Cố đô Huế sau 70 năm đón Tết Độc Lập đầu tiên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ở cố đô Huế có một con đường đặc biệt mang tên 23 tháng 8. Đó là con đường in dấu ngàn vạn bước chân quần chúng cách mạng hiên ngang tiến về trước mặt Hoàng thành Huế chứng kiến lễ thoái vị, trao ấn và kiếm của vua Bảo Đại-vị vua cuối cùng của Việt Nam cho đại diện Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Vừa tròn 70 năm cùng nhân dân cả nước xuống đường đấu tranh giành thắng lợi trong Cách mạng tháng tám năm 1945 và hân hoan đón mừng ngày Tết Độc Lập đầu tiên, cố đô Huế xưa, nay đã thay da đổi thịt trên hoang tàn đổ nát trở thành “Thành phố văn hóa ASEAN” và “Thành phố bền vững về môi trường của ASEAN". Đồng thời sở hữu nhiều danh hiệu đặc biệt mà các tổ chức có uy tin quốc tế trao tặng và vinh danh.

 

Ngọ Môn (Đại nội Huế)-địa điểm vừa tròn 70 năm về trước diễn ra lễ thoái vị của vua Bảo Đại. Ảnh: Bùi Oanh
Ngọ Môn (Đại nội Huế)-địa điểm vừa tròn 70 năm về trước diễn ra lễ thoái vị của vua Bảo Đại. Ảnh: Bùi Oanh

Ngày cuối cùng ở triều đình nhà Nguyễn

Chiều 30-8 cách đây 70 năm về trước, Bảo Đại-vị vua cuối cùng triều đình nhà Nguyễn (1802-1945) đọc chiếu thoái vị xong là lúc quốc kỳ của vương triều này kéo xuống để lá cờ đỏ sao vàng kéo lên kỳ đài Ngọ Môn, tung bay trong tiếng vỗ tay và hô khẩu hiệu của quần chúng nhân dân “Việt Nam độc lập muôn năm!”, “Việt Nam dân chủ cộng hoà muôn năm!”… Ở thời khắc ấy, Bảo Đại nói: "Thà làm dân một nước độc lập, còn hơn làm vua một nước nô lệ".

Trong không khí cả nước kỷ niệm 70 năm Cách Mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2-9, đi trên con đường 23 tháng 8 (dài 351 mét rợp bóng cây xanh trước mặt Hoàng thành Huế) là con đường mà UBND Bình Trị Thiên ra quyết định đặt tên nhằm nhắc nhớ về ngày Tổng khởi nghĩa trong Cách mạng tháng Tám năm 1945 (CMT8) thắng lợi tại Kinh đô Huế, chúng tôi đã gặp lão thành cách mạng Nguyễn Hữu Hường (tức Hường Thọ), nguyên thành viên Ban liên lạc Việt Minh Nguyễn Tri Phương trong Tổng khởi nghĩa Tháng Tám, Tỉnh ủy viên, Bí thư huyện Hương Trà (1949-1953)-có lẽ ông là nhân chứng lịch sử hiếm hoi về những ngày mùa thu tháng tám lịch sử năm 1945 tại kinh đô Huế, nhớ lại: “Khởi nghĩa giành chính quyền ở Huế lúc bấy giờ là nhiệm vụ đầy cam go. Lúc ấy, bên cạnh Chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim, Huế còn là nơi đồn trú của quân đội Nhật có tới năm nghìn sĩ quan và binh sĩ do cố vấn Yo-kô-ha-ma chỉ huy, chưa kể hàng chục nghìn lính khố xanh, khố vàng, khố đỏ của triều đình nhà Nguyễn…


