Mê đắm với ngút ngàn thanh sắc trên "phố núi Tây Nguyên"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Cứ mỗi độ cuối đông, chẳng bao giờ lỗi hẹn, sắc dã quỳ vàng đượm, rừng sim lại bật xòe sắc tím bâng khuâng. Mùa của các loài hoa.
Với tiết trời se lạnh, một chút nắng, một chút gió quyện vào nhau chuyển mình đón một mùa xuân mới khiến cho phố núi Tây Nguyên càng trở nên thơ mộng... 
Thắng cảnh được tạo nên từ những ngọn núi lửa
Nhắc đến Gia Lai, người ta không ngừng nghĩ đến một vùng đất với vô vàn những điều ấn tượng. Một mùa hoa dã quỳ vàng rực, tiếng cồng chiêng ngân vang, những ché rượu cần làm đắm mê lòng người, một núi lửa đã trở thành một thắng cảnh nức lòng người xa gần... Bấy nhiêu ấy, đã làm nên một Gia Lai đặc biệt níu giữ chân người lữ thứ...
Trong số những điểm đẹp làm mê lòng người ấy phải kể đến Chư Đăng Ya- ngọn núi lửa đã ngưng hoạt động hàng triệu năm nay. Nếu nhìn từ trên cao xuống, miệng núi lửa có hình phễu giống như một cái chảo khổng lồ. Điều này khiến cho việc núi lửa dù có nằm ẩn mình giữa rừng xanh, đại ngàn vẫn là điểm đến lý tưởng. Không chỉ vây, nơi đây đặc biệt là điểm hội tụ của đa sắc màu từ nhiều loài cây vươn mình khoe sắc, tạo thành một tổ hợp sắc màu làm mãn nhãn người thưởng ngoạn.
Theo tiếng đồng bào J’rai, Chư Đăng Ya nghĩa là củ gừng dai. Với lớp đất đỏ bazan màu mỡ, vào mùa mưa, nơi đây được bao phủ bởi màu xanh ngắt trải dài như tấm thảm khổng lồ của những mảnh ruộng phì nhiêu với nhiều loại cây nông sản, lương thực như: ngô, khoai lang, bí đỏ, dong riềng. Đến mùa khô đặc biệt vào tháng 11, hàng vạn đóa hoa Dã Quỳ bung nở trên sườn đồi khoe sắc vàng giữa rừng núi bạt ngàn, lộng gió. Không mang một vẻ đẹp mỹ miều, lộng lẫy như các loài hoa khác, hoa dã quỳ lại mang một vẻ đẹp dân dã, đằm thắm, bởi màu vàng quyến rũ tinh khôi, mọc hoang dại ven các con đường, sườn núi, tạo nên một vẻ đẹp thơ mộng, làm say đắm lòng người mỗi khi có dịp đi ngang nơi đây.
Hoa dã quỳ đua nở, sắc xuân lại bắt đầu. Nó hoang dại, nó bình dị chân chất là vậy song lại có sức sống mãnh liệt, vươn lên giữa chốn khô cằn hoang vu giống như những người con của dân làng nơi đây. Chư Đăng Ya không chỉ tạo ra điểm đẹp làm mê lòng người mà còn là nơi cho người dân trái ngọt, đầy vựa lúa khoai. Như để “trả ơn” cho Chư Đăng Ya, người dân chăm chỉ lao động vượt qua những khó khăn, nghèo đói bằng chính sự cần cù, chăm chỉ, chịu thương chịu khó với cả tấm chân tình và gắn bó nơi mảnh đất này. Ngày thường, người dân dưới bản, làng chăm chỉ, cần cù lao động làm việc, họ làm nương, làm rẫy, cày cuốc ruộng vườn trên núi lửa Chư Đăng Ya. Cuộc sống bình dị cứ thế trôi đi trong những tiếng cười vui hằng ngày.
Cồng chiêng và nếp nhà Rông là nét văn hóa đặc trưng trên mảnh đất Tây Nguyên
Cồng chiêng và nếp nhà Rông là nét văn hóa đặc trưng trên mảnh đất Tây Nguyên
Đến với mảnh đất này, ngoài việc chiêm ngưỡng vẻ đẹp của mùa hoa dã quỳ nở rộ, du khách còn được thưởng ngoạn nghệ thuật cồng chiêng, đan lát, dệt thổ cẩm, tạc tượng do chính đôi bàn tay người đồng bào Banar, Jrai, Ê Đê… làm ra. Điều đặc biệt còn nằm ở chỗ, nơi đây đã phục dựng lại nguyên bản một số lễ hội truyền thống của các dân tộc trên địa bàn và các hoạt động thể thao như: đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ. Du khách sẽ được giao lưu văn hóa văn nghệ, thưởng thức những món ăn đặc sắc như cơm lam, gà nướng, rượu ghè…hòa mình vào không khí đông vui, náo nhiệt.
