu thích. Đến kỳ thi đại học, với mong muốn theo đuổi đam mê, anh Vượng “khăn gói” theo họa sĩ Lê Hùng (TP. Pleiku) học vẽ vài tháng. Sau đó, anh trở thành sinh viên ngành Thiết kế nội thất, Trường Cao đẳng Mỹ thuật Công nghiệp Đồng Nai. “Biết đến tranh bút lửa từ lâu, nhưng đến khi là sinh viên năm 2 mình mới bắt đầu vẽ bức tranh bút lửa đầu tiên sau khi tự lên internet tìm hiểu”-anh Vượng tâm sự. Lý do chàng trai trẻ say mê tranh bút lửa là bởi dòng tranh này tuy có vẻ đơn giản nhưng đòi hỏi sự chính xác gần như tuyệt đối trong từng nét vẽ. Các loại gỗ thường được dùng làm chất liệu gồm: bạch tùng (gỗ này khá hiếm), lồng mức, dổi vàng, thông ba lá, huỳnh đàn trắng…  Mỗi loại gỗ có vân, mức chịu nhiệt, tông màu khác nhau. Chỉ cần một chút cảm nhận nhiệt độ không đúng, lực nhấn không đều cũng sẽ khiến nét vẽ bị hỏng, khó có thể phục hồi và phải làm lại từ đầu. Vì vậy, khi bức tranh gần hoàn thiện, người họa sĩ càng phải tỉ mỉ, cẩn trọng, trau chuốt hơn.
“Tranh bút lửa có tông màu đơn giản nên rất thích hợp để khắc họa chân dung, đặc biệt là người già, tranh tôn giáo, thủy mặc hay những đề tài mang tính cổ điển. Nhìn một bức tranh bút lửa hoàn thiện, nếu không phải người am hiểu sẽ rất khó đoán định công sức mà họa sĩ đã bỏ ra. Cũng vì vậy mà dòng tranh này khá kén khách”-anh Vượng bộc bạch. Thông thường, mỗi bức tranh bút lửa từ lúc phác thảo cho đến khi hoàn thiện đòi hỏi 8-10 ngày làm việc liên tục. Có những bức vẽ cả tháng trời mới xong như bức “Vô niệm”. Giá mỗi bức từ 5 triệu đồng trở lên. Tranh của anh hiện được nhiều người mua để trưng bày, tham gia triển lãm và mời đấu giá từ thiện. Anh Vượng chia sẻ: “Nếu chỉ vì mục đích kinh doanh thì không nên chọn tranh bút lửa. Bởi rất ít họa sĩ sống được bằng loại tranh này. Nhưng bút lửa lại đem đến cho mình cảm hứng sáng tác đặc biệt mà những thể loại khác không có. Do đam mê nên mình cố gắng duy trì, cố gắng làm thêm nhiều việc khác để có thể nuôi sống tranh bút lửa”.
Chàng họa sĩ trẻ cũng tâm sự rằng, sắp tới anh sẽ phát triển hơn dòng tranh này bằng cách dùng dụng cụ tạo lửa như khò nhiệt để khiến từng nét vẽ mềm mại, uyển chuyển hơn, các mảng màu mịn màng hơn, làm nên độ chân thực, sắc sảo hơn cho bức tranh.
 LINH GIANG

Có thể bạn quan tâm

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

(GLO)- Những cảm xúc dạt dào như con sóng được tác giả Phùng Sơn thể hiện trong bài thơ "Biển nhớ". Trước mênh mông của biển, sóng vô tình vỗ bờ rồi lại mải miết trôi xa, để lại một nỗi ngóng trông, mong chờ, nhung nhớ...

Những tên tuổi mỹ thuật Đông Dương trở lại

Những tên tuổi mỹ thuật Đông Dương trở lại

Cùng với sự "vươn khơi" của mỹ thuật VN ra thế giới qua nhiều triển lãm quốc tế và đấu giá đình đám thì gần đây, việc tái xuất các tên tuổi hội họa xưa Trường Mỹ thuật Đông Dương tại VN cũng góp phần làm cho thị trường tranh trong nước thêm hấp dẫn, sôi động…
Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Là người con của quê hương Kinh Bắc, bị cuốn hút bởi những hình ảnh mộc mạc, bình dị và rất đỗi thân quen qua những bản khắc gỗ tranh Đông Hồ, khi bén duyên với hội họa, họa sĩ Tú Duyên đã mày mò tìm hiểu và sáng tạo ra kỹ thuật thủ ấn họa.
Cái đẹp trong thơ phái đẹp

Cái đẹp trong thơ phái đẹp

Phái đẹp, một nửa nhân loại của chúng ta có biết bao nhiêu nhà thơ từ xưa đến nay. Khi tôi tìm kiếm những câu thơ mà tôi cho là hay để đưa vào cuốn “Những câu thơ hay Đông-Tây-Kim-Cổ” (Nhà xuất bản giáo dục năm 2013) tôi mới biết được nhiều điều mà lâu nay tôi chưa hiểu hết.