Đặc biệt, trong chuỗi sự kiện thắng lợi Cách Mạng Tháng Tám giành chính quyền về tay nhân dân tại Huế, một sự kiện ít người biết là người kéo lá cờ Việt Minh lên kỳ đài trước mặt Hoàng thành Huế là anh Đặng Văn Việt, con Thượng thư triềuNguyễn-Đặng Văn Hướng. Trước thời điểm treo cờ, đồng chí Việt là thành viên của tổ chức Việt Minh Nguyễn Tri Phương, được đồng chí Trần Hữu Dực, Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế lúc đó giao nhiệm vụ treo cờ Việt Minh lên kỳ đài Ngọ Môn trước mặt Hoàng thành Huế. Nhận cờ, rạng sáng 21-8-1945, đồng chí Việt cùng đồng chí Nguyễn Thế Lương dùng xe đạp chở lá cờ lớn đến kỳ đài. Lá cờ đỏ sao vàng cuộn tròn theo chiều ngang, to như một con trăn lớn, buộc chặt và gác lên hai đầu xe đạp. Khoảng hơn 9 giờ sáng hôm ấy, lá cờ đỏ sao vàng đã được đưa vào vị trí và kéo lên trang trọng, tung bay trước gió…

 

Không gian tái hiện cảnh vua Bảo Đại thoái vị trao ấn và kiếm cho đại diện Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng Thừa Thiên-Huế. Ảnh: Bùi Oanh
Không gian tái hiện cảnh vua Bảo Đại thoái vị trao ấn và kiếm cho đại diện Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng Thừa Thiên-Huế. Ảnh: Bùi Oanh

Câu chuyện về Cách Mạng Tháng Tám ở kinh đô Huế có một điều khá đặc biệt thú vị. Đó là chuyện của một số thanh niên trí thức, con em của các quý tộc, quan lại, đại thần triều Nguyễn đều tích cực tham gia cách mạng Tổng khởi nghĩa ngay từ những ngày đầu và tiếp tục đi theo cách mạng. Trong hai cuộc kháng chiến bảo vệ nền độc lập, họ đều được tôi luyện trong khói lửa chiến tranh, nhiều người đã trở thành những cán bộ chỉ huy quân đội xuất sắc như: Trung tướng Cao Văn Khánh-nguyên Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam; Thiếu tướng Nguyễn Thế Lâm, Tư lệnh đầu tiên của Binh chủng Tăng thiết giáp… và các tướng lĩnh từng giữ các trọng trách quan trọng trong Quân đội nhân dân Việt Nam.

Hồi sinh từ hoang tàn đổ nát

Huế-cố đô duy nhất ở Việt Nam còn bảo lưu khá nguyên vẹn tổng thể kiến trúc nghệ thuật cung đình, với hệ thống thành quách, cung điện, miếu đường, đền đài, lăng tẩm, chùa quán... Thế nhưng trải qua hai cuộc chiến tranh của dân tộc trong thế kỷ 20, Huế bị đổ nát hoang tàn khi gần 2/3 trong tổng số 300 công trình kiến trúc tại Huế trở thành phế tích, số còn lại ở trong tình trạng hư hại, xuống cấp nghiêm trọng. Tất cả những gì từng hiện hữu ở kinh đô Huế hầu như trở thành tro bụi. Nhân dân từ các nơi sơ tán trở về với 2 bàn tay trắng, nhà cửa, phố phường tan hoang, chỉ còn sức dân quá mệt mỏi và đau thương do chiến tranh để lại.

Sau ngày giải phóng miền Nam, đất nước thống nhất, phát huy truyền thống anh hùng trong chiến đấu, quân và dân TP. Huế đã vượt lên mọi khó khăn tái tạo lại cuộc sống mới. Để rồi 40 năm sau ngày hòa bình, Huế đã đạt được nhiều tiến bộ vượt bậc trong phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng- an ninh. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; công nghiệp, dịch vụ và du lịch chiếm tỷ trọng lớn.

