Người Giẻ-Triêng ở Việt Nam: Một tập sách quý

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhà Xuất bản Thông tấn vừa cho ra mắt tập sách ảnh: “Người Giẻ-Triêng ở Việt Nam” khổ 20 x 20 cm, in song ngữ Việt-Anh, dày 176 trang. Đây là tập sách ảnh trong bộ sách ảnh về các tộc người thiểu số ở Việt Nam do Nhà nước tài trợ và đặt hàng xuất bản.

Tập sách ảnh này có 6 chương: Nguồn gốc và phân bố dân cư; buôn làng, nhà ở; nguồn sống; trang phục và trang sức; đời sống văn hóa tinh thần; tín ngưỡng và lễ hội. Cùng với tư liệu cô đọng, súc tích của nhà dân tộc học Phạm Văn Lợi, các nhà nhiếp ảnh như Trần Tấn Vịnh, Huy Đằng, Nguyễn Văn Quang và một số tác giả khác đã khắc họa sinh động bức tranh văn hóa tộc người Giẻ-Triêng bằng hình ảnh. 

 

Chương buôn làng, nhà ở, người đọc khám phá tập quán cư trú, các loại hình nhà cửa như nhà ở, trong đó nổi bật là nhà làng truyền thống (rông). Cũng giống như người Xơ Đăng và Bahnar, người Giẻ-Triêng có kiến trúc nhà làng truyền thống. Đây là công trình kiến trúc quan trọng bậc nhất của cộng đồng, là nơi vui chơi, nghỉ ngơi, sinh hoạt lễ hội, tổ chức các cuộc họp dân làng, xét xử các vụ kiện, nơi lưu giữ các bộ sọ thú như là chiến tích săn bắn trong quá khứ… Về cơ bản, ngôi nhà làng giống như các ngôi nhà ở của các gia đình trong làng, nhưng được làm và dựng cầu kỳ hơn, đầu tư nhiều công sức, to hơn và đẹp hơn. Nhà ở của người Triêng và người Ve là những ngôi nhà sàn ngắn thuộc loại hình nhà mái hình “mai rùa” hay “mu rùa”, đó là những ngôi nhà có 4 mái với 2 mái chính hình chữ nhật, 2 mái phụ (chái), mỗi bên là một nửa hình chóp nón. Lối kiến trúc truyền thống này vẫn còn bảo lưu ở các nhóm địa phương như: Ve, Tà Riềng ở Đak Pring, Đak Pree, Đak Tôi, Đak Ốc (huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam). Theo các nhà nghiên cứu, đây là loại hình kiến trúc nhà cổ điển, độc đáo nhất của các cư dân bản địa vùng Đông Nam Á.

Chương trang phục, trang sức là một trong những nội dung mà tập sách chuyển tải cô đọng nhất. Các nhà nhiếp ảnh đã đưa đến bạn đọc bộ sưu tập trang phục đậm chất Tây Nguyên, đó là váy, áo, khố, áo khoác, khăn, mũ, xà cạp… Nét độc đáo nhất trong trang phục truyền thống của đồng bào Giẻ- Triêng là cả nam lẫn nữ đều sử dụng tấm áo khoác, một loại hình trang phục choàng quấn mang dấu ấn cổ xưa. Phụ nữ khoác tấm thổ cẩm trở nên duyên dáng và để che chở, giữ ấm đôi vai của mình. Nam giới mặc khố và khoác áo choàng, phần trên thắt lại trước cổ hoặc qua vai khi tham gia lễ hội, nhất là khi diễn tấu nhạc cụ đinh tút. Những dịp nhà có khách, tấm áo khoác trở thành chăn đắp, thể hiện tấm lòng hiếu khách của gia chủ. Đặc biệt, người Bnoong ở Phước Sơn là nhóm tộc người sử dụng xà cạp duy nhất ở vùng núi Trường Sơn. Mép xà cạp được gấp và khâu viền cho sợi vải khỏi xổ ra, phía dưới cổ chân còn đeo thêm vòng cườm ngũ sắc. Cách phục sức này đến nay vẫn còn phổ biến vì nó vừa giữ ấm cơ thể, vừa chống côn trùng cắn. Xà cạp quấn chân làm cho thân hình phụ nữ trở nên gọn gàng, kín đáo. Bên cạnh trang phục, dân tộc Giẻ-Triêng còn đeo nhiều loại trang sức như vòng cổ, hoa tai, vòng tay, vòng chân… Vòng ống tay là loại trang sức có giá trị nhất của đồng bào. Loại vòng này là đồ trang sức của phụ nữ cao tuổi ở các gia đình khá giả. Họ thường đeo vòng ở cánh tay trái khi đi dự lễ hội đâm trâu.

