Đồng xanh chiều loang gió

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chỉ mất khoảng 10 phút chạy xe máy từ ngã ba Hàm Rồng về hướng Chư Sê, chúng ta sẽ bắt gặp một cánh đồng xanh vời vợi nằm ngay cạnh kho xăng dầu Bắc Tây Nguyên. Nơi đây, thảm hoa xuyến chi tinh khôi sắc trắng vẫn được coi là địa điểm lý tưởng cho những shoot ảnh cưới, ảnh kỷ yếu… của các bạn trẻ. Nhưng tìm đến đây một lần, có lẽ bạn sẽ khám phá ra nhiều điều hơn thế nữa.
Cánh đồng hoa xuyến chi là nơi nhiều bạn trẻ chọn để chụp ảnh cưới, ảnh kỷ yếu. Ảnh: Ngọc Ân
Cánh đồng hoa xuyến chi là nơi nhiều bạn trẻ chọn để chụp ảnh cưới, ảnh kỷ yếu. Ảnh: Ngọc Ân
Nằm ngay trên quốc lộ 14, cách trung tâm TP. Pleiku khoảng 18 km về hướng Tây Nam, không khó để nhận ra dải đồng xanh trải mình với hằng hà sa số những tia nắng giữa một buổi chiều loang gió. Càng về chiều, sợi nắng càng mềm đi, màu xanh của cánh đồng chợt trở nên xao xuyến lạ. Những tưởng, chỉ có thảm hoa xuyến chi líu ríu nơi chân trời một sắc trắng bâng khuâng nhưng về đây, đứng giữa vẻ điệp trùng của gió thổi mây bay, chúng ta còn được tận mắt ngắm nhìn miền trời óng xanh của từng vạt lá cây mè ngoan hiền nằm nép bên nhau. Rồi những tràng hoa 5 cánh hợp thành hình chuông, mơn mởn trôi dạt giữa dòng xanh. Đắm mình giữa hoa cỏ, bao giờ cũng đem lại cho ta một cảm giác thật sự nhẹ nhõm và bình yên. 
Con đường đất đỏ dẫn lối vào, chia cánh đồng thành hai mảng ngắt xanh, bên nào cũng được ươm màu nhựa sống. Đã vào hạ lâu lắm, nhưng sao khi dừng chân chốn này, ta cứ ngỡ đất trời cao nguyên vẫn còn xuân. Phải chăng, nơi nào có bàn tay canh tác của con người, có hoa cỏ xôn xao là nơi ấy có mùa xuân. Cứ thế, rồi sắc xuân sẽ theo suốt dặm dài quê hương, đất nước. Cứ thong dong ngắm đàn bò đang nhởn nhơ với cỏ cây, những cánh bướm vàng cứ thổn thức bay sau ngày ròng sương mà thấy yêu quê nhà quá đỗi. Đừng mong đợi điều gì quá xa xôi. Về đây, chỉ cần một ánh nhìn cũng đủ nhóm lên niềm vui son trẻ. Càng say lòng với cánh đồng xanh, lòng chợt ngẩn ngơ tiếc nuối khi mặt trời lặn sớm. 
Có cảm giác buổi chiều ở đây thật ngắn. Từng làn mây trắng dìu nhau về phía cuối trời. Biển lá hoa vẫn xanh niềm khát vọng và ẩn chứa trong mình vô vàn bí mật. Đặt mình vào khung cảnh thiên nhiên ấy, ta chợt nhận ra mình nhỏ bé, hữu hạn trước sự chảy trôi không ngừng của cuộc sống và không thôi khát khao được hòa mình vào với đất trời. Đứng lặng giữa đồng xanh, nhìn về phía hun hút xa kia, thấy mây ngàn biền biệt, gió núi miên man, thấy tuổi trẻ nằm trong tim và muốn cất bước về phía trước. Phía ngoài kia là những dãy nhà cao tầng, là những con đường mới dựng, là nhộn nhịp cộ xe, nhưng cánh diều của cậu bé nào mới thả phía đồng xanh đã nhắc nhớ mỗi người rằng: Quê hương là đây! Thôn dã là đây!
“Dấn thân” vào mỗi chuyến đi là một cách để vượt thoát những ngột ngạt thường có trong cuộc sống. Một cánh đồng xanh như thế trên miền đất Gia Lai thương nhớ sẽ là một vùng trời mới mà ở đó, bạn có thể hóa thân vào đôi cánh của chim trời để mở tung cánh cửa tâm hồn, để bay vào khoảng trời trong ngần và mặc cho nắng vô tư rọi lên làn da của mình. Thế giới muôn màu thu vào tầm mắt! 
Những ngày này, Gia Lai thường đón những cơn mưa cuối chiều. Thế nên nếu du khách gần xa trót phải lòng với cánh đồng xanh này thì cũng nên tranh thủ quay trở về trước khi bầu trời sũng ướt. Nhưng đừng quên dành một lời chào hay ánh cười hồn nhiên đến bà con lao động trên cánh đồng trước khi rời bước. Bóng dáng của những con người ấy cứ thấp thoáng, lúc ẩn lúc hiện, tạo nên nét chấm phá riêng có, đẹp đẽ cho bức tranh thiên nhiên.
Hẹn với cánh đồng xanh thêm thật nhiều lần quay trở lại. Để biết nơi đây sẽ tuyệt diệu như thế nào vào một sớm bình minh hay hoàng hôn tắt nắng. Và, thêm một lần khám phá là thêm một lần tự hào về vẻ đẹp của quê hương. 
Lữ Hồng

Có thể bạn quan tâm

Tháng 3 về Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh

Tháng 3 về Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh

(GLO)- Nhân chuyến thăm, tặng quà cho hộ nghèo của làng Kon Brung (xã Ayun, huyện Mang Yang) vào ngày 22-3, đoàn công tác của Báo Gia Lai đã có dịp khám phá vẻ đẹp nên thơ mà hùng vỹ của Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh-nơi có đỉnh núi được mệnh danh là “nóc nhà của Gia Lai”.