Ông Huỳnh Cư-Bí thư Thành ủy Huế phấn khởi, tính riêng 5 năm từ 2010-2015, TP. Huế đạt được những kết quả quan trọng. Giá trị sản xuất bình quân tăng 11,38%/năm; thu nhập bình quân đạt 2.500 USD; thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt 3.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách thành phố đạt trên 900 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2011-2015 đạt 16.390 tỷ đồng.

 

Cảnh quan xanh-sạch-đẹp tại các tuyến đường ở TP. Huế trở điểm đến hấp dẫn, thu hút ngày càng nhiều các đoàn nghệ sĩ quốc tế đến biểu diễn nghệ thuật. Ảnh: Bùi Oanh
Cảnh quan xanh-sạch-đẹp tại các tuyến đường ở TP. Huế trở điểm đến hấp dẫn, thu hút ngày càng nhiều các đoàn nghệ sĩ quốc tế đến biểu diễn nghệ thuật. Ảnh: Bùi Oanh

Đặc biệt, Festival Huế năm chẵn và Festival nghề truyền thống Huế năm lẻ đã trở thành điểm hẹn di sản văn hoá và nghệ thuật đương đại Huế, Việt Nam và nhiều nền văn hoá khác trên thế giới. Cùng với đó, Huế còn trở thành vị trí trung tâm của "con đường di sản miền Trung”-thành phố có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh rất nổi tiếng. Quần thể di tích cố đô Huế với những kiệt tác về kiến trúc nghệ thuật độc đáo đã được UNESCO xếp hạng; Nhã nhạc Cung đình cũng được UNESCO tôn vinh là kiệt tác văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại.

Bệnh viện Trung ương Huế được xếp bệnh viện hạng đặc biệt, là cơ sở y tế đầu tiên của Việt Nam được đưa vào bản đồ ghép tim thế giới. Đại học Huế trở thành địa chỉ tin cậy và hấp dẫn về giáo dục đại học trong khu vực và trên thế giới. Đặc biệt với hướng đi riêng biệt, không làm kinh tế bằng mọi cách, không xây dựng đô thị với những tòa nhà cao tầng, những khu công nghiệp tiếp nối và mật độ dân cư đông đúc như các đô thị khác, mà phát triển theo hướng hài hòa, bền vững, giảm áp lực dân cư đô thị, hạn chế can thiệp vào kiến trúc, cảnh quan đã giúp Huế có 4 loại hình di sản được UNESCO vinh danh gồm: Quần thể di tích cố đô Huế; Nhã nhạc cung đình; Mộc bản triều Nguyễn; Châu bản triều Nguyễn. Huế cũng vừa được Hội đồng tuyển chọn Giải thưởng ASEAN về thành phố bền vững môi trường lần thứ 3 lựa chọn trao giải thưởng lần này, cùng 9 thành phố khác của ASEAN…

Tất cả những thương hiệu quốc tế ấy đã và đang đưa Huế thành hạt nhân trong định hướng phát triển hình ảnh và thương hiệu du lịch vùng Bắc Trung bộ đã được Thủ tướng Chính phủ phê quyệt theo quyết định Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Bắc Trung bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.


Về cố đô Huế trong không khí cả nước kỷ niệm 70 năm Cách Mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2-9, mọi người con nước Việt như được tắm mình trong truyền thống đấu tranh giữ nước, để rồi hun đúc thêm niềm tự hào. Đó cũng là nguồn cội sức mạnh tinh thần to lớn góp phần tạo nên sức mạnh của dân tộc trên hành trình đến với ngày mai tươi sáng.

Bùi Oanh

Có thể bạn quan tâm

Tháng 3 về Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh

Tháng 3 về Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh

(GLO)- Nhân chuyến thăm, tặng quà cho hộ nghèo của làng Kon Brung (xã Ayun, huyện Mang Yang) vào ngày 22-3, đoàn công tác của Báo Gia Lai đã có dịp khám phá vẻ đẹp nên thơ mà hùng vỹ của Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh-nơi có đỉnh núi được mệnh danh là “nóc nhà của Gia Lai”.