Chân lạnh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nắng xuân luồn qua tán na hắt từng vạt nhỏ vào hiên. Bà ngồi cạy đất trong kẽ móng chân và lẩm bẩm ngâm Kiều. Ngoài vườn, con dâu bà đang lúi húi làm đất gieo hạt giống rau. Dù chồng chị đã gắt: “Rau đầy, ăn hết đâu mà cứ trồng nhiều để lại mất thời gian chăm bẵm”, nhưng đàn bà nông thôn bao giờ chẳng vậy, rảnh rỗi tay chân là cảm thấy khó chịu nên phải kiếm việc gì đó để làm. Nên hết nhổ cỏ thì cuốc đất. Hết vun xới chỗ này lại tưới tắm chỗ kia.

Chân đàn bà thường lạnh. Họ lội dưới nước, giẫm trong bùn đất, dầm trong mưa lạnh. Mười ngón chân bấu chặt vào đất như một thói quen. Ngay cả khi đã ủ trong chăn thì chân đàn bà vẫn lạnh. Những ông chồng thỉnh thoảng lại giật mình khi chạm vào chân vợ. Bà nhớ đến những giây phút cuối cùng trước lúc chồng nhắm mắt. Ông run run giơ bàn tay gầy guộc chỉ còn da bọc xương để nắm lấy chân bà. Ông nói trong chút sức tàn lực kiệt: “Sống với nhau cả đời, đến hôm nay tôi mới biết chân bà rất lạnh”. Nói rồi ông đi. Ngoài vườn cây đào ra hoa muộn cũng đã trút những cánh mỏng manh cuối cùng xuống cội.

 

Minh họa: Huyền Trang
Minh họa: Huyền Trang

Ông đi rồi, bà vẫn có thói quen đun một nồi nước ngâm chân vào buổi tối. Vài lát gừng tươi, vỏ bưởi khô vừa thơm vừa ấm. Lúc còn sống, ông thường nhẹ nhàng đặt từng chân vào chậu. Rồi cằn nhằn “sao nóng thế?”. Để bà vội vã thêm từng chút nước lạnh và luôn miệng hỏi “được chưa?”. Bà chiều ông lắm. Chiều từ ngụm trà sen xanh trong đáy chén đến cốc rượu thuốc trong bữa cơm. Từ mảnh cháy cơm thơm giòn đáy nồi đến cả những miếng mứt gừng ngậm vào sáng sớm. Sống như ông mới đáng sống. Mỗi ngày đều vui vẻ dạo chơi với cuộc đời. Ông sống đúng kiểu nhâm nhi thưởng thức. Người ngoài chẳng bao giờ thấy ông nhăn nhó. Cứ điềm nhiên sống và thong thả cười.

Sáng nào cũng thấy ông ngồi uống trà bên chiếc bàn cũ ở góc sân. Vài tiếng ho khan của ông cũng làm bà thắt ruột. Dù chính lưng bà đang đau nhức, xương khớp đang rời rạc kêu than. Bốn giờ sáng bà đã lật đật dậy đun nước pha trà cho ông đúng lúc sương trời dày đặc. Ra giếng múc được gầu nước thì sương đã đậu trắng trên mái tóc, trên chiếc áo len màu gụ và xuyên qua cả lớp tất chân. Nhóm xong bếp, bà hơ bàn chân lạnh buốt trên lửa. Nhưng chân bà không chịu ấm lên như thể sương đã ngấm vào từng thớ thịt. Bà đun cho đến khi nước trong siêu cạn chỉ còn đủ pha một ấm trà thì ông thức dậy. Bà mở hộp chè, mùi sen tỏa ra thơm ngát cả căn nhà…

Hồi ấy các con còn ở xa, nhà chỉ có hai ông bà quanh quẩn. Ông vui với sách, chim cu gáy và cây cảnh. Bà bận rộn với mấy luống rau thơm và hoa trái trong vườn. Rau thơm ngày nào cũng có người đặt mua cho các cửa hàng, quán nhậu dưới thị xã. Mỗi thứ vài cân, mình bà hái cũng đủ mỏi lưng. Đám húng chó, kinh giới, tía tô cứ hái lại chồi rất nhanh. Ban đầu bà chỉ định trồng cho ông ăn nhưng về sau lại thành nguồn thu nhập chính. Ông có lương hưu nhưng không tiêu đến. Hai người già thì tiêu pha, ăn uống có là bao. Ông ăn uống không đòi hỏi thứ gì cao sang, ngon bổ nhưng lại rất cầu kỳ. Cầu kỳ ở chỗ bữa nào cũng phải có lá nhội trên mâm. Lá nhội cuốn gỏi cá hoặc cuốn với thịt ba chỉ thì ngon hết nấc. Gia vị cũng thường là muối trắng trộn với lá nhội giã nhuyễn. Thêm vài món rau thơm nhấm nháp thế là cứ lai rai với vài ly rượu thuốc. Bà ăn cơm với cá khô mặn chát, dưa muối, lạc rang. Mà thực ra bà ăn cơm bằng những tiếng “khà” sảng khoái của ông già khi nhấp từng hớp rượu. Bữa nào ông đau, ăn uống không ngon là bà thấy miệng mình đang nhai rơm. Khô khốc. Cũng có khi ông chán cơm. Chán một cách bất thường không lý do. Bà cũng thở dài bỏ bữa.

