Đường tình mấy nẻo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tiếng người đàn ông dịu nhẹ làm chị tắt ngấm mọi sự giận dữ. Ừ, con cái có tội gì đâu. Cha mẹ có thể chia tay, nhưng tình gia đình vẫn phải cho con, đó mới là cách bù đắp có tính chất xoa dịu nhất. 
Thằng bé con lắc lắc tay chị:
- Đi mẹ, đi nghen mẹ… Bo buồn ngủ rồi, mình vào khách sạn để Bo quay qua bên này ôm mẹ, quay qua bên kia ôm bố một chút. Lâu lắm rồi cả nhà mình không ngủ chung đó!
Chị nhìn người đàn ông đang nắm tay con mình. Có xa lạ gì đâu, là bố nó đấy. Người đàn ông cũng nhìn lại chị, bốn mắt nhìn nhau, chị muốn dửng dưng cũng không được vì ánh mắt anh tha thiết quá, sự tha thiết van xin. Chị nhói lòng, bởi chị có muốn gia đình tan nát thế này đâu. Nhưng rồi sự uất hận dồn lên, con người này sao chị có thể nằm chung giường? Chị giật tay khỏi bàn tay bé nhỏ của con:
- Mẹ không…
- Thôi mà em… Con cái có tội gì đâu…
Tiếng người đàn ông dịu nhẹ làm chị tắt ngấm mọi sự giận dữ. Ừ, con cái có tội gì đâu. Cha mẹ có thể chia tay, nhưng tình gia đình vẫn phải cho con, đó mới là cách bù đắp có tính chất xoa dịu nhất. Tiếng thằng con thút thít khiến chị càng nát lòng, chị cúi xuống:
- Sao con khóc vậy? Mẹ muốn nói là mẹ không... không... từ chối đó mà.
- Ồ dze! Mẹ năm bờ oăn! Đi, đi liền đi bố mẹ!
Khách sạn cách quán cà phê mấy bước chân thôi, nhưng thằng bé cũng buộc mẹ lên xe cho bố chở: “Lâu lâu bố đi công tác về mà sao mẹ lại nghỉ chơi với bố vậy?”.
Nhân viên lễ tân nhìn chị như động vật quý hiếm bởi theo sau cặp đôi này là một đứa trẻ vừa hò vừa hát. Chị hơi lo ngại, không gian khách sạn nó yên ắng và lãng mạn thế, ai cấm được câu “tình cũ…”. Và ai biết được trong sâu thẳm cõi lòng chị vẫn còn yêu anh, người đàn ông đang tâm ruồng bỏ mẹ con chị chỉ vì những va chạm của cuộc sống và đổ thừa cho ba chữ “không hợp nhau”. Nhưng lấy gì lấp đầy mười năm chồng vợ khi một bước con đi, một nét môi con cười, một dáng con nằm ngủ đều giống anh như bản photo hoàn hảo nhất.
 Minh họa: KIM HƯƠNG
Minh họa: KIM HƯƠNG
Thằng bé nhảy câng câng trên giường nệm khen phòng mát quá, sạch quá, y như rằng nhà nó không có nệm, không có máy lạnh vậy. Rồi con liến thoắng:
- Mẹ nằm phía trong nhé, bố nằm phía ngoài, Bo nằm giữa. Y như ở nhà mình đó, vì nằm ở trong ít lạnh hơn, mẹ không chịu được máy lạnh mà, đúng không? Bố nằm ở ngoài che cái lạnh cho mẹ đỡ ho nhé, Bo nằm giữa, quay bên này ôm bố, quay bên kia ôm mẹ…
- Rồi lúc nào con ngủ?-chị nghiêm giọng.
- Chừng nào con mắt buồn ngủ thì Bo ngủ thôi. Mà mẹ ơi, bố đi công tác vậy, sao giờ bố không về nhà mà mình phải ngủ khách sạn vậy?
- Con hỏi bố con xem-chị nhìn sang người đàn ông nằm cạnh.
Anh ngắc ngứ trả lời con:
- Ừm… thì… tại con đòi đi khách sạn mà… Với lại, bố gấp việc nên chưa về nhà được.
- Ồ dze! Vậy là nay mai bố xong việc sẽ về với Bo phải không?- Ừ!
- Bố hứa nha! Bố hứa đó nha mẹ! Mẹ có vui không? Chứ bố đi lâu quá rồi?
- Bây giờ mẹ vui nhất là con nằm im ngủ cho mẹ ngủ với con nè!
- Không phải, ba người chúng mình ngủ với nhau chứ-thằng con tám tuổi liến thoắng.
Chị giảng hòa:
- Ừ, ba chúng mình…
