Gã ăn mày

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- 1. Tôi vẫn thường thấy gã đứng dưới gốc cây trứng cá. Khi thì gã nhặt những trái chín rụng đầy mặt đất bỏ vô mồm, lúc thì ngồi nghêu ngao một bài hát không rõ đầu cuối bên hông chợ, cạnh đống rác vun cao ruồi nhặng vo ve…

Chẳng hiểu sao tôi không ưa gã, chỉ muốn gã biến đi nơi khác nhưng gã lại cứ xuất hiện trêu ngươi trước mặt tôi. Hễ đến cơ quan hay đi công tác thì thôi, chứ về đến nhà là tôi giục vợ con đóng kín cửa lại. Tôi rất sợ phải nhìn con người bẩn thỉu ấy xộc vào nhà xin tiền hay chìa cái bát nhôm méo mó xin cơm. Vợ tôi hay cằn nhằn:

- Kệ người ta, mình có thì cho, không thì thôi chứ xua đuổi làm chi cho mang tội!

 

Minh họa: Kim Hương
Minh họa: Kim Hương

Tôi ậm ừ, bỏ lên gác. Mở cửa sổ cho thoáng, nhìn xuống đường lại vẫn gã ăn mày đứng tựa lưng vào cột điện, bộ mặt quắt queo nhem nhuốc ngửa lên trời. Không hiểu gã đang than trách hay cầu nguyện điều gì. Đôi môi gã mấp máy, mái tóc dài quá vai, rối bù phất phơ theo chiều gió. Rồi gã cúi xuống nhìn đôi bàn chân trần cáu bẩn như tìm vật gì vừa đánh rớt. Tôi lơ đãng nhìn gã, không mảy may xúc động mà chỉ có chút tò mò. Đến khi gã nhe hàm răng vẩu, xỉn vàng cười hề hề với những ai lướt qua thì tôi đóng cửa sổ lại, bật quạt, cố dỗ giấc ngủ trưa đến mau.

Gã khờ hơn là hiền, hình như có chút trục trặc về thần kinh. Tôi ít khi thấy gã nói mà chỉ thấy gã cười. Nụ cười một điệu, không thay đổi âm lượng, sắc thái. Cứ hề hề chen giữa tạp âm xô bồ của cái chợ trung tâm thị xã.

Gã không bình thường. Không những tôi mà những người cả khu phố đều nhận định như thế. Ai đời đi xin mà chê tiền chẵn, nghĩa là tờ mười ngàn hay hai chục ngàn gã đều lắc đầu không nhận. Gã chỉ nhận một, hai hay năm ngàn mà thôi. Thiệt tình, đã xin mà còn dè sẻn.

Một hôm, vợ tôi ra chợ mua bánh mì, có cho gã một chiếc. Gã đón nhận và cảm ơn rối rít. Vợ tôi thuật lại rằng ánh mắt gã sáng lên, sự hàm ơn thể hiện một cách cao nhất qua nét run run của cặp môi thâm đen, nứt nẻ. Tôi gạt ngang khiến vợ tôi chưng hửng. Cô ấy im bặt giây lát rồi quay sang bực bội với tôi:

- Anh lúc nào cũng nghĩ không hay cho người khác. Dẫu sao họ cũng là con người…

 - Họ là con người, không ai phủ nhận. Nhưng họ không thể ngang hàng với mình nên việc quan tâm quá mức đến họ không nên chút nào!

Tôi xô ghế, bỏ dở bữa ăn lên phòng sau khi hả hê buông ra những lời trịch thượng. Vợ tôi hậm hực nhìn theo. Con gái tôi than vãn:

- Cứ chuyện không đâu mà ba mẹ cãi nhau. Con chán lắm rồi!

2. Ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới. Mưa gió dầm dề suốt mấy đêm liền. Nước tạt ngoài cửa sổ, chảy men theo mặt kính, nhìn ra ngoài chỉ thấy bóng mờ. Chợ thưa người, hàng quán ế ẩm, người bán co ro. Vợ tôi ngần ngại hé cửa. Nước mưa thành dòng trước nhà, ngầu đục, rác và lá cây ngập đầy.

- Không biết chú ấy ở đâu cho khỏi ướt lạnh mẹ nhỉ?

Con gái tôi kéo tay mẹ. Vợ tôi  đang chìm đắm trong nỗi lo lắng cho gã ăn mày thì phải. Tôi thấy ánh mắt cô ấy rất buồn, đăm đắm nhìn ra phía chợ. Đoạn cô ấy quay lại lúc cơn gió lạnh thốc ngược, bắn nước mưa tung tóe vào tận trong phòng:

- Chú ấy ổn thôi. Cái ki-ốt bỏ không phía cuối chợ sẽ là nơi trú ngụ của chú ấy!

Nghe vợ nói có vẻ rành rẽ tôi đâm bực, kéo cửa lại, bật đèn lên. Ngoài trời mưa vẫn như trút. Gió cuồng nộ từng cơn.

