Chuyện xóm giềng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mờ sáng, cả xóm bị khua dậy bởi tiếng la oang oảng của mụ N.. Thường thì mụ la lớn mấy xóm giềng cũng chả buồn quan tâm nữa. Nhà ấy đánh nhau như cơm bữa. Những ngày đầu, nửa đêm gà gáy xóm còn người này người kia lao sang can gián, che chắn. Sau riết quen tuồng ai cũng phát ớn. Xóm giềng mặc kệ nhà N. chí chóe.

Mụ N. vẫn la oang oảng. Tiếng trẻ con oe oe. Tôi bật dậy. Tiếng mụ N. ru ru nựng nựng. Tôi và chồng lao xuống giường, chạy ra cổng.  T., M., L., G., K. cũng đang tiến về nhà mụ N. Mụ đứng trước cổng nhà, tay bế bọc khăn hồng, người đung đưa theo nhịp ru. Đứa bé oe oe. Xóm đến gần nửa. Đàn ông quần đùi áo cộc, tóc bù xù, mắt lèm nhèm. Đàn bà váy ngủ dài ngắn, màu mè, tóc bù xù, mắt lèm nhèm. Mụ N. chìa đứa bé cho từng người thấy mặt. Ôi cái mặt thiên thần! Một bé gái, da đỏ, môi đỏ, hớp hớp khóc đòi bú. Chồng mụ N. chỉ cái giỏ dưới đất. Tôi sà xuống. Tôi bới tìm bức thư, kiểu những kẻ bỏ con hay làm. Nhưng không có gì ngoài mớ tã, bỉm, giấy, sữa thơm thơm mùi nước xả vải.

 

Minh họa: Kim Hương
Minh họa: Kim Hương

Chồng mụ N. hối hả giục mọi người vào nhà. Sau tiếng sập cửa, hơi rét bị nhốt lại bên ngoài. Căn nhà lao xao tiếng hỏi, tiếng thì thầm. Con bé được truyền tay đến từng người đàn bà của xóm. Ai cũng nựng nựng, xuýt xoa. Ôi cái mặt thiên thần! Tôi khẳng định, đứa bỏ con chắc trẻ lắm. Cả xóm gật gù. Đặt tên nó là gì? Ai sẽ nhận nuôi nó? Chút nữa sẽ lên báo phường sự việc này... Căn phòng lao xao bao câu hỏi, câu trả lời, câu chửi, câu cảm thán thương xót... Nhà T. muốn ôm nó về nuôi. Nhà M. đặt tên nó là Mai Sương. Ý là nó đến xóm trong một buổi sáng đầy sương. Cả xóm gật gù. M. bảo con gái tên thùy mị cho đời nó sung sướng. Cả xóm gật gù. Thế tên ở nhà là gì? M. bảo: Gọi nó là Sầu Riêng đi. Tên gì kỳ cục? Không kỳ cục, hàm ý sâu xa đời nó sinh ra đã buồn một nỗi rất riêng, bị bỏ rơi. Cả xóm gật gù.

Nhà tôi muốn đưa đứa bé về nuôi. Tôi luôn ước ao mụn con gái điệu đàng. Xóm lại bảo để nhà T. nuôi. Nhà ấy lấy nhau 7 năm, chạy chữa khắp bốn phương vẫn tịt lịt. T. chịu tủi cực với bà mẹ chồng nguyên 7 năm ròng. Bà ngày nào cũng đòi thay vợ cho con trai, ngày nào cũng bóng gió “cây độc không trái, gái độc không con”. T. không phải là gái độc. Thằng chồng nó tinh trùng yếu. Cả xóm ai cũng thương vợ chồng T.. Tôi nhìn T. mắt cay cay. Nó cứ ôm riết đứa bé, vài phút lại hôn chun chút vào má, vào trán con bé. Con bé bú no là ngủ. Chẳng biết xung quanh lao xao về số phận nó, về tương lai nó. Ở đời người ta hay nói về tương lai dù chẳng ai biết tương lai ra sao. Hiện tại là mỗi ngày đây với đủ buồn vui, cay đắng, tủi nhục mà ai cũng phải chấp nhận. Đứa bé thật vô tư. Nó ngủ li bì. Nó chẳng biết cách nó đến với thế giới này thật buồn. Cả xóm quyết định con bé sẽ về nhà T.. Thằng chồng nó nhảy cẫng lên hú hú như tazan, cúi chào cảm ơn rối rít, hứa hẹn tối nay em mời cả xóm vài thùng Tiger với bò một nắng nướng mừng nhà có thêm thành viên, mừng đời em từ đây thôi cô độc. Nó ôm cái giỏ đi trước, con T. đi sau, mắt dán vào con bé, chả nhìn đường đến nỗi vấp vào đống đất suýt ngã. Cả xóm la lên ối á, lo lắng con bé rơi. T. giật mình la hoảng, ôm chặt con bé, cười như mùa thu tỏa nắng, mắt lóng lánh nước.