Tạm rời núi lửa Chư Đăng Ya, đi ngược về TP. Pleiku khoảng 10km, giữa lòng phố núi nhộn nhịp sầm uất tồn tại một Biển Hồ-T’Nưng đẹp đến mê hồn. Biển Hồ-T’Nưng được ví như đôi mắt của người con gái Pleiku hồn nhiên, đẹp thơ dại, quyến rũ... mà nhạc sỹ Nguyễn Cường đã không tiếc lời dùng những mỹ từ trong bài hát “Đôi mắt Pleiku”... Biển Hồ-T’Nưng chính là của một miệng núi lửa đã ngừng hoạt động từ hàng trăm triệu năm qua.Với diện tích rộng đến 228ha, Biển Hồ-T’Nưng (tên dân dã khác là Biển Hồ) có hình bầu dục, bao quanh những rừng thông và các ngọn núi đã vẽ lên một bức tranh sơn thủy hữu tình. Du khách một lần đến đây đều thực sự ấn tượng bởi khí hậu trong lành mát mẻ, bởi không gian yên bình, gần gũi đầy quen thuộc.
Cũng vì lẽ đó, nói đến Gia Lai, Biển Hồ - T’Nưng là cái tên, là địa danh không thể thiếu mỗi khi nhắc tới, từ lâu nó đã trở thành một nét đặc trưng riêng biệt mang “thương hiệu” của người dân Gia Lai. Biển Hồ luôn mang lại ấn tượng khó phai nhất cho những ai mong muốn khám phá về vẻ đẹp thơ mộng, mơ màng, huyền ảo của núi rừng sông nước Tây Nguyên. Thực sự ai một lần được ngồi thuyền lướt trên mặt hồ mênh mông, phẳng lặng giữa chập chùng núi rừng sẽ cảm nhận được sự bình yên mà người người luôn mong muốn tìm kiếm, thưởng thức để rồi lại nhớ nhung khi rời xa.
Cồng Chiêng ngân vang giữa đại ngàn
Với người con Tây Nguyễn, khi nhắc đến cồng chiêng ai nấy đều lấy làm hãnh diện. Cồng chiêng từ ngàn đời đã là “món ăn” tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày của người dân nơi đây. Bởi vậy, khi phát biểu tại lễ hội cồng chiêng Tây Nguyên vào cuối năm 2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã mượn một đoạn trong cuốn sử thi để nói: “Hãy đánh những chiêng âm thanh nhất, những chiêng kêu trầm nhất. Đánh nhè nhẹ cho gió đưa xuống đất. Đánh cho tiếng chiêng lan ra khắp xứ! Đánh cho tiếng chiêng luồn qua nhà sàn, lan dưới đất! Đánh cho tiếng chiêng vượt qua mái nhà vọng lên trời”.
Còn nhớ trong sử thi Đam San, tiếng chiêng huyền ảo là biểu hiện của tín ngưỡng, là phương tiện giao tiếp với siêu nhiên. Âm thanh ấy ngân lên lúc thì sâu lắng, khi lại thôi thúc trầm hùng, cùng với tiếng suối, tiếng gió, với tiếng lòng người, làm đất trời và con người Tây Nguyên quyện lại. Chính sự phong phú, độc đáo, phóng khoáng và đa dạng đã đưa cồng chiêng Tây Nguyên nhẹ nhàng đi vào âm nhạc dân tộc cổ truyền cũng như vươn ra thế giới.
Cùng với thời gian, tiếng cồng tiếng chiêng trong không gian di sản truyền khẩu của núi rừng đại ngàn vẫn luôn vang vọng trong lòng đồng bào các dân tộc anh em trên dãy Trường Sơn hùng vĩ. Không chỉ vậy, thứ thanh sắc ấy đã vượt ra khỏi biên giới quốc gia, là gia tài quý báu trong kho tàng văn hóa Việt Nam nói riêng và văn hóa nhân loại nói chung. Với con số đáng ngưỡng mộ khi hiện nay vùng đất Tây Nguyên đang còn lưu giữ hơn 10.000 bộ chiêng, hàng trăm nghi lễ sử dụng cồng chiêng liên quan đến vòng đời con người và theo suốt chu kỳ cây trồng… nó trở thành một nét văn hóa đặc sắc không thể thiếu trong cuộc sống của người dân nơi đây. Quanh năm, ở cao nguyên đất đỏ bazan này luôn ngập tràn tiếng cồng chiêng. Không gian văn hóa cồng chiêng trải rộng trên cả 5 tỉnh Tây Nguyên: Gia Lai, Đắk Lắk, Đăk Nông, Lâm Đồng và Kon Tum được các dân tộc như: Bahnar, Jarai, Xê Đăng, Mơ Nông, Cơ Ho, Ê Đê...sử dụng trong các lễ hội hàng năm. Cồng chiêng gắn bó mật thiết với cuộc sống tinh thần của người Tây Nguyên nói chung và cũng như đời sống văn hóa của người dân Gia Lai nói riêng.
