Nhạc sĩ Lê Xuân Hoan: "Con chim khôn tìm về tổ ấm"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong hơn 30 năm hoạt động văn hóa-nghệ thuật ở Gia Lai, nhạc sĩ Lê Xuân Hoan đã sáng tác hơn 100 ca khúc. Ở địa hạt nghiên cứu, ông còn có một số công trình đáng chú ý về âm nhạc cổ truyền Bahnar, Jrai. Đến nay, đây được xem là những công trình hiếm hoi nghiên cứu về âm nhạc dân gian của 2 dân tộc bản địa lớn ở Tây Nguyên.

Bền bỉ sáng tác        

Nhạc sĩ Lê Xuân Hoan sinh năm 1960 ở xã Thanh Hồng (huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An) nhưng lại có hơn nửa đời người gắn bó với cao nguyên. Ông kể rằng, ông đến với Tây Nguyên đầy chủ ý chứ không phải do duyên nợ hay tình cờ. “Tôi học nhạc ở Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An, tốt nghiệp được nhà trường giữ lại làm giáo viên. Nhưng khi đó tôi mới 17 tuổi, hãy còn trẻ lắm, khát khao được học tập để mở mang thêm. Sau khi tốt nghiệp Đại học Văn hóa Hà Nội (năm 1983), tôi được Sở Văn hóa-Thông tin Hải Phòng xin về phục vụ. Nhưng lúc đó, lòng tôi đã hướng về Tây Nguyên. Tại sao tôi lại tình nguyện lên cao nguyên đất đỏ, dừng chân ở mảnh đất Gia Lai này mặc dù đó là thời kỳ đầy rẫy những khó khăn? Chỉ 1 lý do đơn giản là tôi yêu âm nhạc Tây Nguyên, yêu những giai điệu rất đặc trưng của cồng chiêng, những làn điệu dân ca mang âm vọng của đại ngàn”-nhạc sĩ Lê Xuân Hoan bộc bạch. Dù vậy, ông cũng thừa nhận mình bị âm nhạc dân gian Tây Nguyên quyến rũ nhưng chưa hiểu sâu sắc, chưa ý thức được rằng đó là một kho tàng đồ sộ, vô cùng vô tận với những độc đáo, khác biệt. Sau này, khi đi sâu vào tìm hiểu, ông càng bị dẫn dụ, mê hoặc, để rồi dấn thân vào con đường nghiên cứu lúc nào không hay.

Nhạc sĩ Lê Xuân Hoan đã bắt đầu tình yêu với âm nhạc dân gian như vậy. Sáng tác đầu tay của ông cũng là một ca khúc mang đậm âm hưởng dân ca Jrai: “Hát mừng Điện Biên”. Bài hát này đến nay vẫn được các thế hệ nghệ sĩ biểu diễn trong một số sự kiện. Mới đây nhất, trong chương trình nghệ thuật kỷ niệm 65 năm chiến thắng Điện Biên, các nghệ sĩ của Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San đã khiến khán giả ở thành phố hoa ban xúc động bởi tình cảm của người Tây Nguyên đối với sự kiện trọng đại này. “Đó là sáng tác năm 1984. Ca khúc này cũng là nguồn cơn dẫn dắt tôi nghiên cứu âm nhạc cổ truyền dân gian Jrai, Bahnar về sau”-nhạc sĩ Lê Xuân Hoan chia sẻ.

 Nhạc sĩ Lê Xuân Hoan.    Ảnh: M.C
Nhạc sĩ Lê Xuân Hoan. Ảnh: M.C



Từ tình yêu với Tây Nguyên, với Gia Lai, nhạc sĩ Lê Xuân Hoan đã có nhiều ca khúc được giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam như: “Khoảng trời lá thông”, “Tháng 3 mùa say” (phổ thơ Phạm Đức Long), “Nắng gió cao nguyên”, “Xuân về trên cao nguyên”, “Anh mang em đi mãi” (phổ thơ Hoàn Nguyễn)… Ngoài ra, nhạc sĩ Lê Xuân Hoan còn có những sáng tác mang đậm âm hưởng dân ca xứ Nghệ dành riêng cho quê hương Thanh Chương như “Tuổi thơ tôi”, “Trở lại bến sông xưa”, “Nhớ cha” (phổ thơ Hoàn Nguyễn), “Ru con”… Riêng bài “Ru con” có một kỷ niệm đặc biệt. Ông kể: “Bài hát viết năm 1989, nay đã chẵn 30 năm. Chính nhờ bài hát này mà người ta đã “phát hiện” ra Châu Hằng và sau đó dẫn đưa chị vào con đường âm nhạc chuyên nghiệp tại Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San. Sau này, nhiều người đã thể hiện ca khúc này nhưng Châu Hằng vẫn là giọng ca mà tôi thích nhất bởi sự ngọt ngào, nữ tính, trữ tình”. Nhạc sĩ chia sẻ, khi viết về một vùng quê nào đó, ông luôn nghiên cứu kỹ lưỡng đặc điểm âm nhạc dân tộc của vùng đất ấy để sử dụng giai điệu phù hợp. Người sáng tác biết tìm về kho tàng tri thức của ông bà không khác nào “Con chim khôn tìm về tổ ấm” (lời trong một bài hát của nhạc sĩ Lê Xuân Hoan).

