Mơ màng giữa rừng cao su Tây Nguyên mùa đổ lá

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ban ngày, nắng nhảy múa trên đầu. Chiều buông, gió ù ù bên tai, buốt cóng. Đấy là Tây Nguyên của những ngày cuối năm.
 

 

Con đường quốc lộ 14 xuyên mảnh đất Tây Nguyên tỏa ánh nắng từ rất sớm và giờ nắng kéo dài đến tận 5-6 giờ chiều. Tắt nắng, một làn không khí lạnh nhanh chóng bủa vây. Những cơn mưa của mùa mưa vừa đi qua mang theo không khí se se lạnh khiến bạn phải quàng ào ấm khi chạy xe.

Đường hun hút, những con đèo dốc không quá hiểm trở so với những con đèo Tây Bắc nhưng cũng đủ khiến cánh lái xe có cảm giác thích thú. Xe chạy qua những đồi chè biếc xanh ở Bảo Lộc, dưới mặt trời rót mật ánh nắng và bầu trời thăm thẳm xanh. Thời tiết nắng và khô. Cái nắng không oi bức nhưng khiến người và xe đều cảm thấy khát. Còn một quãng đường dài để về Buôn Mê Thuột.

 

Trời Tây Nguyên xanh!
Trời Tây Nguyên xanh!

Đất đỏ quyện lấy đuôi xe, vài giọt mồ hôi lấm tấm, đôi cánh tay đã hơi mỏi và miệng đã khát khô, nhóm xe đã khẽ ra hiệu muốn nghỉ, đó là lúc những cánh rừng cao su thẳng tắp lại xuất hiện. Những rừng cao su được trồng thẳng tắp, dài tưởng chừng như bất tận. Chạy qua những cánh rừng ấy, thấy loang loáng loang loáng. Mệt mỏi tan biến, xe rẽ nhánh tiến vào con đường mòn giữa cánh rừng.
 

Nếu không vội, hãy dành chút thời gian dạo chơi trong những cánh rừng cao su.
Nếu không vội, hãy dành chút thời gian dạo chơi trong những cánh rừng cao su.

Ánh sáng xuyên rừng chiếu những tia nhảy nhót, những chiếc xe vun vút chạy xuyên cánh rừng, để xem khu rừng sâu thăm thẳm này sâu hút đến tận đâu. Xe chạy, nắng múa trên đầu, lá cao su cùng bụi đất đỏ cuộn bay sau đuôi bánh xe nhảy nhót, một cảm giác thích thú xâm chiếm lấy những kẻ đi đường.

Tiếng lá trên đầu reo lên trong gió, tiếng lá nơi đuôi xe hồ hởi cổ vũ cùng, xe phía trước để lại một vệt đỏ dài. Sau gần 10 phút chạy xe mới hết cánh rừng thẳng tăm tắp ấy. Những chiếc xe ghếch mình nghỉ ngơi, những kẻ chạy xe tự cho mình một bữa picnic nho nhỏ bằng café, bằng vài chiếc bánh và nghỉ ngơi dưới những tán cao su rậm rạp.

Không có những bóng công nhân thấp thoáng lấy mủ sau những thân cây, chỉ có rừng cao su lặng lẽ trong tiếng gió reo vui, ánh nắng nhảy nhót và tiếng lạo xạo của lá vàng rơi sau mỗi bước chân. Những thân cây chằng chịt vết cứa, những dòng mủ lặng lẽ chảy xuống chiếc bát đựng. Xe tắt máy, cả không gian im phăng phắc, hàng cây im lìm trong bóng nắng.

 

Cao su rụng lá xuống nền đất đỏ, tự phân hủy theo những cơn mưa rồi tự bón mình cho đất, cho cây cao su.
Cao su rụng lá xuống nền đất đỏ, tự phân hủy theo những cơn mưa rồi tự bón mình cho đất, cho cây cao su.

Đi trên con đường xuyên Tây Nguyên, gió cứ hun hút thăm thẳm. Những rừng cao su rụng lá, rời cành, mang cho nơi này một màu sắc khác, lẫn với xanh lá, là vàng, là đỏ, là nâu. Cao su rũ lá một lần duy nhất trong năm vào những ngày tháng 12, dưới nắng vàng và trời xanh thăm thẳm. Những chiếc lá rực rỡ nhất về với đất mẹ. Những tàn dư cuối cùng ấy tạo nên bức tranh tuyệt mỹ cho mảnh đất Tây Nguyên khô cằn.

Một mùa cao su đổ lá đang về với mảnh đất Tây Nguyên.

Theo laodong

Có thể bạn quan tâm

Tháng 3 về Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh

Tháng 3 về Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh

(GLO)- Nhân chuyến thăm, tặng quà cho hộ nghèo của làng Kon Brung (xã Ayun, huyện Mang Yang) vào ngày 22-3, đoàn công tác của Báo Gia Lai đã có dịp khám phá vẻ đẹp nên thơ mà hùng vỹ của Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh-nơi có đỉnh núi được mệnh danh là “nóc nhà của Gia Lai”.