Kế thừa thành tựu của nông thôn mới để phát triển du lịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Phát triển du lịch nông thôn (DLNT) trong giai đoạn hiện nay chính là kế thừa những giá trị và thành tựu của quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM). Đây là ý kiến của Tiến sĩ Ngô Thị Thu Trang-Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển nông thôn-Saemaul Undong, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) trong cuộc trò chuyện với phóng viên Báo Gia Lai xung quanh câu chuyện về du lịch và nông nghiệp.
- P.V: Là người tham gia bồi dưỡng kiến thức, hỗ trợ, tư vấn cho người dân thị xã An Khê và các huyện Đak Đoa, Mang Yang, Kbang xây dựng kế hoạch, mô hình, dự án, đề án phát triển DLNT, bà có ấn tượng như thế nào về bức tranh nông nghiệp, nông thôn Gia Lai?
- Tiến sĩ NGÔ THỊ THU TRANG: Gia Lai là tỉnh có thế mạnh về kinh tế nông nghiệp. Vùng nông thôn mang đặc điểm của hệ sinh thái nông nghiệp, lâm nghiệp và giá trị văn hóa nông thôn đặc sắc, nhất là có lợi thế khí hậu mát mẻ. Những yếu tố đó tạo ra bức tranh hoàn hảo nếu đầu tư và phát triển du lịch. Vùng đất đỏ bazan còn chứa trong mình nét đẹp tâm hồn, đó là hệ giá trị văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc thiểu số. Nếu đi đúng hướng, 5 đến 10 năm tới, tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế cũng như thu nhập của người dân từ du lịch và dịch vụ sẽ cải thiện đáng kể.
Tuy vậy, việc phát triển DLNT gắn với vùng đồng bào dân tộc khó triển khai hơn rất nhiều so với những vùng nông thôn đã phát triển. Đây cũng là lý do chúng tôi chọn Gia Lai là tỉnh tiếp theo trong chương trình phục vụ cộng đồng của Trung tâm Phát triển nông thôn-Saemaul Undong. Qua tiếp cận người dân và khảo sát các giá trị nông nghiệp, tôi thấy phát triển DLNT với Gia Lai rất đúng nghĩa và phù hợp với định hướng phát triển. Ở đây không chỉ có giá trị tự nhiên mà còn có giá trị nhân văn, giá trị về văn hóa, con người.
Tiến sĩ Ngô Thị Thu Trang (thứ 4 từ trái sang) trong chuyến khảo sát du lịch tại làng Đê Kjiêng, xã Ayun, huyện Mang Yang. Ảnh: Hoàng Ngọc
Tiến sĩ Ngô Thị Thu Trang (thứ 4 từ trái sang) trong chuyến khảo sát du lịch tại làng Đê Kjiêng, xã Ayun, huyện Mang Yang. Ảnh: Hoàng Ngọc
- P.V: Để phát triển DLNT cần chú trọng vào những điều gì, thưa bà?
- Tiến sĩ NGÔ THỊ THU TRANG: Đặc điểm của phát triển DLNT trong Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM khác với những khái niệm phát triển đơn thuần. Đó là phát triển DLNT không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn mang cả niềm tự hào quê hương của người dân. Do đó, để đảm bảo yếu tố bền vững thì phát triển phải gắn với bảo tồn. Quyết định số 922/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành về phát triển DLNT gắn với xây dựng NTM vì vậy đã thêm nội dung du lịch sinh thái. Đây cũng là đặc điểm của DLNT, tức là kế thừa những giá trị và thành tựu của xây dựng NTM, ở những con đường đẹp, những ngôi làng đáng sống, những yếu tố về văn hóa, cảnh quan… Hay nói cách khác, những kết quả của xây dựng NTM đã tạo ra hệ giá trị để giai đoạn tiếp theo, DLNT đi vào khai thác trong phát triển du lịch.
Nhưng làm DLNT rất khó. Bởi không chỉ đơn thuần là tạo ra dịch vụ mà còn phát huy yếu tố văn hóa, tự nhiên, con người và phải phát triển bền vững. Nếu phát triển không đúng hướng, không đúng nghĩa sẽ mang đến thảm họa cho vùng nông thôn. Vì vậy, các địa phương cần có định hướng, quy hoạch phát triển rõ ràng. Khi có hướng phát triển bài bản thì không chỉ mang lại thu nhập, phát triển kinh tế nông thôn mà còn khơi dậy, phát huy rất tốt niềm tự hào về quê hương xứ sở.