Những đêm mùa đông bà hay đắp chăn kín đầu. Khẽ khàng ngửi mùi gừng, mùi hoa bưởi tỏa ra từ hai bàn chân ông. Bà nằm co lại tự ủ ấm cho mình. Đêm trở giấc bà cũng không dám chạm vào chân ông. Dù rất thèm hơi ấm của người bạn đời làm thịt da mình bớt lạnh. Bàn chân bà đi đất cả ngày. Có khi lội dưới ruộng rau muống đến tê cóng. Những kẽ móng chân bám đất đen sì. Gót chân nứt nẻ bật máu. Mỗi bước đi đều đau nhoi nhói. Nhưng ông không bao giờ biết. Vì ông còn mải ngửa cổ nhìn chim trong lồng, nhìn những chùm hoa trên giàn buông thõng. Ông không bao giờ nhìn xuống chân bà suốt bảy mươi năm, dù bà vẫn cần mẫn đun nước cho ông ngâm chân. Nước giếng lạnh, mà bà vẫn phải ngồi giặt lại đống chiếu chăn, mùng màn. Chăn nhung nặng quá bà phải cho chân vào giẫm. Lúc ấy chắc ông còn đang bận đọc sách. Có hôm ông bỏ cơm. Bà gặng hỏi thì ông bảo:
-Tôi thấy thương người ta quá nên đâu nuốt nổi.
-Người ta là ai?
-Thì người đàn bà trong câu chuyện ấy chứ ai.
Bà nhìn theo hướng tay ông thấy cuốn sách đọc dở đang rưng rưng trước gió. Bà cằn nhằn:
-Hơi đâu mà thương người không có thật.
-Thật chứ sao không? Đọc sách mà lúc nào cũng nghĩ nó không có thật như bà thì đọc làm gì.
-Ờ thì… tôi cũng đâu có đọc.
Bà lại cười hiền khô, lầm bẩm xót xa “nhịn bữa thế này đêm đói làm sao ngủ được”.
*

Ông không bệnh tật gì nhưng tự nhiên cứ yếu dần đi. Những sợi tóc trên đầu ông cứ đua nhau bạc. Ngón tay run run lật từng trang sách. Ông hay kêu khó thở. Nằm im lìm ngoài chõng tre nhìn chênh chếch vào vòm nắng qua tán cây khế ngọt. Với ông nắng cũng phải đẹp đẽ và thi vị cỡ đó. Lung linh, tinh nghịch và ngọt như nhụy hoa trà. Bà chạy đôn chạy đáo đi bốc thuốc bổ cho ông. Cố gắng để chiều theo những ý thích của ông. Nhưng ngay cả món lá nhội ông ăn cũng không còn thấy ngon, sách không buồn đọc. Chỉ thấy bỗng nhiên ông thèm quấn quýt bên bà. Thỉnh thoảng lại gọi “bà ơi, bà à”. Gọi vậy thôi, gọi để thấy bà dù đang bận việc gì ngoài vườn cũng vội vã chạy lại sốt sắng lo lắng hỏi han. Bà không dám rời mắt khỏi ông. Đi chợ cũng mua bán vội vàng để về với ông. Mấy luống rau không người chăm cỏ mọc đầy, ốc sên cắn cụt. Đến chuối chín cây cả buồng bà cũng mặc chim chuột khoét nham nhở hết. Bà còn bận ngồi bên cạnh đọc sách cho ông nghe. Mắt bà kém, bà vừa đọc vừa dịch từng chữ một. Đọc sách kiểu như bà thật là khó xuôi tai. Người bình thường cũng cảm thấy khó chịu huống hồ ông. Ấy vậy mà ông im lặng kiên nhẫn lắng nghe. Thỉnh thoảng bà thấy ông khẽ mỉm cười.

