Sự thật cần phải bóc trần

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- (Đọc sách “Sự thật-Để trần hay che mặt?”, NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh 2018)

Ai đó từng nói, đại ý, chỉ cần nhìn một giọt nước, bạn sẽ thấy cả đại dương trong đó. Hiểu theo cách này, 37 bài/loạt bài báo trong cuốn “Sự thật-Để trần hay che mặt?” dù chỉ giống như những nét chấm phá trên hành trình 25 năm cầm bút của nhà báo Đại Dương (Báo Tiền Phong) song cũng đủ để bạn đọc nhận ra, đấy là những tác phẩm được viết bởi một cây bút tài năng, bản lĩnh, giàu lòng trắc ẩn và luôn ý thức rất rõ thiên chức, bổn phận nghề nghiệp.

 

“Sự thật-Để trần hay che mặt?” cũng là tên một bài viết hậu loạt điều tra 4 kỳ “Đắng cay của doanh nghiệp: Đoạn trường ai hay” của nhà báo Đại Dương đăng trên báo Tiền Phong giữa năm 2009. Viết bài này vào Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6), tác giả xem đây như lời chia sẻ với bạn đọc và đồng nghiệp về “chuyện hậu trường” của một phóng sự gây xôn xao dư luận khi đó. Và để trả lời cho điều mà có lẽ đã khiến không chỉ anh mà tất cả các nhà báo chân chính phải băn khoăn, trăn trở mỗi khi đặt bút, Đại Dương khẳng định: “Dù thế nào thì sự thật vẫn cần phải bóc trần”. Bởi đơn giản, như những tâm sự của tác giả trong cuốn sách vừa ra mắt: “Sự thật luôn được che đậy hay lẩn khuất đâu đó. Bổn phận của nhà báo là tìm và phơi bày ra ánh sáng”.

25 năm làm báo, từng nếm trải tận cùng đắng cay của nghề, nhưng chưa bao giờ nhà báo Đại Dương lãng quên bổn phận đi tìm và phơi bày sự thật ra ánh sáng. Dù để làm được điều đó, anh phải chấp nhận dấn thân, lăn xả, vượt qua những thách thức khách quan và cả từ chính bản thân. Điều này được thể hiện đặc biệt rõ ở những bài điều tra, chuyên luận trong phần 1 của cuốn sách “Sự thật-Để trần hay che mặt?”. Ở đây, qua những điều tra về tình trạng ô nhiễm khu dân cư, về sự nhũng nhiễu của một bộ phận cán bộ đối với doanh nghiệp, nạn trốn thuế của giới showbiz hay tình trạng các ngân hàng thương mại cổ phần “đi đêm” lãi suất trong huy động vốn… người đọc không chỉ nhận thấy ở Đại Dương phẩm chất của một nhà báo có nghề, đủ sức “đá nhiều sân” mà quan trọng hơn, là một ngòi bút bản lĩnh, quyết liệt đi đến cùng sự thật.

Ở phần 1 của cuốn sách, Đại Dương giống như một điều tra viên xông xáo, bản lĩnh, quyết tìm ra sự thật để đưa ra ánh sáng. Còn trong phần 2-nơi tập hợp những bài phỏng vấn, bình luận theo dòng thời sự-bạn đọc lại thấy ở anh sự điềm tĩnh, sắc sảo của một nhà phân tích. Dù ở thể loại bình luận hay phỏng vấn, dù là chuyện quốc gia đại sự như tình trạng nợ công, lạm phát, giải quyết nợ xấu, ách tắc thị trường bất động sản, hội nhập kinh tế quốc tế… hay những chuyện gần gũi đời thường hơn như mở lối tư duy giáo dục, thưởng Tết, tăng giá xăng, trách nhiệm của cơ quan dự báo bão, áp lực học hành, hiệp sĩ đường phố... mỗi vấn đề Đại Dương đưa ra đều có sức nóng nhất định, thậm chí “nóng rẫy”. Bởi lẽ, đó đều là những vấn đề chứa đựng sự bất ổn mà xã hội hay bản thân mỗi con người đang phải đối mặt. Và việc gọi tên, phản biện những bất ổn này một cách thẳng thắn, với anh, không chỉ là đi tìm và phơi bày sự thật, mà cao hơn là để “đấu tranh cho/vì sự tiến bộ của xã hội”, để “kiến tạo cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn”.

