Đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Lời Tòa soạn: Nhân dịp Xuân Mậu Tuất 2018, P.V Báo Gia Lai đã có cuộc phỏng vấn đồng chí DƯƠNG VĂN TRANG-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh về tình hình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nhà trong năm 2017 và định hướng phát triển trong những năm tiếp theo.

- P.V: Thưa đồng chí, năm 2017, tỉnh ta đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ trên nhiều lĩnh vực. Đồng chí có thể cho biết nguyên nhân đạt được những kết quả đó?

 

Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang khảo sát phát triển du lịch tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kon Chư Răng. Ảnh: Đ.T
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang khảo sát phát triển du lịch tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kon Chư Răng. Ảnh: Đ.T

Đồng chí DƯƠNG VĂN TRANG: Năm 2017, mặc dù còn có nhiều khó khăn nhưng với sự đoàn kết, nỗ lực của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân trong tỉnh, việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị đã đạt được những kết quả tích cực.

Hầu hết các chỉ tiêu kinh tế-xã hội đều đạt và vượt so với Nghị quyết đề ra. Trong đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế vượt chỉ tiêu Nghị quyết, đạt 8,42%. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng. Thu nhập bình quân đạt 41,58 triệu đồng/người/năm, tăng 8,9%. Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn tăng 11,2%. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt trên 4.200 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay, tăng 12% so với năm 2016. Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới được quan tâm chỉ đạo, hiện nay, có 19 xã đề nghị công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, số xã đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn toàn tỉnh là 50/184 xã, chiếm tỷ lệ 27,17%. Việc tái canh cà phê, nhân rộng mô hình cánh đồng lớn, ứng dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm trong sản xuất được quan tâm chỉ đạo. Đến nay, toàn tỉnh tái canh 3.105 ha cà phê, đạt 140% kế hoạch; xây dựng 134 điểm mô hình cánh đồng mía lớn, tổng diện tích 2.651 ha với 983 hộ tham gia (trong đó có 158 hộ đồng bào dân tộc thiểu số); ứng dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm cho 15.920 ha.

Cùng với lĩnh vực kinh tế, văn hóa-xã hội cũng có nhiều tiến bộ. Chất lượng giáo dục, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa tiếp tục chuyển biến tích cực. Đặc biệt, trong năm 2017, công tác giảm nghèo, an sinh xã hội được các cấp, các ngành tích cực triển khai thực hiện. Đến cuối năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh theo đa chiều giảm còn 13,55%, vượt 0,4% so với Nghị quyết. Bên cạnh đó, toàn tỉnh đã hỗ trợ xây mới 680 nhà, sửa chữa 541 nhà cho các hộ nghèo, gia đình có công với cách mạng với tổng kinh phí gần 70 tỷ đồng.

Công tác quốc phòng-an ninh được đảm bảo. Trong đó, công tác quốc phòng và quân sự địa phương được quan tâm đúng mức, tình hình an ninh chính trị-trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững, ổn định. Công tác cải cách tư pháp; phòng-chống tham nhũng, lãng phí tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Công tác xây dựng Đảng được chú trọng trên tất cả các mặt. Toàn Đảng bộ tỉnh tiếp tục thực hiện nghiêm Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) gắn với Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Công tác quy hoạch, bổ nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tiếp tục được chú trọng. Công tác xây dựng chính quyền các cấp được chú trọng thực hiện, cải cách hành chính được quan tâm chỉ đạo thường xuyên. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội có nhiều cố gắng trong việc đổi mới nội dung và phương thức hoạt động.

Để đạt được những thành tựu nêu trên, trước hết, tỉnh Gia Lai được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và hỗ trợ của Trung ương trong phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh, xây dựng hệ thống chính trị; sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ của các cấp, các ngành trong tỉnh, sự đồng thuận của cộng đồng doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy đã phát huy tinh thần trách nhiệm, đoàn kết của cả hệ thống chính trị và nhân dân các dân tộc trong tỉnh để vượt qua khó khăn, thử thách, năng động, sáng tạo và không ngừng nỗ lực, phấn đấu vươn lên. Quá trình lãnh đạo, chỉ đạo đã bám sát các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của tỉnh, nhất là Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ tỉnh; kịp thời ban hành các chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; vận dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương để đưa ra các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội. Một yếu tố không kém phần quan trọng đó là ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, sự đồng thuận, ủng hộ, niềm tin của đồng bào các dân tộc trong tỉnh đối với sự lãnh đạo của Đảng đã tạo nên nền tảng, động lực to lớn cho sự phát triển mọi mặt trong thời gian qua.

- P.V: Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được trong năm 2017, theo đồng chí, trong năm 2018, tỉnh ta cần tập trung thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm nào nhằm phát triển nhanh và bền vững hơn trong những năm tiếp theo?

Đồng chí DƯƠNG VĂN TRANG: Năm 2018 là năm bản lề, có ý nghĩa quan trọng trong việc đẩy mạnh thực hiện mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2016-2020) và chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2011-2020. Để đạt được những mục tiêu này đòi hỏi toàn Đảng bộ phải nỗ lực phấn đấu, hành động quyết liệt, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 4-12-2017 của Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV về chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2018. Đồng thời, tập trung triển khai đồng bộ một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm sau:  

Tiếp tục tập trung cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); đẩy mạnh thu hút đầu tư, huy động các nguồn vốn cho đầu tư phát triển. Khai thác tốt thị trường trong nước, trong tỉnh và thương mại biên giới; tăng cường xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm, mở rộng thị trường. Chú trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng cánh đồng lớn, liên kết theo chuỗi giá trị. Quan tâm chỉ đạo xây dựng nông thôn mới, trong đó, tập trung nguồn lực xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số. Tăng cường công tác bảo vệ, phát triển rừng. Xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 phù hợp với các quy hoạch đã được phê duyệt. Thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy nền kinh tế phát triển bền vững, phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 7,8% trở lên.

Tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm bảo đảm an sinh xã hội và chăm lo đời sống nhân dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tập trung phát triển ngành du lịch và dịch vụ; chú trọng đầu tư các điểm du lịch được đề ra theo Chương trình số 43-CTr/TU, ngày 26-6-2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 16-1-2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, như: TP. Pleiku, thị xã An Khê, huyện Chư Pah, Kbang.

Thực hiện có hiệu quả công tác đấu tranh phòng-chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ công tác đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; giải quyết kịp thời các vụ việc an ninh nông thôn, tranh chấp, khiếu kiện trong dân, đẩy mạnh đấu tranh, tấn công, trấn áp các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, triển khai quyết liệt các giải pháp đảm bảo an toàn giao thông.

Triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Nâng cao hiệu quả, hiệu lực bộ máy quản lý nhà nước, phát huy trách nhiệm của người đứng đầu. Xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; có giải pháp nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ ở cơ sở.

 

Hồ Diên Hồng (TP. Pleiku) nhìn từ trên cao. Ảnh: Phan Nguyên
Hồ Diên Hồng (TP. Pleiku) nhìn từ trên cao. Ảnh: Phan Nguyên

- P.V: Theo đồng chí, để khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch của tỉnh, chúng ta cần phát huy thế mạnh gì và định hướng phát triển ra sao trong năm 2018 và những năm tiếp theo như thế nào?

Đồng chí DƯƠNG VĂN TRANG: Gia Lai là một tỉnh nông nghiệp, do đó, thời gian qua tỉnh luôn xác định trọng tâm phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến theo hướng sản xuất lớn, kết hợp khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh về đất đai và phát triển du lịch.

Để tạo nền tảng phấn đấu đến năm 2030 đưa du lịch Gia Lai trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thời gian tới chúng ta cần tập trung triển khai thực hiện tốt Chương trình số 43-CTr/TU, ngày 26-6-2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 16-1-2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; cụ thể hóa và triển khai thực hiện “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Gia Lai đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Đặc biệt là phải chú trọng phát triển du lịch theo hướng đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm theo hướng bền vững trên cơ sở bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc; bảo vệ môi trường và thiên nhiên; vì lợi ích của nhân dân và các mục tiêu phát triển con người, giải quyết tốt vấn đề lao động, việc làm và an sinh xã hội; bảo đảm quốc phòng-an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực và thành phần kinh tế đầu tư vào kết cấu hạ tầng, các cơ sở, hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh. Khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia vào hoạt động du lịch, từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo tính chuyên nghiệp. Tiến hành cơ cấu lại ngành du lịch theo hướng ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng du lịch; tập trung phát triển sản phẩm du lịch cụ thể của từng địa phương; kiểm soát và nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch. Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ chế thông thoáng, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng phát triển du lịch; đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá; phát triển nguồn nhân lực, tăng cường năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch... nhằm tạo điều kiện thúc đẩy phát triển du lịch trong tỉnh.

Hoàn thành quy hoạch chi tiết các khu du lịch, điểm du lịch cụ thể của từng huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh, nhất là các khu, điểm du lịch trọng điểm, như: Hồ Ia Ly, núi lửa Chư Đăng Ya, Núi Một (huyện Chư Pah), Biển Hồ (TP. Pleiku), Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh (huyện Mang Yang, Đak Đoa, Kbang), Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kon Chư Răng và hệ thống thác nước (huyện Kbang), Khu Du lịch Sinh thái hồ Ayun Hạ, Quần thể Di tích lịch sử Tây Sơn Thượng đạo (thị xã An Khê, huyện Kbang, Đak Pơ, Kông Chro), Khu di tích sơ kỳ Đá cũ (thị xã An Khê), Khu căn cứ cách mạng của tỉnh tại xã Krong (huyện Kbang), Nhà lao (TP. Pleiku), Làng kháng chiến Stơr (huyện Kbang), Khu Du lịch Sinh thái nghỉ dưỡng văn hóa các dân tộc Gia Lai. Trước mắt, xây dựng đồng bộ 1 hoặc 2 khu, điểm du lịch đặc thù, trọng điểm của tỉnh, tạo điểm nhấn cho du lịch Gia Lai.

Tập trung phát triển sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch lịch sử, du lịch văn hóa. Trước mắt, chú trọng phát triển du lịch cộng đồng, xây dựng các làng du lịch ở các địa phương: Pleiku, An Khê, Kbang, Mang Yang, Chư Pah. Chú ý loại hình du lịch nông nghiệp như tham quan vườn cà phê, hồ tiêu, cao su.

Nhân dịp Xuân mới Mậu Tuất, thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND và Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, tôi chúc cán bộ, quân và dân các dân tộc trong tỉnh đoàn kết, năng động, sáng tạo và giành nhiều thắng lợi mới!

- P.V: Cảm ơn đồng chí đã dành thời gian cho Báo Gia Lai!

Minh Dưỡng (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm

Tháng 3 về Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh

Tháng 3 về Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh

(GLO)- Nhân chuyến thăm, tặng quà cho hộ nghèo của làng Kon Brung (xã Ayun, huyện Mang Yang) vào ngày 22-3, đoàn công tác của Báo Gia Lai đã có dịp khám phá vẻ đẹp nên thơ mà hùng vỹ của Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh-nơi có đỉnh núi được mệnh danh là “nóc nhà của Gia Lai”.