Nói đến cồng chiêng, ai cũng biết ngay từ thuở sơ khai, cồng chiêng được đánh lên để mừng lúa mới, lễ cúng bến nước, xuống đồng, là biểu hiện của tín ngưỡng - là phương tiện giao tiếp với siêu nhiên... Tất cả các lễ hội trong năm, từ lễ thổi tai cho trẻ sơ sinh đến lễ bỏ mả, lễ mừng cơm mới, lễ đóng cửa kho, lễ đâm trâu, lễ cưới hỏi... hay trong một buổi nghe khan... đều luôn có tiếng cồng. Chính vì vậy, cồng chiêng chính là tiếng lòng của người dân tộc. Nếu là người “rành nghe”, chỉ cần dựa vào tiếng cồng, tiếng chiêng sẽ hiểu được niềm vui, nỗi buồn vọng ra từ đó. Tiếng chiêng dài hơn đời người, tiếng chiêng nối liền, kết dính những thế hệ khác với nhau.  vì thế mà văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên của Việt Nam đã được UNESCO công nhận là kiệt tác văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại.
Ở mảnh đất này, dù là bất cứ nơi đâu hay trong khoảnh khắc nào, tiếng cồng chiêng cũng có thể vang lên. Bên bếp lửa trong ngôi nhà dài của đồng bào Êđê hay dưới mái nhà rông của đồng bào Bana, J’rai… mỗi khi nhạc chiêng ngân vang là lúc các thành viên trong buôn làng cùng tụ họp. Còn gì sánh bằng khi được ngồi bên ánh lửa bập bùng giữa đêm tối, trong tiếng cồng chiêng và bên hũ rượu cần cay nồng, ấm bụng...mọi khoảng cách sẽ được xóa bỏ, tình đồng bào dân tộc vì thế càng gắn bó hơn. Hay xa hơn, tiếng cồng chiêng vang lên bên kia dốc núi, đằng sau những cánh rừng già là khi trời chuyển mưa, khi mặt trời mọc, khi đêm tối, khi chỉ có buôn làng hay là khi đón tiếp những người khách phương xa... tiếng cồng chiêng vang lên như là món quà “đặc sản” vùng miền mà người dân trân quý tiếp đãi.
 Còn trong những ngày hội, tiếng cồng chiêng lại góp phần tạo nên một không gian huyền ảo từ những sử thi, áng thơ ca đậm chất văn hóa Tây Nguyên. Trong tiếng cồng chiêng, những cái nắm tay thân tình, những điệu múa câu hát của những chàng trai cô gái Tây Nguyên, du khách cảm thấy mình được chào đón nhiệt tình, thấy thân thiết như chính những người con của buôn làng, cũng nhờ vậy khoảng cách giữa chủ và khách đã không còn. Trải qua bao năm tháng, cồng chiêng đã trở thành nét văn hoá đặc trưng, đầy sức quyến rũ, là “món ăn” tinh thần không thể thiếu của con người nơi xứ đại ngàn. Cồng chiêng chính là cuộc sống, là linh hồn, là bản tình ca cháy mãi từ thế hệ này sang thế hệ khác của các anh em dân tộc, là kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại.
Xuân đã về, muôn loài hoa đua sắc thắm, tiếng cồng chiêng ngân vang cũng là lúc các dân tộc anh em trên “phố núi Tây Nguyên” quây quần bên nhau trẩy hội. Trong ánh lửa bập bùng, với những điệu xoang mềm mại, họ luôn tin vào một ngày mai tương sáng như âm vang cồng chiêng vươn tầm thế giới. Hãy đến với “phố núi Tây Nguyên” để được cảm nhận, để được lưu luyến đêm giã bạn, lưu luyến mùa hoa Dã Quỳ, mê đắm bởi âm sắc cồng chiêng, ngút ngàn bởi Chư Đăng Ya và đắm chìm với Biển Hồ T’Nưng...
Mạnh Cường-Trần Sỹ (congly)

Có thể bạn quan tâm