Tiến sĩ Ngô Thị Thu Trang (người đứng bên trái). Ảnh: Hoàng Ngọc
Tiến sĩ Ngô Thị Thu Trang (đứng bên trái). Ảnh: Hoàng Ngọc
- P.V: Theo bà, khó khăn lớn nhất trong phát triển DLNT hiện nay là gì?
- Tiến sĩ NGÔ THỊ THU TRANG: Đó là từ những tài nguyên, giá trị bản địa làm thế nào để tạo nên một sản phẩm chất lượng. Lấy ví dụ là làm một homestay với nguyên liệu “thuận thiên” (tranh, nứa, lá phù hợp cảnh sắc nông thôn), nhưng cơ sở vật chất, chất lượng phục vụ bên trong nó phải là 5 sao và còn rất nhiều yếu tố. Tất cả phải được tập huấn, nâng cao năng lực cho người dân nông thôn. Đây là một trong những khó khăn trong giai đoạn hiện tại. Bởi phát triển du lịch không phải trong một thời điểm tức thì mà là một quá trình, phải theo dõi, đầu tư dài hạn.
Khó khăn nữa là làm sao để tạo ra sản phẩm độc đáo, tránh trùng lắp giữa các vùng miền. Nếu sản phẩm trùng lắp sẽ không còn độc đáo nữa. Khó khăn này ở vùng nông thôn ở miền Tây thể hiện rõ nhất. Các tỉnh Tây Nguyên cũng đang có những sản phẩm lặp lại như vậy.
Ngoài ra, còn một số khó khăn khác như bảo tồn giá trị văn hóa, bản sắc tự nhiên, gắn du lịch với đẩy mạnh phát triển kinh tế địa phương. Đừng nghĩ rằng du lịch là ăn xổi ở thì, đầu tư là thu lại ngay tức khắc. Mà đó là một quá trình, lúc cao điểm người dân có thể làm du lịch, nhưng thời điểm không làm du lịch, họ vẫn có thể làm nông nghiệp, vẫn có thu nhập. Đó chính là yếu tố bền vững của DLNT.
- P.V: Vài năm trở lại đây, Gia Lai xuất hiện một số mô hình du lịch nông nghiệp của những bạn trẻ “bỏ phố về vườn”. Theo bà, điều đó có ý nghĩa gì trong định hướng phát triển DLNT hiện nay?
- Tiến sĩ NGÔ THỊ THU TRANG: Khi đi khảo sát làng Đê Kjiêng (xã Ayun, huyện Mang Yang), tôi ước rằng ở đây phát triển du lịch để bà con bớt khổ. Không phải phát triển để thương mại hóa vùng đất này, mà du lịch là con đường mở ra cơ hội thoát nghèo. Một số nhà sàn truyền thống trước đó định hướng làm homestay, bây giờ họ làm nhà xây phía trước, phá vỡ mất cảnh quan, vẻ đẹp tự nhiên của làng. Nên nếu có được thế hệ trẻ có tri thức trở về sẽ rất tốt trong định hướng phát triển DLTN.
Hiện đang có một luồng gió mới thổi về vùng nông thôn, là những thanh niên có tri thức tìm thấy lý tưởng và khởi nghiệp làm nông nghiệp. Đã có nhiều mô hình DLNT thành công từ những bạn trẻ như vậy. Đặc điểm của du lịch là chuỗi giá trị, nếu chúng ta khai thác được kho báu văn hóa từ người già cộng với tư duy nhạy bén, tri thức và sự hiểu biết của người trẻ sẽ tạo nên những điểm DLNT chất lượng.
- P.V: Người dân Gia Lai đón nhận kiến thức mới mẻ về DLTN như thế nào qua quá trình tiếp xúc, bồi dưỡng năng lực cho họ, thưa bà?
- Tiến sĩ NGÔ THỊ THU TRANG: Tôi không nghĩ người dân hào hứng như vậy. Mong muốn làm du lịch trong họ là có, tự hào bản sắc là có, nhưng xưa giờ họ chưa được khơi gợi. Khi tập huấn, tôi hỏi họ tự hào về điều gì nhất, rất nhiều người đã kể về giá trị văn hóa, sản phẩm nông nghiệp làm ra. Đây là yếu tố rất quan trọng, bởi phát triển DLNT mà cộng đồng không muốn, không thích, không hào hứng làm thì sẽ thất bại. Trong quá trình giảng dạy, tôi cũng chỉ cho họ biết rằng, làm DLNT không dễ, nhưng cũng không phải quá khó nếu ta có quyết tâm.
- P.V: Xin cảm ơn bà!
HOÀNG NGỌC (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm