Vĩnh biệt nhà thơ Thanh Tùng, tác giả Thời hoa đỏ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nhà thơ Thanh Tùng, tác giả Thời hoa đỏ, vừa qua đời tối ngày 12-9. Nhà thơ, nhà báo Lê Thiếu Nhơn vừa thông báo, nhà thơ Thanh Tùng qua đời lúc 21 giờ 50 phút tại tư gia, hưởng thọ 83 tuổi.

 

 Nhà thơ Thanh Tùng
Nhà thơ Thanh Tùng



Lễ viếng nhà thơ Thanh Tùng dự kiến sẽ được tổ chức vào chiều ngày 13-9 tại nhà tang lễ TP.HCM. Dự kiến ông sẽ được an táng tại nghĩa trang Chánh Phú Hoà, Bến Cát, Bình Dương.

Nhà thơ Thanh Tùng sinh năm 1935, tên thật là Doãn Tùng, tại Nam Định.

Ông trưởng thành tại thành phố Hải Phòng.

Ông là tác giả của bài thơ nổi tiếng Thời hoa đỏ đã được nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng phổ nhạc thành bài hát nổi tiếng cùng tên.

Nhà thơ Thanh Tùng từng làm nghề khuân vác tại Hải Phòng, sau đó làm công nhân đóng tàu.

Ngoài bài thơ Thời hoa đỏ nổi tiếng, Thanh Tùng còn có ba bài thơ được nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc, được nhiều người yêu thích là Người về, Hà Nội ngày trở về, Mùa thu giấu em.

Các tập thơ đã in của ông như: Gió và chân trời, Khúc hát quê xa, Cái ngày xưa ấy, Thuyền đời, Trường ca Phương Nam...

Năm 1973, khi nghe tin người vợ cũ qua đời, nhà thơ Thanh Tùng tức tốc xuống Quảng Ninh để tiễn đưa nhau và bài thơ Thời hoa đỏ ra đời.

Năm 1997, ông được cử làm đại diện Việt Nam sang Hi Lạp đọc thơ cùng đại biểu nhiều nước trên thế giới.

Đầu năm 2016, khi đã ngoài 80 tuổi, trả lời phỏng vấn PGS.TS Nguyễn Hoài Nam trên Tuổi Trẻ, nhà thơ Thanh Tùng có chia sẻ những chiêm nghiệm về tình yêu của ông:

"Có nhiều loại tình yêu, ở đây tôi muốn nói đến tình yêu thơ, tình yêu trai gái và yêu chính bản thân mình.

Tình yêu thơ là tình yêu bất hủ, có như thế tôi mới là nhà thơ, khi sáng tác những vần thơ hay, ngâm nga nó tôi cảm thấy tâm hồn mình thơ thới, bao nhiêu mệt nhọc dường như tan biến chỉ còn ta với nàng thơ bất hủ.

Thơ là đáp ứng của con người với sự phát triển của vạn vật, của trời đất. Người ta cảm nhận thế nào đáp lại ra sao? Đó là những cảm xúc và cao hơn nữa là thơ ca, là nghệ thuật.

Theo một số nhà khoa học thì khi yêu càng mê đắm càng cuồng say, nhiều loại nội tiết tố tốt nội sinh được phóng thích vào máu và đi đến não.

Nó kích hoạt hệ thống miễn dịch, kích thích mạch máu giãn nở đưa máu nhiều về các cơ quan nhất là gan, thận và các cơ quan thải độc khác, làm cho cơ thể khỏe hơn, thư thái hơn...

Còn tình yêu trai gái là báu vật mà Thượng đế đã ban cho con người. Nhờ có tình yêu này mà con người hiểu nhau hơn, thông cảm với nhau hơn, gắn kết với nhau thành từng tế bào nhỏ của xã hội lớn là gia đình.

Nó còn giúp con người trở nên thăng hoa, giúp cân bằng âm dương, điều hòa kinh mạch của mỗi người.

Nếu bác sĩ làm việc vài lần mỗi tuần thì sẽ thấy yêu đời và sức khỏe sẽ cải thiện tốt hơn rất nhiều. Cứ thử nghe theo tôi đi, đó là vị thuốc bổ quý giá lắm đấy.

Còn việc yêu chính bản thân mình cũng là một nốt nhạc, một vần thơ quan trọng trong một bài thơ. Anh không yêu bản thân, không quý sức khỏe của mình thì còn quý cái gì nữa.

 Phải quý mình, thương mình trước khi chờ đợi người khác hay xã hội quan tâm đến mình".