Chương nguồn sống, các tác giả tập trung phản ánh đời sống mưu sinh sản xuất nương rẫy, săn bắt, nghề thủ công, ẩm thực... của người Giẻ-Triêng. Nguồn sống chủ yếu dựa vào canh tác nương rẫy với cây lúa và nhiều loại hoa màu như: bắp, mì, kê, khoai lang…; cây rau xanh: bầu, bí xanh, bí đỏ, rau cải… Bên cạnh canh tác rẫy, người Giẻ-Triêng còn biết làm nghề thủ công, săn bắt, đánh cá và hái lượm các sản phẩm dưới tán rừng. Đồ uống phổ biến của họ là nước lã đựng trong vỏ bầu khô và các loại rượu nấu từ gạo, bắp, mì… Ngoài rượu cần, đồng bào cũng biết lấy nước từ cây tà vạt để làm rượu uống giải khát, bồi dưỡng hàng ngày và dùng phổ biến trong lễ hội.

Chương đời sống văn hóa tinh thần giới thiệu các loại hình diễn xướng dân gian như múa, hát, âm nhạc. Nghệ thuật diễn xướng dân gian Giẻ-Triêng khá phong phú với nhiều loại nhạc cụ khác nhau mà tiêu biểu là cồng chiêng và đinh tút. Cồng chiêng là loại nhạc cụ quan trọng và phổ biến thường được diễn tấu trong các lễ hội lớn như ăn trâu, mừng vụ mùa bội thu, khánh thành nhà làng truyền thống. Đinh tút của người Giẻ-Triêng gồm có 6 ống dài ngắn và lớn nhỏ khác nhau được làm từ thân cây trúc. Đây là loại nhạc cụ đơn giản nhưng có âm thanh trầm bổng với lối diễn tấu tập thể gắn kết, phối hợp nhịp nhàng giữa âm nhạc, múa và trang phục truyền thống. Có lẽ xuất phát từ những tiếng thổi vào ống nứa để gọi hồn lúa trong lễ hội mừng mùa và dần dần được nâng lên thành điệu nhạc hồn cốt của tộc người. Ngoài ra đồng bào còn sử dụng một số loại nhạc cụ khác nhau như sáo (sáo thổi dọc, thổi ngang), các loại đàn (đàn môi, đàn dây) và các loại nhạc cụ chế tác từ tre nứa, quả bầu khô. Nghệ thuật trang trí của người Giẻ-Triêng được thể hiện trên đồ đan như gùi, công cụ lao động (cán rìu, cán dao, ống đựng tên), đồ dùng sinh hoạt hàng ngày (tẩu thuốc, quả bầu khô đựng nước uống), sản phẩm dệt và đặc biệt trên các tấm gỗ làm xà nhà ở nhà làng truyền thống. Trang trí trên sọ thú là loại nghệ thuật tạo hình cổ điển của tộc người. Một số sọ thú như sọ bò, sọ trâu, sọ nai... được trang trí công phu, tạo nên nét đẹp rất bí ẩn.   

Chương tín ngưỡng và lễ hội khắc họa một số lễ hội dân gian tiêu biểu của người Giẻ-Triêng như: lễ hội liên quan đến chu kỳ canh tác nương rẫy; lễ nghi vòng đời người; lễ hội cộng đồng. Trong lễ nghi nông nghiệp, nổi bật là lễ ăn mừng lúa mới, lễ cầu mùa để tạ ơn thần lúa cho mùa màng bội thu. Lễ hội cộng đồng phải kể đến lễ mừng nhà rông mới, lễ hiến sinh trâu hay còn gọi là “lễ đâm trâu huê”. Đồng bào Giẻ-Triêng còn giữ những phong tục riêng trong cưới xin, mà tiêu biểu là “Bó củi hứa hôn” hay “Củi vợ chồng”. Khi đến tuổi biết yêu đương, các cô gái thường lên rừng đốn củi mang về nhà xếp thành bó để sau này cõng về nhà chàng trai mà mình sẽ lấy làm chồng. Củi xấu hay đẹp, cong hay thẳng, nhiều hay ít thể hiện sự chăm chỉ, khéo léo, sự trưởng thành và khả năng làm chủ gia đình của người phụ nữ. Đây là củi bắt chồng hay củi cho chồng. Trong ngày ăn hỏi, cô gái xin ý kiến của già làng, gia đình sau đó chuyển đống củi sang nhà trai. Người cõng củi ngoài cô dâu còn có các phụ nữ có chồng trong làng cùng giúp. Khi bó củi cưới đã tháo ra, cô dâu phải lấy thanh củi đầu tiên đưa cho chồng rồi người chồng mới chuyển cho bố mẹ của mình để họ tự tay xếp củi lên giàn đã chuẩn bị sẵn.