Ông mất lúc đang nằm ngắm nắng trên vòm cây khế ngọt. Nói đúng hơn là ông đã uống những giọt nắng ngọt như nhụy hoa trà trước khi nhắm mắt. Tay ông dần buông những ngón chân đen đúa và lạnh lẽo của bà. Bà mang những ký ức về ông để túc tắc đi nốt quãng đời còn lại. Vợ chồng con trai về ở cùng nhà để trông nom bà lúc trái nắng trở trời. Con dâu tính cũng giống bà thích quẩn quanh vườn. Đôi chân những người đàn bà thôn quê luôn lún trong bùn đất. Nên có nhiều hôm nhìn ra vườn bà như bắt gặp hình ảnh của mình lom khom giữa màu xanh tươi non trù phú. Vắng ông bà cũng yếu dần đi. Nhường mảnh vườn lại cho con dâu chăm tưới. Bà ngồi đầu hiên, chỗ ngày xưa ông hay ngồi ngóng nắng. Bà ngồi nghe đài, tiếng dò sóng lẹt xẹt lẫn trong tiếng lá rơi xào xạc. Bà nheo đôi mắt đã mờ như sương sớm nhìn nắng qua kẽ lá. Ừ nhỉ… giờ thì bà thấy nắng cũng lung linh và ngọt như nhụy hoa trà.

Vũ Thị Huyền Trang

Có thể bạn quan tâm

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Từ giữa tháng 3.2024, dù chỉ mới hoạt động thử nghiệm, chưa hoàn thiện bàn giao, nhưng nhiều người vẫn chờ đợi suốt nhiều giờ để chờ xem nhạc nước tại quảng trường 29.3 (đường 2.9, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng).
Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

(GLO)- "Hoàng hôn" của nhà thơ Nguyễn Tấn Hỷ là tác phẩm nhiều cảm xúc trước bóng chiều hoàng hôn. Trong tia nắng le lói cuối ngày, những cánh chim mải miết tìm về tổ ấm, những đôi chân lam lũ mải miết về nhà...
Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

(GLO)- Hoàng Vũ Thuật thuộc thế hệ nhà thơ đàn anh của tôi, cùng lứa với các tài hoa như Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Khắc Thạch, Thạch Quỳ... ở miền Trung. Dẫu lớn tuổi nhưng ông luôn có ý thức tìm tòi, cách tân thơ cả hình thức và nội dung.
Thơ Hoàng Đăng Du: Mùa trôi

Thơ Hoàng Đăng Du: Mùa trôi

(GLO)- Dẫu biết rằng xuân qua hạ tới, thu tận đông tàn là quy luật của thiên nhiên nhưng sao chứng kiến những khoảnh khắc mùa nối mùa vẫn khiến tác giả Hoàng Đăng Du không khỏi cảm thấy chút nuối tiếc, hụt hẫng, bâng khuâng...
Nguyễn Thị Thanh Thúy: Chọn đi đường dài với văn chương

Nguyễn Thị Thanh Thúy: Chọn đi đường dài với văn chương

(GLO)- Được đào tạo chuyên ngành Văn học, khi ra trường lại quyết liệt theo đuổi nghề báo, sau đó “đầu quân” vào ngành Công an và bất chợt tìm thấy niềm hạnh phúc với văn chương-đó là những bước ngoặt bất ngờ trong cuộc sống của Thượng úy Nguyễn Thị Thanh Thúy (Phòng ANCT nội bộ, Công an tỉnh).

Gương mặt thơ: Bùi Quang Thanh

Gương mặt thơ: Bùi Quang Thanh

(GLO)- Nhà thơ Bùi Quang Thanh quê Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, tuổi Canh Dần (1950). Năm 1971, ông là lính của Mặt trận Tây Nguyên, đã từng tham gia chiến dịch giải phóng Đăk Tô-Tân Cảnh 1972 và suýt nữa thì nằm lại giữa rừng “cánh Trung” vì sốt rét.

Thơ Ngô Thanh Vân: Hoa đắng

Thơ Ngô Thanh Vân: Hoa đắng

(GLO)- Loài hoa mang trong mình vị đắng đót nhưng vẫn căng mình tận hiến không chỉ sắc vàng rực rỡ mà còn nuôi dưỡng cho đất đỏ bazan màu mỡ. Bài thơ "Hoa đắng" của nhà thơ Ngô Thanh Vân là những lời viết đầy cảm xúc dành cho loài hoa đặc trưng của vùng đất Tây Nguyên đầy nắng và gió này.