Nghiên cứu, sưu tầm văn hóa dân gian

Thạc sĩ-nhạc sĩ Lê Xuân Hoan là Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, Ủy viên Ban chấp hành hội Nhạc sĩ Việt Nam, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam từ 2005 đến nay. Ông là thế hệ đầu hoạt động trong lĩnh vực sáng tác âm nhạc của tỉnh và có nhiều đóng góp trong dòng chảy văn học-nghệ thuật hơn 30 năm qua.

Hiện nay, những công trình nghiên cứu về văn hóa Tây Nguyên không nhiều, trong lĩnh vực âm nhạc lại càng hiếm bởi đòi hỏi người sưu tầm, nghiên cứu phải có bề dày kiến thức nhất định. Vì thế, những công trình nghiên cứu về âm nhạc dân gian của nhạc sĩ Lê Xuân Hoan càng đáng quý. Ông đã tích lũy tư liệu suốt nhiều chục năm, đặc biệt từ những “tư liệu sống” là những nghệ sĩ, những người am hiểu văn hóa từ buôn làng. Người thầy đầu tiên của nhạc sĩ Lê Xuân Hoan là ông Rơ Mah Bleo, khi đó là Phó Hiệu trưởng Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Ayun Pa (nay là thị xã Ayun Pa). “Ông là người đã dạy tôi tiếng Jrai, dạy tôi nhiều bài hát ru và cũng là người đầu tiên hát ca khúc đầu tay của tôi, khích lệ tôi tiếp tục khai thác chất liệu âm nhạc dân gian trong sáng tạo nghệ thuật”. Khi về làm Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật tỉnh (1993-2002), nhạc sĩ Lê Xuân Hoan đã khuyến khích Ksor HHoanh-con gái ông Rơ Mah Bleo-về trường học tập như một sự tri ân. HHoanh vốn có năng khiếu bẩm sinh, được học tập, đào tạo qua trường lớp nên càng phát huy được tố chất và trở thành một trong những giọng ca rất đặc biệt.  

“Năm 1992, lần đầu tiên Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) tổ chức Liên hoan Hát ru toàn quốc tại TP. Huế nhằm chấn hưng văn hóa dân tộc. Tôi được Sở Văn hóa-Thông (nay là Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch) tin tưởng giao nhiệm vụ sưu tầm những bài hát ru Jrai, Bahnar để tham gia cuộc thi này. Lúc đó, tôi còn chưa phân biệt được hát ru Jrai với hát ru Bahnar. Nghệ sĩ HBen (đã mất) là người đã hát cho tôi nghe những bài hát ru Bahnar và cũng chính bà dạy tôi một số đặc trưng của dân ca. Vì vậy, tôi đã mời bà tham gia cuộc thi hát ru nói trên. Sau đó, tôi còn tìm thấy 2 nghệ sĩ hát ru nữa là Mai Sanh (làng Piơm, xã Hneng, huyện Mang Yang cũ, nay là huyện Đak Đoa) và HLim (buôn Jú, xã Ia Tul, huyện Ayun Pa cũ, nay là huyện Ia Pa). Bốn bài hát của tỉnh Gia Lai tham gia Liên hoan năm đó đều xuất sắc đạt giải cao với 3 huy chương vàng, 1 huy chương bạc”-ông kể.

Được tiếp xúc, gặp gỡ với những nghệ sĩ, những người am hiểu văn hóa truyền thống dân tộc, nhạc sĩ Lê Xuân Hoan đã có hành trình tích lũy âm thầm để làm dày thêm vốn kiến thức về âm nhạc cổ truyền. Vốn quý đó giúp ông thực hiện thành công đề tài nghiên cứu “Âm nhạc dân gian Jrai ở Gia Lai” và được Hội đồng Khoa học cấp tỉnh đánh giá xuất sắc. Sau đó, ông có thêm đề tài nghiên cứu “Một số đặc trưng cơ bản của âm nhạc dân gian Jrai” (năm 2002). Đến 2009, ông tiếp tục thực hiện đề tài “Tìm hiểu thang âm-điệu thức trong âm nhạc dân gian Bahnar”. Từ kết quả những nghiên cứu trên, ông đã cho xuất bản 4 tập sách: Dân ca Bahnar (năm 2013), Nghiên cứu xác định thang âm-điệu thức đặc trưng trong âm nhạc Bahnar (2014), Dân ca Jrai (2006), Tìm hiểu đặc trưng trong âm nhạc dân gian Jrai (2007). Ông cho biết, trong năm nay sẽ tiếp tục in cuốn thứ 5, cũng là một công trình nghiên cứu về âm nhạc dân gian.