Thằng bé nằm sấp, nhờ bố gãi lưng như hồi nào. Ôi… nhìn đôi bàn tay to bè thô ráp và sạm đen vì nắng gió đang cố gắng xoa thật nhẹ nhàng trên chiếc lưng hãy còn lấm tấm lông măng của con trẻ mà chị nghe yêu thương quá đỗi. Bàn tay ấy có nhiều vết chai, mà mỗi vết chị đều rất rành. Như vết dưới ngón tay trỏ của bàn tay phải kia, là do hôm ấy, anh phải chặt cả đống củi cho đám tang bà nội chị; ba vết chai của các ngón trỏ, giữa, áp út bên tay trái là do anh phải đẩy những xe rùa đá oằn nặng mà tráng khoảng sân sáu chục mét vuông. À, còn cái sẹo sài trên cườm tay phải đó, là do con dao chặt dừa sút cán văng lên. Mà lỗi do chị đấy, ai bảo đang trưa chị lại thèm uống dừa, anh đi làm về mệt nhưng vẫn chiều vợ, đi mấy cây số mới mua được quả dừa tươi cho chị. Cây dao trong bếp chẳng biết đã long cán tự bao giờ, anh bổ xuống và lưỡi dao văng ra, lưu dấu kỷ niệm một đường dài trên cườm tay. Khi ấy, chị đã khóc hết nước mắt vì sự đòi hỏi vô lý của mình. 
Chuyện mới đó chứ đâu xa, vậy rồi đường tình mấy nẻo, không ai biết trước được. Những công trình xa đã cuốn anh đi cùng bụi mù của xi măng, sắt thép, của bao hóa đơn chiết khấu hoa hồng, hoa huệ cứ ùn ùn về tủ. Chị không đồng ý những khoản tiền kiểu “em cứ chi tiêu thoải mái, không cần tìm hiểu nguồn gốc” đó. Bởi chị biết, ở đời thứ gì cũng có cái giá của nó, sau những cọc tiền dày cộp này thì anh phải đánh đổi những gì?
Anh bảo chị cả lo chóng già. Chả có đàn bà nào dại như em cả, tiền về tay mà cứ vạch lá tìm sâu hỏi tiền ở đâu ra. Chị long lên sòng sọc: “Vậy anh biết bao nhiêu đàn bà vô tư xài tiền rồi?”. “Không nhiều, vừa đủ xài”. Câu nói không đùa không thật của anh làm bản chất đa nghi đàn bà trỗi dậy. Chị buộc anh sắm điện thoại cặp, về công trình gần, không được đi qua đêm… để chị “tiện theo dõi”.
Chị như điên dại khi biết chồng có nhân tình. Anh cũng chẳng chối, chỉ bảo rằng người ta cho anh sự dịu êm sau cả ngày làm việc vất vả, chứ chẳng nhì nhằng tra tấn như vợ nhà. Mà cái nghề của anh, lại rất cần sự im ắng dịu dàng sau cả ngày vất vả. Anh ra điều kiện: một là chị thay đổi, hai là sẽ chia tay chứ sống trong căn nhà nóng như lò bát quái cùng ánh mắt sắc như dao và cái miệng oang oang tra vấn của vợ thì anh chết sướng hơn. Rồi một ngày, con suối yêu thương không chảy về nguồn nữa, anh đã ra đi tìm sự dịu êm, để lại con tim chị nứt toác.
Ba năm qua…
Chẳng biết anh tìm được mấy dịu êm mà vẫn thấy lên mạng xã hội than bóng than gió về sự cô đơn, về sự nuối tiếc, về ước mơ thời gian quay trở lại. Còn chị, đối diện với câu hỏi “bố đâu” của con đến đau cả đầu với mỗi lần hỏi là một câu trả lời khác nhau.
Rồi tất cả cũng qua khi câu nói “bố đi công tác xa” đã đánh lừa được con trẻ. Nhưng chênh vênh của nỗi lòng thì không lừa được chính mình. Chị thèm cánh tay gối đầu, thèm mùi mồ hôi thơm mùi bánh nướng quá lửa của anh. Bản ngã đàn bà lại trỗi dậy trong những đêm mưa. Nhìn dáng con nằm ngủ với từng cử chỉ sao giống chồng như tạc, chị muốn gọi cho anh một cuộc điện thoại. Chị sẽ bỏ hết mọi lằng nhằng gây hấn, mọi tra vấn rền rĩ để gia đình đoàn viên. Nhưng rồi chợt nhớ dòng chữ đỏ ròng “án có hiệu lực” thì chị đã biết mình mất anh mãi mãi. Thêm thắt hành tỏi những âm giọng của anh rằng, đàn bà là phải dịu dàng, phải phục tùng chồng… thì cơn giận của chị lại nổi lên.
Dạo này anh hay gọi điện, nói nhớ con, muốn về thăm con. Chị hờ hững “thì con anh, anh về”. “Anh muốn thăm cả mẹ của nó”. “Mẹ nó vẫn nhì nhằng tra vấn như xưa”. “Giờ muốn kiếm một lời tra tấn cũng không ra”. “Ô kê, muốn gặp thì ra Sen Đá”.
Sen Đá là quán cà phê quen thuộc nơi ngày xưa “anh nói em nghe”, chỉ là từ dạo “ai nói nấy nghe” thì quán đã vắng người. 
...Thằng bé lại quay qua ôm chầm lấy mẹ, cánh tay anh rảnh rang nên với về bên trái, nơi chiếc cổ thon trắng đã bao ngày thiếu một cánh tay gối đầu.
Cánh tay dịu dàng luồn qua chiếc cổ nhỏ. Một luồng điện chạy qua thật nhanh khiến chị đông cứng cả cơ thể. Chị không nhớ lúc ấy là mấy giờ…
Đ. P. THÙY TRANG

