Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Gia Lai lần III: Dấu ấn đất và người

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Là lần thứ III tổ chức, Giải Văn học Nghệ thuật Gia Lai đã trở thành một mốc quan trọng đánh dấu, ghi nhận sự cống hiến của đội ngũ nghệ sĩ của tỉnh nhà.    

Tác phẩm “Nhịp nhàng pơ thi” của tác giả Nguyễn Linh Vinh Quốc đạt giải khuyến khích tại Giải Văn học Nghệ thuật Gia Lai lần III.
Tác phẩm “Nhịp nhàng pơ thi” của tác giả Nguyễn Linh Vinh Quốc đạt giải khuyến khích tại Giải Văn học Nghệ thuật Gia Lai lần III.
Hôm nay (21-4), UBND tỉnh tổ chức trao giải Văn học Nghệ thuật Gia Lai lần thứ III. Theo đó, sẽ trao giải cho 48 tác phẩm và nhóm tác phẩm xuất sắc thuộc 7 chuyên ngành với: 7 giải A, 11 giải B, 12 giải C và 18 giải khuyến khích.

Giải Văn học Nghệ thuật Gia Lai lần này có sự tham gia của 59 tác giả và nhóm tác giả với 127 tác phẩm thuộc 7 chuyên ngành: âm nhạc, điện ảnh, múa, mỹ thuật, nhiếp ảnh, văn nghệ dân gian và văn học. Theo nhận định của Hội đồng chung khảo, so với lần thứ II, số lượng tác phẩm dự giải tuy không tăng nhưng chất lượng lại vượt trội hơn hẳn. Điểm chung của tác phẩm dự thi ở các chuyên ngành là đều có chất liệu sáng tác từ chính đời sống, truyền thuyết, phong tục, tập quán, lễ hội, cảnh quan thiên nhiên… gắn liền với mảnh đất Gia Lai. Có thể tìm thấy khung cảnh lễ hội Mừng lúa mới trong ca khúc “Tháng 3 ning nơng” của nhạc sĩ Lê Xuân Hoan (thơ Văn Công Hùng); lễ pơ thi trong tranh của họa sĩ Lê Hùng, trong tác phẩm cùng tên của nhà văn Thu Loan; lễ mừng sức khỏe của người Jrai trong tranh của Trần Quang Lực…; nét đẹp của Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trong bức ảnh “Nhịp cồng tương lai” của Võ Đình Khoa, tranh “Nét đẹp cồng chiêng” của Mai Quý Ngọc… Các truyền thuyết như chuyện tình Dăm Bri, núi Chư HDrông… cũng trở thành nguồn cảm hứng sáng tác cho các nghệ sĩ.

Ở Giải Văn học Nghệ thuật Gia Lai lần này, có một số chuyên ngành được đánh giá là có sự chuyển biến lớn về chất và có sức lan tỏa sâu rộng, đặc biệt là chuyên ngành nhiếp ảnh. 5 năm qua, các nghệ sĩ nhiếp ảnh đã đạt được hơn 100 bằng danh dự và huy chương các loại trong các cuộc thi khu vực và quốc tế. Chuyên ngành âm nhạc và văn học cũng có những bước tiến khi đều đã tiếp cận giá trị nghệ thuật đương đại, song tính dân gian cũng ngày càng được định hình với cách tiếp cận mới, vừa gần gũi, chân thật, vừa lắng đọng, lan tỏa.

Các tác phẩm văn nghệ dân gian cũng đã thể hiện tâm huyết, trí tuệ và sự dày công của các tác giả, góp phần làm phong phú và đa dạng kho tàng văn hóa dân gian địa phương, không để khuất lấp, tan biến những tư liệu văn hóa quý hiếm. Chuyên ngành mỹ thuật cũng để lại nhiều dấu ấn khi thể hiện sâu sắc đời sống tâm linh và bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên với bố cục đa dạng như ước lệ, đồng hiện…. Hình tượng trong các bức tranh được cách điệu mạnh mẽ, sống động, uyển chuyển, hài hòa. Nhiều tác phẩm đã đạt giải thưởng cao tại các cuộc Triển lãm Mỹ thuật Nam miền Trung-Tây Nguyên và tham gia các cuộc triển lãm mỹ thuật quốc tế. Họa sĩ Lê Hùng-Chi hội trưởng Chi hội Mỹ thuật Việt Nam tại Gia Lai, thành viên Hội đồng chung khảo chia sẻ: “So với Giải Văn học Nghệ thuật Gia Lai lần II, các tác phẩm mỹ thuật dự thi lần này có chất lượng tốt hơn. Các đề tài được thể hiện bằng nhiều chất liệu như sơn dầu, sơn mài và khắc gỗ. Thành công của các tác phẩm chính là việc đã phác họa, chuyển tải thành công sự giàu có của văn hóa Tây Nguyên. Có thể thấy mảnh đất Tây Nguyên là suối nguồn cảm xúc, đem lại nhiều đề tài hay cho anh em nghệ sĩ sáng tạo”.

Ông Phan Xuân Vũ-Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng chung khảo xét tặng Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Gia Lai nhận định: “Giải Văn học Nghệ thuật tỉnh là dịp để tỉnh tôn vinh những đóng góp của đội ngũ văn nghệ sĩ tỉnh nhà đối với đất nước, con người Gia Lai. Các tác phẩm tham gia dự giải đều lấy cảm hứng từ đời sống, dấu ấn văn hóa của cộng đồng các dân tộc, thiên nhiên, cảnh sắc Gia Lai, được thể hiện trên những chất liệu và ngôn ngữ khác nhau. Nhưng tất thảy đều đang góp sức để đưa hình ảnh của một Gia Lai xinh đẹp, thân thiện đến với bạn bè trong nước và quốc tế. Hy vọng trong các lần tiếp theo giải sẽ tiếp tục nhận được sự đóng góp với chất lượng tác phẩm ngày một cao hơn từ đội ngũ văn nghệ sĩ trong và ngoài tỉnh, đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa văn nghệ ngày càng cao của nhân dân tỉnh nhà”.