Nhạc sĩ Lê Xuân Hoan còn là người đặt lời Việt cho nhiều bài dân ca Bahnar, Jrai, nhất là những bài hát ru. Theo ông, đó là cách để gìn giữ những giá trị đặc biệt của âm nhạc truyền thống. Ông cũng đề xuất phát động cuộc thi viết lời mới cho những bài dân ca cổ, đãi ngộ người có khả năng thể hiện. Có như vậy, âm nhạc dân tộc mới có chỗ đứng vững chắc trong đời sống, phát huy giá trị trong môi trường văn hóa mới.

 MINH CHÂU

Có thể bạn quan tâm

Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

(GLO)- Hoàng Vũ Thuật thuộc thế hệ nhà thơ đàn anh của tôi, cùng lứa với các tài hoa như Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Khắc Thạch, Thạch Quỳ... ở miền Trung. Dẫu lớn tuổi nhưng ông luôn có ý thức tìm tòi, cách tân thơ cả hình thức và nội dung.
Thơ Hoàng Đăng Du: Mùa trôi

Thơ Hoàng Đăng Du: Mùa trôi

(GLO)- Dẫu biết rằng xuân qua hạ tới, thu tận đông tàn là quy luật của thiên nhiên nhưng sao chứng kiến những khoảnh khắc mùa nối mùa vẫn khiến tác giả Hoàng Đăng Du không khỏi cảm thấy chút nuối tiếc, hụt hẫng, bâng khuâng...
Nguyễn Thị Thanh Thúy: Chọn đi đường dài với văn chương

Nguyễn Thị Thanh Thúy: Chọn đi đường dài với văn chương

(GLO)- Được đào tạo chuyên ngành Văn học, khi ra trường lại quyết liệt theo đuổi nghề báo, sau đó “đầu quân” vào ngành Công an và bất chợt tìm thấy niềm hạnh phúc với văn chương-đó là những bước ngoặt bất ngờ trong cuộc sống của Thượng úy Nguyễn Thị Thanh Thúy (Phòng ANCT nội bộ, Công an tỉnh).

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

(GLO)- Nắng hòa cùng bốn mùa xuân, hạ, thu, đông thành những gam màu khác nhau. Trong bài thơ mới của tác giả Nguyễn Ngọc Hưng, nắng được hóa thân thành "cô bé" với những tính cách nhí nhảnh, đáng yêu...
Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

(GLO)- Tôi quen và chơi với Nguyễn Ngọc Tư đã mấy chục năm và cũng hết sức bất ngờ khi mới đây chị công bố... thơ, mà tới 2 tập liên tiếp và bán tơi tới. Thì cả nước đều biết Nguyễn Ngọc Tư là nhà văn nổi tiếng, nhất là sau khi “Cánh đồng bất tận” xuất hiện.
Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

(GLO)- "Cỏ mây" của nhà thơ Lê Từ Hiển như một khúc tự tình của hoa dại, của mây trời, thỏa sức sống đời thảnh thơi nơi triền sông, cô độc trong sự ngọt ngào, hồn nhiên, ngất ngưởng...
Gương mặt thơ: Bùi Quang Thanh

Gương mặt thơ: Bùi Quang Thanh

(GLO)- Nhà thơ Bùi Quang Thanh quê Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, tuổi Canh Dần (1950). Năm 1971, ông là lính của Mặt trận Tây Nguyên, đã từng tham gia chiến dịch giải phóng Đăk Tô-Tân Cảnh 1972 và suýt nữa thì nằm lại giữa rừng “cánh Trung” vì sốt rét.

Thơ Ngô Thanh Vân: Hoa đắng

Thơ Ngô Thanh Vân: Hoa đắng

(GLO)- Loài hoa mang trong mình vị đắng đót nhưng vẫn căng mình tận hiến không chỉ sắc vàng rực rỡ mà còn nuôi dưỡng cho đất đỏ bazan màu mỡ. Bài thơ "Hoa đắng" của nhà thơ Ngô Thanh Vân là những lời viết đầy cảm xúc dành cho loài hoa đặc trưng của vùng đất Tây Nguyên đầy nắng và gió này.
Bày tranh Việt đoạt giải thưởng Đông Nam Á trị giá nửa tỷ đồng

Bày tranh Việt đoạt giải thưởng Đông Nam Á trị giá nửa tỷ đồng

Tác phẩm đặc sắc của 8 nghệ sĩ trẻ tài năng nhất từ cuộc thi mỹ thuật uy tín Đông Nam Á “UOB Painting of the Year 2023” được trưng bày tại triển lãm, đón khách tham quan từ sáng 23/3 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Chủ nhân bức tranh được giải cao nhất mang về phần thưởng 500 triệu đồng.