Những món nợ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Không biết gã hung thần của ông lão đánh cá trong câu chuyện cổ tích ngày xưa to lớn đến mức nào còn gã hung thần của gia đình chị thì nhỏ thó, đen thui và gầy như một con ma đói.

Đấy, gã lại đến rồi đấy. Lần nào thấy gã đến nhà chị là bọn trẻ con trong xóm lại lẵng nhẵng bám theo như đang chơi rồng rắn! Gã nói câu nào bọn trẻ nhại lại câu ấy. “Con xin bà làm ơn làm phúc cho con xin mấy đồng mua thuốc. Mấy hôm nay trở trời cái chân cụt lại hành hạ con. Đau không chịu nổi! Mà nhà con thì khánh kiệt rồi, chẳng còn lấy một xu lẻ!”. Nói xong, gã kéo cái quần màu cháo lòng rộng thùng thình lên đến tận đùi. Cái đầu gối nhẵn tròn như cái đầu chày giã cua khua bọn trẻ con chạy túa ra.

 

Minh họa: Kim Hương
Minh họa: Kim Hương

Dạo trước, mỗi lần thấy mẹ chồng chị cho tay vào túi áo như thường lệ, bọn trẻ lại nhao nhao: “Bà ơi, đừng cho! Chú ấy nói dối đấy. Có tiền chú ấy chỉ đi uống rượu thôi chứ có mua thuốc đâu”. Mẹ chị quá biết điều ấy nhưng cũng như chị, bà không chịu nổi cái giọng nói nhừa nhựa nửa van xin nửa oán trách của gã sâu rượu. Mỗi lần đưa tiền cho gã xong, mẹ chồng chị lại lẩm bẩm: “Chắc kiếp trước nhà mình nợ nần gì nhà nó nên giờ phải trả?”.

Hạ không tin chuyện kiếp trước kiếp sau. Mà nếu có sự luân hồi thật thì kiếp sau chị sẽ được hậu duệ của gã trả nợ ư? Xa vời quá! Câu tục ngữ: “Ở hiền gặp lành” nhảy múa trong đầu khi nhớ lại cái hôm anh Thiếu-chồng chị chở giúp bác Vạn-hàng xóm đi bệnh viện. Hồi đó là tháng mười, đang mùa gặt nên đường làng đầy rơm. Anh Thiếu đã phi xe máy qua chân của một gã say rượu tưởng đống rơm là chiếc giường êm ái. Sau vụ tai nạn ấy, làng Yên mọc ra một gã Chí Phèo đời mới và gia đình chị trở thành nhà Bá Kiến để gã đến vòi tiền. Anh bị thương nặng hơn gã nhưng khi trở về nhà thì đụng ngay với một lũ sâu rượu chặn ở đầu làng. Cả bọn hộ tống anh về đến tận nhà, rồi kiếm chuyện sinh sự, đòi tiền.

Một tuần liền, ngày nào nhà chị cũng phải tiếp đón đoàn khách không mời mà đến ấy. Vậy là, tiền mừng đám cưới, tiền riêng của chị, tiền bán xe máy của anh và tiền tiết kiệm của mẹ chồng chị dồn hết lại để mua hai chữ yên thân. Lo xong việc cũng là lúc anh hết phép trở về cơ quan. Chị thấy tội cho anh bởi tận lúc anh đi vẫn phải thực hiện lời khuyên của bác sĩ: “Cột sống của anh chưa phục hồi sau chấn thương nên tốt nhất không nên “gần vợ” vào lúc này… Sau này, vợ chồng ly hôn, mẹ chồng bán nhà đi ở với người con trai, chị nghiễm nhiên trở thành người gánh nợ thay.

*
Người đàn bà gầy gò đặt trước mặt chị gói giấy báo:

- Thưa cô giáo! Đây là số tiền tôi bán mảnh đất bố mẹ cho để làm của hồi môn. Xin cô giáo cầm giúp để thỉnh thoảng nhà tôi có đến thì cô bố thí cho vài đồng. Cái số tôi nó khổ nên mới lấy phải lão ấy. Hồi chưa gãy chân, lão cũng chẳng làm gì. Tối ngày say sưa rượu chè, cờ bạc. Từ ngày bị tai nạn, lão khinh tôi ra mặt. Ra cái điều ta đây có tiền không thèm nhờ vả vợ con nữa. Tốt xấu gì cũng là chồng tôi. Là cái ách ông trời bắt tôi phải đeo. Còn cô giáo chẳng công nợ gì mà cũng phải chịu vạ lây.

Chị ứa nước mắt nhìn người phụ nữ đang ngồi trước mặt mình. Im lặng một lúc, người thiếu phụ lại cất lời thiết tha:

- Tôi còn một điều nữa muốn cầu xin cô giáo. Tôi sắp đi xa, xin cô làm ơn làm phúc trông con bé Hạnh thay tôi. Để nó sống với bố thì chẳng biết sau này nó thành cái gì nữa. Mới chục tuổi đầu mà ngày năm, ngày ba trận đòn. Đã vậy những lúc say lão ấy còn đổ đầy rượu vào mồm con bé.

Vậy là, sau đám tang của người đàn bà ấy, chị đeo thêm một món nợ nữa.

