Cần hoàn thiện các sản phẩm du lịch đặc thù ở Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sở hữu tiềm năng du lịch vô cùng đa dạng, song thời gian qua, Gia Lai vẫn chưa thực sự khai thác hiệu quả để thúc đẩy “ngành công nghiệp không khói” phát triển một cách tương xứng. Nhiều ý kiến cho rằng tỉnh cần đa dạng hóa và nâng cao hơn nữa chất lượng các loại hình, sản phẩm du lịch mang đậm bản sắc riêng nhằm tạo thương hiệu trong lòng du khách.
Dịch vụ du lịch thiếu đồng bộ
Gia Lai sở hữu cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ với nhiều dòng thác, hồ nước lớn và những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn, hệ sinh thái đa dạng, phong phú. Bên cạnh đó là những giá trị văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc với các lễ hội truyền thống; kiến trúc buôn làng; các sử thi, không gian văn hóa cồng chiêng... Gia Lai còn có nền nông nghiệp dồi dào với các loại nông sản có thể kết hợp để phát triển mô hình du lịch trang trại; là vùng đất được xem là “cái nôi” của loài người và có bề dày lịch sử từ thời dựng nước, giữ nước của cha ông. Theo nhận định của Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Nguyễn Tấn Thành, tất cả những tiềm năng trên đều có thể trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.
Phục dựng nghi lễ mừng nhà rông mới của dân tộc Bahnar tỉnh Gia Lai. Ảnh: Hồng Thi
Phục dựng nghi lễ mừng nhà rông mới của dân tộc Bahnar tỉnh Gia Lai. Ảnh: Hồng Thi
Số liệu thống kê của Hiệp hội Du lịch tỉnh cho thấy, tốc độ tăng trưởng du lịch giai đoạn 2013-2018 có sự cải thiện đáng kể với mức tăng trưởng bình quân về lượng khách đạt 15,3%/năm; doanh thu tăng bình quân 16%/năm. Riêng 6 tháng đầu năm 2019, tổng khách du lịch đến Gia Lai đạt 435.400 lượt (tăng 26,2% so với cùng kỳ năm 2018); trong đó có 427.600 lượt khách nội địa (tăng 26,3%) và 7.800 lượt khách quốc tế (tăng 19,3%); tổng doanh thu du lịch đạt 154 tỷ đồng (tăng 16,1%). Tuy nhiên, ông Thành cũng cho rằng, ngành Du lịch tỉnh nhà chưa có sự chuyển biến một cách mạnh mẽ, thể hiện trên các mặt: thị trường du lịch chưa sôi động, mức phát triển chưa cao; cơ sở vật chất, hạ tầng du lịch quy mô còn nhỏ, thiếu đồng bộ, đặc biệt chưa có các dự án đầu tư lớn; trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ làm du lịch còn hạn chế, chưa được đào tạo bài bản, nhất là ngoại ngữ để phục vụ du khách quốc tế; các doanh nghiệp lữ hành còn ít, năng lực và quy mô hoạt động chủ yếu trong tỉnh, chưa có sự liên kết chặt chẽ với các cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch khác…
“Một vấn đề đáng nói nữa là các sản phẩm và dịch vụ du lịch ở tỉnh ta còn giản đơn, chưa khai thác hết tài nguyên có sẵn. Sự đầu tư để tạo ra sản phẩm du lịch đặc thù còn ở mức thấp, chưa đủ sức hấp dẫn, thu hút và níu chân du khách. Chẳng hạn, việc xây dựng mô hình du lịch cộng đồng ở các làng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh chưa thật đúng nghĩa. Cảm giác trải nghiệm của du khách chỉ dừng lại ở việc tìm hiểu kiến trúc buôn làng, các nghề truyền thống, thưởng thức cồng chiêng… Hơn nữa, hầu hết các điểm tham quan đều chưa có dịch vụ du lịch kèm theo liên quan đến ăn uống, nghỉ ngơi, xe vận chuyển, bán hàng lưu niệm hay các hình thức vui chơi, trải nghiệm khác để tạo điều kiện cho tất cả khách du lịch đủ mọi lứa tuổi, thành phần đều có thể tham gia chứ không phải chỉ một bộ phận như hiện tại”-ông Thành đánh giá.
Du lịch sinh thái là một trong những thế mạnh cần được phát huy ở tỉnh ta. Ảnh: Hồng Thi
Du lịch sinh thái là một trong những thế mạnh cần được phát huy ở tỉnh ta. Ảnh: Hồng Thi
