Không làm ăn, nếu đối tác Trung Quốc cài cắm 'đường lưỡi bò'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Theo các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam, chuyện doanh nghiệp lữ hành Trung Quốc cung cấp các bản đồ có 'đường lưỡi bò' không phải là hiếm, đặc biệt trong các dịp hội chợ, hội thảo du lịch.
 
Khách du lịch Việt chụp ảnh lưu niệm tại Trung Quốc - Ảnh: TRƯƠNG HÙNG
Giám đốc một công ty lữ hành kể trong các hội thảo quốc tế liên quan đến thị trường Đông Á luôn có một lượng tài liệu được các doanh nghiệp Trung Quốc đưa sang phát đến các doanh nghiệp Việt Nam.

"Các doanh nghiệp trong nước nói không với việc kinh doanh, tàng trữ những sản phẩm, dịch vụ có những hình ảnh, dấu hiệu ảnh hưởng đến chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc như hình "đường lưỡi bò" và biến tướng của hình "lưỡi bò".

Ông Vũ Tiến Lộc - chủ tịch VCCI

Đối tác cài "đường lưỡi bò"
"Tháng trước chúng tôi cũng phát hiện một số ấn phẩm giới thiệu du lịch có "đường lưỡi bò" do đối tác Trung Quốc mang đến để giới thiệu tour và đã hủy bỏ. Thường các tài liệu do đối tác ngoại cung cấp chúng tôi chỉ lưu hành nội bộ, tham khảo thấy sai về vấn đề chủ quyền hay lệch lạc thông tin thì sẽ báo với đối tác đồng thời hủy bỏ" - vị này cho hay.
Ông Từ Quý Thành - giám đốc Công ty Liên Bang Travel - cho biết các tour đi Trung Quốc hiện nay rất đa dạng, doanh nghiệp nào cũng cần thông tin để giới thiệu cho khách nhưng không phải tài liệu nào cũng được sử dụng ngay.
"Chúng tôi có tham khảo các nguồn từ đối tác nhưng không bao giờ đưa cho khách mà có thông tin soạn lại phù hợp với thị trường Việt Nam" - ông Thành nói.
Sau sự việc này, các doanh nghiệp cho biết nêu cao tính cảnh giác với các nguồn thông tin, ấn phẩm du lịch không chỉ với thị trường Trung Quốc mà còn thị trường khác. Thường tâm lý của không ít doanh nghiệp nếu đối tác soạn chi tiết, hình ảnh đẹp hoặc thậm chí dịch ra bản tiếng Việt thì tận dụng lại nhưng sau sự việc này, mọi thứ không được lơ là.
Tuy vậy, bản thân các doanh nghiệp cũng lo lắng vì các kiểu lồng ghép "đường lưỡi bò" của phía Trung Quốc hiện rất tinh vi và khó lường trước. Hiện nay tour đi Trung Quốc khá đa dạng với nhiều cung đường khác nhau và để thu hút điểm đến, nước này có nhiều cách nhằm giới thiệu đến thị trường Việt Nam.
"Trước đây, tour đi Phượng Hoàng - Cổ Trấn phải bay qua một sân bay ở Hồ Nam mang tên "Trường Sa" rồi mới đến điểm cuối cùng. Các doanh nghiệp Việt khi tổ chức tour đến nay đều không đề tên sân bay trong lịch trình mà chỉ gọi sân bay Hồ Nam. May là các chuyến bay charter ngày càng nhiều nên khách Việt không phải đi qua sân bay này nữa" - giám đốc một công ty du lịch cho biết.
Xe Trung Quốc bán tại thị trường Việt Nam có bản đồ 'đường lưỡi bò' đã bị phát hiện để xử lý
Tiêu hủy ấn phẩm có hình "đường lưỡi bò"
Doanh nghiệp du lịch hiện được nhắc nhở liên tục trong các cuộc họp, khi phát hiện ấn phẩm có hình "đường lưỡi bò" thì phải lập tức tiêu hủy và báo cáo cho các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
Trong động thái mới nhất Sở Du lịch TP.HCM đã ra văn bản yêu cầu chấn chỉnh việc sử dụng các ấn phẩm, chương trình du lịch của các đối tác nước ngoài, đặc biệt là từ các công ty của Trung Quốc.
Các doanh nghiệp lữ hành tại TP.HCM được yêu cầu nghiêm túc kiểm tra tất cả thông tin tuyên truyền trên mạng, trang web, các ấn phẩm quảng bá, bản đồ... của mình hoặc do các công ty đối tác cung cấp, đặc biệt là các công ty từ thị trường Trung Quốc trước khi cung cấp cho khách.
Theo Thanh tra Sở Du lịch TP, ngoài Công ty dịch vụ lữ hành Saigontourist, cơ quan chức năng cũng đã phát hiện Công ty du lịch Hola China trụ sở ở Thượng Hải, Trung Quốc mang ấn phẩm in bản đồ "đường lưỡi bò" đến Hội chợ du lịch quốc tế tại TP.HCM để quảng cáo tour. Hội chợ diễn ra vào đầu tháng 9-2019, toàn bộ ấn phẩm đã bị tịch thu và tiêu hủy.
Trong thời gian tới, Thanh tra Sở Du lịch sẽ phối hợp với Thanh tra Sở Thông tin - truyền thông tiến hành thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp và xử phạt theo quy định.
"Các ấn phẩm du lịch có bản đồ "đường lưỡi bò" bị phát hiện đều được đưa vào Việt Nam qua con đường du lịch với nhiều chiêu trò, vì thế doanh nghiệp không thể lơ là. Trong thời gian tới, các hoạt động tuyên truyền, tăng cường tinh thần cảnh giác sẽ được phổ biến nhiều hơn" - đại diện Sở Du lịch TP cho biết.
Trong khi đó, ông Vũ Tiến Lộc - chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) - yêu cầu doanh nghiệp phải nói không với sản phẩm có "đường lưỡi bò".
"Những sự cố vi phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam như xuất hiện "đường lưỡi bò" trong phim hoạt hình Everest - Người tuyết bé nhỏ; quầy giới thiệu tour của Công ty TNHH MTV dịch vụ lữ hành Saigontourist có để cuốn sách ảnh về các điểm du lịch của Trung Quốc phía sau có in hình bản đồ thể hiện "đường lưỡi bò", cho thấy cách làm cầu thả của doanh nghiệp trong kinh doanh.
Bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc trong ý thức và trong hành động là nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi người dân Việt Nam, trong đó có các doanh nhân" - ông Lộc nói.
Thận trọng khi tiếp nhận các ấn phẩm từ Trung Quốc