Trước tình cảnh của Hạ, nhiều người đồng cảm nhưng cũng có người mắng chị là ngu dại. Ngày bị cô bồ của chồng đánh cho thâm tím cả mặt mũi, chị đã bị Liên-người bạn thân lên lớp cho suốt một đêm ròng: “Ở đời, tao chưa thấy ai nào ngu như mày! Đường đường, chính chính là vợ đúng pháp luật hẳn hoi lại để con bồ của chồng nó đánh cho dã man thế mà để yên. Lại còn chịu mất chồng với nó”.  Mắng chị chán thì hai đứa cùng nằm khóc. Chị cười buồn: “Thôi, bỏ đi. Dù có bất cứ chuyện gì xảy ra thì gia đình anh Thiếu vẫn là ân nhân của gia đình mình. Nhà mình cả đời này không trả nổi ơn cứu mạng của bố anh ấy”. “Tính nợ kiểu đó thì có mà nợ cả đời, Hạ ơi…”.

*
Chị bị sốt vi rút phải vào bệnh viện. Lòng nóng như lửa đốt vì lo cho hai đứa trẻ ở nhà. Con Hạnh mới hơn mười tuổi biết xoay xở ra sao khi phải trông đứa em chưa đầy ba tháng tuổi? Chị nhờ người gọi điện cho Lâm nhưng ít nhất phải ba ngày nữa anh mới về đến nhà. Mỗi lần nhớ Lâm, chị lại mỉm cười. Anh đến với chị trong một ngày mưa bão. “Xin lỗi đây có phải là nhà cô giáo Hạ không?”. “Vâng! Anh tìm tôi có chuyện gì không?” . “Nghe nói chị nợ nần nhiều lắm có cần người gánh nợ thay không?”. “Xin lỗi. Tôi không hiểu anh định nói gì? Nhà tôi chỉ có một mẹ, một con. Giờ cũng sắp tối lại mưa bão nữa…” . “Tôi là bạn cùng đơn vị với anh Đang-chồng chị Liên. Trong những lá thư chị Liên viết cho chồng kể rất nhiều về Hạ khiến tôi vừa tò mò vừa khâm phục. Tôi đã năm lần bảy lượt nhờ chị Liên giới thiệu để được làm quen nhưng chị ấy từ chối và bảo đã giới thiệu cho Hạ nhiều người rồi nhưng đều không thành. Hy vọng tôi không ở trong số những người đàn ông kém may mắn ấy”. Lâm nói một hơi như thể anh không nói thì không còn dịp nào thổ lộ lòng mình nữa. Bé Hạnh đứng hóng chuyện bên cạnh mẹ vội chen vào: “Mẹ cháu bảo ai yêu quý cháu như con đẻ thì người đó mới xứng đáng là bố của cháu”. Anh bộ đội cúi xuống bế bé Hạnh lên: “Chú làm bố cháu có được không?”.

Sự chân thành của Lâm khiến chị xiêu lòng. Nhưng lý do khiến chị quyết định gắn bó với anh, ấy là việc anh đồng ý cùng chị chăm lo cho bé Hạnh. Trước anh, cũng có một vài người đến với chị sau ngày chị chia tay với Thiếu, nhưng ai nấy đều muốn chị trả con bé về với họ hàng nhà nó. Họ thường đặt ra cho chị sự lựa chọn hoặc là hạnh phúc riêng của chị hoặc là bé Hạnh? Lập luận của họ rất thực tế và hợp logic nhưng chị lại không thể nghe theo. Nghĩ miên man thế rồi thiu thiu ngủ lúc nào không hay. Nhưng tiếng bé Hạnh khiến chị choàng tỉnh:

- Mẹ ơi! Dậy ăn cháo cho nóng!
- Em có khóc không con?
- Dạ không mẹ ạ. Cô Thu cho em bú xong là nó lăn quay ra ngủ. Con gửi em cho bà Mận trông hộ rồi nấu cháo mang vào cho mẹ. Mẹ đói lắm rồi phải không? Bị tiêm có đau lắm không mẹ?

Chị thở phào. Nỗi lo lắng tan đi nhường chỗ cho sự cảm động. Chị ôm con gái vào lòng âu yếm lau vết nhọ nồi trên trán con. Hạnh vùng khỏi vòng tay mẹ xăng xái lấy cặp lồng múc cháo ra bát. Cô bé vừa thổi vừa đút cho chị từng thìa. Nước mắt rưng rưng, chị chợt nghĩ mình lại nợ thêm cuộc đời này một món nợ ân tình…

Nguyễn Hoàng Lược

Có thể bạn quan tâm

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

(GLO)- Những cảm xúc dạt dào như con sóng được tác giả Phùng Sơn thể hiện trong bài thơ "Biển nhớ". Trước mênh mông của biển, sóng vô tình vỗ bờ rồi lại mải miết trôi xa, để lại một nỗi ngóng trông, mong chờ, nhung nhớ...

Văn hóa báo chí thời đại số

Văn hóa báo chí thời đại số

Từ điểm khởi đầu những năm 1925 cho đến ngày đất nước thống nhất năm 1975, nền báo chí cách mạng Việt Nam đã đi qua nhiều giai đoạn lịch sử vinh quang, viết nên bao câu chuyện anh hùng của một dân tộc anh hùng.
Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Là người con của quê hương Kinh Bắc, bị cuốn hút bởi những hình ảnh mộc mạc, bình dị và rất đỗi thân quen qua những bản khắc gỗ tranh Đông Hồ, khi bén duyên với hội họa, họa sĩ Tú Duyên đã mày mò tìm hiểu và sáng tạo ra kỹ thuật thủ ấn họa.