 Tấn Vịnh


Ở Việt Nam, dân tộc Giẻ-Triêng có 50.962 người, cư trú tập trung tại 2 tỉnh Kon Tum và Quảng Nam. Người Giẻ-Triêng bao gồm 4 nhóm địa phương chính: Giẻ, Triêng, Ve và Bnoong. Trên địa bàn tỉnh Kon Tum, người Giẻ cư trú tập trung ở huyện Đak Glei-đây là nhóm địa phương có dân số đông nhất trong tộc người. Nhóm địa phương có dân số đông thứ hai là người Triêng sống tập trung ở 2 xã Đak Dục, Đak Nông và một phần nhỏ ở xã Bờ Y và thị trấn Plei Kần (huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum). Trên lãnh thổ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, người Triêng và người Giẻ là 2 trong số 49 bộ tộc, cư trú tập trung ở tỉnh Sekong và tỉnh Attapeu. Trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, người Bnoong cư trú ở huyện Phước Sơn; người Ve, người Triêng cư trú ở huyện Nam Giang. Trong quá trình hình thành và phát triển, dân tộc Giẻ-Triêng là một tộc người còn bảo lưu nhiều yếu tố văn hóa vật thể và phi vật thể phản ánh rõ nét đặc trưng của cư dân Bắc Tây Nguyên và Nam Trường Sơn.
 

Có thể bạn quan tâm

Thơ Hoàng Đăng Du: Mùa trôi

Thơ Hoàng Đăng Du: Mùa trôi

(GLO)- Dẫu biết rằng xuân qua hạ tới, thu tận đông tàn là quy luật của thiên nhiên nhưng sao chứng kiến những khoảnh khắc mùa nối mùa vẫn khiến tác giả Hoàng Đăng Du không khỏi cảm thấy chút nuối tiếc, hụt hẫng, bâng khuâng...
Nguyễn Thị Thanh Thúy: Chọn đi đường dài với văn chương

Nguyễn Thị Thanh Thúy: Chọn đi đường dài với văn chương

(GLO)- Được đào tạo chuyên ngành Văn học, khi ra trường lại quyết liệt theo đuổi nghề báo, sau đó “đầu quân” vào ngành Công an và bất chợt tìm thấy niềm hạnh phúc với văn chương-đó là những bước ngoặt bất ngờ trong cuộc sống của Thượng úy Nguyễn Thị Thanh Thúy (Phòng ANCT nội bộ, Công an tỉnh).

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

(GLO)- Nắng hòa cùng bốn mùa xuân, hạ, thu, đông thành những gam màu khác nhau. Trong bài thơ mới của tác giả Nguyễn Ngọc Hưng, nắng được hóa thân thành "cô bé" với những tính cách nhí nhảnh, đáng yêu...
Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

(GLO)- Tôi quen và chơi với Nguyễn Ngọc Tư đã mấy chục năm và cũng hết sức bất ngờ khi mới đây chị công bố... thơ, mà tới 2 tập liên tiếp và bán tơi tới. Thì cả nước đều biết Nguyễn Ngọc Tư là nhà văn nổi tiếng, nhất là sau khi “Cánh đồng bất tận” xuất hiện.
Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

(GLO)- "Cỏ mây" của nhà thơ Lê Từ Hiển như một khúc tự tình của hoa dại, của mây trời, thỏa sức sống đời thảnh thơi nơi triền sông, cô độc trong sự ngọt ngào, hồn nhiên, ngất ngưởng...
Thơ Ngô Thanh Vân: Hoa đắng

Thơ Ngô Thanh Vân: Hoa đắng

(GLO)- Loài hoa mang trong mình vị đắng đót nhưng vẫn căng mình tận hiến không chỉ sắc vàng rực rỡ mà còn nuôi dưỡng cho đất đỏ bazan màu mỡ. Bài thơ "Hoa đắng" của nhà thơ Ngô Thanh Vân là những lời viết đầy cảm xúc dành cho loài hoa đặc trưng của vùng đất Tây Nguyên đầy nắng và gió này.
Bày tranh Việt đoạt giải thưởng Đông Nam Á trị giá nửa tỷ đồng

Bày tranh Việt đoạt giải thưởng Đông Nam Á trị giá nửa tỷ đồng

Tác phẩm đặc sắc của 8 nghệ sĩ trẻ tài năng nhất từ cuộc thi mỹ thuật uy tín Đông Nam Á “UOB Painting of the Year 2023” được trưng bày tại triển lãm, đón khách tham quan từ sáng 23/3 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Chủ nhân bức tranh được giải cao nhất mang về phần thưởng 500 triệu đồng.