Từ ngày xóm có đứa bé, đêm nào nhà T. cũng lao xao người ra kẻ vào. Người đem bì bỉm, người cho chục trứng gà, hộp sữa, cái chăn, cái mũ, cái váy nhỏ xinh màu hồng hồng. Mấy ông đàn ông ngồi nơi góc bàn đá nhà T. nhấm nháp bò một nắng đặc sản xứ Krông Pa và bia Tiger nói chuyện thế gian, toàn chuyện đẩu đâu như chuyện ông Trump cấm nhập cư, chống IS, cứng như thép với Trung Quốc, bàn chuyện du lịch sắp trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, của tỉnh nhà… Những câu chuyện cứ râm ran, thỉnh thoảng chồng T. chạy vào nhà lấy đá, lấy nước lại ghé cái mồm đầy râu ria và mùi men hôn chun chút vào má con bé. Con bé sắp đầy tháng. Ôi cái mặt thiên thần!

Từ ngày có đứa bé, mọi người có mối quan tâm chung. Nó hắt xì, sổ mũi, sốt mọc răng, ỉa chảy, mấy bà mấy chị long tong chạy tìm thuốc Tây thuốc Nam, lạc cạch giã, xay, vắt, lọc, dỗ dành nựng nịu đổ cho nó uống. Mấy chị mấy bà đã qua chửa đẻ bày hết kinh nghiệm cho T. nuôi con bé. Sầu Riêng 7 tháng, nó mũm mĩm xinh đẹp như thiên thần. Nó là con chung của cả xóm. Bà S. 70 tuổi tối nào cũng chống gậy lọ mọ sang í à, í ơi với con bé vài phút rồi về ngủ. Chị H. bán vé số tắm rửa xong chạy ngay sang ẵm bồng ơi à, ơi hỡi vài phút rồi về chăm anh chồng nằm liệt giường. Chị bảo con bé “hên” lắm, hôm nào trước khi đi bán cứ sang thơm tay nó một cái là hôm đó bán vèo vèo. Còn chồng tôi, mỗi lần thấy tôi tong tả trở về từ nhà T., anh liếc âu yếm: Dạo này xóm xóm, giềng giềng quên cả chồng con luôn à! Tôi lườm lườm lầu bầu: Không xóm xóm, giềng giềng thì chết ai đến đưa ma!

*
Cả xóm đổ ra đường nháo nhác bởi tiếng la thất thanh của T.. Chập tối, nhà nào cũng đang lo ăn uống, dọn rửa, cái con học hành. Chồng tôi chạy vèo đến nhà T.. Tôi và lũ con lao theo.  Người xóm đã đến đông. T. ôm con bé, mắt vằn quắc hung dữ. Dưới chân T., đứa con gái áo lụa đen tóc xổ rối, nước mắt đầm đìa bấu chân T. gào khóc. Chồng T. đứng án trước cửa mắt vằn quắc hung dữ. Bà vú em run lẩy bẩy bấu vào chiếc nôi gỗ. Thấy chị M., H., N., bà S. và tôi, T. hất đứa con gái rồi chạy đến, len vào giữa chúng tôi, một tay ôm chặt con bé, một tay chĩa vào đứa con gái gầm lên: Nó định bắt cóc con em! Đứa con gái ngồi bệt giữa nhà, khuôn mặt xinh đẹp hoảng hốt, mắt sưng húp, miệng mếu máo: Em lạy anh chị cho em thăm nó một chút rồi em đi, em không bắt cóc nó. Nó ngước mắt nhìn mọi người, miệng mếu máo van xin, kể lể. Cả xóm im lặng nghe tiếng nó kể lể, sụt sùi. Người quay mặt. Người bĩu môi. Người thở dài. Người mắt rặm rặm, cay cay…

Cả xóm đến nhà T. ăn bữa cơm chia tay Sầu Riêng về biển với mẹ nó. T. cứ ôm riết nó khóc như mưa. Cả xóm ngùi ngùi, buồn buồn, rầu rầu. Cả xóm chuyền tay nhau nựng nịu con bé. Khuôn mặt nó đẹp tựa thiên thần. Xóm tôi chơi vơi mất mấy tháng mới trở lại nhịp sống bình thường. Nhà T. mấy tháng liền buồn như có đám ma. Tối nào chị em cũng qua ngồi chuyện trò, vào facebook mẹ Sầu riêng xem ảnh con bé, bình luận inh om. Mấy ông ngồi với chồng T. dưới cây lộc vừng thả bông đo đỏ, họ uống bia Tiger với bò một nắng xứ Krông Pa, tranh nhau nói chuyện trong nước quốc tế, lòng vòng cuối cùng vẫn nhắc con bé, cuối cùng lại rút điện thoại gọi qua facebook để thấy con bé cười toe toét. Ai cũng ghé mặt vào màn hình bé bằng bàn tay u oa, u ơ nói nói, cười cười, nựng nựng.

