Tương lai du lịch trong trạng thái "Bình thường mới"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đà Nẵng và một phần Quảng Nam đang dần đến trạng thái “bình thường mới”, khi nhiều  ngày liền, không còn phát hiện ca nhiễm virus SARS-CoV-2 mới trong cộng đồng.
Đà Nẵng, Quảng Nam với thiên nhiên biển xanh, cát trắng vẫn là sự thu hút không cưỡng nổi đối với du khách trong và ngoài nước. Ảnh: NTH
Đà Nẵng, Quảng Nam với thiên nhiên biển xanh, cát trắng vẫn là sự thu hút không cưỡng nổi đối với du khách trong và ngoài nước. Ảnh: NTH
Dự kiến, nếu không có gì thay đổi, 0 giờ ngày 5.9 tới đây, lệnh giãn cách xã hội sẽ được chính quyền hai địa phương nới lỏng theo hướng cho phép nhiều dịch vụ kinh tế hoạt động trở lại. Tuy nhiên, tương lai ngành du lịch, dịch vụ các địa phương sẽ vận hành ra sao, khi hầu hết doanh nghiệp lữ hành, lưu trú... đóng băng hoạt động từ tháng Giêng đến hôm nay?
Đến thời điểm này, nhận định chung của giới chuyên môn, ít nhất hết năm 2020, du lịch - vốn là ngành kinh tế mũi nhọn của Đà Nẵng, Quảng Nam mới có thể trở lại những bước đầu tiên. Hai điểm tham quan nổi tiếng của Quảng Nam là Phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn đã nới lỏng giãn cách nhiều ngày, nhưng vắng không một bóng khách.
Các cơ sở lưu trú gần như không một bóng người kéo dài, trong khi lương nhân viên vẫn phải trả cầm chừng ở mức tối thiểu để giữ chân nhân sự; hệ thống điện nước, vệ sinh, bảo vệ… phải vận hành ở mức thấp nhất, vẫn ngốn một chi phí đáng kể, đang là nỗi đau đầu của tất cả doanh nghiệp du lịch.
Con đường du lịch nối Đà Nẵng, Hội An vốn sầm uất mỗi ngày thì nay vắng không một bóng du khách. Ảnh: NTH
Con đường du lịch nối Đà Nẵng, Hội An vốn sầm uất mỗi ngày thì nay vắng không một bóng du khách. Ảnh: NTH
Thử truy cập vào các trang mua bán bất động sản có uy tín với từ khóa “bán khách sạn, nhà nghỉ”, người quan tâm có thể hàng tìm thấy cả trăm địa chỉ đang khẩn thiết rao bán.
Phần lớn các bất động sản này từ cấp 2 sao trở xuống, đang lâm vào cảnh nợ nần, mất khả năng chi trả lãi vay mua đất, xây dựng cơ sở vật chất; và hơn hết, con đường hồi phục phía trước vẫn tỏ ra khá mờ mịt.
Nhận định mà không sợ quá lời - đại dịch COVID-19 lần thứ hai xảy ra trên địa bàn Đà Nẵng và một phần Quảng Nam là cú đánh knock-out đang đẩy ngành kinh tế này đi dần đến bờ vực phá sản, nếu không có một liều thuốc giải cứu kịp thời và đúng bệnh.
Nêu vấn đề trên để thấy rằng, chính quyền Đà Nẵng, Quảng Nam cần sớm có một khảo sát sâu rộng, để đánh giá đúng thực trạng, chuẩn bị cho ngành du lịch những ngày tới, hoạt động trong một trạng thái “bình thường mới”.
Lật lại con số cách đây vài tháng, chỉ vài ngày sau lệnh giãn cách cả nước kết thúc, trong tháng 5.2020, Đà Nẵng đã đón hơn 209 ngàn lượt khách nội địa; và Hội An cũng đạt con số tương tự. Tỷ lệ tăng so với các tháng trước đó đến 90%.
 Sau lệnh nới lỏng giãn cách, Hội An đang mong mỏi bóng du khách từng ngày. Ảnh: NTH
Sau lệnh nới lỏng giãn cách, Hội An đang mong mỏi bóng du khách từng ngày. Ảnh: NTH
Đặc biệt chương trình kích cầu du lịch, tại các khu điểm du lịch, đã thu hút một lượng khách khổng lồ và có đến 95% trong số hàng chục ngàn cơ sở lưu trú đã nhanh chóng mở cửa đón khách. Điều đó khẳng định đối với du khách trong và ngoài nước, Miền Trung mà đặc biệt là Đà Nẵng và Quảng Nam, là hai điểm thu hút gần như không cưỡng nổi.
Như vậy từ bài học  “vỡ trận” diễn ra trong tháng 6, khi COVID tái bùng phát, thì lần này Đà Nẵng, Quảng Nam cần có những bước “kích cầu” thận trọng hơn và bảo đảm rằng, đủ khả năng phản ứng kịp thời khi có bất kỳ sự cố xảy ra. Đó là yêu cầu tối cần trong quá trình mở cửa trở lại ngành du lịch trong trạng thái “bình thường mới”.
Theo TRUNG HIẾU (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Tháng 3 về Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh

Tháng 3 về Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh

(GLO)- Nhân chuyến thăm, tặng quà cho hộ nghèo của làng Kon Brung (xã Ayun, huyện Mang Yang) vào ngày 22-3, đoàn công tác của Báo Gia Lai đã có dịp khám phá vẻ đẹp nên thơ mà hùng vỹ của Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh-nơi có đỉnh núi được mệnh danh là “nóc nhà của Gia Lai”.