3. Khu chợ mất trộm. Hàng mỹ phẩm của cô Hồng bị bẻ khóa, lục tung. Cô khóc lóc, bù lu bù loa. Người ta xúm lại bàn tán. Ban quản lý chợ có mặt trấn an, bảo sẽ sớm tìm ra kẻ trộm. Một mất mười ngờ. Người ta đổ dồn sự nghi ngờ vào mấy người ăn xin tụm lại ở góc chợ, ban đêm tá túc trong cái lều rách kia. Hình như biết thân phận, họ im thin thít, không dám hé răng, mắt cụp xuống khi bị người khác xua đuổi hay mắng nhiếc. Chỉ có gã ăn mày là vẫn vô tư, cứ hồn nhiên cười dù biết người ta e dè khi thuê mướn gã bưng vác hàng hóa.

Ban quản lý chợ vẫn chưa tìm ra kẻ trộm. Nhưng người ta lại thấy vào ban đêm gã ăn mày lảng vảng ở mấy hàng tạp hóa, mỹ phẩm. Cứ thấy bóng người của Ban quản lý là gã liền giả vờ nhặt nhạnh thứ gì đấy bỏ vào túi vải vắt ngang vai. Tôi sinh nghi, cảnh cáo vợ rằng chớ tin vào gã có ngày rước họa vào thân. Vợ tôi làm thinh để tôi tin chắc rằng cô ấy đã vỡ ra nhiều điều sau những chuyện xảy ra.Thế nhưng tôi đã nhầm khi dọn lại tủ quần áo. Những chiếc quần dài, áo sơ mi và cả áo khoác lâu nay tôi không mặc nữa đã không còn nằm ở đáy tủ. Hỏi, vợ tôi bình thản:

- Em cho chú ấy rồi. Tội nghiệp, chẳng có tấm áo nào lành lặn, mà trời lại sắp chuyển lạnh!

Tôi như muốn gầm lên, không phải tiếc mấy cái quần áo cũ mà vì tôi không ưa gã ăn mày, sao gã cứ ám tôi mãi thế. Vợ tôi ngạc nhiên nhìn tôi, không nói gì, chỉ nhìn thôi nhưng cổ tôi chợt nghẹn tắt, không cất nổi một lời…

4. Tôi phải đi công tác tại một thành phố du lịch nổi tiếng. Tôi đưa cả vợ con theo vì lúc ấy cũng nhằm kỳ nghỉ. Những ngày đầu, hai người phụ nữ của tôi rất vui. Họ đi thăm nhiều nơi, chụp nhiều ảnh kỷ niệm. Tôi cảm thấy vui lây, lòng không mảy may nghĩ ngợi về điều gì khác.

Một hôm, con gái buột miệng:
- Ở thành phố này không có người ăn xin ba nhỉ?
Tôi giật mình, nhíu mày. Vợ tôi biết ý, lắc đầu ra hiệu. Biết con gái lỡ lời khi nhắc đến điều tôi không thích, nhưng tôi vội vàng chữa thẹn cho nó:
- Trước đây có nhiều lắm, nhưng cơ quan chức năng mạnh tay, đưa họ vào các trung tâm, sợ họ làm ảnh hưởng đến bộ mặt du lịch của thành phố.

Tôi nói một cách ôn tồn, chi tiết. Con gái tôi hiểu ra. Vợ tôi cũng nở nụ cười vui vẻ.
- Giá như đám ăn xin ở chợ cũng được đưa vào các trung tâm nhỉ?
Tôi nhìn vợ, mong tìm sự đồng cảm, chia sẻ. Như bắt được sự cảm thông nơi tôi, vợ tôi hào hứng. Con gái tôi rót thêm rượu vào ly cho tôi. Giọng con gái đầy tin tưởng:
- Được vậy thì chú ấy đỡ lạnh và đói!
Tôi gật đầu, vợ tôi cũng mỉm cười. Ngoài sảnh nhà hàng, mấy tiếng chim cất lên lảnh lót, vui tai.

5. Cuộc gọi của hàng xóm lúc nửa đêm làm tôi bật dậy. Nhà tôi bị trộm đột nhập và gã ăn mày bị người ta đánh phải nằm viện.

Tôi lay vợ con dậy, thu dọn đồ đạc, sáng đón xe về sớm. Vợ tôi chẳng nói chẳng rằng, khiến con gái cũng không hỏi thêm gì, chỉ nhìn mẹ dò xét thái độ. Còn tôi thì hoang mang bao nghĩ suy. Gã ăn mày đã cạy cửa vào nhà tôi và bị đánh ư? Tôi đoán không sai mà, không nên tin một kẻ vô gia cư như gã. Nghĩ đến tài sản không mất đi nhờ phát hiện kịp thời, lòng tôi khấp khởi vui. Việc đầu tiên khi về đến nhà là tìm người hàng xóm cảm ơn và hỏi thăm sự tình.

Thì ra, mấy ngày gia đình tôi đi vắng, gã ăn mày hay lân la trước cổng, có đêm nằm ngủ gần đấy. Mặc sương, gió, gặp mưa thì gã trú vào hiên. Tôi chột dạ, hỏi thăm thì mới hay không phải gã ăn mày là kẻ trộm mà gã đã ngăn chặn bọn trộm vào nhà tôi. Gã bị đánh bị thương, những người xung quanh nghe động, bật đèn chạy ra. Bọn trộm bỏ chạy thục mạng. Gã ăn mày nằm thoi thóp bên vũng máu.