Ở phần 3, cũng là phần khép lại cuốn sách với 12 phóng sự, ký sự, bạn đọc nhận ra ở Đại Dương hình ảnh của một nhà báo chịu khó đi, luôn chăm chú quan sát, lắng nghe. Đó có thể là những chuyến đi rất gần, ngay ngoại ô hay các khu công nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh, nhưng cũng có khi là những hành trình xa ngái lên tận biên giới phía Bắc, vùng cao tỉnh Quảng Trị hay ra đảo Cát Bà, quần đảo Trường Sa, thậm chí vượt qua biên giới của Tổ quốc để đến Thái Lan, Myanmar. Nhưng khác với nhiều đồng nghiệp, Đại Dương không viết về những chuyến đi như một sự “trình diễn những trải nghiệm cá nhân” mà thay vào đó, mỗi phóng sự, ký sự của anh đều nhằm “chỉ giúp độc giả những thứ họ không thấy, nói giúp những điều họ không thể nói”. Xét cho cùng, đây cũng là hành trình đi tìm sự thật. Chỉ có điều, sự thật mà Đại Dương muốn nói đến thông qua những phóng sự, ký sự này là thân phận con người. Qua những trang viết giàu lòng trắc ẩn của anh, người đọc không khỏi cảm thương cho số phận của những nữ công nhân để cả tuổi thanh xuân trôi qua trong những xưởng may ở ngay giữa lòng TP. Hồ Chí Minh phồn hoa; xót xa, day dứt về những cái chết vì “ma ngón” của trẻ em vùng cao Điện Biên, nạn tảo hôn của người Vân Kiều, Pakô ở miền Tây Quảng Trị, những đứa trẻ “không khai sinh, không hộ khẩu, không học hành” ở “vịnh… chết dần” huyện đảo Cát Bà…

Nhiều người trong nghề thường bảo, không có gì chết nhanh bằng những bài báo, nhất là trong thời buổi thông tin ngồn ngộn như hiện nay. Có khi vừa rời khởi nhà in chúng đã rơi vào sự lãng quên của người đọc và cả chính tác giả. Vậy nhưng, những bài báo trong “Sự thật-Để trần hay che mặt?”, dù viết ngay sát thời điểm cuốn sách được in hay cách đây đã ngoài 20 năm nhưng bây giờ đọc lại vẫn thấy hấp dẫn, vẫn nóng hổi tính thời sự. Vậy điều gì đã làm nên sức sống lâu bền cho những bài báo này? Câu trả lời, như chính tác giả của nó tâm sự: “Mỗi tác phẩm là một sự dấn thân, lăn xả và có một phần cuộc đời của tôi ở đó”. Khi ai đó đã đem cả cuộc đời mình đặt vào trang viết, thử hỏi, những tác phẩm ấy làm sao chết được?

Thùy Chi

Có thể bạn quan tâm

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

(GLO)- Những cảm xúc dạt dào như con sóng được tác giả Phùng Sơn thể hiện trong bài thơ "Biển nhớ". Trước mênh mông của biển, sóng vô tình vỗ bờ rồi lại mải miết trôi xa, để lại một nỗi ngóng trông, mong chờ, nhung nhớ...

Văn hóa báo chí thời đại số

Văn hóa báo chí thời đại số

Từ điểm khởi đầu những năm 1925 cho đến ngày đất nước thống nhất năm 1975, nền báo chí cách mạng Việt Nam đã đi qua nhiều giai đoạn lịch sử vinh quang, viết nên bao câu chuyện anh hùng của một dân tộc anh hùng.
Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Là người con của quê hương Kinh Bắc, bị cuốn hút bởi những hình ảnh mộc mạc, bình dị và rất đỗi thân quen qua những bản khắc gỗ tranh Đông Hồ, khi bén duyên với hội họa, họa sĩ Tú Duyên đã mày mò tìm hiểu và sáng tạo ra kỹ thuật thủ ấn họa.