Thăm vùng đảo chim yến

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Có đến 32 đảo yến thiên nhiên từ phía Bắc đến phía Nam của vùng biển Khánh Hòa, nối tiếp nhau qua vịnh Vân Phong, vịnh Nha Trang và vịnh Cam Ranh. Những đảo yến nổi giữa biển trời xanh lồng lộng, trông xa như những bức tranh sơn thủy được tô vẽ thật sinh động tài tình, khơi gợi lòng người tình ý mến yêu, khi đến kề cận bãi bờ thì kỳ vĩ tráng lệ trước dáng vẻ núi non sừng sững, gành đá gập ghềnh bên làn nước biển lấp lánh trong xanh.

Hơn 20 năm qua, Công ty Yến sào Khánh Hòa đã mở rộng không gian sống và sinh sôi của loài chim yến với 169 hang yến tại 32 đảo yến thiên nhiên, làm nên một vùng đảo chim yến đẹp và rộng nhất lớn Đông Nam Á, hàng năm đạt 2/3 sản lượng tổ yến của nước ta; và, đáng nói nữa, chất lượng dinh dưỡng cùng hương thơm yến sào Khánh Hòa được tôn vinh hàng đầu thế giới...

 

Du khách tham quan nhà yến. Ảnh nguồn: sanesttourist
Du khách tham quan nhà yến. Ảnh nguồn: sanesttourist

Đảo yến Hòn Ngoại cách xa bến cảng Cầu Đá Nha Trang gần 2 giờ con tàu bồng bềnh trên sóng nước. Điều đáng nói không chỉ là số lượng tổ yến tăng vượt, chiếm hơn 50% sản lượng toàn tỉnh, mà cuộc sống vật chất và tinh thần của công nhân tổ bảo vệ đảo yến Hòn Ngoại đã được nâng cao nhiều. Sớm chiều đêm tối đầy đủ tiện nghi ăn ở, có ti vi, sách báo, điện thoại di động... Đảo yến Hòn Ngoại ngày nay cũng như mấy mươi đảo yến lớn nhỏ gần xa khác của vùng đảo chim yến Khánh Hòa, đêm ngày không còn ai xâm nhập dùng chất nổ bắt cá ven gành đá bờ đảo gần kề hang yến gây ảnh hưởng đến môi trường sống an lành.

Rời đảo yến Hòn Ngoại, con tàu Sanest Khánh Hòa đi trên vịnh Cam Ranh mênh mông, qua khỏi phía Đông đảo yến Hòn Nội có bãi cát trắng dài thơ mộng, một hồi lâu thì đi vào vịnh rộng Nha Trang-một trong 29 vịnh đẹp nổi tiếng của thế giới... Con tàu đưa tôi đi, háo hức ngóng trông trên biển rộng, chỉ vài mươi phút sau thì đảo yến Hòn Mun hiện rõ giữa lưng chừng triền đảo lớn Hòn Tre. Hòn Mun-đảo đá chỉ có vài bóng cây xanh, toàn đá và đá... tuyền một màu đen như mun nên dân gian gọi là Hòn Mun. Từ Hòn Mun này và các đảo yến đó đây trên vùng biển Khánh Hòa, hàng năm qua 3 mùa khai thác đem về đất liền muôn ngàn tổ yến thô.

Anh Lê Hữu Trường Hân-Đội phó đội kỹ thuật, hãy còn trẻ, đã có hơn 10 năm gắn bó với ngành nghề khai thác tổ yến. Anh vui vẻ đưa tôi thăm hang yến Hòn Mun, không quên nhắc nhở tôi cẩn thận khi bước chân vào cửa hang yến. Trước mắt tôi, không chỉ là tổ yến trắng ngà bám chi chít hai bên vách đá mà còn có cả những con chim non đang ngoan ngoãn đu đưa đôi cánh nhỏ trên tổ yến... Có niềm vui thanh thỏa nào hơn trong tôi lúc này, khi được ngắm nhìn kề cận tổ yến quý nguyên sơ và những con chim nhỏ đang lớn dần lên, đến ngày toàn thân đủ đầy trọng lượng 14 gam, là tuổi thành thục biết bay theo cánh chim bố mẹ..., tự tìm kiếm thức ăn trên những cánh rừng xa biển đảo hàng trăm dặm. Và, đáng nói đáng yêu làm sao, con chim yến nào dù bay xa bao nhiêu, sáng đi chiều về, lúc nào cũng bay đúng lối vào hang đảo, nơi có tổ yến của mình. Chim yến định hướng đi và tỏ rõ hướng về hang đảo, như tình cảm thủy chung của chim trống và chim mái cùng dắt dìu nhau bay, cùng làm tổ, cùng ấp nở chim non và cùng mớm thức ăn cho con...