Bài thơ Thời hoa đỏ của Thanh Tùng

Dưới màu hoa như lửa cháy khát khao

Anh nắm tay em bước dọc con đường vắng

Chỉ có tiếng ve sôi chẳng cho trưa hè yên tĩnh

Chẳng chịu cho lòng ta yên

Anh mải mê về một màu mây xa

Về cánh buồm bay qua ô cửa nhỏ

Về cái vẻ thần kỳ của ngày xưa

Em hát một câu thơ cũ

Cái say mê một thời thiếu nữ

Mỗi mùa hoa đỏ về

Hoa như mưa rơi rơi

Cánh mỏng manh tan tác đỏ tươi

Như máu ứa một thời trai trẻ

Hoa như mưa rơi rơi

Như tháng ngày xưa ta dại khờ

Ta nhìn sâu vào mắt nhau

Mà thấy lòng đau xót

Trong câu thơ của em

Anh không có mặt

Câu thơ hát về một thời yêu đương tha thiết

Anh đâu buồn mà chỉ tiếc

Em không đi hết những ngày đắm say

Hoa cứ rơi ồn ào như tuổi trẻ

Không cho ai có thể lạnh tanh

Hoa đặt vào lòng chúng ta một vệt đỏ

Như vết xước của trái tim

Sau bài hát rồi em lặng im

Cái lặng im rực màu hoa đỏ

Anh biết mình vô nghĩa đi bên em

Sau bài hát rồi em như thể

Em của thời hoa đỏ ngày xưa

Sau bài hát rồi anh cũng thế

Anh của thời trai trẻ ngày xưa.

 

V.V.Tuân (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

(GLO)- 

Cảnh vật trên đỉnh Nghĩa Lĩnh cũ xưa như nghìn năm vẫn thế. Tác giả như lạc về nghìn xưa ấy và cảm nhận được bước luân chuyển vần vũ của thời gian. Vật đổi sao dời, chỉ có những buổi chiều nơi đây luôn mãi trong xanh…

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Từ giữa tháng 3.2024, dù chỉ mới hoạt động thử nghiệm, chưa hoàn thiện bàn giao, nhưng nhiều người vẫn chờ đợi suốt nhiều giờ để chờ xem nhạc nước tại quảng trường 29.3 (đường 2.9, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng).
Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

(GLO)- "Hoàng hôn" của nhà thơ Nguyễn Tấn Hỷ là tác phẩm nhiều cảm xúc trước bóng chiều hoàng hôn. Trong tia nắng le lói cuối ngày, những cánh chim mải miết tìm về tổ ấm, những đôi chân lam lũ mải miết về nhà...
Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

(GLO)- Hoàng Vũ Thuật thuộc thế hệ nhà thơ đàn anh của tôi, cùng lứa với các tài hoa như Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Khắc Thạch, Thạch Quỳ... ở miền Trung. Dẫu lớn tuổi nhưng ông luôn có ý thức tìm tòi, cách tân thơ cả hình thức và nội dung.
Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

(GLO)- Nắng hòa cùng bốn mùa xuân, hạ, thu, đông thành những gam màu khác nhau. Trong bài thơ mới của tác giả Nguyễn Ngọc Hưng, nắng được hóa thân thành "cô bé" với những tính cách nhí nhảnh, đáng yêu...
Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

(GLO)- Tôi quen và chơi với Nguyễn Ngọc Tư đã mấy chục năm và cũng hết sức bất ngờ khi mới đây chị công bố... thơ, mà tới 2 tập liên tiếp và bán tơi tới. Thì cả nước đều biết Nguyễn Ngọc Tư là nhà văn nổi tiếng, nhất là sau khi “Cánh đồng bất tận” xuất hiện.
Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

(GLO)- "Cỏ mây" của nhà thơ Lê Từ Hiển như một khúc tự tình của hoa dại, của mây trời, thỏa sức sống đời thảnh thơi nơi triền sông, cô độc trong sự ngọt ngào, hồn nhiên, ngất ngưởng...
Gương mặt thơ: Bùi Quang Thanh

Gương mặt thơ: Bùi Quang Thanh

(GLO)- Nhà thơ Bùi Quang Thanh quê Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, tuổi Canh Dần (1950). Năm 1971, ông là lính của Mặt trận Tây Nguyên, đã từng tham gia chiến dịch giải phóng Đăk Tô-Tân Cảnh 1972 và suýt nữa thì nằm lại giữa rừng “cánh Trung” vì sốt rét.