Có thể bạn quan tâm

Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

(GLO)- 

Cảnh vật trên đỉnh Nghĩa Lĩnh cũ xưa như nghìn năm vẫn thế. Tác giả như lạc về nghìn xưa ấy và cảm nhận được bước luân chuyển vần vũ của thời gian. Vật đổi sao dời, chỉ có những buổi chiều nơi đây luôn mãi trong xanh…

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Từ giữa tháng 3.2024, dù chỉ mới hoạt động thử nghiệm, chưa hoàn thiện bàn giao, nhưng nhiều người vẫn chờ đợi suốt nhiều giờ để chờ xem nhạc nước tại quảng trường 29.3 (đường 2.9, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng).
Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

(GLO)- "Hoàng hôn" của nhà thơ Nguyễn Tấn Hỷ là tác phẩm nhiều cảm xúc trước bóng chiều hoàng hôn. Trong tia nắng le lói cuối ngày, những cánh chim mải miết tìm về tổ ấm, những đôi chân lam lũ mải miết về nhà...
Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

(GLO)- Hoàng Vũ Thuật thuộc thế hệ nhà thơ đàn anh của tôi, cùng lứa với các tài hoa như Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Khắc Thạch, Thạch Quỳ... ở miền Trung. Dẫu lớn tuổi nhưng ông luôn có ý thức tìm tòi, cách tân thơ cả hình thức và nội dung.
Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

(GLO)- Nắng hòa cùng bốn mùa xuân, hạ, thu, đông thành những gam màu khác nhau. Trong bài thơ mới của tác giả Nguyễn Ngọc Hưng, nắng được hóa thân thành "cô bé" với những tính cách nhí nhảnh, đáng yêu...
Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

(GLO)- Tôi quen và chơi với Nguyễn Ngọc Tư đã mấy chục năm và cũng hết sức bất ngờ khi mới đây chị công bố... thơ, mà tới 2 tập liên tiếp và bán tơi tới. Thì cả nước đều biết Nguyễn Ngọc Tư là nhà văn nổi tiếng, nhất là sau khi “Cánh đồng bất tận” xuất hiện.
Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

(GLO)- "Cỏ mây" của nhà thơ Lê Từ Hiển như một khúc tự tình của hoa dại, của mây trời, thỏa sức sống đời thảnh thơi nơi triền sông, cô độc trong sự ngọt ngào, hồn nhiên, ngất ngưởng...
Gương mặt thơ: Bùi Quang Thanh

Gương mặt thơ: Bùi Quang Thanh

(GLO)- Nhà thơ Bùi Quang Thanh quê Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, tuổi Canh Dần (1950). Năm 1971, ông là lính của Mặt trận Tây Nguyên, đã từng tham gia chiến dịch giải phóng Đăk Tô-Tân Cảnh 1972 và suýt nữa thì nằm lại giữa rừng “cánh Trung” vì sốt rét.