Tôi nghe kể lại mà lòng cảm thấy xót xa, tủi hổ. Vợ tôi lặng lẽ chuẩn bị vài thứ bỏ vào túi xách rồi bảo con gái đưa đến bệnh viện. Tôi cũng không yên khi ở nhà nên chạy xe theo.

Gã nằm bẹp giữa tấm drap màu trắng, trông thảm hại. Tôi ngần ngại giây lát rồi tiến lại gần, cầm tay gã. Gã vội rụt tay lại như bị chạm điện… Nước mắt gã ứa ra.

Trong lúc vợ con tôi hỏi han, nói chuyện với gã, tôi vội vàng xuống căng-tin mua cháo. Lúc ấy cũng đã gần trưa rồi.

Sơn Trần

Có thể bạn quan tâm

Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

(GLO)- Hoàng Vũ Thuật thuộc thế hệ nhà thơ đàn anh của tôi, cùng lứa với các tài hoa như Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Khắc Thạch, Thạch Quỳ... ở miền Trung. Dẫu lớn tuổi nhưng ông luôn có ý thức tìm tòi, cách tân thơ cả hình thức và nội dung.
Thơ Hoàng Đăng Du: Mùa trôi

Thơ Hoàng Đăng Du: Mùa trôi

(GLO)- Dẫu biết rằng xuân qua hạ tới, thu tận đông tàn là quy luật của thiên nhiên nhưng sao chứng kiến những khoảnh khắc mùa nối mùa vẫn khiến tác giả Hoàng Đăng Du không khỏi cảm thấy chút nuối tiếc, hụt hẫng, bâng khuâng...
Nguyễn Thị Thanh Thúy: Chọn đi đường dài với văn chương

Nguyễn Thị Thanh Thúy: Chọn đi đường dài với văn chương

(GLO)- Được đào tạo chuyên ngành Văn học, khi ra trường lại quyết liệt theo đuổi nghề báo, sau đó “đầu quân” vào ngành Công an và bất chợt tìm thấy niềm hạnh phúc với văn chương-đó là những bước ngoặt bất ngờ trong cuộc sống của Thượng úy Nguyễn Thị Thanh Thúy (Phòng ANCT nội bộ, Công an tỉnh).

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

(GLO)- Nắng hòa cùng bốn mùa xuân, hạ, thu, đông thành những gam màu khác nhau. Trong bài thơ mới của tác giả Nguyễn Ngọc Hưng, nắng được hóa thân thành "cô bé" với những tính cách nhí nhảnh, đáng yêu...
Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

(GLO)- Tôi quen và chơi với Nguyễn Ngọc Tư đã mấy chục năm và cũng hết sức bất ngờ khi mới đây chị công bố... thơ, mà tới 2 tập liên tiếp và bán tơi tới. Thì cả nước đều biết Nguyễn Ngọc Tư là nhà văn nổi tiếng, nhất là sau khi “Cánh đồng bất tận” xuất hiện.
Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

(GLO)- "Cỏ mây" của nhà thơ Lê Từ Hiển như một khúc tự tình của hoa dại, của mây trời, thỏa sức sống đời thảnh thơi nơi triền sông, cô độc trong sự ngọt ngào, hồn nhiên, ngất ngưởng...
Gương mặt thơ: Bùi Quang Thanh

Gương mặt thơ: Bùi Quang Thanh

(GLO)- Nhà thơ Bùi Quang Thanh quê Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, tuổi Canh Dần (1950). Năm 1971, ông là lính của Mặt trận Tây Nguyên, đã từng tham gia chiến dịch giải phóng Đăk Tô-Tân Cảnh 1972 và suýt nữa thì nằm lại giữa rừng “cánh Trung” vì sốt rét.

Thơ Ngô Thanh Vân: Hoa đắng

Thơ Ngô Thanh Vân: Hoa đắng

(GLO)- Loài hoa mang trong mình vị đắng đót nhưng vẫn căng mình tận hiến không chỉ sắc vàng rực rỡ mà còn nuôi dưỡng cho đất đỏ bazan màu mỡ. Bài thơ "Hoa đắng" của nhà thơ Ngô Thanh Vân là những lời viết đầy cảm xúc dành cho loài hoa đặc trưng của vùng đất Tây Nguyên đầy nắng và gió này.
Bày tranh Việt đoạt giải thưởng Đông Nam Á trị giá nửa tỷ đồng

Bày tranh Việt đoạt giải thưởng Đông Nam Á trị giá nửa tỷ đồng

Tác phẩm đặc sắc của 8 nghệ sĩ trẻ tài năng nhất từ cuộc thi mỹ thuật uy tín Đông Nam Á “UOB Painting of the Year 2023” được trưng bày tại triển lãm, đón khách tham quan từ sáng 23/3 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Chủ nhân bức tranh được giải cao nhất mang về phần thưởng 500 triệu đồng.