Cả xóm vui như Tết khi hay tin T. có bầu. Vợ chồng chở nhau đi siêu âm. Nó nói líu lịu, tay ôm lấy vòm bụng nâng niu hoài nghi. Bác sĩ tháo kính, cười như hoa nở, gật gật chúc mừng vợ chồng nó. Chồng nó hú hú như tazan, ôm vợ hôn tới tấp. Bác sĩ gật gù lẩm nhẩm cuộc đời này quả là có nhiều điều kỳ diệu và nắm tay chồng nó lắc lắc mãi. Trời Phật chẳng cho ai tất cả và cũng không bao giờ lấy hết của ai tất cả. Tôi nhớ một câu Phật dạy: “Khi bạn vui, phải nghĩ rằng niềm vui này không phải là vĩnh hằng. Khi bạn đau khổ, bạn hãy nghĩ rằng nỗi đau này cũng không trường tồn”.

Hoàng Thanh Hương

Có thể bạn quan tâm

Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

(GLO)- Hoàng Vũ Thuật thuộc thế hệ nhà thơ đàn anh của tôi, cùng lứa với các tài hoa như Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Khắc Thạch, Thạch Quỳ... ở miền Trung. Dẫu lớn tuổi nhưng ông luôn có ý thức tìm tòi, cách tân thơ cả hình thức và nội dung.
Thơ Hoàng Đăng Du: Mùa trôi

Thơ Hoàng Đăng Du: Mùa trôi

(GLO)- Dẫu biết rằng xuân qua hạ tới, thu tận đông tàn là quy luật của thiên nhiên nhưng sao chứng kiến những khoảnh khắc mùa nối mùa vẫn khiến tác giả Hoàng Đăng Du không khỏi cảm thấy chút nuối tiếc, hụt hẫng, bâng khuâng...
Nguyễn Thị Thanh Thúy: Chọn đi đường dài với văn chương

Nguyễn Thị Thanh Thúy: Chọn đi đường dài với văn chương

(GLO)- Được đào tạo chuyên ngành Văn học, khi ra trường lại quyết liệt theo đuổi nghề báo, sau đó “đầu quân” vào ngành Công an và bất chợt tìm thấy niềm hạnh phúc với văn chương-đó là những bước ngoặt bất ngờ trong cuộc sống của Thượng úy Nguyễn Thị Thanh Thúy (Phòng ANCT nội bộ, Công an tỉnh).

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

(GLO)- Nắng hòa cùng bốn mùa xuân, hạ, thu, đông thành những gam màu khác nhau. Trong bài thơ mới của tác giả Nguyễn Ngọc Hưng, nắng được hóa thân thành "cô bé" với những tính cách nhí nhảnh, đáng yêu...
Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

(GLO)- Tôi quen và chơi với Nguyễn Ngọc Tư đã mấy chục năm và cũng hết sức bất ngờ khi mới đây chị công bố... thơ, mà tới 2 tập liên tiếp và bán tơi tới. Thì cả nước đều biết Nguyễn Ngọc Tư là nhà văn nổi tiếng, nhất là sau khi “Cánh đồng bất tận” xuất hiện.
Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

(GLO)- "Cỏ mây" của nhà thơ Lê Từ Hiển như một khúc tự tình của hoa dại, của mây trời, thỏa sức sống đời thảnh thơi nơi triền sông, cô độc trong sự ngọt ngào, hồn nhiên, ngất ngưởng...
Gương mặt thơ: Bùi Quang Thanh

Gương mặt thơ: Bùi Quang Thanh

(GLO)- Nhà thơ Bùi Quang Thanh quê Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, tuổi Canh Dần (1950). Năm 1971, ông là lính của Mặt trận Tây Nguyên, đã từng tham gia chiến dịch giải phóng Đăk Tô-Tân Cảnh 1972 và suýt nữa thì nằm lại giữa rừng “cánh Trung” vì sốt rét.

Thơ Ngô Thanh Vân: Hoa đắng

Thơ Ngô Thanh Vân: Hoa đắng

(GLO)- Loài hoa mang trong mình vị đắng đót nhưng vẫn căng mình tận hiến không chỉ sắc vàng rực rỡ mà còn nuôi dưỡng cho đất đỏ bazan màu mỡ. Bài thơ "Hoa đắng" của nhà thơ Ngô Thanh Vân là những lời viết đầy cảm xúc dành cho loài hoa đặc trưng của vùng đất Tây Nguyên đầy nắng và gió này.
Bày tranh Việt đoạt giải thưởng Đông Nam Á trị giá nửa tỷ đồng

Bày tranh Việt đoạt giải thưởng Đông Nam Á trị giá nửa tỷ đồng

Tác phẩm đặc sắc của 8 nghệ sĩ trẻ tài năng nhất từ cuộc thi mỹ thuật uy tín Đông Nam Á “UOB Painting of the Year 2023” được trưng bày tại triển lãm, đón khách tham quan từ sáng 23/3 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Chủ nhân bức tranh được giải cao nhất mang về phần thưởng 500 triệu đồng.