 Phương Linh


 

Nghệ sĩ Ưu tú TRẦN QUANG TÂM-Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San Gia Lai, giải A tác phẩm múa “Truyền thuyết Chư HDrông”:

Buôn làng là nơi cho tôi nguồn cảm hứng sáng tác vô tận

Trong những dịp về làng, được ngồi trò chuyện cùng các già làng, trưởng thôn hay mọi người trong làng, tôi đều thấy thích thú vô cùng. Mỗi người lại đem đến những câu chuyện khác nhau, những cảm xúc khác nhau. Về với làng, lắng nghe các truyền thuyết, được nghe tiếng đàn đinh-goong dưới ánh trăng giữa núi rừng trùng điệp… bao giờ cũng là nguồn cảm hứng sáng tác vô tận đối với người nghệ sĩ.

Nghệ sĩ Ưu tú CAO HỮU NHẠC-Giám đốc Nhà hát Sao Biển Phú Yên, giải C với ca khúc “Ayun Pa-Ea Ba-Sông Ba”:

Sông Ba là một trầm tích khai thác không bao giờ hết

Trong cuộc đời sáng tác của mình, tôi có rất nhiều bài hát viết về dòng sông Ba. Mảnh đất Phú Yên đầu gối lên Tây Nguyên, chân hướng về biển Đông, kết nối với mảnh đất Gia Lai bằng dòng sông Ba hùng vĩ. Dòng sông này đem đến rất nhiều xúc cảm cho tôi khi nó chứa đựng rất nhiều truyền thuyết, câu chuyện gắn liền với cuộc sống bao đời của những con người. Hãy “Về đây nghe dòng sông kể chuyện, bao nhiêu huyền thoại từ những bến sông. Âm vang nguồn cội…” (trích lời bài hát).
Họa sĩ NGUYỄN VĂN CHUNG (TP. Pleiku), giải B cho các tác phẩm “Chữ về làng”, “Hạnh phúc vàng” và “Sức sống đại ngàn”:

Giải thưởng có ý nghĩa đặc biệt đối với sự nghiệp sáng tác của tôi

Qua các tác phẩm tôi muốn công chúng yêu nghệ thuật phần nào thấy và hiểu được vẻ đẹp về đất và người Tây Nguyên trong lao động, vượt khó vươn lên trong cuộc sống, trong hành trình nhọc nhằn tìm con chữ của các em nhỏ người đồng bào, hay nét độc đáo trong phong tục, tập quán của người Jrai, Bahnar bản địa... Đây cũng chính là nguồn cảm hứng sáng tác của tôi. Giải thưởng này có ý nghĩa rất quan trọng trong sự nghiệp của tôi, nó là sự công nhận những nỗ lực sáng tạo miệt mài trong 5 năm qua và cũng là động lực để tôi tiếp tục trên con đường sáng tạo nghệ thuật mà mình đã chọn.

 

Có thể bạn quan tâm

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

(GLO)- Nắng hòa cùng bốn mùa xuân, hạ, thu, đông thành những gam màu khác nhau. Trong bài thơ mới của tác giả Nguyễn Ngọc Hưng, nắng được hóa thân thành "cô bé" với những tính cách nhí nhảnh, đáng yêu...
Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

(GLO)- Tôi quen và chơi với Nguyễn Ngọc Tư đã mấy chục năm và cũng hết sức bất ngờ khi mới đây chị công bố... thơ, mà tới 2 tập liên tiếp và bán tơi tới. Thì cả nước đều biết Nguyễn Ngọc Tư là nhà văn nổi tiếng, nhất là sau khi “Cánh đồng bất tận” xuất hiện.
Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

(GLO)- "Cỏ mây" của nhà thơ Lê Từ Hiển như một khúc tự tình của hoa dại, của mây trời, thỏa sức sống đời thảnh thơi nơi triền sông, cô độc trong sự ngọt ngào, hồn nhiên, ngất ngưởng...
Gương mặt thơ: Bùi Quang Thanh

Gương mặt thơ: Bùi Quang Thanh

(GLO)- Nhà thơ Bùi Quang Thanh quê Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, tuổi Canh Dần (1950). Năm 1971, ông là lính của Mặt trận Tây Nguyên, đã từng tham gia chiến dịch giải phóng Đăk Tô-Tân Cảnh 1972 và suýt nữa thì nằm lại giữa rừng “cánh Trung” vì sốt rét.

Thơ Ngô Thanh Vân: Hoa đắng

Thơ Ngô Thanh Vân: Hoa đắng

(GLO)- Loài hoa mang trong mình vị đắng đót nhưng vẫn căng mình tận hiến không chỉ sắc vàng rực rỡ mà còn nuôi dưỡng cho đất đỏ bazan màu mỡ. Bài thơ "Hoa đắng" của nhà thơ Ngô Thanh Vân là những lời viết đầy cảm xúc dành cho loài hoa đặc trưng của vùng đất Tây Nguyên đầy nắng và gió này.
Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

(GLO)- Những cảm xúc dạt dào như con sóng được tác giả Phùng Sơn thể hiện trong bài thơ "Biển nhớ". Trước mênh mông của biển, sóng vô tình vỗ bờ rồi lại mải miết trôi xa, để lại một nỗi ngóng trông, mong chờ, nhung nhớ...