Tháp Đôi giữa lòng phố biển

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO) Ở TP. Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) hiện có một đôi tháp Chăm cổ tại phường Đống Đa, người địa phương thường gọi là tháp Đôi. Sau này, gần vị trí đôi tháp có 2 chiếc cầu bắc qua sông Hà Thanh (1 cầu đường bộ, 1 cầu đường sắt) cũng được đặt tên là cầu Đôi. Chính vì vậy, dân gian và các thi sĩ miền đất võ đã hình tượng hóa chúng trong thơ văn về tình yêu đôi lứa.
Tháp Đôi (TP. Quy Nhơn). Ảnh: Internet
Tháp Đôi (TP. Quy Nhơn). Ảnh: Internet
Theo tài liệu, đôi tháp Chăm này có tên là Hưng Thạnh, trong khi giới nghiên cứu Pháp gọi là Tour Khmer. Cùng với thành Thị Nại, tháp Hưng Thạnh là di sản Chăm cổ nhất trên đất Quy Nhơn hiện nay. Trong cuốn “Nước non Bình Định” của Quách Tấn còn có ghi lại lời ca về tháp Đôi và cầu Đôi: “Tháp kia còn đứng đủ đôi/Cầu còn đủ cặp, huống chi tôi với nàng/Tháp ngạo nắng sương/Cầu nương sắt đá/Dù người thiên hạ/Tiếng ngả lời nghiêng/Cao thâm đã chứng lòng nguyền/Còn cầu, còn tháp còn duyên đôi lứa mình”. Có nhà thơ dân gian xứ Nẫu cũng đã từng ca ngợi nước non mình bằng những vần thơ tự hào: “Tháp Đôi ngả bóng ven đầm/Trông về Mũi Tấn đợi tầm trăng lên/Thuyền ai gió đẩy dập dềnh/Có về Thị Nại đừng quên núi Bà/Ai qua Ghềnh Ráng Tiên Sa/Nhớ người xứ Nẫu nuột nà trao duyên/Cầu Đôi chắp cánh uyên ương/Thương người Bãi Nhạn nhớ phường Phương Mai/Câu ca “bánh ít lá gai”/Thắm miền đất võ trọng tài văn chương”.
Các nhà nghiên cứu văn hóa Chăm cho rằng, cụm tháp Dương Long (3 tháp) ở Tây Sơn và cụm tháp Hưng Thạnh ở TP. Quy Nhơn có nét tương đồng về kiến trúc và niên đại, tức là được xây dựng vào khoảng thế kỷ XII-XIII, giai đoạn mà đế chế Khmer xâm lấn Vương quốc Chăm Pa và cai trị vương quốc này 17 năm. Vì vậy, những đền, tháp được xây dựng trong thời gian này trên dải đất thuộc Vương quốc Chăm Pa có phần ảnh hưởng phong cách nghệ thuật kiến trúc Khmer. Hiện trạng di sản Hưng Thạnh từ sau năm 1975 đã hư hỏng nhiều và được trùng tu vào những năm 1990, nay được xếp vào Di tích Quốc gia, trở thành điểm tham quan, du lịch của thành phố biển hiện đại.
Các nhà nghiên cứu cũng xác định, kế hoạch ban đầu của người Chăm là xây dựng cụm tháp Hưng Thạnh có 3 tháp như tháp Dương Long (tuy diện tích và chiều cao bé hơn). Nhưng không biết vì lý do gì mà người ta chỉ xây dựng 2 tháp thì dừng thi công. Tháp lớn cao khoảng 16 m, tháp nhỏ bên cạnh thấp hơn khoảng 1,5 m và đều vuông góc. Tháp lớn (còn gọi tháp Bắc) có phần đế bằng đá cao gần 2 m trông vững chãi. Thân tháp bằng gạch, có hình trụ, các mặt tường có trụ ốp. Cửa chính nhô ra hướng Đông Nam, các mặt còn lại đều có cửa giả. Mái tháp được cấu tạo nhiều tầng, hơi cong ở giữa và nhỏ dần trên chóp. Tháp nhỏ (còn gọi tháp Nam) có cấu trúc tương tự nhưng đế tháp không xây bằng đá mà xây gạch hoàn toàn. Các đường diềm phía trên mái được trang trí bằng đàn hươu trông rất sống động (tháp lớn trang trí hình vũ nữ). Đặc biệt, cả 2 tháp đều không có chóp nhọn như thường thấy ở các tháp Chăm khác. Các góc diềm mái đều được gắn chim thần garuda xòe cánh; vòng quanh diềm mái là các hình vũ nữ apsara trông thanh thoát, nhẹ nhàng… 
Có lẽ ngày xưa, cư dân Chăm Pa vùng ven đầm Thị Nại sống bằng ngư nghiệp đã chọn tháp Hưng Thạnh làm nơi tế lễ hàng năm và là nơi sinh hoạt tín ngưỡng theo phong tục cổ truyền. Ngày nay, di sản này đã góp phần tạo nên vẻ đẹp cổ kính của thành phố biển xinh đẹp và được người dân Quy Nhơn xem như báu vật. Mặt hậu của Hưng Thạnh có con đường Tháp Đôi khá rộng, chạy thẳng về phía hạ lưu sông Hà Thanh đổ ra đầm Thị Nại. Người ta đã quy hoạch cho khuôn viên tháp Đôi một diện tích khá rộng, thoáng đãng tôn lên vẻ đẹp cổ kính của đôi tháp, gây ấn tượng cho mọi du khách tham quan.
Bùi Quang Vinh

Có thể bạn quan tâm

Tháng 3 về Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh

Tháng 3 về Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh

(GLO)- Nhân chuyến thăm, tặng quà cho hộ nghèo của làng Kon Brung (xã Ayun, huyện Mang Yang) vào ngày 22-3, đoàn công tác của Báo Gia Lai đã có dịp khám phá vẻ đẹp nên thơ mà hùng vỹ của Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh-nơi có đỉnh núi được mệnh danh là “nóc nhà của Gia Lai”.