Tản văn: Mùa mưa bão

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mấy hôm nay mưa. Mưa như nghiêng vò trút nước xuống khắp mọi miền đất nước. Từ Bắc chí Nam, đâu đâu cũng ngập chìm trong mưa. Nhìn cảnh mọi người vất vả trong biển nước, lòng thắt lại, chênh chao về phía bão giông đã neo dấu tuổi thơ tôi.

Cái miền quê nghèo ven biển ấy, mỗi năm hứng chịu vài trận bão. Hễ nghe tin bão xa, mẹ lại lo lắng chuẩn bị mọi thứ đối phó với bão. Từ việc chằng chống nhà cửa, cây cối, dọi lại mái nhà phòng gió lốc, mưa dột, đến chuẩn bị rơm rạ chất đốt và nhu yếu phẩm. Bởi khi đã mưa xuống, nước dâng lên thì nội bất xuất, ngoại bất nhập, ngồi trong nhà nghe gió rít mưa tuôn còn thấy sợ nói gì chuyện đi ra ngoài.

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Sợ nhất là những lần bão ập đến vào ban đêm, trở tay không kịp. Bởi ngày trước phương tiện thông tin còn nghèo nàn, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm dân gian mà dự báo thời tiết. Chuyện đêm hôm đang ngủ say sưa mà đám trẻ con chúng tôi bị dựng dậy chạy bão là chuyện thường. Bị gọi dậy giữa đêm, nghe tiếng gió rít, tiếng mưa dội ầm ầm thì tự động tìm áo mưa quấn vào người, với cây đèn bão rồi đi theo mẹ ra ngõ.

Tới tận bây giờ, lòng tôi vẫn cảm phục lắm cái người nào đã “phát minh” ra cây đèn bão rất đơn giản mà hữu ích ấy. Ai cũng có thể tự làm và nhà nào cũng có một chiếc. Chỉ cần lấy cái vỏ chai thủy tinh, hơ trên lửa cho thật nóng, rồi cắt rời phần đáy chai độ 4-5 cm, quấn ba sợi dây thép lại như cái quang bé xíu, kết nối phần đáy với phần thân chai rồi đặt vào cái quang ấy. Uốn một sợi dây thép nhỏ thành cái lò xo dính chặt vào đáy chai, bên trên lò xo đặt đồng xu có cái lỗ tròn, luồn một sợi bấc đèn qua lỗ đồng xu, đổ dầu vào phần đáy chai. Phía trên cổ chai được cắt ngắn bớt, che lại bằng một chiếc chụp đèn thường được làm rất khéo từ vỏ cây măng phơi khô. Thế là có một chiếc đèn bão (hay còn gọi là đèn chai) vô cùng hữu dụng trong mùa mưa bão. Chỉ có nó mới chống chọi nổi sức gió giật các cấp kèm theo mưa lớn trong những trận bão. Có hôm, gió xoay tít mù cây đèn trong bàn tay bé xíu của tôi, gió tưởng như có thể xô ngã cả tôi nếu không có cánh tay mẹ tôi giữ lại. Ấy thế mà ngọn lửa bé tí trong cái vỏ chai kia chẳng hề hấn gì, vẫn lấp lánh sáng trong đêm dẫn lối cho chúng tôi.

Mẹ tôi khi ấy cõng đứa em trên lưng, một tay nắm tay tôi dò dẫm bấm chặt mười ngón chân đến tấy đỏ trên mặt đường đất thịt trơn như đổ mỡ, luôn miệng nhắc tôi cẩn thận kẻo ngã và phải cầm thật chắc cây đèn. Mưa vuốt mặt không kịp, chiếc nón cũ mẹ đội trên đầu luôn bị hất ngược ra phía sau, manh áo mưa cũng chỉ đủ giữ cho đứa em tôi trên lưng mẹ khỏi ướt. Dò dẫm được vào xóm phía trong đê để gửi con, khi nào trời cũng đã quá nửa đêm. Mẹ lại một mình trở về lo chống chọi với bão để giữ cửa nhà và hoa màu, sao cho tổn hại ở mức thấp nhất. Còn chúng tôi, cùng với những đứa trẻ khác trong làng, lăn lóc ngủ trong ổ rơm nhà người quen, chờ bão tan để được mẹ đón về.

Sau này về thăm quê, chuyện được chúng tôi nhắc đến nhiều nhất chính là những lần đi tránh bão. Đáng nhớ nhất là chuyện một đứa ngày ấy phải đi ngủ nhờ lúc còn bú mẹ, đêm thèm sữa rúc vào ti bác chủ nhà bú nhờ, bị đứa con bác ấy đánh cho vì dám tranh mẹ của nó. Đứa đi tránh bão bú nhờ ấy, giờ cũng đã thành tiến sĩ. Nhắc chuyện cũ, mắt nó xa xăm.

Bao nhiêu mùa mưa bão đã qua, cũng không ít giông gió trôi ngang cuộc đời. Những đêm lạnh nằm nghe mưa gió, nhớ đến quặn lòng cái ánh đèn chai leo lét hắt xuống mặt đường trơn như đổ mỡ. Và mỗi lần nghe tin bão xa, ruột gan như thắt lại, cầu mong mưa bão đừng nghiêng về phía quê nhà.

Đào An Duyên

Có thể bạn quan tâm

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

(GLO)- Những cảm xúc dạt dào như con sóng được tác giả Phùng Sơn thể hiện trong bài thơ "Biển nhớ". Trước mênh mông của biển, sóng vô tình vỗ bờ rồi lại mải miết trôi xa, để lại một nỗi ngóng trông, mong chờ, nhung nhớ...

Văn hóa báo chí thời đại số

Văn hóa báo chí thời đại số

Từ điểm khởi đầu những năm 1925 cho đến ngày đất nước thống nhất năm 1975, nền báo chí cách mạng Việt Nam đã đi qua nhiều giai đoạn lịch sử vinh quang, viết nên bao câu chuyện anh hùng của một dân tộc anh hùng.
Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Là người con của quê hương Kinh Bắc, bị cuốn hút bởi những hình ảnh mộc mạc, bình dị và rất đỗi thân quen qua những bản khắc gỗ tranh Đông Hồ, khi bén duyên với hội họa, họa sĩ Tú Duyên đã mày mò tìm hiểu và sáng tạo ra kỹ thuật thủ ấn họa.