 

*

*       *


Con tàu Sanest Khánh Hòa tiếp tục chuyển hướng về phía Bắc khi mặt trời bắt đầu nghiêng về phía Tây. Giữa lồng lộng biển khơi đầy nắng, qua khung cửa con tàu, Lê Hữu Trường Hân thân mật chỉ cho tôi đảo yến Hòn Đụn nổi trên sóng nước xa xa, trông như dáng hình con ốc đụn khổng lồ. Biển lấp lánh nắng và đảo yến Hòn Đụn sáng rực màu tím hồng như ngọc saphia... Đã bao lần, sáng chiều bên bờ biển Nha Trang tôi mải mê ngắm nhìn Hòn Đụn nơi chân trời biển xa, giờ đây đảo yến tráng lệ kia đang từng phút gần kề phía trước...

Hơn 20 năm trước, lần đầu tiên tôi đến với Công ty Yến sào Khánh Hòa, sản lượng tổ yến tại các hang đảo truyền thống: Hòn Ngoại, Hòn Nội, Hòn Xa Cừ, Hòn Mun, Hòn Đụn, Hòn Hố, Hòn Nọc và Hòn Chà Là mỗi năm luôn cầm chừng con số hơn 2.000 kg tổ yến. Điều kiện khai thác lúc bấy giờ không thể khác hơn. Bàn tay và trí tuệ của nhiều người đã phát triển hang đảo cho loài chim tìm đến trú ngụ, nhân rộng đàn chim yến, tăng sản lượng tổ yến; lại thêm công trình ấp nở nhân tạo và cứu hộ đàn chim con cùng với nhà trú đông cho chim vào mùa lạnh mưa to gió lớn...; tất cả, sau nhiều năm phấn đấu đã làm nên sản lượng gần 3.500 kg tổ yến khai thác được trong năm qua và hứa hẹn cho những năm sau... Từ năm 2009, Công ty Yến sào Khánh Hòa còn lần lượt mở rộng thêm nhiều đảo yến tại Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu), Ninh Thuận, Phú Yên, Quảng Ngãi và Quảng Bình; đến nay, các tỉnh này có được 18 đảo yến với 45 hang yến lớn nhỏ trên vùng Biển Đông rộng dài của đất nước.

Con tàu qua khỏi đảo Hòn Tre, Hòn Nọc, trước mắt tôi Hòn Đụn hiển hiện dần dáng hình đường bệ kỳ vĩ với đỉnh núi nhọn vút cao trên mặt biển xanh, gần đó là cụm đảo yến Hòn Hố trông xa như hai cánh buồm hướng ra Biển Đông. Tất cả đang chờ ngày dựng giàn giáo vững vàng trong những vách đá cheo leo cho bàn tay công nhân khai thác khéo léo nâng đỡ từng tổ yến.

 

*

*       *


Đảo yến Chà Là có 10 hang yến tọa lạc cuối phía Bắc vịnh Nha Trang, tiếp giáp với vịnh vVân Phong. Đảo rộng bốn bề chờn vờn sóng nước với gành đá bãi bờ và cây xanh quanh triền đảo. Trước khi chào từ biệt những công nhân bảo vệ đảo, thêm một lần tôi thành khẩn thắp hương nơi Miếu Bà Chúa Đảo Lê Thị Huyền Trâm, người hơn 200 năm trước đã có công bảo vệ và tiếp nối cha ông tổ chức khai thác phát triển ngành nghề yến sào trên vùng đảo chim yến Khánh Hòa ngày nay.

Dưới nắng chiều, biển dồi dập từng làn sóng lớn, đưa con tàu hướng về đất liền thành phố Nha Trang. Phải hơn 1 giờ nữa mới đến bến cảng Cầu Đá, nơi sáng nay khi nắng vừa lên chúng tôi bắt đầu xuất phát ra khơi xa, lần lượt qua từng đảo yến với lộ trình dài gần 100 km trên Biển Đông. Một ngày thăm thú ngắm nhìn lắng nghe, qua từng đảo lớn đảo nhỏ đảo gần đảo xa, để thêm một lần tôi hiểu biết những gì quý báu ngọc ngà phải qua bao kỳ công của thiên nhiên và con người mới có được...

Nguyễn Hoàng Thu

Có thể bạn quan tâm

Tháng 3 về Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh

Tháng 3 về Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh

(GLO)- Nhân chuyến thăm, tặng quà cho hộ nghèo của làng Kon Brung (xã Ayun, huyện Mang Yang) vào ngày 22-3, đoàn công tác của Báo Gia Lai đã có dịp khám phá vẻ đẹp nên thơ mà hùng vỹ của Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh-nơi có đỉnh núi được mệnh danh là “nóc nhà của Gia Lai”.