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Tiến Đạt - giám đốc một doanh nghiệp du lịch ở Hà Nội - cho biết vụ việc Saigontourist bị phạt 50 triệu đồng vì hành vi phát hành ấn phẩm du lịch có in bản đồ "đường lưỡi bò" là hồi chuông báo động để các công ty du lịch khác phải cảnh giác.

Ông Đạt nói: "Ở Trung Quốc, việc tuyên truyền về "đường lưỡi bò" được xem như "cuộc chiến toàn dân" của họ, nên chúng ta cũng phải nêu cao tinh thần cảnh giác tới từng người dân, nếu không thì sẽ xảy ra hậu quả nghiêm trọng khi chính người Việt lại tiếp tay lan truyền thông tin sai sự thật, xâm phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam".

Theo ông Đạt, sau vụ việc của Saigontourist, Tổng cục Du lịch hoặc các sở du lịch nên có văn bản gửi đến các công ty, các đơn vị, yêu cầu phải hết sức cẩn thận khi tiếp nhận các ấn phẩm từ Trung Quốc. Các doanh nghiệp du lịch Việt Nam có thể gửi văn bản đề nghị, nhắc nhở các đối tác Trung Quốc không gửi bản đồ có "đường lưỡi bò". (Thiên Điểu)

Tiến sĩ Ngô Hữu Phước (phó trưởng khoa luật quốc tế Đại học Luật TP.HCM):

Truyền thông tốt, nâng cao nhận thức cho người dân

Yêu sách về "đường lưỡi bò" phi pháp đã được Trung Quốc đưa ra từ năm 2009 và liên tục tuyên truyền, "cài cắm" về nó thông qua các hoạt động văn hóa, ấn phẩm xuất bản, phim ảnh... Đó là âm mưu của họ và nó không còn xa lạ với đa số người dân Việt Nam.

Thời gian qua, chúng ta đã phát hiện một số hoạt động xen cài tuyên truyền "đường lưỡi bò" tại một số phim ảnh, giấy tờ xuất nhập cảnh, du khách Trung Quốc mặc trang phục có in hình "đường lưỡi bò"...

Trách nhiệm của từng công dân, đơn vị, tổ chức Việt Nam là phải thấm nhuần tư tưởng bảo vệ chủ quyền biển đảo, toàn vẹn lãnh thổ là thiêng liêng. Đồng thời nâng cao hiểu biết về chủ quyền quốc gia và cảnh giác trước các hoạt động xen cài tuyên truyền, xâm lược thông qua các hoạt động văn hóa, truyền thông, du lịch. Nhất là trong bối cảnh giao thương sâu rộng giữa nước ta với Trung Quốc như hiện nay.

Để làm được điều này, quan trọng nhất là tăng cường các hoạt động tuyên truyền. Cần nhìn nhận là thời gian qua hoạt động tuyên truyền về chủ quyền biển đảo, toàn vẹn lãnh thổ chủ yếu thông qua cơ quan truyền thông, báo chí. Còn lại các cơ quan phụ trách văn hóa, an ninh văn hóa, các cơ quan giáo dục, các cấp địa phương... thì ít tổ chức tuyên truyền. (Ái Nhân ghi)

Như Bình-B.Ngọc (TTO)

Có thể bạn quan tâm