Mới đây, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tổ chức một cuộc điều tra dư luận xã hội liên quan đến vấn đề phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh. Cuộc điều tra được tiến hành trong phạm vi toàn tỉnh với quy mô 1.000 phiếu phát ra, được phân bổ tại 15/22 đảng bộ trực thuộc tỉnh và 10 công ty lữ hành. Ông Trần Đức Hùng-Giám đốc Trung tâm Thông tin công tác tuyên giáo (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy) thông tin: Kết quả điều tra cho thấy, dù là tỉnh có tiềm năng du lịch rất phong phú và đa dạng nhưng công tác giới thiệu, quảng bá để thu hút khách du lịch vẫn còn hạn chế; đáng nói là nhiều địa danh vẫn chưa có du khách quan tâm, tìm hiểu. Mặt khác, hiện nay chưa có khu du lịch nào trên địa bàn tỉnh đảm bảo các dịch vụ vui chơi, giải trí, tham quan, nghỉ dưỡng… để đủ sức thu hút du khách lưu lại dài ngày. Một số danh lam thắng cảnh, công viên, các điểm hoạt động du lịch còn thiếu dịch vụ đi kèm và chất lượng phục vụ chưa đảm bảo, chưa hấp dẫn du khách. Bên cạnh đó, việc tư vấn, giới thiệu và tổ chức các tour của các công ty lữ hành còn ít, lực lượng hướng dẫn viên chưa chuyên nghiệp và còn mỏng…
Cần tạo dựng thương hiệu của điểm đến
Trên cơ sở phân tích thực tế, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh cũng đề xuất các cấp, ngành nên định hình danh mục sản phẩm du lịch; tức là nên rà soát, đánh giá tính đặc trưng, lợi thế, nhu cầu thị hiếu để đề ra thứ tự ưu tiên trong đầu tư sản phẩm du lịch; tránh ôm đồm nhưng lại thiếu sự tiêu biểu, hút khách. Đồng thời, lập danh mục các tài nguyên có đủ điều kiện phát triển thành sản phẩm du lịch để công bố, quảng bá hình ảnh, kêu gọi đầu tư, chào bán sản phẩm một cách rộng rãi. Căn cứ vào đó, tỉnh cần tiến hành ngay việc xây dựng hoàn thiện đối với các sản phẩm có đủ điều kiện đầu tư, do Nhà nước quản lý như các di tích văn hóa-lịch sử, bảo tàng; bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống ở các làng du lịch cộng đồng; tổ chức các sự kiện lễ hội: Hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đăng Ya, Hát cầu Huê của người Việt vùng An Khê, Chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa, cầu mưa Yang Pơtao Apui ở Phú Thiện, ngày hội văn hóa du lịch, Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên… Việc xây dựng các sản phẩm này phải đảm bảo chất lượng, đủ sức thu hút và tạo được thương hiệu của điểm đến trong lòng du khách.
  Cần tạo dựng và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch mang bản sắc riêng. Ảnh: H.T
Cần tạo dựng và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch mang bản sắc riêng. Ảnh: H.T
Ông Thành nói thêm: “Riêng các dự án sản phẩm du lịch có quy mô lớn trong diện kêu gọi đầu tư như Khu du lịch Biển Hồ-Chư Đăng Ya, khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng-thể thao đồi thông Glar, khu du lịch hồ Ia Ly, cụm thác nước và rừng sinh thái Kbang…, thiết nghĩ tỉnh nên có quy hoạch chi tiết để có cơ sở quản lý, kêu gọi và thực hiện đầu tư cũng như cam kết hỗ trợ một phần về kết cấu hạ tầng giao thông. Ngoài ra, cần khuyến khích các nhà vườn (trồng rau, hoa, hồ tiêu, cà phê, cây ăn quả…) áp dụng công nghệ cao đầu tư thêm cơ sở vật chất để làm du lịch. Việc xây dựng thương hiệu cho các sản vật đặc trưng địa phương cũng là điều hết sức cần thiết trong quá trình hoàn thiện sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh”.
Qua điều tra dư luận xã hội về phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cũng nhận thấy rằng, để thu hút khách du lịch thì trước hết phải nâng cao chất lượng các dịch vụ du lịch, tạo sự hài lòng để hấp dẫn du khách đến với Gia Lai. Vì vậy, thời gian tới, tỉnh cần triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp như: nâng cao công tác đào tạo nguồn nhân lực cho ngành du lịch; tôn tạo các danh lam thắng cảnh, đầu tư phục dựng các lễ hội truyền thống của cộng đồng các dân tộc, nhất là bản sắc văn hóa của đồng bào Bahnar, Jrai; nâng cao chất lượng dịch vụ và sản phẩm dịch vụ truyền thống; tập trung phát triển và quảng bá những sản phẩm có thương hiệu nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm của du khách như: gạo, cà phê, hồ tiêu, chè Bàu Cạn, thịt bò một nắng, mật ong rừng, cao mật nhân, tinh dầu bơ… kết hợp với ngành nghề truyền thống tạo sức hút với du khách; tăng cường phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp sạch; nâng cao hơn nữa chất lượng các tour du lịch gắn với cộng đồng, văn hóa…
 HỒNG THI

Có thể bạn quan tâm

Tour đường bộ 'lên ngôi'

Tour đường bộ 'lên ngôi'

Thay vì ngồi nhà nuối tiếc kỳ nghỉ lễ 5 ngày do giá vé máy bay quá cao, nhiều gia đình chọn chuyển hướng thuê xe hoặc tự lái xe tới các điểm du lịch gần để không bỏ lỡ 5 ngày nghỉ dịp lễ 30.4 - 1.5.